Công Phượng đang được báo chí Bỉ liệt vào dạng “những bản hợp đồng mua không suy nghĩ” của Sint Truidense. Đã từ lâu lắm rồi, Công Phượng dường như bị “bỏ rơi” ở Bỉ.
1. Dẫu vậy, Công Phượngchưa phải là cầu thủ “phận hẩm” nhất ở Sint Truidense, mà lại là “đối thủ” của anh – Lee Seung-woo. Dù sao “Messi Việt Nam” cũng từng được ra sân 20 phút, còn Messi “Hàn Quốc” chưa được ra sân giây nào. Tệ hơn nữa, ngôi sao trẻ Hàn Quốc này còn bị HLV Marc Brys đuổi thẳng cổ ra khỏi sân tập, đồng thời ra lệnh cấm bén mảng đến sân tập của đội.
Theo báo chí Bỉ, sau khoảng thời gian vắng mặt do thủ tục visa, Lee Seung-woo tập luyện với thái đội cực kỳ chểnh mảng, vô kỷ luật và cho dù được nhắc nhở khá nhiều nhưng vẫn phớt lờ không thay đổi.
Về mặt logic, việc “Messi Hàn Quốc” bị HLV Marc Brys bỏ rơi sẽ khiến cơ hội được ra sân của “Messi Việt Nam” ở Sint Truidense tăng lên, và đó là điều đáng để người hâm mộ Công Phượng ăn mừng. Tuy nhiên khi nhìn dưới góc độ chuyên môn, điều đó chỉ làm tăng sự lo ngại về tương lai của tiền đạo Việt Nam ở châu Âu mà thôi.
Là bởi, từ bao giờ một cầu thủ trẻ châu Á – dù từng chơi cho Barcelona B và xuất thân từ lò La Masia, lại dám có thái độ khiến HLV phải “đuổi thẳng cổ” ở một CLB châu Âu? Nên nhớ ở thời điểm này, Lee Seung-woo đang rất khát khao được thể hiện mình hòng trở lại ĐTQG Hàn Quốc. Hành động đang diễn ra ở Sint Truidense của “Messi Hàn Quốc” đang khiến anh tự tay khép lại cánh cửa lên đội tuyển.
Mùa bóng này, đội bóng Bỉ đem về đến 14 cầu thủ mới. Họ mua cầu thủ rất ồ ạt, rất nhiều cầu thủ trùng vị trí với nhau, điển hình là Công Phượng và Lee Seung-woo. Sint Truidense không còn giống một CLB châu Âu, mà đang trở thành “trạm trung chuyển” cầu thủ châu Á từ khi rơi vào tay người Nhật. Rất khó đoán được ý đồ của Ban lãnh đạo Sint Truidense với việc mua cầu thủ “vô tội vạ” ở mùa bóng này, nhưng rõ ràng đặt chân đến đây là bước đi sai lầm của Công Phượng, không, của những người đẩy Phượng tới đây mới đúng.
Khác với Văn Hậu đang được CLB Heerenveen của Hà Lan cực kỳ chăm chút với các đãi ngộ đặc biệt và thường xuyên được ra sân trong đội hình young Heerenveen để hòa nhập với đội bóng mới, Công Phượng đã “mất tích” hẳn ở Bỉ, thậm chí còn không được ra sân ở những trận đấu của đội hình dự bị, và tất nhiên là không được đăng ký ở danh sách ra sân.
2. Tạm thời gạt qua một bên những lùm xùm ngoài chuyên môn ở Sint Truidense, vậy lý do nào khiến Công Phượng lại bị “thất sủng” dù được đặt rất nhiều niềm tin trong ngày được CLB Bỉ này mua về?
Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là năm 2019 kết thúc. Tính từ đầu năm đến giờ, “Messi Việt Nam” chỉ mới ghi được có 2 bàn thắng ở tất cả các mặt trận, cả ở ĐTQG lẫn CLB. Hai bàn thắng mà Công Phượng ghi được đều ở Asian Cup 2019 – khi đang khoác áo CLB HAGL, trước khi được Incheon United “trải thảm” rước về.ration7:27
Incheon United rõ ràng có lý khi muốn có được Công Phượng trong đội hình. Sint Truidense cũng có lý chẳng kém khi mượn Công Phượng từ HAGL. Tuy nhiên, cái sự “có lý” ấy là dựa trên hai bàn thắng mà anh ghi được ở Asian Cup 2019, cũng như vô số những bàn thắng trên băng hình. Tất cả đều dẫn đến một Công Phượng “sát thủ” trên hàng tiền đạo.
Tuy vậy, nên nhớ rằng hai bàn thắng Công Phượng ghi được ở Asian Cup 2019 là điểm sáng hiếm hoi của “Messi Việt Nam” dưới bàn tay của HLV Park Hang-seo. Ở hai trận đấu gần nhất của đội tuyển Việt Nam – trước Malaysia mà Indonesia, Công Phượng chỉ được ra sân vỏn vẹn có 45 phút.
Lý do cho sự sa sút của Công Phượng là gì?
Trong đội hình HAGL, hay U19 ngày nào, cũng như dưới tay HLV Hữu Thắng, Công Phượng là trung tâm của đội hình, là đích đến của những đường chuyền từ đồng đội, để tiền đạo này kết thúc. Hơn thế nữa, Công Phượng luôn được chơi cao nhất trong đội hình thiên về tấn công, thậm chí là tấn công đẹp mắt. Đấy cũng là lý do HAGL hay đội bóng trong tay HLV Hữu Thắng ghi được nhiều bàn, mà thủng lưới thì cũng chẳng hề ít.
Song trong tay HLV Park Hang-seo, cả U23 lẫn ĐTQG Việt Nam đều chơi thiên về phòng ngự, và Quang Hải, chứ không phải Công Phượng mới là “cái đinh” của đội hình. Hoàn cảnh đó khiến “Messi Việt Nam” trở nên lạc lõng, thiếu hẳn đi sự hỗ trợ của các đồng đội để phục vụ cho lối đá quen thuộc của mình.
Ở cả Incheon United lẫn Sint Truidense, hoàn cảnh cũng tương tự. Họ đều là những CLB trung bình yếu và chủ yếu sử dụng lối chơi phòng ngự, buộc các tiền đạo phải có khả năng tác chiến độc lập cao, hoặc phải cực kỳ có trách nhiệm phối hợp với các đồng đội, thậm chí là phải có cả khả năng phòng ngự từ tuyến đầu. Đây là điều Công Phượng không có được sau rất nhiều năm đã quá quen với cách chơi của HAGL, cách chơi được các đồng đội “phục vụ tận răng”.
Rõ ràng với sự “lệch tông” ấy, việc Công Phượng phải rời Incheon United hay “thất sủng” ở Sint Truidense là điều đã được báo trước. Công Phượng không thể thay đổi, mà chỉ có đội bóng thay đổi vì Công Phượng. Chỉ có duy nhất một CLB hiện tại đáp ứng được điều ấy – HAGL.
Quay về với “cái nôi” yên ấm của mình thôi, Công Phượng. May mắn, đội bóng phố Núi lúc nào cũng là ngôi nhà dang rộng vòng tay chào đón “đứa con lưu lạc”. Nhiệm vụ “mở đường” cho bóng đá Việt ra châu Âu đã xong rồi, đến lúc phải buông tay rồi, Messi Việt Nam!
theo Trí Thức Trẻ