“Không lấy vợ, chẳng sinh con, xây trường nghĩa học ấy là vô tư”- Đó là những câu hát nghêu ngao của một người ăn mày phi thường duy nhất được lưu danh sử sách, được dựng tượng ở đất nước Trung Hoa rộng lớn
Cuộc đời niên thiếu của người hành khất
Ngày 5/12/1838, Vũ Huấn sinh ra trong một gia đình nghèo khổ ở Vũ gia trang, huyện Đường Ấp, tỉnh Sơn Đông. Vũ Huấn có 2 người anh trai là Võ Khiêm và Võ Nhượng cùng 4 chị em gái khác. Vũ Huấn cũng là con thứ 7 nên tên thường gọi lúc nhỏ của cậu là Vũ Thất.
Vũ Thất về sau xây dựng trường nghĩa học, được triều đình nhà Thanh ngợi khen, cho nên được nhà vua ban tên là Huấn, ý rằng “Thùy huấn vu thế” (lưu truyền và giáo huấn hậu thế).
Vũ Huấn vốn từ nhỏ đã lương thiện, trong sáng, vô cùng hiếu thảo với mẹ. Khi mới ba bốn tuổi, cậu đã biết cầm phần bánh màn thầu của mình đưa lên miệng mẹ rồi nghiêng đầu yên lặng. Người mẹ rơi nước mắt, ôm cậu vào lòng trìu mến nói: “Con à, nhà ta nghèo, không cho con được một cuộc sống đủ đầy, nhưng lại cho con một tấm lòng nhân hậu”.
Lên 7 tuổi, cha Vũ Huấn qua đời, cậu phải cùng mẹ đi ăn xin ngoài đường để sống qua ngày. Có người cho bát canh, cậu liền đưa ngay cho mẹ dùng, đến lúc có được ít tiền lẻ là cậu bắt đầu để dành, tiền để dành lại đem mua cho mẹ đồ ăn ngon rồi tự tay nâng lên trước mặt mẹ.
Có khi đường về nhà xa đến hai ba mươi dặm nhưng để đưa đồ ăn cho mẹ, cậu chẳng ngại mà chạy về trong đêm tối. Tấm lòng hiếu thảo của Vũ Huấn đã khiến người đời sau vô cùng kính ngưỡng. Sau khi Vũ Huấn qua đời, tri huyện Đường Ấp là Kim Lâm đã viết lời khen ngợi: “Người lương thiện lại chí hiếu”.
Một lần trong lúc đang ăn xin ngoài đường, Vũ Huấn vô tình đạp phải một cuốn sách cũ nát bên đường, trên bìa sách đề “Tam Tự Kinh”. Vũ Huấn vội nhặt sách lên, về nhà cậu hỏi mẹ quyển sách ghi chữ gì, mẹ cậu chỉ lắc đầu vì bà cũng không biết chữ. Vũ Huấn lẳng lặng đem giấu sách thật kỹ.
Một lần khác cũng trong lúc đang xin ăn, Vũ Huấn đi ngang qua nhà một thầy giáo, tiếng đọc sách vang lên lanh lảnh khiến cậu không thể không dừng chân ngó vào. Thế là ngày ngày cậu quên cả việc xin ăn mà lén xem trộm người ta học. Quần áo rách tả tơi, bụng đói cồn cào ấy vậy mà Vũ Huấn vô cùng khát khao được đọc sách. Nhiều lần cậu bị thầy giáo đuổi ra khỏi cửa vì nghèo.
Năm lên 16 tuổi, Vũ Huấn đến làm thuê cho nhà tú tài Trương Biến Chinh ở thôn Tiết Điếm, huyện Quán Đào. Cậu làm việc rất chăm chỉ và thật thà, chẳng từ nan công việc bẩn thỉu vất vả, cho dù là cho heo ăn, chăm bón vườn cây, một nắng hai sương, thức khuya dậy sớm, mệt nhọc cũng chẳng từ. Vất vả suốt mấy năm ròng như vậy nhưng lão gia họ Trương không đưa cậu một đồng tiền lương nào, bởi ông ta biết cậu không biết chữ, nên làm giả sổ sách để gạt tiền.
