Sau khi yên bề gia thất, Đào Duy Từ mới kể rõ chí hướng muốn phục vụ Xã Tắc cho bố vợ biết, đồng thời đưa bài thơ “Ngọa Long cương vãn” cho ông xem. Nhận thấy văn từ khoáng đạt, điển tích tinh thông, ý chí mạnh mẽ, hoài bão lớn lao, thì tấm tắc khen, rồi tìm cách dâng lên chúa Nguyễn để tiến cử Duy Từ với Chúa.
- Tiếp theo phần 2
Gặp được minh Chúa
Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên xem xong bài “Ngọa Long cương vãn” thì bảo Trần Đức Hòa dẫn Đào Duy Từ đến gặp Chúa. Gia đình nhà vợ liền may sắm quần áo thật đẹp để Đào Duy Từ ra mắt nhà Chúa. Tuy nhiên Đào Duy Từ lại từ chối với lý do là mình chưa có chức tước gì cả.
Trần Đức Hòa dẫn con rể mình đến Phủ Chúa, đến nơi thấy trước cửa có người ăn mặc xuềnh xoàng, cầm gậy đứng trước cửa, thái độ lơ đãng. Biết đấy là Chúa, Đào Duy Từ liền quay về không gặp. Khi bố vợ bắt quay lại gặp Chúa, Đào Duy Từ đã nói rằng: “Thưa cha, vì con thấy chúa đang trong tư thế đi dạo với các cung tần mỹ nữ, chứ không có nghi lễ gì gọi là tiếp đón khách hiền. Nếu con lạy chào tất phạm vào tội.”
Sợ phạm tội với Chúa, Trần Đức Hòa nắm tay con rể bắt quay lại gặp, hai cha con cứ dùng dằng.
Chúa Nguyễn Phúc Nguyên từ xa quan sát, hiểu rằng Đào Duy Từ quả thật là kẻ tài giỏi khí khái, chứ không phải như những kẻ tầm thường khác chỉ biết quỵ lụy lấy lòng mong tiến thân. Chúa bèn bảo Thái giám ra mời Đào Duy Từ đến sảnh đường, còn mình vào nội phủ mặc quần áo chỉnh tề đến sảnh đường.
Đào Duy Từ trước khi vào Nam đã dùng nhãn quan của mình quan sát kỹ lưỡng thời cuộc, lần này gặp Chúa Nguyễn ông cũng nói lên tình thế của Đại Việt. Ông cho rằng Đại Việt khá giống như thời Tam Quốc khi xưa với vua Lê chúa Trịnh – nhà Mạc – chúa Nguyễn.
Chúa Trịnh nắm thực quyền, chèn ép vua Lê, nhưng lại mượn danh nghĩa vua Lê chèn ép các nơi, giống như Tào Tháo xưa kia mượn danh Thiên Tử sai khiến chư hầu.
Nhà Mạc tuy để mất Thăng Long nhưng chạy đến đóng đô ở đất Cao Bằng, dựa vào địa hình hiểm trở giống Đông Ngô xưa kia, lại được nhà Minh hậu thuẫn. Nhà Minh luôn rình rập cơ hội Đại Việt chia rẽ để mượn cớ tiến đánh như cách “giúp Trần, cầm Hồ” xưa kia.
Chúa Nguyễn giữ vùng đất nhỏ bé ở Thuận Hóa, Quảng Nam nhưng liên tục thực hiện di dân mở rộng bờ cõi về phương Nam, đời sống dân cư ngày càng an lạc, hiền tài khắp nơi quy tụ về phương nam, giống như xưa kia anh tài theo về Lưu Bị.
Phân tích của Đào Duy Từ thấu tình đạt lý, từ đó chúa Nguyễn luôn tin tưởng, tôn làm quân sư, luôn ở bên cạnh Chúa để bàn việc. Ông được phong chức Tán trị, tước Lộc Khê hầu, nên người đời vẫn quen gọi ông là Lộc Khê.
