Ước mơ lớn nhất của Tào Tháo có lẽ chính là “thiên hạ quy tâm”. Mà tâm huyết lớn nhất của Thừa tướng họ Tào cũng lại là chiêu hiền đãi sĩ, trọng dụng nhân tài, kiến quốc hưng bang vậy.
Xuyên suốt cuộc đời binh nghiệp khói lửa và vinh quang của mình, có thể nói Tào Tháo có hai thứ vũ khí nguy hiểm nhất: Một là cơ mưu hơn người, hai là lòng quý trọng nhân tài hiếm gặp. Không tin, bạn có thể điểm qua mấy sự việc dưới đây:
-Tháo trước đón Lưu Bị về Hứa Đô, cho ở bên cạnh phủ. Tuân Úc khuyên nên giết Bị, Tháo phần vì tiếc tài, phần vì không muốn thiên hạ cười chê là hại người hiền đức mà trù trừ chẳng quyết. Rồi sao? Lưu Bị thoát khỏi Hứa Đô, thỏa chí vẫy vùng, sau này trở thành địch thủ đáng gờm nhất của ông.
-Tháo lại giữ Quan Vũ ở lại bên mình, không tiếc vàng bạc, mĩ nữ dâng tặng, lại phong tước hầu cho Vũ. Rồi sao? Vũ vẫn bỏ Tháo mà đi, qua 5 ải chém 6 tướng, quyết dứt tình. Tháo thương, không cho quân truy kích, lại bắt các ải khác không được chặn Vũ, trước sau bày tỏ đủ ân uy.
-Trong trận Đương Dương, Trường Bản, thấy Tử Long tả xung hữu đột, chém đầu bao nhiêu chiến tướng của mình, Tháo vẫn nhất quyết không cho bắn cung nỏ, tỏ ý muốn chiêu hàng. Tử Long đánh bạt cả quân Tào, cứu được ấu chúa từ trong nanh vuốt hiểm nguy trở về, Tháo nhìn theo cứ tấm tắc khen mãi, khen và tiếc.
-Trong trận chiến Nhu Tu, một nỗ lực cuối cùng hòng tiến về phía Nam của Tháo, gặp Tôn Quyền, chứng kiến tài điều binh khiển tướng của hậu sinh, Tháo rên rỉ: “Sinh con phải được như Tôn Trọng Mưu”. Một câu nói đầy hàm ý, nghìn năm sau vẫn khắc khoải. Đúng, con như Tôn Trọng Mưu mới giữ nổi cơ đồ trăm năm. Trộm nhìn lại con mình, Tháo hẳn sẽ phiền lòng. Tào Xung thông minh nhưng yểu mệnh, Tào Thực văn chương nức tiếng nhưng phóng túng quá. Tào Phi thủ đoạn, âm mưu giống Tháo nhất nhưng bất tài, vô năng…
Tấm lòng đối đãi với hiền tài, anh hùng thiên hạ bất kể kẻ thù hay đồng minh của Tào Tháo cho thấy lòng bao dung và khí độ rộng rãi của ông. Điều này phản ánh rõ trong việc Tào Tháo đối xử với những người bất đồng chính kiến.
Trong một lần uống rượu luận anh hùng cùng Lưu Bị, sau khi trò chuyện một hồi, Tháo lấy tay trỏ vào Lưu Bị và mình mà rằng: “Anh hùng thiên hạ bây giờ chỉ có sứ quân và Tháo này mà thôi”. Người đời thường nói rằng, chẳng qua Tháo muốn thử lòng, “nắn gân” Lưu Bị nên mới tâng bốc như thế. Nhưng ngẫm kỹ lại thì đó chẳng phải câu nói bông đùa, càng không phải lời của kẻ gian hùng, tâm cơ, mà thực ra Tháo rất trọng Lưu Bị. “Tam Quốc chí – Tiên chủ truyện” (Trần Thọ) kể rằng, Tháo đối xử với Lưu Bị rất thân thiết, “đi ra thì ngồi chung xe, ở nhà thì ngồi cùng chiếu”, lại xin Hoàng đế sắc phong cho Bị làm Dự châu mục, ân uy đủ cả. Xem vậy đủ thấy, Tháo thực lòng muốn trọng dụng Lưu Bị, không như lời những nhà bình luận Tam Quốc sau này vu cho ông là muốn chèn ép và giam lỏng Lưu Bị.
Trần Cung, mưu sĩ nổi tiếng thời Tam Quốc, ban đầu theo Tào Tháo, sau lại về dưới trướng Lã Bố. Cung là người tài năng, cơ trí, nhiều lần hiến kế hay giúp Lã Bố đánh bại Tào Tháo. Những năm chiến tranh giằng co với Lã Bố, Trần Cung thực đã khiến Tháo mất rất nhiều tâm huyết. Năm Kiến An thứ 3 (198), Tào Tháo bao vây thành Hạ Phì, quân của Lã Bố tinh thần uể oải. Cả Lã Bố và Trần Cung bị bộ tướng trói lại và dâng cho Tào Tháo.
Sau khi gặp Tào Tháo, Trần Cung không chịu đầu hàng và muốn tìm tới cái chết. Tào Tháo hỏi rằng nếu Trần Cung chết thì mẹ già sẽ ra sao. Cung trả lời: “Tôi nghe nói người dùng đức hiếu mà trị thiên hạ thì không sát hại cha mẹ người khác. Mẹ của tôi thế nào, đành nhờ vào Thừa tướng coi sóc vậy!”. Tháo nhớ đến tình tri ngộ ngày trước, muốn tha. Nhưng Cung quyết ý chọn cái chết. Tháo vừa khóc vừa tiễn Cung ra pháp trường. Trần Cung chết rồi, Tào Tháo lập tức đón người nhà của ông tới phủ mình và đối đãi vô cùng trọng hậu, phụng dưỡng mẹ của Cung như mẹ của chính mình.
