Không chỉ Netflix hay Spotify, các doanh nghiệp truyền thống cũng đang tìm cách gia nhập nền kinh tế thuê bao để thích ứng với xu hướng tiêu dùng mới của khách hàng.
Thuật ngữ “kinh tế thuê bao” đã xuất hiện vài năm trở lại đây, mô tả bối cảnh nền kinh tế khi mà các doanh nghiệp chuyển từ chỉ “bán đứt” sản phẩm, dịch vụ như truyền thống sang kinh doanh dựa trên thuê bao trả tiền.
Nói đến thuê bao trả phí, hẳn bạn sẽ nghĩ ngay đến Netflix, Spotify hay các gói đăng ký mạng di động hàng tháng. Nhưng đó chưa phải là tất cả.
Thuê bao từ dao cạo râu…
Dollar Shave Club (DSC) là một “câu lạc bộ” cung cấp những sản phẩm vệ sinh cá nhân như dao cạo râu, mỹ phẩm dưỡng da,… cho khách hàng theo định kỳ. Chỉ cần đăng ký hội viên và trả một số tiền cố định mỗi tháng, sản phẩm sẽ được vận chuyển đến tận nhà bạn.
Công ty không phải là nhà sản xuất mà chỉ mua hàng hóa số lượng lớn sau đó phân phối lại cho khách hàng với giá hợp lý, tiện lợi và phù hợp với từng cá nhân.
.
Kể từ khi thành lập đến năm 2018, DSC đã thu hút 3,2 triệu hội viên trên khắp nước Mỹ, được các nhà đầu tư rót vốn hàng triệu USD. Năm 2016, Unilever mua lại công ty với giá lên tới 1 tỷ USD.
…. đến ô tô
Cách đây vài ngày, Hyundai công bố hợp tác với công ty Carly của Australia, ra mắt dịch vụ “xe hơi thuê bao”. Theo đó, bạn có thể sử dụng một chiếc ô tô hoàn toàn mới của hãng mà không cần mua hay sở hữu.
Không cần đặt cọc cũng chẳng thuế đường bộ, khách hàng sẽ được sử dụng xe mới với thời hạn theo tháng, sau đó có thể tùy chọn tiếp tục sử dụng, chuyển sang thuê xe khác hoặc ngưng hoàn toàn dịch vụ. Mức phí thuê bao phụ thuộc vào địa điểm thành phố, thời gian và loại xe.
Và đương nhiên, nếu đem lòng yêu chiếc xe đó, bạn có thể mua hẳn nó.
Ngoài ra, tháng trước, hãng ô tô Hàn Quốc này cũng đầu tư 6,2 triệu USD vào công ty khởi nghiệp chia sẻ xe hơi Aussie, cho phép mọi người thuê phương tiện của hàng xóm theo giờ hoặc ngày.
Giám đốc điều hành của Hyundai Motors Australia, JW Lee cho biết: “Tương lai của di chuyển cá nhân sẽ không chỉ dựa vào quyền sở hữu xe và Hyundai sẽ thích nghi với việc thay đổi nhu cầu của người tiêu dùng”.
Trong khi đó, giám đốc điều hành Carly chia sẻ: “Thế hệ trẻ, Thế hệ Y và Thế hệ Z, họ không có sự gắn bó với việc sở hữu tài sản như thế hệ cũ. Họ coi quyền sở hữu như một gánh nặng.”
Nền kinh tế thuê bao
Ở những thị trường phát triển như Anh và Mỹ, các mô hình sở hữu dựa trên thuê bao đã vượt 10% thu nhập của hộ gia đình hàng tháng. Họ đăng ký dịch vụ trả tiền định kỳ cho tất cả mọi thứ, từ cuộc gọi điện thoại di động, truyền hình, nghe nhạc như Netflix, Spotify, thậm chí là lưỡi cạo râu của Dollar Shave Club. Hay như gói đăng ký vận chuyển Prime hàng tháng của Amazon cũng là một dịch vụ thuê bao.
Từ năm 2012 đến 2018, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thuê bao đã chứng kiến doanh thu tăng nhanh gấp năm lần so với những công ty trong nhóm cổ phiếu S&P 500 và doanh số bán lẻ của Hoa Kỳ.
Chỉ riêng thị trường thương mại điện tử, lượng thuê bao trả tiền đã tăng trưởng 100% trong năm 2018. Amazon Subscribe & Save, Dollar Shave Club, Ipsy, Blue Apron và Birchbox là năm website dẫn đầu về số lượng đăng ký.
Đáng nói, giờ đây, những doanh nghiệp vốn hoạt động theo mô hình cung cấp hàng hóa truyền thống cũng đang chuyển hướng để thích ứng với hành vi tiêu dùng mới. Điển hình như các nhà sản xuất ô tô.
Theo Forbes, đến năm 2025-2026, các chương trình xe thuê bao có thể chiếm 10% tổng doanh số bán xe mới ở Mỹ và Châu Âu. Số lượng ô tô đăng ký được dự báo sẽ chạm mức 16 triệu. Dựa trên chi phí trung bình là 300 USD/xe/tháng, thị trường này đã có giá trị gần 100 tỷ USD mỗi năm.
Mô hình mới được cho là hiệu quả hơn so với thuê xe hay mua hoàn toàn. Chúng phù hợp với các nhóm như người nhập cư mới, người nước ngoài và thế hệ millennials – muốn các giải pháp di động tạm thời đơn giản, tiết kiệm, không rắc rối với chính sách hủy bỏ và trả lại dễ dàng.
Ở thế giới cũ (nền kinh tế sản phẩm), doanh nghiệp tìm kiếm khách hàng mới, vận chuyển hàng hóa, thanh toán cho các giao dịch một lần. Nhưng trong kỷ nguyên mới này, khi tính sở hữu không còn được coi trọng như trước, mối quan hệ lâu dài với khách hàng cùng dịch vụ cải tiến linh hoạt sẽ trở thành vũ khí sinh tồn cho doanh nghiệp.
T.Dương – Theo Trí Thức Trẻ