Học trò Lưu Tử Châu tại trường “Sùng hiền nghĩa thục” ghi lại chuyện Vũ Huấn sau khi biết mình bị Trương Biến Chinh lừa gạt, đã mê man bất tỉnh 3 ngày 3 đêm không ăn không uống, khi tỉnh lại cậu làm việc như điên như dại suốt 3 ngày, rồi tự xưng tên là “Nghĩa Học Chứng” (Chứng nhận trường học nghĩa tình). Về sau trong các văn bản khế ước mua đất, ông đều ký 3 chữ “Nghĩa Học Chứng”. Người xung quanh khi ấy chưa hiểu được tâm ý của cậu nên cho rằng đầu óc cậu không bình thường.
Năm Quang Tự 14, Dương Thụ Phường trong “Biểu văn đề xuất khen thưởng huyện Đường Ấp” đã ghi rằng: “Từ thuở nhỏ đã ước ao trường học nghĩa tình, nên tự gọi mình là ‘Nghĩa Học Chứng’, cũng là để nói lên tâm nguyện này”.
Xây dựng trường học nghĩa tình phục vụ cho người người khắp thiên hạ chính là ước mơ và hoài bão của Vũ Huấn từ thuở nhỏ, vậy nên trong lòng luôn nhắc nhở không quên, tựa hồ như vì xây cho được trường học nghĩa tình này mà lao tâm khổ tứ, ngày mong đêm nghĩ.
Thực tế về sau đã cho thấy tinh thần khai sáng trường học nghĩa tình của Vũ Huấn trong việc giáo dục những người bình dân đã tạo nên kỳ tích. Tinh thần trượng nghĩa, chịu thương chịu khó, nhẫn nhục khổ hạnh của ông khiến bao người ngưỡng mộ.
Kẻ ăn mày chấn hưng nền giáo dục, cuối đời không cưới vợ, chẳng sinh con
Vũ Huấn cả đời xây được 3 trường học nghĩa tình. Năm 1888, ông cùng Dương Thư Viễn, Lâu Sùng Sơn khởi đầu xây trường Sùng hiền nghĩa thục tại trấn Liễu Lâm. Năm 1889, ông cùng hòa thượng Liễu Chứng tại thôn Dương Nhị, huyện Quán Đào xây trường học thứ hai. Đến năm 1896, ông cùng Thi Thiện Chính tại trấn Lâm Thanh xây dựng trường “Ngự sử Hạng nghĩa thục” (sau được đổi tên thành Trường tiểu học thực nghiệm Vũ Huấn).
Ba trường nghĩa học này có tổng diện tích khoảng 300 mẫu, chi phí hơn 10 nghìn xâu tiền. Tương truyền, vì để khen ngợi tinh thần kiên nhẫn miệt mài làm hành khất để xây trường của Vũ Huấn, vua Quang Tự đã ban thường cho Vũ Thuấn “hoàng mã quái” (quan phục triều Thanh) cùng bảng hiệu “Lạc thiện hảo thí” (Vui làm việc thiện, thích giúp người).
Đó vốn là vinh dự không gì sánh nổi, nhưng trước mặt quan khâm sai, Vũ Huấn không muốn quỳ xuống tạ ơn, cũng không muốn mặc quan phục. Ông nói: “Trường nghĩa học chân chính, không phải phong danh hiệu, quan phục cũng không hữu dụng. Trong lòng tôi mãi mãi chỉ mong dựng được trường nghĩa học mà thôi”.
Bất luận là chính sử hay câu chuyện lưu truyền dân gian đều kể về rất nhiều sự tích Vũ Huấn quyên góp tiền xây trường học. Như một tăng nhân khổ hạnh, ông chỉ ăn đồ ăn xoàng xĩnh, chẳng truy cầu sự an nhàn thoải mái, cũng không nhọc lòng nghĩ cách sao cho có đồ ăn ngon, quần áo đẹp. Mỗi khi ăn ông lại hát nghêu ngao: “Ăn linh tinh, thay bữa cơm, để dành tiền xây trường nghĩa học”.
