Trên thế giới này có rất nhiều sự tình mà chân tướng của nó không giống như biểu hiện bề ngoài. Đồng thời cũng có rất nhiều chân lý, sự thật được cất giấu, ẩn sau những sự tình mà mắt thường của chúng ta không nhìn thấy được.
Trong cuộc sống, có những điều chúng ta nhìn thấy là tốt nhưng chưa hẳn đã là tốt, lại có những điều chúng ta cho là xấu nhưng chưa hẳn đã là xấu. Rất nhiều khi chân tướng sự thật không giống như những gì mà chúng ta phán đoán. Bởi vậy, khi đối mặt với một sự tình nào đó, ngoài dùng con mắt để quan sát, chúng ta còn phải dùng thiện tâm để cân nhắc, dùng sự nhẫn nại để thấu hiểu.
Có một câu chuyện ngụ ngôn như thế này:
Một vị thiên sứ già và một vị thiên sứ trẻ đi vi hành tại nhân gian. Ngày đầu tiên, hai vị thiên sứ đến tá túc ở một gia đình vô cùng giàu có. Chủ nhà đối với họ rất lạnh nhạt, hơn nữa còn để họ ngủ ở một góc xó xỉnh dưới tầng hầm lạnh giá.
Khi hai vị thiên sứ nằm xuống, vị thiên sứ già phát hiện ra bên trong tường có một cái lỗ. Ông liền thuận tay vá cái lỗ ấy lại. Vị thiên sứ trẻ thấy vậy liền hỏi vị thiên sứ già vì sao lại làm như vậy. Vị thiên sứ già trả lời: “Có một số sự tình kỳ thực không giống với biểu hiện bên ngoài của nó đâu!”
Đến tối ngày thứ hai, hai vị thiên sứ lại đến tá túc ở một gia đình rất nghèo khó. Vợ chồng chủ nhà đối đãi với họ rất nhiệt tình và hiếu khách. Chủ nhà chỉ còn một chút đồ ăn nhưng cũng lấy ra thiết đãi hai vị thiên sứ này và còn nhường chiếc giường duy nhất của gia đình cho họ ngủ.
Sáng sớm ngày hôm sau, vị thiên sứ trẻ phát hiện thấy vợ chồng người nông dân này đang khóc nức nở. Sau khi hỏi ra mới biết là con bò sữa – nguồn sống duy nhất của gia đình họ đã bị chết.
Vị thiên sứ trẻ vô cùng phẫn nộ, than với vị thiên sứ già rằng: “Vì sao lại như vậy? Gia đình thứ nhất đã giàu có rồi mà ông còn giúp họ vá hang trong tường lại. Trong khi gia đình này dù nghèo nhưng lại nhiệt tình thiết đãi chúng ta thì ông lại để con bò ấy nhà họ chết đi?”
Vị thiên sứ già trầm tĩnh đáp: “Có một số sự tình kỳ thực không giống với những gì chúng ta nhìn thấy đâu!”
Ông nói tiếp: “Khi chúng ta ngủ ở dưới hầm nhà giàu có, từ trong cái hang đó, ta nhìn thấy bên trong chứa đầy vàng. Bởi vì chủ nhà ấy đã bị lòng tham làm mờ mắt, keo kiệt bủn xỉn, không muốn chia sẻ một chút của cải của mình. Ta biết hắn giấu vàng ở trong cái hang đó, để lại một cái lỗ, khi nào cần thì sẽ lấy vàng ra dùng nên ta mới lấp nó lại. Còn đêm hôm qua ta nhìn thấy tử thần đến đòi mạng người vợ nên mới để con bò sữa nhà họ thế mạng bà ấy.”
Trong cuộc sống, rất nhiều khi mâu thuẫn xảy ra có nguyên nhân là do bản thân chúng ta vội vàng nôn nóng mà nhận định sai hay quá mức tin tưởng vào phán đoán của mình, bảo thủ không dụng tâm cân nhắc đến lời nói của người khác mà dẫn đến hiểu lầm, sinh ra mâu thuẫn.
Những điều mắt thấy không nhất định là sự thật, mà những điều tai chúng ta nghe được cũng không nhất định là đúng. Một người nếu luôn dùng ý thức chủ quan của bản thân để nhận định sự vật thì sẽ không thể sáng suốt được. Chúng ta không nên dùng ấn tượng của cái nhìn đầu tiên mà phán đoán, cũng đừng để bề ngoài của người và sự việc làm chúng ta lạc lối, không suy nghĩ thêm. Có như vậy chúng ta mới tránh khỏi phán đoán sai lầm, tránh khỏi làm tổn thương người khác hay khiến bản thân rơi vào hối hận, thống khổ.
Trên thế gian, thiện và ác đan xen phức tạp, một người không hiểu thấu đạo lý thì rất khó có thể phân biệt được sự thật. Bởi vậy, mọi việc đều không nên chỉ nhìn bề ngoài, cũng không nên cố định vào cách nghĩ của bản thân để đánh giá, càng không nên ngông cuồng đưa ra kết luận.
Gặp một sự tình không được như ý, đừng vội vàng oán trách “Ông trời không có mắt”, hãy tin rằng luôn có an bài đằng sau mỗi khó nạn. Phàm là mọi việc, nếu chúng ta đều có thể lạc quan, thản đãng mà đối mặt thì cuộc đời của chúng ta sẽ tràn ngập ánh sáng.
An Hòa