Người xưa nói “gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”, bạn kết giao với những người như thế nào, bạn sẽ trở thành người như thế. Bước vào vòng xoáy cuộc đời như thế nào, bạn sẽ có kiếp nhân sinh như thế.
Chủ tịch thứ 13 của Hội nhà văn Trinh thám Nhật Bản Higashino Keigo từng nói: “Tất cả mọi thứ tưởng chừng như ngẫu nhiên trong cuộc đời, kỳ thực đều đã được an định sắp đặt, đều là số mệnh”. Mỗi bước đường bạn phải trải qua, mọi người bạn gặp, mọi thứ bạn làm tưởng chừng là ngẫu nhiên, trên thực tế đều ảnh hưởng đến vận mệnh của bạn một cách tinh tế và đưa bạn đi theo những con đường khác nhau.
Đồng hành với người ưu tú, bạn sẽ đi xa hơn
Trong Khuyến học của Tuân Tử có câu: “Cỏ bồng mọc trong bụi gai, không nâng vẫn thẳng; cát trắng trong thuốc nhuộm, không nhuộm cũng đen” (Bồng sinh ma trung, bất phù tự trực, bạch sa tại niết, dữ chi câu hắc).
Câu chuyện “Mạnh Mẫu tam thiên” (Mẹ Mạnh Tử 3 lần chuyển nhà) là minh chứng rõ ràng cho điều này. Mạnh Mẫu vì để tìm hoàn cảnh sống thích hợp cho con trai Mạnh Tử chuyên tâm học tập mà đã nhiều lần chuyển nơi ở. Ban đầu, nơi hai mẹ con chuyển tới không may ở gần một bãi tha ma. Thấy Mạnh Tử thường xuyên cùng các bạn chơi trò xây mộ, cúng tế, khóc lóc nên bà quyết định chuyển nhà đến nơi khác sinh sống. Gia đình Mạnh Tử chuyển đến sinh sống trong nội thành sầm uất, nhưng lại cách một lò giết mổ không xa. Mạnh Tử thường xuyên cùng các bạn hàng xóm chơi trò buôn bán, mặc cả, thậm chí cãi vã với nhau hệt như ngoài chợ.
Mạnh Mẫu quyết định chuyển nhà lần nữa. Lần này mẹ con họ chuyển đến sống ở chỗ đối diện với một trường học và văn miếu. Cứ đến ngày đầu tháng âm lịch, các vị quan viên lại đến văn miếu bái lạy hành lễ, thi lễ. Mạnh Tử chứng kiến cảnh ấy liền ghi nhớ từng chi tiết một mà bắt chước theo. Mạnh Mẫu nghĩ: “Đây mới là nơi thích hợp cho con trai ta ở”. Vì vậy, mẹ của Mạnh Tử đã chọn ở lại nơi này.
Môi trường sống có tác dụng đặc biệt đối với quá trình trưởng thành của mỗi con người. Môi trường sống khác nhau sẽ hình thành nên những thói quen khác nhau.
Lại có câu chuyện về một ngư dân ở Na Uy. Người Na Uy rất thích ăn cá mòi, nhưng vì cá thường sống theo đàn và rất lười hoạt động nên việc bắt được cá và mang chúng về trong tình trạng còn sống là không hề dễ dàng. Các ngư dân đều cố gắng tìm mọi cách để giữ cá còn sống khi về tới cảng nhưng thường bị phản tác dụng. Tuy nhiên, có một chiếc thuyền đánh cá luôn có cá mòi sống cung cấp cho mọi người. Sau này tìm hiểu mọi người mới biết lý do. Hóa ra sau khi bắt được cá mòi, thuyền trưởng sẽ cho thêm một vài con cá nheo vào trong khoang để cá. Cá nheo là loài hiếu động. Khi cho cá nheo vào, cá mòi sẽ bị ảnh hưởng và bơi lội nhiều hơn, nhờ đó thúc đẩy lưu thông không khí nên cơ hội mang về được cá mòi sống cũng nhiều hơn.