Để có tiền xây trường nghĩa học, Vũ Huấn còn bắt chước biểu diễn các tiết mục Sơn Đông mãi võ như đâm xuyên người, đao chém đầu, nâng vật nặng, thậm chí là nuốt gạch ngói, sâu rắn,… để nhận thêm tiền thưởng của người xem. Ấy vậy mà vẫn chưa đủ, ông còn muốn làm thêm trò cho thiên hạ xem nên đã cạo đầu, chỉ để lại mỗi bên thái dương một chỏm tóc hình trái đào, mặc trang phục kỳ dị như một anh hề mua vui cho khách qua đường, âu cũng là mong có thêm tiền thưởng tặng.
Ban ngày đi xin ăn vất vả là vậy, nhưng đến đêm Vũ Huấn vẫn không ngơi tay, ông còn xe sợi đay, vừa làm lại vừa hát: “Cầm đầu sợi, quấn cuộn tròn, một lòng xây trường nghĩa học; quấn cuộn tròn, lại tiếp đầu sợi, xây được trường nghĩa học thì không có gì phải buồn lo”.
Chưa hết, để kiếm được tiền xây trường, ông còn làm thêm việc mai mối nhận tiền đáp lễ và tiền thuê. Cũng cho người ta vay tiền thu lãi.
Việc hành khất của Vũ Huấn so với hòa thượng vân du ‘khổ tâm chí, nhọc gân cốt’ cũng không khác là mấy. Trên con đường ấy cũng gặp đủ loại người, có kẻ keo kiệt bủn xỉn, có người chỉ nhìn ông bằng nửa con mắt, chẳng bố thí cho chút nào, những lúc như thế ông lại hát: “Không cho gì, ta cũng không oán, sẽ có người tốt đến cho cơm”.
Khi gặp người mắng rủa chửi bới, Vũ Huấn lại điềm đạm mà trấn an: “Ông chú ông bác đừng nóng giận, khi nào nguôi giận tôi đi ngay”. Lại gặp lúc bị người ta gạt tiền mồ hôi nước mắt, Vũ Huấn lầm bầm than: “Chỉ thấy người tốt ở nhà cao, có ai sống ác mà được lâu”.
Từ cái tuổi 21 đến cuối đời, Vũ Huấn vẫn trung thành với nghề hành khất của mình dẫu cho đã có được rất nhiều tiền, ông cũng không sống hưởng thụ, càng không nghĩ đến việc lấy vợ sinh con, ông hát: “Không lấy vợ, chẳng sinh con, xây trường nghĩa học ấy là vô tư”.
Có người thấy ông cứ mặc xoàng xĩnh, lại ăn đồ ăn linh tinh tạp nhạp, bèn khuyên ông nên quan tâm đến bản thân hơn. Vũ Huấn chỉ nói rằng, ông vì nghèo khổ mà phải đi xin ăn, làm đủ việc để được người ta cho tiền, nếu ông ăn ngon mặc đẹp sau lại đi xin ăn thì chẳng phải là đang lừa gạt thiên hạ hay sao.
Thầy giáo ngủ quên, Vũ Huấn đợi bên giường
Dẫu là một người hành khất “dốt đặc cán mai” nhưng Vũ Huấn luôn giữ nếp tôn sư trọng đạo.
Vũ Huấn rất quan tâm đến tình hình học tập của học sinh, thường hay đến trường quan sát. Đối với những thầy giáo dạy bảo học trò tận tình, ông dập đầu quỳ gối cảm tạ; đối với những học trò ham chơi, không lo học hành, ông quỳ xuống vừa khóc vừa khuyên: “Không cố gắng đọc sách thì không mặt mũi nào về nhà gặp cha mẹ”.
