Lưu Cơ – Lưu Bá Ôn được biết đến là một bậc kỳ tài về đoán mệnh với rất nhiều lời tiên tri chuẩn xác phi thường. Không những vậy, những câu chuyện về ông cũng gắn liền với những giai thoại ly kỳ về phong thủy.
Câu chuyện “Trăm mèo giữ cá” cũng ghi lại một truyền thuyết phong thủy rất thú vị về Lưu Bá Ôn. Chuyện kể rằng, ba anh em họ Du gồm Du Thông Hải, Du Thông Nguyên và Du Thông Uyên đều là những bộ tướng rất giỏi của Sào Hồ thủy quân Lý Bát Đầu.
Khi Chu Nguyên Chương dẫn binh chiếm Hòa Châu, Lý Bát Đầu bị Nguyên Đạt Tử ở Lô Châu đánh úp nên muốn mượn quân của Chu Nguyên Chương để báo thù. Trong khi đó, Chu Nguyên Chương muốn mượn thuyền của Bát Đầu vượt sông tới Thái Bình Phủ, giải quyết vấn đề lương thảo.
Hai người liên hợp với nhau tuy nhiên mỗi bên đều có tính toán riêng cho mình. Anh em họ Du theo lệnh của Bát Đầu đã giúp Chu Nguyên Chương lên kế hoạch lấy được Thái Bình, đồng thời mang thủy quân Sào Hồ tới đại doanh trại của Chu Nguyên Chương, khiến quân của họ Chu như hổ mọc thêm cánh.
Ba anh em họ Du dũng cảm thiện chiến, lập được nhiều chiến công. Trong đó công lao lớn nhất chính là người anh cả Du Thông Hải. Du Thông Hải tự là Bích Tuyền, đã theo Chu Nguyên Chương phá Hải Nha, đánh gục Ninh Quốc, đuổi Trần Hữu Lượng, bắt sống Trương Sĩ Thành,… công trạng rất lớn, từng được phong làm Bình Chương Chính sự và nhiều chức vụ trọng yếu khác trong quân đội.
Tuy nhiên, trong trận Bình Giang, Du Thông Hải không may bị trúng tên mà chết. Khi Du Thông Hải chết, Chu Nguyên Chương ôm xác họ Du mà khóc, đồng thời nói với Lưu Bá Ôn và tướng quân Từ Đạt rằng: “Vừa mới bắt đầu cuộc chiến, Bích Tuyền đã chết khác gì ta mất một cánh tay! Mau mau thu quân, tổ chức tang lễ cho ông ta”.
Lúc bấy giờ, Lưu Bá Ôn và Từ Đạt cũng chảy nước mắt nói, khuyên rằng: “Bích Tuyền chết, thần cũng đau lòng, thiết nghĩ cũng nên tổ chức tang lễ. Chỉ là hiện tại không có thời gian, mong chúa công nên lấy xã tắc làm trọng, quân không thể thu, bính lính không thể rút lui được!”
Du Thông Nguyên và Du Thông Uyên cũng khóc lóc nói: “Ơn sâu của chúa công khiến anh em họ Du chúng tôi dù có tan xương nát thịt cũng không thể báo đáp cho hết được. Khi cơ nghiệp sắp thành mà rút binh cũng không phải là mong muốn của anh trai chúng thần” .
Mọi người đều khẩn khoản can gián, Chu Nguyên Chương nghe có lý, đành phải gạt nước mặt nói: “Được! quân sư, hãy nhớ cho kỹ, sau này nếu có phong thưởng thì Bích Tuyền sẽ là người đầu tiên”.
Sau này khi khởi nghĩa thành công, Chu Nguyên Chương lập nên nhà Minh, xưng làm hoàng đế đã tổ chức quốc tang cho Du Thông Hải, truy phong làm Quắc Quốc Công, thụy hiệu là Trung Liệt.
Du Thông Nguyên được phong làm Nam An Hầu còn Du Thông Uyên được phong làm Việt Tuyển Hầu. Ngoài ra, Chu Nguyên Chương còn đặc cách hạ lệnh cho Lưu Bá Ôn giúp mình xây dựng một căn nhà thật đẹp tặng cho anh em họ và con cháu họ Du.
Lưu Bá Ôn cùng với ba anh em họ Du đều sống chết vì Chu Nguyên Chương đánh lấy thiên hạ, lập nhiều chiến công. Trong quá trình khởi nghĩa, hai bên cũng có thể nói là vào sống ra chết cùng nhau, tình cảm sâu nặng.
Nay được Chu Nguyên Chương giao việc xây nhà cho họ Du, Lưu Bá Ôn đương nhiên không có lý do gì để không làm hết sức mình. Vì thế, ngôi nhà mà Lưu Bá Ôn xây dựng cho anh em họ Du hết sức nguy nga tráng lệ. Ngoại trừ hoàng cung, tại Nam Kinh không có ngôi nhà nào có thể sánh kịp với căn nhà này.
Tuy nhiên, người đời xưa thường nói, cây càng cao thì gió càng lớn. Căn nhà quá to, thường bị người ta lấy ra so sánh với hoàng cung nên anh em họ Du đương nhiên khó tránh khỏi việc mang theo mầm họa.
