Trong một lần tình cờ giới thiệu khoai gieo cho người bạn phương xa làm quà biếu món đặc sản quê hương, và nhận được lời khen nức lòng, quyết tâm ấy lại một lần nữa trỗi dậy, thôi thúc chị…
Có 1 công việc ổn định với mức thu nhập khá, những tưởng điều đó đã là tất cả với người phụ nữ này. Thế nhưng, chị Nguyễn Thị Như Mận, ở thôn Cừa Thôn, xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh đã bứt phá và chọn hướng đi đầy chông gai, đó là khởi nghiệp từ đặc sản của quê hương.- khoai gieo (khoai lang luộc phơi khô)
Ngồi bên những trảng khoai đang bốc khói nghi ngút, chị Mận bộc bạch: “Sinh ra và lớn lên tại vùng đất Hải Ninh đầy nắng gió, quanh năm làm bạn củ khoai, quen với việc cha mẹ dậy từ sớm ủ, nấu, cắt phơi từng lát khoai rồi mang ra chợ bán, tôi đã thấm thía nỗi cực nhọc, vất vả ấy. Lớn lên, sau những năm tháng bôn ba ở quê người, năm 2018, tôi lại tìm về miền đất mẹ, nghĩ phải làm gì để đưa thương hiệu khoai gieo Hải Ninh vươn xa hơn nữa, để mọi người khắp nơi có thể thưởng thức món quà quê kiểng này”.
Và trong một lần tình cờ giới thiệu cho người bạn phương xa làm quà biếu món đặc sản quê hương, và nhận được lời khen nức lòng, quyết tâm ấy lại một lần nữa trỗi dậy, thôi thúc chị. Để rồi, công ty TNHH Như Mận ra đời từ đó, như một bước ngoặt làm thay đổi lối nghĩ, lối sản xuất khoai gieo nhỏ lẻ trước đây, mở ra hướng đi dài hơi hơn.
Bởi, ngay từ đầu, ý tưởng của chị Mận phải xây dựng được cách sản xuất, đóng gói an toàn chuyên nghiệp, làm sao thương hiệu khoai gieo mang tên NhuMan sẽ nâng tầm đặc sản khoai gieo Hải Ninh trong mắt bạn bè và khách du lịch. Vì, khoai gieo ở quê hương Hải Ninh mặc dù đã có thương hiệu nhưng đa số đều được sản xuất và bày bán theo kiểu truyền thống ở các chợ, chưa được đóng gói bài bản, bao bì nhãn mác còn thô sơ.
Được sự hỗ trợ của gia đình và bạn bè, giữa năm 2018, chị Mận đã mạnh dạn vay vốn gần 1 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng và đầu tư máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất như máy sấy, nồi hấp, máy hút chân không.
Đã chấp nhận về quê giữ nghề gia đình là chấp nhận khó nhọc, chị Mận nghĩ vậy nên trằn lưng với khoai, từ tự tay lựa chọn, thu mua khoai củ của bà con trong xã và các xã lân cận ở huyện Lệ Thủy đến việc ủ, nấu, cắt khoai rồi đóng gói; nhân công trong xưởng đều là các hội viên phụ nữ có tay nghề thành thục, tâm huyết với sản phẩm khoai gieo.
Trong những ngày đầu bắt tay tạo dựng cơ sở, quy mô còn nhỏ, kinh nghiệm trong kinh doanh và tiếp thị sản phẩm chưa tốt, cộng với tâm lý khách hàng chưa quen với sản phẩm mới… khiến hoạt động sản xuất của chị Mận gặp không ít khó khăn; nhưng với ý chí và nghị lực của mình, chị quyết tâm thực hiện để sản phẩm khoai gieo mang tên Như Mận sẽ được công nhận, với đủ đầy tinh tế và giá trị của sản phẩm đại diện cho một vùng gió Lào và cát trắng.
