Bộ trưởng Hải quân Mỹ Richard Spencer hôm thứ Tư (23/10) cho biết, để đối phó với mối đe dọa từ Trung Quốc, Mỹ cần phải xem cách bày binh bố trận của Bắc Kinh và áp dụng phương thức “tổng lực của toàn chính phủ”.
Ông Richard Spencer đã thấy Mỹ đang có một đối thủ cạnh tranh không phân biệt giữa quân sự và dân sự, ông gọi đây là cách tiếp cận “tổng lực toàn chính phủ” của phía Bắc Kinh, theo SCMP.
Vì thế, ông Spencer, người từng giữ chức quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh, Mỹ cũng phải vận dụng binh pháp tương tự.
Bộ trưởng Hải quân Mỹ cho rằng Lầu Năm Góc cần nỗ lực phối hợp với các cơ quan khác của chính phủ Mỹ như Bộ Thương mại, Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp để có cách tiếp cận toàn diện trong việc đối phó với Trung Quốc.
Vào tháng 6, Lầu Năm Góc đã mở một cơ quan mới với mục đích duy nhất là giám sát các vấn đề của Trung Quốc – đánh dấu nỗ lực mới nhất của Bộ Quốc phòng nhằm chống lại ảnh hưởng mở rộng của Bắc Kinh.
Bộ trưởng Spencer cho rằng cách tiếp cận “tổng lực” đòi hỏi Mỹ phải có sự trông cậy lớn hơn vào các đồng minh của Washington tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.
“Chúng ta sẽ mạnh hơn nếu chúng ta hợp tác chặt chẽ hơn với Thủy quân lục chiến, các lực lượng phối hợp, các đồng minh và đối tác của chúng ta”, Bộ trưởng Spencer nhận định.
“Chúng ta đang bao trùm toàn bộ Thái Bình Dương. Tôi nhìn thấy New Zealand, nhìn thấy Australia… Tôi cũng thấy những gì chúng ta đang làm với Hàn Quốc và những hoạt động truyền thống của chúng ta với Nhật Bản. Đây đều là những quốc gia đi đầu và có đóng góp quan trọng. Chúng ta phải cùng làm với nhau. Mỹ sẽ không mang đến đây những con tàu lớn, những khẩu súng mạnh và nói ‘đi theo chúng tôi’”, Bộ trưởng Hải quân Mỹ cho biết thêm.
Washington đang tìm cách duy trì sự hiện diện quân sự của mình trong khu vực giữa bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Bắc Kinh và một số quốc gia Đông Nam Á về tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.
Vào tháng 8, Mỹ đã đưa tàu sân bay USS Ronald Reagan cùng các tàu tác chiến, với khoảng 7.500 quân tới Philippines để thể hiện sức mạnh quân sự.
TTVN