Dù được lùi lại 6 tháng so với dự kiến nhưng bài phát biểu của ông Pence vẫn diễn ra vào một thời điểm nhạy cảm, và nội dung vẫn chĩa thẳng vào TQ
Ngày 24/10, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence có bài phát biểu tại Wilson Center về mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như chính sách Trung Quốc của chính quyền Mỹ hiện tại, một năm sau khi bài phát biểu gay gắt của ông khiến giới lãnh đạo Bắc Kinh bất ngờ.
Trung Quốc là “đối thủ kinh tế và chiến lược” của Mỹ
Bắt đầu bài phát biểu, Phó Tổng thống Mỹ đề cập tới tầm nhìn của Tổng thống Trump, cũng như những quyết sách mà nhà lãnh đạo Mỹ đã đưa ra để đạt được “thế cân bằng” với Trung Quốc và duy trì Mỹ ở vị trí mà ông Pence cho là “nền kinh tế vững mạnh nhất thế giới”.
“Nhờ các chính sách của Tổng thống, nước Mỹ đã thu về thêm hàng nghìn tỉ cho nền kinh tế, trong khi kinh tế Trung Quốc tiếp tục tụt lại phía sau”.
“Kể từ những ngày đầu của chính quyền này, Tổng thống Trump đã quyết tâm xây dựng một mối quan hệ với Trung Quốc trên nền tảng của sự thẳng thắn, công bằng và tôn trọng lẫn nhau để đạt được – như ông nói – một thế giới công bằng, an toàn và hòa bình hơn”.
Ông Pence cũng nhắc tới những chính sách của Trung Quốc mà theo ông là “làm tổn hại tới lợi ích và giá trị của nước Mỹ”, gồm có: chính sách nợ, chủ nghĩa bành trướng quân sự, đàn áp niềm tin, xây dựng nhà nước do thám và những chính sách không phù hợp với thương mại tự do-công bằng.
Nhắc lại Chiến lược An ninh Quốc gia năm 2017, ông Pence khẳng định: “Giờ đây nước Mỹ công nhận Trung Quốc là một đối thủ kinh tế và chiến lược”.
Dù vậy, ông Pence đề cao vai trò của Trung Quốc như một cường quốc thế giới.
“Bất chấp sự cạnh tranh giữa các cường quốc vốn đang diễn ra và sức mạnh đang tăng lên của Mỹ, chúng tôi muốn điều tốt đẹp hơn cho Trung Quốc”.
“Đó là lý do vì sao, lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ, dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump, nước Mỹ đối xử với các lãnh đạo Trung Quốc chính xác theo cái cách mà lãnh đạo của bất cứ một cường quốc thế giới nào được đối xử: Bằng sự tôn trọng, vâng, nhưng cũng bằng cả sự kiên định và thẳng thắng”
Hành động quân sự mang tính khiêu khích
Phó Tổng thống Mỹ cho rằng: Hành vi của Trung Quốc ngày càng trở nên “gây hấn và gây mất ổn định”.
“Hành động quân sự của Trung Quốc trong khu vực và cách nước này tiếp cận với các quốc gia láng giềng trong năm qua ngày càng mang tính khiêu khích”.
“Mặc dù năm 2015, lãnh đạo Trung Quốc đã đứng ở Rose Garden và nói rằng nước này – tôi xin phép được trích dẫn – không có ý định quân sự hóa Biển Đông, nhưng Bắc Kinh đã triển khai tên lửa chống hạm và tên lửa chống tên lửa trên các cơ sở mà nước này xây dựng (trái phép) trên các đảo nhân tạo”.
“Bắc Kinh cũng tăng cường sử dụng cái mà họ gọi là các tàu dân quân biển để đối phó với thủy thủ và ngư dân Philippines”.
“Lực lượng hải cảnh Trung Quốc còn tìm cách sử dụng vũ lực để ngăn cản Việt Nam khoan dầu và khí đốt ở ngoài khơi bờ biển của chính Việt Nam”.
“Trung Quốc sử dụng sáng kiến Một vành đai – Một con đường của mình để xác lập cứ địa tại nhiều cảng biển khắp thế giới, bề ngoài thì có vẻ là mục đích thương mại, nhưng những mục đích ấy cuối cùng có thể trở thành quân sự”.
“Giờ đây ta có thể thấy cờ Trung Quốc tung bay ở các cảng biển, từ Sri Lanka cho tới Pakistan, rồi Hy Lạp. Đầu năm nay có thông tin cho rằng Bắc Kinh đã ký một thỏa thuận bí mật nhằm thiết lập căn cứ quân sự ở Campuchia. Và còn có thông tin cho hay, Bắc Kinh đang để mắt tới một địa điểm có thể làm cơ sở hải quân ở Đại Tây Dương”.
“Mặc dù chính quyền Mỹ sẽ tiếp tục tôn trọng chính sách “Một Trung Quốc” nhưng thông qua chính sách “tập chi phiếu” (chequebook diplomacy), trong vòng vài năm qua Trung Quốc đã thuyết phục thêm nhiều nước thay đổi trạng thái công nhận về mặt ngoại giao từ Đài Bắc sang Bắc Kinh”.