Bằng những kiến thức có sẵn và học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước, sản phẩm khoai gieo Như Mận không chỉ đạt độ dẻo, ngon, an toàn mà bao bì nhãn mác cũng tương đối đẹp và bắt mắt. Sản phẩm khi đóng gói đều được hút chân không để bảo quản được lâu nên nhận được nhiều hợp đồng của khách hàng, kể cả những thị tường tương đối khó tính và đòi hỏi cao như siêu thị Coopmark, siêu thị Thế Anh, các cửa hàng nông sản ở các tỉnh. Nhiều quầy hàng lưu niệm ở Phong Nha- Kẻ Bàng cũng đặt mua thường xuyên với số lượng lớn. Khoai gieo Như Mận đại diện cho đặc sản Quảng Bình tham gia hội chợ khu vực 16 tỉnh miền Trung tại Quảng Ninh và “xuất ngoại” sang thị trường Lào, Thái. Món quà quê kiểng này cũng được nhiều khách du lịch lựa chọn khi đến với vùng đất Quảng Bình.
Để có thành quả như này hôm nay, chị trải lòng: “ Đó là những ngày nắng như đổ lửa, một mình tôi rong ruổi trên chiếc xa máy cà tàng, đi hàng chục cây số chỉ để mong muốn khoai gieo với cái tên Như Mận được trưng bày một trong các quầy hàng ở khu du lịch Phong Nha – Kẻ Bàng, là những ngày tìm tòi để đăng ký nhãn mác, bao bì, xây dựng thương hiệu sản phẩm”.
Sau gần 1 năm sản xuất, Công ty TNHH Như Mận đã tiêu thụ 50 tấn khoai gieo thương phẩm. Mỗi kilogam khoai củ được thu mua từ 5-6 ngàn đồng, khoảng 3-4kg khoai củ chế biến được 1kg khoai gieo thành phẩm, giá bán dao động từ 40-150 ngàn đồng/1kg, tuỳ thuộc vào việc bán tại chỗ hay đem đi nhập ở các đầu mối. Mô hình này đã đưa lại lợi nhuận cho chị Mận từ 300-350 triệu đồng/năm và giải quyết việc làm thường xuyên cho 30 lao động ở địa phương với thu nhập bình quân từ 5-7 triệu đồng/người/tháng. Anh Trương Văn Nhân, công nhân làm việc tại công ty TNHH Như Mận chia sẻ: “Trước đây, đời sống của vợ chồng tui rất bấp bênh vì làm khoai gieo nhỏ lẻ chỉ chừng được 4-5 tháng thôi. Từ khi vào công ty Như Mận, làm việc, chế độ rất tốt, bây giờ thu nhập cả tui với vợ hơn 20 triệu đồng/ tháng, rứa là có tiền trang trải cuộc sống, nuôi con ăn học thành tài”.
Để làm mới một sản phẩm và đặc sản đã quá quen thuộc với mỗi người dân Quảng Bình là điều không mấy dễ dàng. Chính vì vậy, khi thương hiệu khoai gieo Như Mận có chỗ đứng trên thị trường thực sự là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực không biết mệt mỏi của chị Mận và nhân công lao động trong công ty.
Chị Mận tâm sự: “Tôi đang hướng đến quy mô sản xuất lớn hơn nữa, với số lượng hàng trăm tấn mỗi năm chứ không phải chục tấn như bây giờ. Ngoài thương hiệu khoai gieo, sắp tới tôi còn cho ra thị trường kẹo khoai gieo, sản phẩm khoai củ của quê hương Hải Ninh”.
Từ những kết quả đạt được, có thể khẳng định rằng, khoai gieo Như Mận là sản phẩm đầu tiên của xã Hải Ninh nói riêng và huyện Quảng Ninh nói chung được đầu tư bài bản cả về quy trình chế biến, bao bì và thương hiệu sản phẩm. Hy vọng, sản phẩm khoai gieo Như Mận sẽ góp phần đưa thương hiệu khoai gieo Hải Ninh trở nên hoàn thiện và chuyên nghiệp hơn trong mắt bạn bè và du khách, góp phần thực hiện tốt đề án “mỗi xã một sản phẩm”.
Theo DĐDN