Giám đốc Học viện Ngoại giao Nguyễn Vũ Tùng nhấn mạnh, Hội thảo Biển Đông lần thứ 11 có nhiều điểm mới mẻ, tạo động lực mạnh mẽ nghiên cứu sâu rộng về Biển Đông.
Phát biểu tại Hội thảo Biển Đông lần thứ 11, PGS.TS. Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao cho biết, sau 10 năm tổ chức thành công, Hội thảo là diễn đàn quy tụ các chuyên gia hàng đầu của khu vực và thế giới thảo luận về các vấn đề an ninh biển, luật biển, phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường biển.
Sự kiện khoa học này trở thành điểm gặp gỡ, kết nối, chia sẻ giữa những người có cùng quan tâm chung đến khu vực và Biển Đông, đồng thời tạo động lực cho nghiên cứu về Biển Đông ở trong và ngoài nước.
Giám đốc Học viện Ngoại giao cho biết, có 5 điểm mới tại Hội thảo Khoa học Quốc tế về Biển Đông lần thứ 11, với chủ đề “Hợp tác vì An ninh và Phát triển tại Khu vực”.
Thứ nhất, khuyến khích một cách nhìn rộng mở về Biển Đông như là vùng biển kết nối các đại dương, nơi gặp gỡ lợi ích giữa các nước trong và ngoài khu vực, duy trì sự tôn nghiêm của luật pháp quốc tế. Vấn đề này được thể hiện rõ nét trong Tầm nhìn của ASEAN về khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương mới được Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á vừa thông qua.
Thứ hai, Hội nghị lần này quan tâm đến sự liên thông thống nhất giữa các vùng biển và đại dương và là sự kéo dài của các lục địa. Các phiên bàn tròn sẽ bàn về các vấn đề hợp tác biển và các diễn biến ở các vùng biển khác, không chỉ riêng Biển Đông mà còn có gồm có Biển Hoa Đông, Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương và các Vùng Địa Cực.
Thứ ba, các phiên thảo luận được thiết kế theo hướng khuyến khích sự tham gia sâu rộng hơn của giới hoạch định và thực thi chính sách. Các quan chức chính phủ các nước có cơ hội được chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, đồng thời tiếp nhận trực tiếp các ý tưởng và sáng kiến của giới học giả, nhằm tìm ra các biện pháp có tính sáng tạo nhằm thúc đẩy hòa bình, hợp tác ở Biển Đông.
Thứ tư, có phiên thảo luận riêng về Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) nhân dịp kỷ niệm 25 năm có hiệu lực và 25 năm Việt Nam phê chuẩn Công ước. Nhân dịp này, Hội thảo kiểm điểm quá trình hình thành và tầm quan trọng của văn bản được coi là Hiến chương của Đại dương sau một phần tư thế kỷ có hiệu lực.
Cuối cùng, Hội thảo lần đầu tiên nhận được sự hỗ trợ và đồng hành của các nhà tài trợ uy tín trong và ngoài nước, như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Phái đoàn EU, Đại Sứ Quán Anh, Đại Sứ Quán Đức, Quỹ Châu Á-New Zealand, Đại Sứ Quán Úc, Đại Sứ Quán Canada.
Hội thảo Khoa học Quốc tế về Biển Đông lần thứ 11 năm 2019 có chủ đề “Hợp tác vì An ninh và Phát triển tại Khu vực”, do Học viện Ngoại giao phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam (VLA) và Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông (FESS) đăng cai tổ chức. Đây là chuỗi hội thảo thường niên nhằm thúc đẩy đối thoại và trao đổi học thuật về quản lý, giải quyết tranh chấp và các vấn đề liên quan tại Biển Đông.
Tham dự Hội thảo có 280 đại biểu, trong đó có 87 học giả quốc tế, 68 đại diện đến từ 36 cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam, hơn 100 học giả, đại biểu Việt Nam, cùng nhiều phóng viên đến từ 58 hãng thông tấn, truyền hình trong nước và nước ngoài. Hội thảo Quốc tế về Biển Đông lần thứ 11 diễn ra trong từ ngày 6/11 đến 7/11.
theo VTC News