Một buổi đi thăm trường học, trông thấy đám học sinh đang nhao nhao trong lớp nhưng lại không thấy thầy giáo đâu, Vũ Huấn đứng đợi một hồi vẫn không thấy, bèn tìm đến phòng của thầy thì thấy người thầy đang ngủ mê say.
Vũ Huấn không tức giận mà lặng yên đến bên chỗ người thầy đang ngủ, quỳ xuống và chờ mãi ở đó. Một hồi lâu vẫn không thấy thầy thức dậy, nguyên là thầy giáo đêm qua vô cùng mệt nhọc nên sáng ra đã ngủ quên mất, ông bèn ho một tiếng, thầy vẫn chưa dậy, ho tiếng nữa vẫn chưa tỉnh, liền phải ho lên mấy lần thì thầy giáo mới trợn mắt nhìn, khi ấy mới thấy Vũ Huấn đang quỳ bên giường nên vô cùng kinh ngạc. Thầy giáo vội vàng bật dậy khỏi giường đỡ Vũ Huấn lên, Vũ Huấn lúc này đã nước mắt lưng tròng.
Người thầy nóng lòng lại thấy hổ thẹn, nên tranh thủ nói: “Thật hổ thẹn, hổ thẹn, vô cùng xin lỗi, xin lỗi”. Vũ Huấn lau nước mắt nói: “Không sao, không sao, biết là được rồi, biết là được rồi. Đi học không dễ, dạy dỗ cũng không dễ. Tôi chính là đang thi lễ với thầy đây mà”.
Người thầy lập tức đứng dậy đi đến phòng học, lớp học lại vang lên âm thanh học trò đọc bài lúc trầm lúc bổng. Vũ Huấn lại lặng lẽ lui ra, từ xa vẳng lại tiếng hát của ông: “Thầy giáo ngủ mê, học trò huyên náo, ta đến quỳ cầu, mọi chuyện lại êm xuôi”.
Người ăn mày nhân nghĩa duy nhất được đưa vào chính sử và sách giáo khoa của Trung Hoa Dân Quốc
Năm 1896, Vũ Huấn lâm bệnh nhưng ông cũng chỉ nằm tịnh dưỡng tại mái hiên lớp học để mỗi ngày đều được nghe tiếng học trò đọc sách, đến một ngày ông mỉm cười lặng lẽ qua đời. Cũng trong năm đó, Lương Khải Siêu đã viết truyện về Vũ Huấn, một ăn mày nghĩa sĩ dẫu qua đời nhưng thành tựu ông để lại không biến mất mà trái lại “Dấu tích nhân nghĩa của Vũ công, chính là đại hiển hậu thế”.
Năm 1909, Tuần phủ Sơn Đông Viên Thụ Huân tấu lên triều đình xin xây Trung Nghĩa từ, tuyên dương Vũ Huấn. Viên Thụ Huân nói: “Thần ngu muội cho rằng hành động của Vũ Huấn có thể nói là đại nghĩa, tấm lòng của Vũ Huấn có thể nói là chí nhân. Vậy nên cúi đầu thỉnh cầu thiên ân, đặc biệt giáng thánh chỉ, tuyên giao sử quán ghi chép vào sử sách, dùng đó mà tuyên dương đạo hạnh hiếm có này”. Không lâu sau, nghĩa cử của Vũ Huấn được quốc sử quán ghi vào “Hiếu nghĩa truyền nội”.
“Thanh sử cảo” (Bản thảo lịch sử nhà Thanh) cũng hết lời ngợi khen tinh thần hiếu thuận với mẹ, tôn kính người thầy của Vũ Huấn, làm ăn mày mà xây dựng và quản lý trường nghĩa học, cứu khổ những người bần hàn, đó là hành động đại nhân đại nghĩa. Một người hành khất nghĩa hiệp trong dân gian, quyết chí lòng chẳng đổi, phẩm cách cao thượng được ghi vào sử sách, từ trước tới nay chỉ duy có Vũ Huấn.