Mỹ sát cánh với Hong Kong, Pence chỉ trích NBA và Nike
Ông Pence lên án hành động của Trung Quốc xung quanh các cuộc biểu tình ở Hong Kong, nhưng khẳng định rằng Mỹ không tìm kiếm sự đối đầu.
“Hong Kong là ví dụ sống cho thấy chuyện gì có thể xảy ra khi Trung Quốc ủng hộ tự do. Trong vài năm trở lại đây, Bắc Kinh ngày càng tăng cường can thiệp nhằm hạn chế quyền và tự do mà người dân Hong Kong được đảm bảo thông qua một thỏa thuận quốc tế”.
Phó Tổng thống Mỹ nhấn mạnh: Nước Mỹ sát cánh với hàng triệu người biểu tình hòa bình ở Hong Kong.
Cũng liên quan tới vấn đề này, ông Pence chỉ trích Giải bóng rổ Nhà nghề Mỹ (NBA) và hãng Nike vì không bày tỏ sự ủng hộ một cách thích đáng đối với biểu tình ở Hong Kong, thậm chí ông Pence còn nói rằng: “NBA hành động như một công ty con thuộc sở hữu toàn phần” của Trung Quốc.
Những lời chỉ trích này nhắm tới những phản ứng mà NBA và Nike đưa ra khi gặp tình huống liên đới tới biểu tình ở Hong Kong, những phản ứng được nhiều nhà phân tích đánh giá là có phần “nhún nhường” trước sự bức xúc của người Trung Quốc.
Trung Quốc muốn một Tổng thống Mỹ khác
Trong bài phát biểu trưa 24/10 (theo giờ địa phương), Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence lặp lại nguyên vẹn 1 quan điểm mà ông từng đưa ra trong bài phát biểu năm 2018. Theo Pence, “Trung Quốc muốn một Tổng thống Mỹ khác. Đường hướng lãnh đạo của Tổng thống Trump đang phát huy tác dụng”.
Kết thúc bài phát biểu là một phát ngôn mang đầy sắc thái hữu nghị:
“Nước Mỹ không tìm kiếm sự đối đầu với Trung Quốc. Chúng tôi tìm kiếm một sân chơi công bằng, những thị trường rộng mở, thương mại công bằng và sự tôn trọng dành cho những giá trị của chúng tôi”.
“Chúng tôi không tìm cách khống chế sự phát triển của Trung Quốc. Chúng tôi muốn một mối quan hệ mang tính xây dựng với lãnh đạo Trung Quốc, như chúng tôi đang có với người dân Trung Quốc”.
“Và nếu Trung Quốc bước lên phía trước, nắm lấy thời khắc độc nhất này trong lịch sử để bắt đầu một khởi đầu mới bằng cách chấm dứt những giao dịch thương mại vốn mang tính lợi dụng người Mỹ quá lâu, thì tôi biết rằng Tổng thống Trump sẵn sàng bắt đầu một tương lai mới, như nước Mỹ đã làm trong quá khứ”.
“Nước Mỹ đã chìa tay về phía Trung Quốc và hy vọng Trung Quốc sẽ đưa tay ra, lần này nên là hành động, chứ không phải lời nói”.
“Chúng tôi thực sự tin rằng Mỹ và Trung Quốc có thể và phải hợp tác để cùng nhau chia sẻ một tương lai hòa bình và thịnh vượng. Tuy nhiên, chỉ có đối thoại thẳng thắn và đàm phán với lòng tin mứi có thể biến tương lai ấy thành hiện thực”.
Bài phát biểu bị trì hoãn 6 tháng
Theo nguồn tin của Reuters, ban đầu ông Pence dự định thực hiện bài phát biểu vào ngày 4/6, nhưng sau đó Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định trì hoãn sự kiện này – với hy vọng đạt được thỏa thuận về cuộc gặp với lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tại thượng đỉnh G20 ở Osaka.
Dù được lùi lại 6 tháng so với dự kiến nhưng bài phát biểu của ông Pence vẫn diễn ra vào một thời điểm nhạy cảm khi các nhà đàm phán thương mại từ cả hai phía dự kiến trao đổi về tiến triển xung quanh giai đoạn 1 của một thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung vào ngày mai 25/10.
Vốn là người có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc, ông Pence có thể dễ dàng nhân dịp này để bày tỏ sự không hài lòng của người Mỹ trước một số động thái của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, xét trong bối cảnh bài phát biểu được thực hiện chỉ vài tuần trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tới Chile và hy vọng đạt được thỏa thuận giai đoạn 1 với Trung Quốc, nhiều nhà phân tích nhận định từ trước khi ông Pence phát biểu, rằng so với năm ngoái, Phó Tổng thống Mỹ có lẽ sẽ phải mềm mỏng hơn trong ngôn từ.
theo Trí Thức Trẻ