Chúng ta tới với cuộc đời này đôi khi cũng như vậy. Có nhiều người vì tự xác định được mục tiêu rõ ràng trong cuộc sống, nên có thể dựa vào sự tự giác nghiêm khắc yêu cầu bản thân mà tự “cai” bỏ những thói quen xấu. Nhưng lại có một số người, đôi khi trở nên tốt hơn vì họ từng trải qua một sự việc nào đó hoặc gặp một người ưu tú nào đó trong cuộc đời và được “kích hoạt”, truyền cảm hứng.
Ở cạnh một người có chí tiến thủ, bạn sẽ có thể mở rộng tầm nhìn hướng tới một thế giới rộng lớn hơn, lúc đó nhất định sẽ càng cố gắng khi được ảnh hưởng bởi người bên cạnh. Vì vậy, người ưu tú đó dù là người yêu, bạn bè, đồng nghiệp hay thành viên gia đình đều có tầm ảnh hưởng nhất định tới những người bên cạnh.
Đồng hành với người có trí huệ, đường đời tự nhiên sẽ trở nên rộng hơn. Làm bạn với bậc cao nhân sẽ đi được xa hơn. Bay cùng với chim phượng hoàng tất sẽ là một con chim ưu tú, đồng hành với loài lang sói tất sẽ là thú dữ. Người ưu tú giống như ánh mặt trời, mang lại cho bạn ánh sáng. Khi dần thích nghi với ánh sáng, bạn sẽ không bao giờ muốn quay trở lại bóng tối nữa.
Làm việc chung với những người thành tín, việc đã đạt phân nửa thành công
Có người từng hỏi: “Phẩm chất quan trọng nhất cần có để làm người là gì?”. Lại có người từng trả lời: “Người khi gặp việc khó khăn có thể tin cậy được, dám chịu trách nhiệm, chữ tín là phẩm chất quan trọng nhất”.
Warren Buffett là nhà đầu tư, doanh nhân, nhà từ thiện người Hoa Kỳ. Ông được mệnh danh là nhà đầu tư thành công nhất thế giới, được tạp chí Forbes xếp ở vị trí người giàu thứ tư thế giới. Trong một lần diễn thuyết trước các sinh viên, ông đã có bài kiểm tra nhỏ:
Ông hỏi các sinh viên, nếu được chọn mua 10% cổ phần của một trong những người bạn cùng lớp, bạn sẽ chọn ai? Trong hoàn cảnh thông thường, có lẽ bạn không chọn người thông minh nhất, người năng động nhất hay người có hoàn cảnh gia đình tốt nhất. Người được lựa chọn là người thành thực nhất, biết vì lợi ích người khác.
Nếu được phép bán 10% cổ phần của người bạn học, nhất định bạn sẽ không chọn người có thành tích học tập kém, cũng không chọn người nghèo nhất. Hầu hết khi đó, bạn chắc chắn sẽ chọn người qua cầu rút ván, thích mưu mô và không thành tín.
Vì vậy năng lực mạnh hay yếu, của cải nhiều hay ít, trí tuệ cao hay thấp… đều không nhất thiết là tiêu chí quan trọng để đánh giá một con người. Dù trong cuộc sống hay công việc, chỉ cần ở cùng những đồng nghiệp thành tín, đáng tin cậy thì luôn có thể thực sự yên tâm.
Khi bạn túng thiếu, họ sẽ trút hết tiền túi giúp đỡ bạn.
Khi bạn bị người ta hãm hại vu cáo, họ luôn là người tin tưởng bạn.
Khi bạn đột nhiên gặp chuyện không may, họ nhất định sẽ cùng bạn gánh vác.
Họ không vì hâm mộ danh tiếng của bạn mà đến, nên cũng không vì bạn vô danh tiểu tốt, sa cơ lỡ vận mà rời xa.