Thừa tướng Hồ Duy Dung trước mặt Chu Nguyên Chương đã bẩm tấu rằng: “Bệ hạ phong công, phong hầu cho nhà họ Du, lại còn tổ chức quốc tang cho Du Thông Hải, có thể nói là đối đãi với họ không hề bạc. Nay bệ hạ lại xây cho nhà họ Du một căn nhà to đẹp như vậy, sợ rằng…”
Chu Nguyên Chương ngắt lời họ Hồ, nói: “Bích Tuyền công ở trên tất cả mọi người, đó là ý trẫm quyết định” . Hồ Duy Dung vẫn chưa chịu thôi, nói: “Đây là chỗ nhân hậu của bệ hạ. Tuy nhiên, đây có lẽ sẽ là điều bất lợi cho xã tắc”.
Chu Nguyên Chương bắt đầu để ý, hỏi: “Vì sao?” . Hồ Duy dung chỉ vào căn nhà cao ngất của nhà họ Du nói: “Bệ hạ xem, mây khói thành vòng, nhà họ Du xuất hiện vương khí!” Chu Nguyên Chương nghe thấy hai chữ “vương khí” thì trầm ngâm không nói.
Hồ Duy Dung biết cơ hội đã tới, nói tiếp: “Du Thông Hải khi còn sống đức cao vọng trọng, bộ hạ cũ đều quen nghe chỉ huy của ông ta. Nay Thông Nguyên và Thông Uyên đều giữ chức vụ quan trọng, hậu duệ của Thông Hải lại đều là những người xuất sắc. Nếu một ngày nào đó họ có chí khác thì thiên hạ của Đại Minh e rằng không được bền lâu”.
Vốn tính đa nghi, lại chỉ lo có kẻ tranh giành thiên hạ với mình nên khi nghe những lời này của Hồ Duy Dung, Chu Nguyên Chương không khỏi gật đầu, nói: “Ngươi nói nên làm thế nào?”.
Hồ Duy Dung nói ngay: “Dỡ nhà, phá vương khí”.
Vừa may, câu chuyện mới tới đó thì Lưu Bá Ôn tới. Vừa nghe thấy lời của Hồ Duy Dung, trong lòng Lưu Bá Ôn đã thất kinh. Nếu như dỡ nhà thì chẳng phải nhà họ Du cũng bị hủy hoại hay sao?
Lưu Bá Ôn định lên tiếng ngăn cản Chu Nguyên Chương, tuy nhiên, chợt nghĩ, nay Chu Nguyên Chương đã là hoàng đế chứ không còn là người ra sống vào chết với nghĩa quân khi xưa nữa, nếu không cẩn thận có thể mất mạng như chơi.
Chợt trong đầu Lưu Bá Ôn lóe lên một cách. Ông vội bước vào trong phòng nói với Chu Nguyên Chương: “Hoàng thượng, khi xây dựng thần đã sơ ý xây nhà của họ Du quá cao. Thần đang định đến gặp hoàng thượng để xin ý kiến về việc giải trừ vương khí của nhà họ Du”.
Chu Nguyên Chương thấy vậy hỏi: “Tiên sinh có kế gì không?”. Lưu Bá Ôn nói: “Cá (trong tiếng Hán, chữ cá với họ Du có cách đọc như nhau, vì thế cá ý chỉ nhà họ Du) mà ra biển thì có thể hóa rồng. Nay thần chỉ cho căn nhà họ Du một cái giếng.
Lại thêm, cá vốn rất sợ mèo ăn thịt vì thế, thần đã phái một con mèo canh giữ trước cửa, cá chỉ cần lò đầu ra thì mèo có thể nuốt gọn. Như vậy, chẳng cần phải tốn công sức dỡ nhà khiến mất lòng dân, phá hoại cảnh thái bình thịnh trị mà vẫn có thể trừ được vương khí nhà họ Du. Hoàng thượng thấy sao?”.
Chu Nguyên Chương nghe kế của Lưu Bá Ôn thấy hợp lý bèn nói: “Cứ theo cách của tiên sinh mà làm”.
Sau khi được sự đồng ý của Chu Nguyên Chương, Lưu Bá Ôn đã bày “bát quái trận” xung quanh nhà họ Du. Ông lệnh cho quân sĩ dựng một tấm bia đá ở trước cửa nhà họ Du, bên trên bia khắc hình hơn 100 con mèo.
Phía trước của tấm bia là một cái giếng. Phía sau nhà là một bức tường chặn kín. Phía Đông của căn nhà là một đài câu cá. Sau đó, Lưu Bá Ôn nói với Chu Nguyên Chương:
“Nếu như một ngày nào đó, con cá này phá cửa mà ra thì sẽ bị hơn 100 con mèo nuốt chửng. Nếu như có chạy thoát khỏi 100 con mèo thì phía sau là tường chắn, hai phía Đông Tây là đài câu cá, tầng tầng lớp lớp bao vây, nó cũng không thể ra được tới biển để biến thành rồng được. Muốn có nước chỉ còn cách là xuống chiếc giếng ở trước nhà. Cá mà sống ở giếng thì không thể nào làm nên trò trống gì được”.
Chu Nguyên Chương thấy rằng sắp đặt như vậy, nhà họ Du sẽ không bao giờ có thể ra tới biển để trở thành rồng thì vui mừng lắm, thưởng cho Lưu Bá Ôn rất hậu hĩnh.
Theo thoibao.today