Năm 1934, chính phủ Trung Hoa Dân Quốc tổ chức lễ kỷ niệm 97 tuổi Vũ Huấn. Tưởng Giới Thạch, Đới Quý Đào, Phùng Ngọc Tường, Đoạn Kỳ Thụy, Thái Nguyên Bồi, Úc Đạt Phu,… cùng giới nhân sĩ văn hóa, chính trị, quân sự dùng nhiều hình thức để tưởng niệm Vũ Huấn, cho làm tượng Vũ Huấn đặt cùng nơi với Khổng Tử.
Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc Tưởng Giới Thạch trong bài phát biểu có lời tựa “Luận bàn sau khi nghe chuyện Vũ Huấn tiên sinh” đã khen ngợi tinh thần của Vũ Huấn: “Đem sức người hành khất mà khởi lập nên nghiệp trọn tài vẹn đức. Thân chưa được học hành mà lưu lại ân trạch tốt đẹp phụng sự thế nhân”.
Năm 1945, Trùng Khánh tổ chức lễ 107 tuổi Vũ Huấn, “Tân hoa nhật báo” và “Trung Ương nhật báo”, “Văn hối báo”, “Đại công báo”,…đưa tin rất nhiều nhân vật nổi tiếng tham gia lễ kỷ niệm.
Tháng 12/1945, nhà giáo Đào Hành Tri viết “Vũ Huấn tụng” tán dương rằng: “Sáng sớm đến tối muộn, vui vui sướng sướng, cả đời từ lúc trẻ đến lúc già, bôn ba tứ xứ, vì những đứa trẻ khốn khổ mà cam tâm làm lạc đà, vì điều tốt đẹp cho người mà làm trâu ngựa cũng không từ nan, muốn tìm lẽ công bằng cũng không chỗ tựa nương, bạn bè chẳng bao nhiêu, lại chẳng được học hành, còn bị kẻ có học lừa gạt, trước mặt người mà quỳ cầu, đá cứng cũng chuyển dời, không tích cóp gia sản, chẳng cầu mong lấy vợ, chỉ đem một lòng làm đại sự, chấn hưng giáo dục, chấn hưng giáo dục, chấn hưng giáo dục”.
Thời Trung Hoa Dân Quốc, Vũ Huấn trở thành nhân vật quen thuộc trong sách giáo khoa.
Năm 1944, Đào Hành Tri đưa cho đạo diễn Tôn Du một tuyển tập tranh vẽ “Truyện tranh Vũ Huấn tiên sinh”. Tôn Du vô cùng xúc động trước tấm lòng của Vũ Huấn. Tháng 10/1950, bộ phim “Vũ Huấn truyện” do Tôn Du làm đạo diễn, Triệu Đan đóng vai chính được hoàn thành, phim sau khi phát hành đã gặt hái thành công lớn. “Văn Hối báo” bình luận “Người xem nồng nhiệt đón nhận, lời khen tặng như nước triều dâng, khắp nơi đều ngợi khen”.
Mặc dù bộ phim do Tôn Du thực hiện đã dựa theo những ý kiến từ Chu Ân Lai, cũng như cải biến một số phân đoạn để phù hợp với quan điểm hiện tại, nhưng bản thân Vũ Huấn đã là một câu chuyện thấm đẫm nghĩa nhân, biểu hiện sự cần cù, lương thiện, giàu trí tuệ và phẩm chất cao thượng của người Trung Hoa, có thể cảm động rất nhiều người. Khi ấy, thầy trò trường bồi dưỡng nhân tài Thượng Hải xem phim xong đã khóc mà nói rằng: “Lịch sử Trung Quốc có một Vũ Huấn tiên sinh như vậy, thật là điều vinh dự cho chúng ta”.
Tuy nhiên sau 1 năm trình chiếu, bộ phim “Vũ Huấn truyện” đã bị phê phán và sau đó, chẳng hiểu vì sao, bị cấm chiếu. Từ đó về sau, nhân vật đặc biệt này bị hậu nhân quên lãng.
Hàn Mai (Theo Epoch Times)