Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho biết đã thu hồi và hủy bỏ toàn bộ cuốn giáo trình, hình ảnh in bản đồ hình đường lưỡi bò làm tài liệu giảng dạy trong thời gian qua.
Báo Tiền Phong cho hay, trong thời gian qua, cuốn sách giáo trình Đọc sơ cấp 1 “Developing Chinese” được sử dụng cho giảng viên, sinh viên Khoa Tiếng Trung và Tiếng Nhật trường ĐH Kinh Doanh và Công nghệ làm tài liệu học tập và giảng dạy.
Theo đó, bài 7 (trang 36) của cuốn giáo trình này có in hình bản đồ Trung Quốc kèm “đường lưỡi bò” ôm gần trọn Biển Đông. Mới đây, sinh viên mới phát hiện ra, nhà trường đã cho gọi những sinh viên của khoa này mang tài liệu này lên và yêu cầu cắt hủy trang có hình bản đồ đường lưỡi bò.
Trao đổi với báo Tiền Phong, ông Hà Đức Trụ – Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho biết, sau khi có thông tin này, Ban Giám hiệu nhà trường họp vào ngày 22/10 và yêu cầu Khoa Tiếng Trung và tiếng Nhật có phương án thu hồi toàn bộ số sách này.
Ông Trụ cho biết, đã yêu cầu Chủ nhiệm Khoa là ông Trần Thanh có biện pháp hủy bỏ toàn bộ tài liệu này. “Tài liệu này mới được sử dụng trong năm nay, còn những năm trước sử dụng tài liệu chắp vá do Khoa Trung Nhật sưu tầm, sử dụng, không được biên soạn. Ai mua thì chúng tôi chưa làm rõ, nhưng trách nhiệm thuộc về ban Chủ nhiệm khoa. Quan điểm của nhà trường là phải thu hồi và hủy bỏ toàn bộ tài liệu có in bản đồ “hình lưỡi bò””, ông Trụ nói và sẽ thông tin khi có kết quả kiểm tra lại.
Trong tháng 10, tại Việt Nam, đã xuất hiện nhiều vụ cài cắm hình ảnh bản đồ “đường lưỡi bò” – một dạng tuyên truyền chủ quyền phi pháp trên Biển Đông của chính quyền Trung Quốc. Các ấn phẩm dạng tờ rơi có chứa “đường lưỡi bò” được đưa vào các hội chợ du lịch ở TP.HCM. Bản đồ “đường lưỡi bò” cũng xuất hiện trong bộ phim chiếu rạp “Everest – Người tuyết bé nhỏ”, hay vụ việc xe ôtô có bản đồ “đường lưỡi bò” trưng bày tại triển lãm Vietnam Motor Show 2019 mới đây.
“Đường lưỡi bò” hay còn gọi là “đường 9 đoạn” do Trung Quốc ngang nhiên vạch ra, đòi chủ quyền với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông, bất chấp sự phản đối từ cộng đồng quốc tế.
Theo báo VnExpress, ngày 12/7/2016, Tòa Trọng tài Thường trực đã tuyên bố Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong “đường lưỡi bò”. Cụ thể là vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc, khẳng định tuyên bố của Bắc Kinh không có cơ sở pháp lý.
Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc tiếp tục thể hiện rõ bản chất ngang ngược và xảo trá, không chấp nhận sự thật, vẫn ngoan cố khi liên tục có những động thái gây hấn ở vùng biển Đông.
Trung Quốc lên kế hoạch chiếm cả vùng biển này bằng những bước đi “âm thầm và xảo quyệt”, nói như lời ông Nguyễn Đình Phú – giảng viên Đại học Nông Lâm TP.HCM, hiện là phó giáo sư tại Đại học UCI, California.
Giáo sư Nguyễn Đình Phú thường xuyên đọc các tạp chí khoa học, qua đó ông phát hiện việc Trung Quốc gần đây cố tình đưa Đường Lưỡi bò hay còn gọi là Đường chín đoạn vào các ấn phẩm khoa học quốc tế.
Trong mấy năm qua, ông bỏ nhiều thời gian viết cho từng tạp chí phản đối việc in Đường Lưỡi bò.
ĐKN