Trước khi Jeff Bezos lên ngôi người giàu nhất thế giới, thì vị trí đó từng thuộc về tỷ phú John D. Rockefeller – người Mỹ giàu nhất trong lịch sử với những bí quyết quản trị “đắt như vàng”.
Vào năm 1916 ông John D. Rockefeller – chủ tịch kiêm nhà sáng lập Standard Oil Company đã được biết tới là vị tỷ phú đầu tiên của nước Mỹ. Thời điểm đó, tài sản của ông xấp xỉ 2% giá trị nền kinh tế Hoa Kỳ, và nếu điều chỉnh theo lạm phát, thì tài sản ròng của ông vua dầu mỏ sẽ tương đương 24 tỷ USD ngày nay.
Ước tính, nếu như Jeff Bezos – người giàu nhất hành tinh hiện nay – muốn sở hữu 2% giá trị nền kinh tế Hoa Kỳ giống như Rockefeller, thì tài sản ròng của ông chủ Amazon phải chạm mốc 399,2 tỷ USD – hơn gấp đôi những gì vị tỷ phú đang nắm giữ.
Tính đến thời điểm hiện tại, Rockefeller được xem như người Mỹ giàu nhất trong lịch sử. Ngoài ra, Ron Chernow – nhà văn người Mỹ với nhiều tác phẩm nổi tiếng ăn khách nhất cho rằng: “Rockefeller là một trong những doanh nhân thành công nhất trên thế giới, chính nhờ vào phong cách lãnh đạo của ông”.
Trong cuốn sách mang tên Titan: The Life of John D. Rockefeller Sr, tác giả Ron Chernow đã liệt kê 10 bí quyết quản trị thành công dành cho lãnh đạo của Rockefeller – những chiếc chìa khóa đã giúp cho vị tỷ phú đầu tiên của nước Mỹ cách mạng hóa nền công nghiệp dầu mỏ cũng như đưa ông đến với sự giàu có và danh tiếng lưu truyền tận ngày hôm nay.
- Luôn trung thực
“Ông trùm” dầu mỏ Rockefeller nổi tiếng là một người luôn trung thực. Ông không bao giờ gian dối số liệu hay sử dụng những từ ngữ mơ hồ để đổi trắng thay đen. Theo Ron Chernow thì ông luôn đảm bảo trả nợ đúng hạn. Chính điều này đã giúp cho Rockerfeller giành được sự tín nhiệm rất cao từ giới ngân hàng – những người đã từng nhiều lần giúp giải cứu công việc kinh doanh của ông vua dầu mỏ.
Có một lần, nhà máy lọc dầu của Rockerfeller bị hỏa hoạn, dẫn đến việc nhiều giám đốc ngân hàng không đồng ý gia hạn tín dụng với ông. May mắn thay, sự uy tín của Rockerfeller đã trở thành cứu cánh kịp thời. Một vị giám đốc tên Stillman Witt đã “không ngần ngại” ra lệnh ngân hàng ứng tiền trước cho Rockefeller và thậm chí còn đề nghị gửi thêm tiền nếu cần thiết.
- Biết dành thời gian nghỉ ngơi
Dù thành công đến như vậy, song nếu có ai đó cho rằng Rockefeller là một người suốt ngày chỉ biết có công việc, chắc chắn ông sẽ bác bỏ ngay. Trong quyển hồi ký của mình, ông từng viết: “Tôi cảm thấy không có gì đáng khinh thường và thảm hại hơn một người mở mắt ra là lao đầu vào kiếm tiền chỉ để có tiền mà thôi”.
Trái với tác phong bận rộn của nhiều lãnh đạo ngày nay, Rockerfeller làm việc có phần nhàn nhã hơn nhiều. Ngày nào ông cũng dành thời gian chợp mắt sau bữa ăn trưa và ăn tối. Vào giữa những năm 30 tuổi, ông còn lắp đặt hẳn một đường dây điện báo từ nhà đến công ty (thời đó chưa có điện thoại như bây giờ) để có thể dành thời gian trong tuần ở nhà làm vườn hay tản bộ mà vẫn có thể giải quyết công việc đột xuất.
