Sau sự việc đau lòng của 39 công dân Việt Nam trên đất Anh, trang tin Irishcentral có đăng một bài báo với tựa đề “Ireland xấu hổ vì cái chết của 39 nạn nhân hoạt động vận chuyển lậu”.
Bài báo của tác giả John Spain có đoạn: “Các chi tiết của câu chuyện kinh hoàng này vẫn đang dần được hé mở khi cảnh sát khám phá mức độ của hoạt động vận chuyển lậu người và những nhân vật có liên quan. Nhưng chúng tôi biết rằng, có một mối liên kết mạnh mẽ với Ireland, một điều khiến chúng tôi xấu hổ vì câu chuyện về tin nhắn chia tay đau lòng của Phạm Thị Trà My với mẹ đã gây chú ý trên toàn thế giới”.
Tại thời điểm Spain viết bài báo đó, 5 người đã bị bắt giữ để điều tra và tất cả họ đều là người Ireland (4 người ở Anh và 1 ở Ireland).
Nhà báo người Ireland đã cảm thán thay cho nhiều đồng hương và thấy lo lắng, xấu hổ bởi những người thuộc cộng đồng của họ đã góp phần vào một sai phạm chết người chấn động lương tri. Anh nói rằng, “điều đáng sợ nhất về thảm kịch này là sự thiếu lòng trắc ẩn đối với những người di cư bị vận chuyển lậu, cùng với sự thiếu hiểu biết của những tên tội phạm liên quan”.
Vì sao phải xấu hổ?
Trong một xã hội mà sự bất lương, tham lam khiến người ta làm bất kể việc gì để có lợi, trở thành một phong trào (như xu hướng kiếm tiền nhờ vận chuyển người trái phép ở Ireland) thì những người trong xã hội đó đều nên cảm thấy xấu hổ và có lỗi. Có lẽ đó là lý do Spain viết bài báo dài lên án hoạt động bất hợp pháp mà một số người Ireland đang dính líu vào. Bởi ít nhất, một hành động của anh sẽ góp tiếng nói nắn chỉnh những gì bất lương, lệch lạc trong xã hội Ireland, đó là hành động có trách nhiệm của một công dân, một nhà báo.
Có một câu chuyện khác, cũng có nét tương đồng về trách nhiệm của mỗi con người trước sai lầm và sự cùng cực dẫn đến sai lầm của người khác trong cộng đồng.
Đây là câu chuyện xảy ra giữa thời kỳ Đại suy thoái ở Mỹ (từ năm 1929 tới nửa sau thập niên 30, thế kỷ trước) tại một khu vực rất nghèo trong thành phố New York. Câu chuyện sau này đã được ghi nhận trong nhiều cuốn sách như Best Sermons 1 (xuất bản năm 1988); Say Please, Say Thank You: The Respect We Owe One Another (1999), hay Ragamuffin Gospel (2000).
Đó là về phiên tòa nổi tiếng của thị trưởng thành phố New York lúc bấy giờ, ông Fiorello LaGuardia, xét xử một người phụ nữ lớn tuổi bị buộc tội ăn trộm một ổ bánh mì. Sau khi bà lão nhận tội đã lấy trộm bánh mỳ, vị quan tòa LaGuardia hỏi lý do có phải do đói bụng hay không, bà đã trả lời rằng: “Thưa quan tòa, tôi đã rất đói. Nhưng nếu chỉ vì đói thì tôi đã không làm như vậy”, bà lão trả lời. “Đứa con rể của tôi đã bỏ ra đi, còn con gái tôi thì ốm liệt giường. Tôi cần chiếc bánh mì này để nuôi hai đứa trẻ đang chết đói… Chúng thực sự rất đói…”, nói đến đây bà bật khóc.
Ngài thị trưởng thở dài rồi nói: “Bị cáo, tôi sẽ phải xử phạt bà, luật pháp luôn công bằng và không có ngoại lệ đối với bất kỳ cá nhân nào. Bà phải nộp phạt 10 đô-la hoặc bị giam 10 ngày trong tù. Bà chọn cái nào?”
Bà lão đã chọn bị giam vì không có đủ tiền nộp phạt. Ông LaGuardia sau khi đọc tuyên án đã bỏ một đồng 10 đô-la vào chiếc mũ của mình. Ông nói lớn, “Đây là 10 đô-la mà tôi sẽ trả cho án phạt này. Ngoài ra tôi phạt mỗi người trong phòng xét xử này 50 cent, đó là số tiền phạt cho sự thờ ơ của chúng ta khi ở cùng khu phố mà lại để cho người phụ nữ khốn khổ này phải đi ăn trộm bánh mì về nuôi cháu. Ông Baliff, hãy đi thu tiền và đưa tặng cho bị cáo”.
Ngày hôm sau, tờ báo thành phố New York đưa tin đã có 47,5 đô la được gửi đến cho người phụ nữ khốn khó kia. 50 cent trong đó là do người chủ cửa hàng tạp hóa đóng góp, ngoài ra còn có khoảng vài chục bị cáo khác đang chờ xét xử, và các cảnh sát có mặt khi đó, họ đều vinh hạnh được đóng góp 50 cent và đứng dậy vỗ tay nhiệt liệt.