“Tôi không nhận sắc”
Lúc này quan hệ giữa chúa Trịnh và chúa Nguyễn rất xấu. Khi Trịnh Kiểm cho Nguyễn Hoàng đi trấn thủ vùng đất Thuận Hóa, Quảng Nam đã ra lệ là mỗi năm phải đóng thuế l.400 cân bạc, 500 tấm lụa. Sau này dù hùng mạnh nhưng chúa Nguyễn Hoàng và chúa Nguyễn Phúc Nguyên hàng năm đều đóng thuế đầy đủ cho chúa Trịnh.
Trước sự hùng mạnh và giàu có ở phương Nam, năm 1620, chúa Trịnh vô cớ gây chiến. Từ đó Chúa Nguyễn Phúc Nguyên quyết định hoàn toàn đoạn tuyệt với việc nộp cống thuế.
Tháng 3/1627, chúa Trịnh Tráng thống lãnh 20 vạn đại quân theo 2 đường thủy bộ tiến đánh chúa Nguyễn. Quân Trịnh dù đông hơn nhưng không sao chọc thủng được phòng tuyến của quân chúa Nguyễn.
Dù thất bại nhưng chúa Trịnh Tráng muốn Chúa Nguyễn phải thần phục, bèn cử đoàn sứ giả mang sắc thư vua Lê vào phong cho chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên và đòi lễ vật cống nạp.
Chúa Sãi không muốn nhận sắc thư hay cống nạp, nhưng chưa biết xử trí thế nào, bèn hỏi Duy Từ . Ông liền khuyên Chúa cứ nhận sắc thư trước đã rồi sau này tính tiếp.
3 năm sau, vào năm 1630, khi thấy thời cơ thuận lợi, Đào Duy Từ bàn với Sãi Vương, cho thợ làm một chiếc mâm đồng có 2 đáy. Bỏ sắc thư của vua Lê vào đáy cùng một bài thơ 4 câu của Đào Duy Từ như sau:
Mâu nhi vô dịch
Mịch phi kiến tích
Ái lạc tâm trường
Lực lai tương địch
Còn ở trên để vàng bạc, rồi cho Văn Khuông mang ra Bắc dâng chúa Trịnh. Văn Khuông khi dâng xong thì nhanh chóng quay trở về Nam.
Theo giai thoại trong dân gian thì chúa Trịnh thấy chúa Nguyễn đưa lại sắc thư, nhưng bài thơ thì không hiểu được. Các quan trong Triều không ai giải được, cuối cùng phải cho mời người tài giỏi bên ngoài, giải ra. Bốn câu thơ có nghĩa là:
Chữ “mâu” không có dấu phết
Chữ “mịch” bỏ bớt chữ “kiến”
Chữ “ái” để mất chữ “tâm”
Chữ “lực” đối cùng chữ “lai”.
Câu đầu ý là chữ “mâu” (矛) bỏ nét phẩy. Chữ “mâu” không có nét phẩy thì thành ra chữ “dư” (予), nghĩa là “tôi”.
Câu thứ hai ý là chữ “mịch” (覔) bỏ chữ “kiến” (見). Chữ “mịch” sau khi bỏ chữ “kiến” thì còn lại chữ “bất” (不), nghĩa là “không”.
Câu thứ ba ý là chữ “ái” (愛) bỏ chữ “tâm” (心). Chữ “ái” không có chữ “tâm” thì thành ra chữ “thụ” (受), nghĩa là “nhận”.
Câu cuối ý là chữ “lai”(來) ghép với chữ “lực” (力). Chữ “lai” đem ghép với chữ “lực” thì thành chữ “sắc” (勑).
Ghép 4 chữ này thì nghĩa là “tôi không nhận sắc”.
Chúa Trịnh thấy chúa Nguyễn trả lại sắc phong bằng kế này thì tức giận lắm, cho người dò hỏi thì biết được mọi chuyện đều do Đào Duy Từ bày mưu mà ra cả, liền tìm cách đưa ông ta về với mình.
Chúa trịnh sai người cầm vàng bạc cùng lá thư của mình mang đến cho Đào Duy Từ. Trong thư nhắc lại bản quán của Đào Duy Tư chính là ở Đàng Ngoài, mong ông trở về Đàng Ngoài sẽ được phong quan to. Tuy nhiên Đào Duy Từ đã trả lại quà từ chối.
