Các chuyên gia cho rằng, trong thời gian tới, Trung Quốc có thế gia tăng sức ép và tiếp tục các hành vi hung hăng ở Biển Đông, thậm chí ở mức độ gay gắt hơn.
Cần tiếp tục cảnh giác với hành vi vi phạm của Trung Quốc trên biển
Murray Hierbert, chuyên gia về Đông Nam Á của Viện Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), Mỹ cho rằng việc Trung Quốc rút nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 ra khỏi vùng Đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam có thể chỉ là hành động tạm thời. “Trung Quốc đã buộc phải rút tàu, nhưng chúng ta vẫn chưa biết việc này sẽ kéo dài bao lâu”, chuyên gia của CSIS thận trọng.
Trao đổi với Trí Thức Trẻ bên lề Hội thảo Khoa học Quốc tế Biển Đông lần thứ 11, GS Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia cho rằng, Việt Nam hiện nay đang đàm phán các hợp đồng khai thác dầu khí với công ty ONGC của Ấn Độ và Exxon Mobile của Mỹ và trong tương lai là rất nhiều công ty, tập đoàn khác. Trong khi đó, Trung Quốc, trong bản dự thảo duy nhất của COC, không muốn các nước trong khu vực hợp tác khai thác dầu khí với các nước bên ngoài.
Vì vậy, các hành vi vi phạm của Trung Quốc trên biển Đông “sẽ là thách thức trong dài hạn“, ông Carl Thayer nói.
Việt Nam đã ngày càng lên tiếng mạnh mẽ ở nhiều cấp độ, nhưng vẫn cần tiếp tục tạo áp lực, buộc Trung Quốc cư xử đúng mực, GS Úc khuyến cáo.
Trong khi đó, TS Hoàng Việt, Đại học Luật TP Hồ Chí Minh cho rằng, Trung Quốc chưa ngưng tham vọng.
“Trung Quốc thách thức tất cả. Ta còn nhớ, phán quyết trong vụ kiện Philippines với Trung Quốc tuyên bố “Đường lưỡi bò” không có căn cứ pháp lý, trong đó, cái gọi là yêu sách quyền lịch sử của Trung Quốc với đường lưỡi bò là không có căn cứ pháp lý và vô giá trị. Nhưng trong thực tế, với sự kiện diễn ra ở khu vực gần bãi Tư Chính gần đây, Trung Quốc cho thấy rằng họ vẫn đang yêu sách nó trên thực tế. Trung Quốc đang muốn cho thấy rằng, luật pháp quốc tế với phán quyết của phiên tòa này không là gì với họ và sức mạnh của Trung Quốc mới là quan trọng”, TS Hoàng Việt nói với Trí Thức Trẻ ngày 6/11.
Chuyên gia này cũng cho rằng, Trung Quốc đang thách thức trực tiếp tới trật tự của luật quốc tế, trong đó có trật tự mà Công ước luật biển (UNCLOS) mang lại. “Họ muốn áp đặt rằng Trung Quốc mới là luật, Trung Quốc muốn làm gì thì làm. Họ cũng muốn ‘dằn mặt’ các quốc gia khác, trong đó có cả Hoa Kỳ rằng, khu vực này là bất khả xâm phạm của Trung Quốc, không nên đụng vào”.
Trung Quốc thiệt danh tiếng
So sánh với việc Trung Quốc từng đưa giàn khoan Hải Dương 981 hoạt động trong vùng biển Việt Nam năm 2014, ông Collin Koh, Học viện Chiến lược và quốc phòng (Singapore) cho rằng, trong cách xử lý của Việt Nam, có hai điểm khác biệt chính. Đầu tiên, Việt Nam đã ở một vị thế tốt hơn để xử lý tốt hơn tình huống này so với sự việc xảy ra vào năm 2014 bởi vì lực lượng bảo vệ bờ biển Việt Nam giờ đây có năng lực tốt hơn.
Thứ hai, Việt Nam đã quản lý tốt tình hình trong nước, không để xảy ra các vụ lợi dụng tình hình gây rối như năm 2014.
Nhìn chung, Việt Nam đã làm tròn nhiệm vụ kiên trì và kiên quyết bảo vệ chủ quyền, đồng thời duy trì kiểm soát tốt các diễn biến thông qua phương tiện quản lý xã hội thích hợp cũng như tự kiềm chế, chuyên gia Singapore nhận định.
Về các lựa chọn mà Việt Nam có thể sử dụng, ông Collin cho rằng, có những lựa chọn phi bạo lực hiệu quả mà Việt Nam có thể tận dụng. Ví dụ, Việt Nam có thể tận dụng vị thế của mình như một bên tham gia các cuộc đàm phán ASEAN – Trung Quốc về COC, để thúc đẩy các quốc gia thành viên ASEAN gây áp lực lên Bắc Kinh. Đồng thời, vai trò chủ tịch ASEAN trong năm 2020 sẽ cho phép Việt Nam có thêm công cụ kịp thời để gây áp lực với Trung Quốc.
Cũng theo nhà nghiên cứu người Singapore, tác động tiêu cực với Trung Quốc sau sự việc lần này là uy tín. Hành vi vi phạm của Trung Quốc được đưa tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông quốc tế chính thống, thu hút sự chú ý của thế giới. Chẳng hạn, các cường quốc phương Tây cũng đã lên tiếng, gây áp lực với Trung Quốc.
Và điều này, một mặt đã phơi bày việc sử dụng hành vi cưỡng chế của Bắc Kinh, một mặt lại ủng hộ các cuộc đàm phán. Vụ việc ở gần bãi Tư Chính của Việt Nam, cũng như các vụ việc tương tự gần đây của Trung Quốc đối với Malaysia và Philippines ở Biển Đông sẽ làm tăng sự cảnh giác của một số thành viên ASEAN.
Do đó, điều này cũng có thể gây tác dụng ngược với Bắc Kinh. Trung Quốc, luôn muốn ngăn chặn các cường quốc ngoài khu vực can thiệp vào vấn đề Biển Đông, thì nay, với các hành vi vi phạm tại EEZ và thềm lục địa gần bãi Tư Chính của Việt Nam, Trung Quốc thực sự phải nhận lấy điều ngược lại: Các nước ngoài khu vực thậm chí còn bày tỏ quan ngại nhiều hơn về các động thái của Bắc Kinh, do đó dẫn đến việc tăng cường sự hiện diện của các nước ngoài khu vực ở Biển Đông.
Từ đầu tháng 7, nhóm tàu khảo sát HD8 của Trung Quốc đã tiến hành 4 đợt khảo sát trái phép xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam (4/7-7/8; 1/8-2/9; 7-23/9; 27/9-24/10).
Ngày 25/10/2019, trả lời câu hỏi của phóng viên trong và ngoài nước liên quan đến việc nhóm tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc rút khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:
“Mọi hoạt động trong vùng biển Việt Nam được xác định theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 không được sự cho phép của Chính phủ Việt Nam đều là hành động xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Việt Nam yêu cầu các bên liên quan tôn trọng chủ quyền, các quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam và không tái diễn sự vi phạm”.
theo Trí Thức Trẻ