“Lương thiện không chỉ là một loại phẩm chất đối lập với sự lạnh lùng, gian trá, tàn nhẫn và tư lợi, mà còn là trách nhiệm với người khác, với xã hội. Nó cũng là cảm giác đau buồn, thấy một phần trách nhiệm trước những sai lầm, bế tắc hay kể cả sự vô tri, thiếu hiểu biết dẫn đến việc gây họa của người khác cho cộng đồng.”
Nhà báo Alison Phillips, sau vụ việc đau lòng của 39 công dân Việt Nam đã viết trên tờ Daily Mirror về việc mỗi người phải tự vấn bản thân bằng câu hỏi dù khó khăn. Đó là câu hỏi vì sao nhiều người vẫn còn mắc kẹt trong nghèo đói mà dẫn tới việc ra đi bất chấp cái chết như những nạn nhân người Việt kia. Bà kêu gọi con người không thể nhắm mắt làm ngơ trước sự khốn khổ của những người làm móng tay, rửa xe, may quần áo giá rẻ hay vận chuyển đồ ăn nhanh vào mỗi sáng sớm.
Những nhà báo như Spain, Phillips hay thị trưởng LaGuardia đã tự cảm thấy có trách nhiệm trước sự khốn khổ của người khác. Vậy là những người có cùng quốc tịch với 39 nạn nhân kia, chúng ta nên xấu hổ hay cảm thấy có trách nhiệm hay không?
Trách nhiệm của chúng ta
Có người nói 39 người kia ra đi để làm giàu, họ sẵn sàng làm điều phi pháp để kiếm tiền, chính họ mới đang hành động thiếu trách nhiệm với xã hội khi làm ảnh hưởng tới hình ảnh quốc gia. Nhưng đổ lỗi cho người thì dễ, nhìn thấy họ làm sai mà tự nhận thấy mình phải làm gì đó để thay đổi mới khó, dù chỉ là một hành động nhỏ bé nhưng có trách nhiệm và thiện lương.
Nếu như người Việt Nam nào cũng có thể nhận lấy một phần trách nhiệm như những lời trong sách cho trẻ em cấp 1 đã từng được dạy 70 năm trước đây, thì xã hội ngày nay có thể đã rất khác:
“Ta cần phải có xã hội và xã hội đã giúp ta được nhiều công việc, thì ta cũng phải tìm cách mà trả nợ cho xã hội. Ta phải lưu tâm mà làm những việc ích lợi. Bất cứ làm nghề gì, đi cày hay đi buôn, làm quan hay dạy học, ta cũng phải dốc lòng làm cho hết cái chức trách của ta.
Ta không nên thờ ơ chểnh mảng mà mang tiếng là lười nhác, không nên điên đảo giả dối mà mang tiếng là bất lương. Ta nên cố tìm cách canh cải mọi nghề nghiệp cho mỗi ngày một lương hảo hơn lên. Nghề của ta được tinh xảo, thì có ích riêng cho ta, mà lại lợi dụng cho cả xã hội nữa” – (Luân Lý giáo khoa thư, Trần Trọng Kim).
Đó là lời dạy mà trẻ em Việt Nam xưa đã từng được học. Nếu như ngày nay chúng ta luôn nhớ được rằng phải làm người tốt trước khi làm người giỏi, thì có lẽ chúng ta đã có những thế hệ trọng đạo đức và có trách nhiệm với xã hội hơn.
Mỗi người, chỉ cần làm tốt, làm đúng chức trách và nhiệm vụ trong cộng đồng, thì đã là góp phần làm cho xã hội đó tốt đẹp hơn lên. Một xã hội mà ai cũng chăm lo làm tốt việc của mình cho người khác thay vì chăm chăm kiếm danh lợi cho bản thân và gia tộc, thì ngành nghề nào trong xã hội cũng chất lượng và hoàn thiện.
Sẽ không còn những chạy điểm chạy bằng, bán thuốc giả, thực phẩm bẩn, cạnh tranh thiếu lành mạnh… cũng khó có những việc kinh hoàng như đổ chất thải ra nguồn nước sạch hại hàng nghìn người, không có những công chức lười biếng nhưng tham lam, những bác sĩ kê bừa đơn để bán dược phẩm ở cửa hàng mình đã móc ngoặc, những hung thần ngồi sau tay lái để có những chuyến xe thật nhanh…
Một xã hội mà những người lương thảo và biết làm lợi cho người khác là chủ lưu, thì sẽ luôn tồn tại niềm tin và sự gắn kết của mọi thành viên. Đồng thời đó là một môi trường bao dung, có thể hỗ trợ mọi ước mơ và hoài bão của các cá nhân, có thể khiến con người luôn thấy có hy vọng. Lúc đấy, sẽ chẳng có ai muốn tách ra khỏi xã hội tốt đẹp đó mà đi tha hương xứ người.
Thuần Dương