Hơn một năm nay, anh Phạm Duy Hưng, quê Ninh Bình, cùng mẹ là bà Trần Thị Điểm, 77 tuổi, đang ngụ ở quận Bình Thạnh đêm nào cũng lang thang khắp phố nhặt từng mảnh ve chai kiếm tiền trang trải cuộc sống…
Quê nhà ngoài Bắc, gia đình bà Điểm có 4 người con, trong số đó có Hưng là người con trai út, nhưng cũng là người gần gũi và thương mẹ nhất.
“Mẹ tôi già rồi nên mỗi khi ngoài Bắc gió lạnh là sức khỏe yếu đi nhiều. Người ta bảo trong này ấm nên tôi mang mẹ vào đây tránh rét”, anh Hưng kể.
Thế rồi hai mẹ con dắt díu nhau vào trong nam sinh sống. Nơi ở của họ là căn phòng trọ cho thuê bé tẹo chỉ rộng vỏn vẹn 10m2, giá 1,6 triệu đồng mỗi tháng, được ghép bằng miếng ván, cây gỗ, nằm trên đường Nguyễn Xí (quận Bình Thạnh).
Nhà chật hẹp nên đồ đạc để lộn xộn, tranh thủ được diện tích trống nào thì đặt đồ ở đó thôi. Cả căn nhà chắc quý nhất đối với hai mẹ con Hưng là tấm di ảnh của ông Phạm Mạnh Hoà, bố của anh Hưng được treo trên tường, và cũng là vật duy nhất hai mẹ con mang vào Sài Gòn.
Riêng ba người anh em của Hưng thì ở quê làm ruộng chứ không đi cùng. Gia cảnh ai cũng khó khăn nhưng đều yêu thương và có hiếu với mẹ
“Ngày vô Nam, mấy lần các con vào xin tôi ra lại nhưng thằng Hưng nó không chịu. Từ hồi vào đây, sức khỏe cũng tốt lên, không còn đau buốt khắp người nhiều mỗi khi gió rét về nữa”, người mẹ nói.
Ngày làm bảo vệ, tối nhặt ve chai
Cuộc sống xa quê cũng chẳng dễ dàng, nhưng vì để mẹ có sức khỏe tốt hơn, anh Hưng quyết tâm đưa mẹ vào nam cho tiện chăm sóc. Ban ngày Hưng xin làm bảo vệ cho người ta lương tháng 4 triệu, đến tối lại tranh thủ nhặt ve chai kiếm chút tiền. Ngày nhặt được nhiều thì cũng kiếm được hơn 100.000 đồng.
Cả hai mẹ con ngày nào cũng lăn xả như vậy đều đặn gần 10km từ lúc 7h tối đến tận 12h đêm. Thi thoảng lại thấy bà Điểm giúp Hưng thu gom phế liệu rồi phân loại chúng, còn lúc không khỏe thì người mẹ già chỉ ngồi yên một chỗ trên thùng xe âm thầm động viên con.
Tuy nhiên, điều khiến nhiều người không khỏi thắc mắc, là vì sao mẹ đã già yếu nhưng không khi nào Hưng để mẹ nghỉ ngơi ở nhà mà tối nào cũng để bà ngồi trong thùng xe rồi chở đi khắp nơi nhặt ve chai.
“Một năm trước, có lần mẹ đi lạc, may được anh xe ôm đưa về. Đêm hôm, tôi không muốn mẹ ở nhà một mình, sợ gặp nguy hiểm nên phải đưa đi cùng cho an tâm,” anh Hưng tâm sự.
Nhìn vậy thôi chứ bà Điểm được đi cùng con trai là vui lắm, hai mẹ con vừa đi vừa nhặt ve chai, nghỉ ngơi thì lại thủ thỉ cùng nhau suốt cả đoạn đường. Cái niềm hạnh phúc ấy dù có tiền cũng chẳng mua được. Đối với bà Điểm có người con trai hiếu thảo như anh Hưng còn quý hơn cả bạc vàng. Còn riêng với anh Hưng thì có mẹ luôn bên cạnh là anh đã có niềm hạnh phúc to lớn nhất thế giới. Cả hai mẹ con chẳng có gì, chỉ có giàu tình cảm, tình thương.
Thế rồi hình ảnh của chàng thanh niên chở mẹ nhặt rác dần trở nên quen thuộc với nhiều người trong khu vực. Nhiều người dân thấy thương nên hay giúp đỡ và cho đồ.
“Hôm nào may mắn có thể kiếm được sắt vụn, người dân cho đồ cũ, giấy báo thì bán có giá hơn. Có lần, tôi nhặt được ghế nhựa, bóng đèn, ổ cắm… vẫn xài được”, anh Hưng chia sẻ, vừa lục tìm những chiếc chai nhựa lẫn trong túi rác ven đường.
Khổ vậy nhưng lại cảm thấy bình yên, anh Hưng vẫn duy trì thói quen xem tivi vào mỗi tối trước khi đi làm, còn bà Điểm thường ngồi cặm cụi têm trầu, một niềm vui nho nhỏ của bà từ thuở trẻ.
Những lúc rảnh rỗi, anh lại bày những bộ sưu tập đồ chơi nhặt ngoài đường ra để hai mẹ con cùng ngắm nghía cho vui.
“Nhiều món vẫn còn mới, sử dụng được không hiểu sao người ta bỏ. Nhớ lúc bé thấy bạn cùng xóm có đồ chơi, tôi hay khóc, đòi. Mẹ an ủi bảo khi nào có tiền sẽ mua cho mà mãi không thấy”, chàng trai kể.
Còn không thì có lúc hai mẹ con sẽ gọi điện về nhà bằng video để bà được gặp người thân trò chuyện cho đỡ nhớ. Hưng cho biết cái điện thoại này Hưng quý lắm, bởi nó là quà của một nhà tốt bụng cho anh vì biết hoàn cảnh khó khăn của anh và mẹ.
Anh Hưng cũng thường ngồi nghe mẹ trò chuyện, dặn dò vào cuối ngày. Chủ đề hai mẹ con thường nói là những kỷ niệm ở quê. Hưng chia sẻ, mơ ước duy nhất của bản thân là mong mẹ luôn khỏe mạnh và vui vẻ đi hết phần đời còn lại.
“Ngày nào tôi cũng muốn sớm xong việc để về bên mẹ. Tôi nói đủ thứ chuyện, tìm cách pha trò để bà vui. Chỉ cần thấy mẹ cười và khoẻ thì nghèo khổ thế nào vẫn chịu được”.
Hưng cũng ấp ủ Tết này sẽ dành dụm được mớ tiền để mẹ được về quê chơi vài ngày, nhưng chắc có lẽ phải đợi đến khi qua Tết mới dám về, vì tầm này mua vé sẽ đắt lắm…
Chúc Di (t/h)