Lũy Thầy ngăn đại quân chúa Trịnh
Từ đó Đào Duy Từ giúp chúa Nguyễn ổn định Xã Tắc ở các lĩnh vực khác nhau, giúp Đàng Trong ngày càng hùng mạnh. Chúa Nguyễn Phúc Nguyên phải trầm trồ rằng: “Đào Duy Từ thật là Tử Phòng và Khổng Minh ngày nay”.
Năm 1630, Đào Duy Từ khuyên chúa Nguyễn đắp lũy Trường Dục từ núi Trường Dục đến phá Hạc Hải nhằm ngăn chặn quân Trịnh ngược dòng sông Nhật Lệ vào đánh xứ Đàng Trong.
Năm 1631, Đào Duy Từ đề xuất chúa Nguyễn đắp thêm một lũy kiên cố nữa từ núi Đâu Mâu qua cửa biển Nhật Lệ tiến lên phía đông bắc đến làng Đông Hải, mọi người đều gọi lũy này là lũy Thầy, bởi người Đàng Trong đều quen gọi Đào Duy Từ là Thầy.
Theo thiết kế của Đào Duy Từ, lũy Thầy được xây cao 6 mét, mặt lũy rộng rãi, cứ cách một quãng lại xây pháo đài đặt súng thần công. Chiến lũy này có vị trí gần khe, dựa vào thế núi, chạy dài suốt cửa biển Nhật Lệ, trông giống hình cầu vồng, ngăn bước tiến quân Trịnh.
Đúng như dự đoán của Đào Duy Từ, sau khi hai lũy này được xây xong, quân Trịnh có hàng trăm lần tiến quân, trong đó có 6 lần đại chiến lớn. Nhưng lũy Thầy vẫn vừng vàng giúp ngăn đại quân chúa Trịnh ở phương bắc, nhờ đó việc nam tiến của các đời chúa Nguyễn được thuận lợi.
Người dân đi ngang qua Phong Lộc, Nhật Lệ lúc nào cũng văng vẳng bên tai những câu ca dao nhắc đến công đắp luỹ ngăn giặc của ông.
Khôn ngoan qua cửa sông La,
Dễ ai có cánh bay qua Lũy Thầy.
Hay
Đường vô xứ Huế quanh quanh,
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ.
Nhớ em anh cũng muốn vô,
Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang.
Đệ nhất công thần nhà Nguyễn
Đào Duy Từ hoạch định những chính sách như sửa sang chính trị, quan chế, thi cử, võ bị, thuế khóa, nội trị, ngoại giao gắn với lòng dân, giúp Đàng Trong có được nền tảng vũng chắc để mở rộng về phương nam và phát triển vượt bậc về sau này. Ông giúp chúa Nguyễn xây dựng bộ máy Triều đình rất hợp lòng dân khi đó.
Các tác phẩm của ông như “Hổ trướng khu cơ”, “Nhã nhạc cung đình Huế”, “Vũ khúc tuồng Sơn Hậu”, thơ “Ngọa Long cương vãn”, “Tư Dung vãn” đều là những tác phẩm để đời với giai thoại, ca dao, thơ văn truyền đời trong tâm thức dân tộc.
“Hổ trướng khu cơ” là bộ binh thư của ông rất sâu sắc và thực tiễn, chủ yếu là lấy ít đánh nhiều, lấy yếu đánh mạnh. Bộ binh thư của ông được xem là một trong hai bộ binh thư quý giá, bộ binh thư còn lại chính là “Binh thư yếu lược” của Trần Hưng Đạo.
Tháng 10/1634, Đào Duy Từ lâm bệnh nặng, chúa Nguyễn Phúc Nguyên đến thăm, Đào Duy Từ thưa: “Thần gặp được Thánh minh, chưa báo đáp được mảy may, nay bệnh đến thế này còn biết nói chi nữa”, nói rồi mất, ông thọ 63 tuổi.
Chúa Nguyễn rất thương tiếc, cho an táng ở Tùng Châu rồi phong làm: “Hiệp đồng mưu đức công thần, đặc tiến Kim tử Vinh Lộc đại phu.”
Sau này vua Gia Long tôn ông là đệ nhất công thần nhà Nguyễn, đưa về Thái Miếu để thờ chung với các chúa Nguyễn.
(Hết) Trần Hưng