Ai cũng biết người Mỹ đoạt giải Nobel nhiều nhất thế giới nhưng ít ai biết được rằng, dù chỉ chiếm 2% dân số Mỹ nhưng lại có đến 27% nhà khoa học của nước này đoạt giải Nobel là người Do Thái. Dân tộc Do Thái đã làm điều đó như thế nào?
Câu khen “Thông minh như Do Thái” không phải không có căn nguyên. Họ có chỉ số thông minh (IQ) trung bình 110 so với mức 100 của toàn cầu, đặc biệt là dòng Do Thái từng sinh sống vùng sông Rhin (Đức) sau đó di cư sang các nước châu Âu rồi Bắc Mỹ hết sức nổi bật về trí tuệ. Dù chỉ chênh lệch 10 chỉ số nhưng tỷ lệ sản sinh thiên tài giữa 2 cấp độ lên tới khoảng 120-150 lần.
Như Marjorie Ingall đã chỉ ra trong cuốn sách hài hước và sâu sắc mới của mình, “Mamaleh biết điều tốt nhất: Những bà mẹ Do Thái làm gì để nuôi dạy những đứa trẻ thành công, sáng tạo, đồng cảm, độc lập”, những đứa trẻ Do Thái có xu hướng chăm chỉ học hành, làm việc hết sức mình để phát triển khả năng trí tuệ của bản thân.
Trong thế kỷ 20, mặc dù người Do Thái chỉ chiếm 2% dân số Mỹ nhưng lại có đến 27% nhà khoa học của nước này đoạt giải Nobel là người Do Thái. Không những thế, khoảng 25% nhà toán học đoạt giải Fields Medal (có giá trị tương tự Nobel trong toán học), 25% số người đoạt giải ACM Turing Award (mảng máy tính), 9/19 nhà vô địch cờ vua… là người Do Thái.
Vậy cha mẹ Do Thái đang làm gì để thúc đẩy thành tích vượt trội đó?
Như đã biết, Do Thái là một tôn giáo đề cao, coi trọng việc học hành kết hợp với một lịch sử lâu dài của cuộc đàn áp tôn giáo để tạo ra một cách tiếp cận đặc biệt để nuôi dạy trẻ về học tập, khiếu hài hước và khả năng nghi vấn, chấp nhận sự đam mê trong mọi hình thức của nó, và khuyến khích trẻ em theo đuổi đam mê riêng.
Theo khoa học giải thích, cách đây 2.000 năm, đến 90% người Do Thái đã biết chữ. Kinh Tamud từ cách đây hơn 2.000 năm của người Do Thái đã yêu cầu các bậc phụ huynh phải dạy con biết đọc, biết viết từ năm lên 6 tuổi. Nói cách khác, việc giáo dục con cái từ nhỏ không còn là vấn đề đạo đức, trách nhiệm của nhà nước hay đơn giản là lo lắng cho tương lai con trẻ. Người Do Thái đã nâng tầm giáo dục thành một loại giáo điều trong tín ngưỡng.
Rõ ràng, chẳng có ông bố bà mẹ Do Thái nào dám không giáo dục con từ năm lên 6 nếu không muốn bị cộng đồng xa lánh hoặc bị chỉ trích vì vi phạm giáo điều. Ấn tượng hơn nữa, nếu bạn biết rằng hầu hết người dân Châu Âu, Bắc Phi và Trung Đông thời đó là mù chữ thì điều mà người Do Thái làm được quả là phi thường.
Nhà văn Ingall viết: “Không giống như các bậc cha mẹ ở châu Á, châu Âu, chúng tôi khuyến khích trẻ em tham gia vào các hoạt động, để chúng tìm ra những gì chúng thực sự thích. Chúng tôi vui vẻ đồng ý những ngày chơi đùa của con thay vì xem đó là những điều gây xao lãng từ trường học, và tin rằng trẻ em học từ bạn bè và cần thời gian thư giãn. Chúng tôi không coi giáo viên như người “cai trị” lớp học và họ phải truyền tải tất cả các kiến thức; những đứa trẻ phải lịch sự trong lớp, nhưng không bao giờ ngừng đặt câu hỏi và không bao giờ ngồi im với những câu trả lời sai mà không có sự phản biện lại”.