Chữ “Tín” là cái gốc làm người. Con người trong xã hội, trong cộng đồng, cần có quan hệ qua lại, trao đổi thông tin, chia sẻ ý kiến, giao lưu tình cảm, sở thích. Nếu không có chữ “Tín” thì các mối quan hệ đó ắt sẽ rối loạn. Xã hội mà chẳng ai tin tưởng ai thì sẽ không có các hoạt động quần thể, cộng đồng, sẽ chỉ là các cá nhân, tranh giành cắn xé nhau để tồn tại, thế thì xã hội có khác chi sở thú?
Trong “Luận ngữ“, Khổng Tử từng nói: “Con người mà không có chữ Tín thì không biết anh ta làm thế nào lập thân xử thế, có chỗ đứng trong xã hội được. Như xe to không càng, xe nhỏ không đòn, làm sao mà đi được?”. Có thể thấy chữ “Tín” có vai trò thực sự quan trọng. Tuy Tín đứng cuối Ngũ Đức của Nho gia (Nhân – Nghĩa – Lễ – Trí – Tín), nhưng chữ Tín có chứa cả 4 đức tính đứng trước nó.
Đồng hành cùng người hiểu mình, không phụ kiếp sống này
Đời người sống trên thế gian, yêu và được yêu vốn là những chuyện bình thường không cần phải bàn tới. Nhưng mấy ai có thể may mắn gặp được một người hiểu mình, tôn trọng mình, cùng nắm tay mình đi hết quãng đời còn lại?
Trong hôn nhân, ai cũng muốn phô bày ra ngoài những mặt tốt đẹp, giả như mình sống rất hạnh phúc. Thế nhưng bên trong là tiếng cười hay nước mắt, có ai mà thấu rõ tường tận như người trong cuộc đâu.
Người ta nói rằng, thấu hiểu quan trọng hơn yêu thương. Lấy được một người yêu mình cũng không bằng lấy được một người hiểu rõ mình. Có như vậy, người đó mới tôn trọng và trân trọng bạn, quãng đời còn lại của bạn mới có thể ngập tràn tiếng cười và hạnh phúc.
Trong cuốn “Độc hành tự tại ” của nhà văn Giả Bình Ao có viết: “Cô độc không phải là khi bạn bị lạnh nhạt hay cảm thấy cô đơn, mà đó là khi bạn không có được một người tri kỷ thấu hiểu mình. Cô độc thực sự không phải trước giờ luôn sống vò võ một mình. Mà là rõ ràng hai người ở rất gần nhau, nhưng mà hai trái tim lại ở hai đầu chân trời”.
Một người không hiểu nửa kia nghĩ gì, không biết nửa kia muốn gì, đến sau cùng tình yêu đó cũng sẽ thua hai chữ “thấu hiểu” mà thôi.
Trong sinh mệnh đường đời những người ta có thể gặp gỡ rồi lại chia xa tất cả đều nhờ chữ Duyên. Tuy nhiên nếu có thể gặp được một người hiểu bản thân bạn hơn bạn nghĩ, biết rằng bạn đang nghĩ một đằng nói một nẻo, hiểu rõ những vui buồn khổ đau trong tâm bạn. Họ có thể lặng lẽ bên bạn khi bạn buồn vui. Có người như vậy cuộc đời bạn sẽ trở nên tốt đẹp hơn.
Mỗi người đều có một khu rừng an lạc thuộc về bản thân mình. Có lẽ bạn chưa từng đi tới đó nhưng nó luôn ở đó và mãi luôn ở đó. Người hết duyên lạc nhau sẽ mãi thất lạc, người còn duyên đi mãi rồi lại có thể trùng phùng. Hy vọng bạn cũng có thể tìm thấy khu rừng của riêng mình và mọi điều đến với bạn đều sẽ tốt đẹp.
Kiên Định –Theo Aboluowang