Ông từng chia sẻ với nhà văn William Inglis như sau: “Thật đáng ngạc nhiên về những gì mà chúng ta có thể làm được khi bản thân lánh xa khỏi sự xô bồ, giữ nhịp làm việc ổn định cũng như tránh ôm đồm quá nhiều thứ”. Nhờ biết dành thời gian nghỉ ngơi, vị tỷ phú có thể tự điều chỉnh tốc độ làm việc cũng như nâng cao năng suất làm việc của chính mình, Chernow viết.
- Lên lịch làm việc chặt chẽ
Chernow cho biết, Rockefeller lên lịch làm việc mỗi ngày một cách đều đặn và có quy luật. Mỗi tiếng đồng hồ đều được phân chia một cách chặt chẽ, bất kể là thời gian dành cho công việc, gia đình hay thậm chí là tập thể dục.
Chính lịch làm việc được phân chia nghiêm ngặt này đã giúp Rockefeller ứng phó với những căng thẳng khi điều hành đế chế dầu mỏ của mình. Với cương vị đầu tàu tại Standard Oil Company, áp lực đè lên vai Rockefeller là cực kỳ to lớn, và ông chỉ cảm thấy thoải mái khi tuân thủ guồng làm việc đã được lên kế hoạch của mình.
- Sát sao vấn đề tài chính của công ty
Biết nhìn xa là một trong những yếu tố được bao hàm trong phong cách lãnh đạo của Rockerfeller và vị tỷ phú chỉ dựa vào những con số để biết liệu công ty của mình có đang đi đúng hướng hay không.
Ông vua dầu mỏ có một cuốn sổ chép tay tất cả số liệu tài chính của công ty cũng như ghi lại từng mỗi một chi phí, chính xác đến chữ số thập phân cuối cùng. Bằng cách này, Rockefeller tạo ra một thước đo khách quan mà theo đó, ông có thể so sánh các hoạt động cũng như những công ty con của mình.
Điều này cũng giúp Rockerfeller thoát ly khỏi những đánh giá chủ quan cũng như các báo cáo sai lệch từ cấp dưới. Khi chia sẻ về việc các con số góp phần thế nào đến thành công của mình, Rockerfeller nói: “Tôi đánh giá hoạt động của mình thông qua các con số và không gì khác ngoài các con số”.
- Biết ủy quyền nhiệm vụ
Chernow chia sẻ: “Để có thể duy trì hoạt động của một tập đoàn lớn như Standard Oil Company một cách hiệu quả, Rockefeller chắc chắn phải biết ủy quyền trách nhiệm cho người khác. Trên thực tế, một trong những quyết sách gối đầu giường của Standard Oil là phải huấn luyện cấp dưới sao cho làm được công việc của cấp trên”.
Mỗi khi có nhân sự mới, Rockerfeller đều nói rằng: “Chẳng ai phải mắc công làm việc nếu như anh ta có thể tìm được bất kỳ người nào khác làm thay. Nếu được hãy tìm một người có thể tin tưởng được và đào tạo họ, rồi sau đó ngồi xuống thảo luận xem họ phù hợp với vị trí nào”. Với Rockefeller, hiện thực hóa quan điểm này đồng nghĩa với việc tự tách bản thân ra khỏi những bộn bề mỗi ngày để dành hết tâm huyết cho “những quyết sách trên diện rộng”.
- Theo đuổi sự hoàn hảo
Rockefeller là một người theo chủ nghĩa hoàn hảo và cũng là người hoàn thành rất tốt một khi đã bắt tay làm bất kỳ điều gì. Ở vị trí đứng đầu của Standard Oil, ông đã viết hàng trăm nghìn bức thư với nhiều yêu cầu chỉnh sửa vô cùng kỹ lưỡng. Ngay cả trong việc viết tay, Rockefeller cũng hướng đến sự hoàn hảo.
Một phụ tá thân cận của ông cho hay vị tỷ phú nắn nót trong từng chữ ký với sự chính xác và tập trung rất cao, cứ như thể đang thực hiện một tác phẩm nghệ thuật. Nét tính cách này của vị tỷ phú không chỉ được ông giữ cho riêng mình, mà còn truyền ra cả công ty và trở thành một phần trong văn hóa doanh nghiệp.