Trong số những bí quyết của cách nuôi dạy con của người Do Thái, dưới đây là 3 bí quyết nổi bật và sáng tạo nhất:
Tư duy phản biện và đặt câu hỏi
Đứa trẻ nào cũng được sinh ra với sự tò mò về thế giới xung quanh, và đó là cách chúng phát triển và lớn lên. Nhưng nếu những câu hỏi đầu tiên không được giải đáp hoặc tệ hơn, bị đáp lại là: “Đừng tò mò chuyện của người lớn”, thì dần dần, những đứa trẻ ấy sẽ mất đi bản năng đặt câu hỏi, mất đi niềm hứng thú tìm hiểu thế giới, dẫn đến sự chấp nhận và ngừng phản biện.
Đối với phụ huynh Do Thái, việc một đứa trẻ càng đặt nhiều câu hỏi, càng thắc mắc về thế giới xung quanh sẽ càng tạo cho chúng nhiều cơ hội phát triển. Trẻ em Do Thái được khuyến khích đặt câu hỏi ở trường học và sẽ không chấp nhận cho đến khi nhận được một câu trả lời thỏa đáng. Cha mẹ có thể tham gia vào hành động bằng cách đặt câu hỏi về các giả định, tham gia vào cuộc tranh luận và khuyến khích những đứa trẻ làm điều tương tự. Bố mẹ Do Thái cũng sẽ chia sẻ những vấn đề họ gặp phải trong cuộc sống cho con trẻ, hỏi ý kiến của con và cùng con bàn luận xem cách giải quyết của vấn đề là gì. Trẻ em được tham gia vào việc tư duy và giải quyết vấn đề cuộc sống từ sớm để lớn lên sẽ độc lập, tự chủ hơn và không mất đi ham muốn tìm tòi, khám phá cuộc sống.
Ingall viết: “Đặt câu hỏi cho con bạn thường xuyên và lắng nghe câu trả lời. Đừng để chúng thoát khỏi lý luận dễ dàng. Nhẹ nhàng chỉ ra những sai sót và mâu thuẫn trong tranh luận của chúng. Hãy nói về những câu hỏi mà chính bạn đang đấu tranh và hỏi ý kiến của con bạn. Khuyến khích tranh luận và thúc đẩy đứa trẻ nhìn thế giới bằng con mắt đa chiều, thấu đáo mọi chuyện”.
Biết sẻ chia với người khác
Không đặt ra tham vọng quá to tát như “hàn gắn thế giới” nhưng cha mẹ Do Thái chọn cách dạy con nhấn mạnh vào sự kết nối giữa con người và sẻ chia với người khác.
Chẳng hạn, trẻ em Do Thái sẽ dùng một buổi học của mình để đi từng nhà quyên góp đồ cho người vô gia cư. Hay ở Israel sẽ có những thùng đựng quần áo cũ ở mỗi góc phố. Quần áo trong những thùng này sẽ là quần áo không còn dùng nữa của một gia đình nào đó, họ sẽ để đồ ở trong thùng và những người nghèo sẽ đến, lựa quần áo phù hợp với gia đình của mình mang về mặc lại.
Ingall chia sẻ: “Bạn và con bạn không cần phải làm gì quá to lớn hay phải sáng tạo mọi thứ, chỉ cần hành vi nhỏ nhưng mang sức mạnh lớn là đủ”.
Tích cực đọc sách và phát triển khiếu hài hước
Đây là hai hoạt động mang tính giáo dục chủ yếu nhất của văn hóa Do Thái và nó đóng góp không nhỏ vào phát triển bản thân, sự nghiệp sau này của một đứa trẻ.
Israel là nước đứng đầu thế giới về dân số từ 14 tuổi đọc sách, đứng đầu về số đầu sách xuất bản theo đầu dân. Không một người Do Thái thành đạt nào không tranh thủ thời gian để đọc, để học, để làm giàu hiểu biết. Tri thức được trọng vọng hơn của cải, hơn cả chức tước, do vậy người Do Thái sẵn sàng hy sinh cả gia tài để được làm thông gia với gia đình trí thức.
Cha mẹ người Do Thái hiểu được tính hài hước sẽ giúp trẻ thông minh, khỏe mạnh và có khả năng ứng phó hiệu quả hơn trước những hoàn cảnh phức tạp, bất ngờ. Ngày nay, rất nhiều diễn viên hài nổi tiếng người Do Thái như nữ danh hài huyền thoại người Mỹ, gốc Do Thái Joan Rivers…
Nguyễn Nguyễn – Theo Thời đại/Tổng hợp