“Tam Quốc chí” cũng chép một câu chuyện tương tự: Trước, Tào Tháo làm Duyện châu mục, dùng Tất Kham ở Đông Bình làm Biệt giá. Trương Mạc làm phản, bắt hết mẹ già cùng với anh em vợ con Kham. Tháo nói với Kham rằng: “Mẹ già khanh ở bên đấy, khanh có thể đi”. Kham dập đầu lạy quyết không hai lòng, Tháo khen ngợi mà chảy nước mắt. Tháo trở ra, Kham trốn về. Đến khi Bố bị diệt, Kham bị bắt sống, tất cả đều nghĩ rằng Kham sẽ chết. Tháo nói: “Người có hiếu với cha mẹ như thế, há chẳng trung với vua ư! Ta cần những người như thế”. Sau đó, Tào Tháo bèn lấy Kham làm Lỗ Tướng.
Đối đãi với người không cùng chí hướng, Tháo luôn hành xử khí phách, hiên ngang, không cưỡng cầu, lại rất bao dung, chẳng chấp điều nhỏ nhặt. Còn đối với tướng sĩ dưới quyền, Tháo càng tỏ ra là một người biết thu phục nhân tâm hơn nữa.
Sau khi đánh bại Viên Thiệu trong trận Quan Độ, Tào Tháo trở về đại bản doanh, có người tâu lên rằng trong lúc hai quân giao chiến hãy còn bất phân thắng bại thì đã có một số người dưới trướng viết thư xin hàng Thiệu. Các mưu sĩ đều chờ chủ ý của Tháo, ai cũng nghĩ những người kia ắt là khó toàn mệnh. Nhưng Tào Tháo bất ngờ lệnh cho người thu gom tất cả số thư từ đó, chất thành đống trước mặt bá quan văn võ rồi sai lính đốt bỏ toàn bộ, một chữ cũng không ngó qua. Tào Tháo nói trước mặt tất cả mọi người: “Đương lúc Thiệu cường mạnh, ta còn chẳng thể tự bảo vệ mình, huống chi là người khác!”. Ngọn lửa thiêu rụi những bức thư hàng của gian tế đã giúp Tào Tháo có được lòng trung thành tuyệt đối của tất cả thuộc hạ. Cách xử trí cực kỳ tinh tế, nhân văn ấy là biểu trưng của một khí chất phi phàm, tâm thái bao dung như biển lớn của Tào Tháo.
Trong trận chiến Uyển Thành với Trương Tú, Tào Tháo vì khinh suất mà trong một đêm mất cả con trai Tào Ngang, cháu trai Tào An Dân và tướng yêu Điển Vi. Khi quân địch tập kích trại, chính Điển Vi là người liều chết chặn cửa trước để Tào Tháo thoát ra lối cửa sau. Tháo chạy thoát rồi, hội họp quân mã lại, bấy giờ thương tiếc Vi vô cùng. Không tìm được xác của Điển Vi, ông cho người lập đàn cúng tế rồi nói với tả hữu rằng: “Ta mất một con trưởng và một cháu yêu cũng không thương là mấy, chỉ thương Điển Vi thôi!”.
Tào Tháo quý nhân tài có khi còn hơn sinh mệnh. Từ những ngày đầu khởi binh cho đến sau khi trở thành một Ngụy vương quyền nghiêng thiên hạ, Tháo trước sau đều coi nhân tài là vốn quý của quốc gia, có một thái độ ứng xử cực kỳ trọng thị. Thuở hàn vi, khi mới khởi binh, Viên Thiệu hỏi Tào Tháo rằng:
– Nếu việc chẳng xong, nên làm thế nào?
Tháo hỏi:
– Ý túc hạ ra sao?
Thiệu đáp:
– Ở phía nam ta giữ lấy Hoàng Hà, phía bắc ngăn các xứ Yên, Đại, kiêm gồm dân chúng Nhung, Địch, ngoảnh về nam để tranh thiên hạ, như vậy có thể nên việc chăng?
Tháo đáp:
– Tôi dùng trí lực của người trong thiên hạ, lấy đạo lý chế ngự họ, chẳng chỗ nào là không ở được.
Xem thế đủ biết tầm nhìn của Tháo đã hơn hẳn những kẻ được cho là anh hùng cùng thời với mình. Chư hầu thiên hạ dựa vào việc tranh đoạt lãnh thổ, dân chúng, tài vật làm cơ sở kiến quốc. Duy chỉ có Tháo là muốn dùng trí mà chiêu nạp nhân tài, mưu đại nghiệp. Có được nhân tài rồi thì cả thiên hạ rộng lớn kia dẫu là ở đông, tây, nam, bắc có chỗ nào là không ở được đâu?
Tào Tháo là vậy, rất trọng anh hùng. Vì Tháo biết mình cũng là một anh hùng thực thụ. Tháo khởi binh thiên hạ, đánh nhau không phải vì thành trì hay tài vật. Tháo muốn chiếm được điều mà từ ngàn xưa các bậc vương chủ đều một lòng hướng đến: Lòng người. Vì Tháo biết, khi có được lòng người thì chính là có được xã tắc vậy.
(Còn nữa) ĐKN