- Tạo sự đoàn kết
Theo Chernow thì biệt tài của Rockefeller là có khả năng tạo động lực cho các nhân viên. Ông luôn ưu tiên sự hòa hợp nội bộ và biết cách hòa giải tranh chấp giữa các giám đốc bộ phận tại Standard Oil.
Rockerfeller thích lắng nghe ý kiến của mọi người trước khi thể hiện quan điểm của mình và sau đó thường đưa ra sự thỏa hiệp để duy trì sự đoàn kết. Thay vì đưa ra các mệnh lệnh trực tiếp, Rockefeller thường bày tỏ các quyết định của mình dưới dạng khuyến khích hay đặt câu hỏi. Ông sẽ không thực hiện bất kỳ một sáng kiến nào mà các thành viên của hội đồng quản trị phản đối, và tất cả các quyết định kinh doanh phải đáp ứng một “bài kiểm tra cao nhất về sự đồng thuận”.
- Thiết lập một hệ thống biết nâng đỡ nhau
Mặc dù giữa Rockefeller cùng các lãnh đạo công ty vẫn tồn tại nhiều tranh luận và những chuyện khiến cho “cơm không lành, canh không ngọt”, song rất hiếm có sự cãi vã vì những điều nhỏ nhặt hay ghen ghét mà người ta thường thấy trong một tập đoàn lớn. Như Rockerfeller giải thích, các giám đốc của Standard Oil gắn bó với nhau như anh em bởi một niềm tin đến mức gần như “kỳ lạ”.
Và, mối quan hệ khăng khít của họ bắt nguồn từ một lý tưởng chung mà tất cả cùng chia sẻ. Mối dây liên kết mạnh mẽ này mang lại sự nhất quán trong cách dẫn dắt và điều hành ở Standard Oil. Các điều tra viên của chính phủ hay cánh nhà báo tò mò tọc mạch đều không thể “xuyên thủng hàng phòng thủ cùng chí hướng” này, Chernow viết.
- Nuôi đưỡng sự cạnh tranh
Nếu không có sự cạnh tranh, một doanh nghiệp có thể dễ dàng biến thành một “gã to xác ù lì”. Để tránh tình trạng này, Rockefeller đã thành lập các ủy ban được cấu thành bởi nhiều chuyên gia đến từ các lĩnh vực khác nhau để cùng đề ra tiêu chuẩn hoạt động cho tất cả các công ty con của Standard Oil.
Mặc dù các ủy ban cho phép những người quản lí trao đổi thông tin với nhau, song họ cũng kích thích sự cạnh tranh bằng cách đưa ra những con số thống kê năng lực và khuyến khích các công ty con thi đua với nhau để lập kỷ lục hay giành phần thưởng. Như Rockerfeller nói thì “những sự kích thích mang lại cơ hội thể hiện cho người giỏi nhất sẽ dẫn đến quá trình cạnh tranh chủ động và quyết liệt”.
- Luôn tôn trọng nhân viên
Rockefeller thường kể câu chuyện rằng Napoleon Bonaparte đã chẳng thể thành công đến như vậy nếu thiếu đi các vị nguyên soái của mình. Tương tự, vị tỷ phú cũng tin rằng thành công của ông bắt nguồn một phần từ khả năng tạo động lực cho nhân viên.
Ông vua dầu mỏ rất biết cách để cho nhân viên tự chủ trong công việc, luôn khéo léo và hoà nhã với những công nhân cấp thấp, không phản ứng giận dữ khi nghe chỉ trích cũng như luôn điềm đạm trong những tình huống căng thẳng.
Mặc dù hiếm khi khen ngợi nhân viên, song Rockerfeller sẽ trao quyền và sự tự do rất lớn cho những người mà ông xét là đáng tin cậy. Chính điều này đã khiến cho các nhân viên của Standard Oil “có khuynh hướng kính trọng và luôn muốn làm hài lòng Rockerfeller”.
Theo DĐDN