Mâu thuẫn Mỹ – Trung hiện nay đã trở thành diễn biến đáng chú ý nhất trên thế giới. Vậy nguyên nhân gốc rễ của nó là gì, chúng ta cùng nhìn nhận về đặc điểm khác biệt giữa hai chính quyền để nhận định.
Các đặc điểm của chính quyền Trung Quốc
Tư tưởng chính thức là vô thần. Phủ nhận tất cả các hệ tư tưởng hữu thần, không chịu chế ước bởi các tiêu chuẩn đạo đức truyền thống, vốn đều xuất phát từ các tôn giáo lớn.
Về mặt chính trị là độc tài toàn trị, không chia sẻ quyền lực chính trị với bất cứ lực lượng nào khác, tất cả đều hướng tới quyền lực tuyệt đối.
Tất cả các đức tin, tôn giáo tại Trung Quốc đều bị đàn áp, mục đích là khống chế tôn giáo phục vụ quyền lực chính trị tuyệt đối.
Truyền thông nói riêng và tuyên truyền nói chung là một chiều và bị khống chế nghiêm ngặt, gồm cả internet.
Chính quyền Trung Quốc có quyền diễn giải luật pháp, thay đổi luật pháp nhằm đạt quyền lực chính trị, khống chế dân chúng, bao gồm cả người nước ngoài tại Trung Quốc. Các cơ quan như Quốc hội, Toà án thực chất là đóng vai trò hợp thức hoá quan điểm của chính quyền Trung Quốc.
Về phía nước Mỹ
Gốc lập pháp của Hoa Kì là Cơ Đốc giáo, quyền phán xét bề mặt là Hiến pháp và luật, nhưng quyền phán xét chi phối ngầm, thực chất là các tiêu chuẩn đạo đức trong Kinh Thánh.
Về mặt chính trị, thể chế cộng hoà tam quyền phân lập, tự do đảng phái, tự do ngôn luận.
Chính quyền Mỹ luôn có xu hướng bảo vệ tự do tôn giáo ở cả bên trong và bên ngoài nước Mỹ. Khả năng thực thi của Hiến pháp và Luật pháp Mỹ được coi là ở mức hiện thực cao trên thế giới.
Mâu thuẫn là tất yếu
Các hành động gian lận thương mại (lừa đảo), cưỡng ép chuyển giao công nghệ (ăn cướp), gián điệp công nghệ (ăn cắp)…của chính quyền Trung Quốc đều xuất phát từ việc các hành động không chịu ước chế của các tiêu chuẩn đạo đức. Các tiêu chuẩn đó vốn đều xuất phát từ tín ngưỡng truyền thống, cũng là tiêu chuẩn mà các quốc gia bình thường đều tuân theo.
Chính quyền Trung Quốc tự đặt ra luật lệ, nhưng bản thân lại không chịu sự kiểm soát của các luật lệ. Bởi tư pháp không độc lập, sẽ dẫn tới tình trạng xử lý vi phạm không nghiêm minh, thúc đẩy vi phạm sở hữu trí tuệ.
Với nước Mỹ, công nghệ và sở hữu trí tuệ là những yếu tố cơ bản tạo nên sức mạnh của nền kinh tế.
Một bên sáng tạo, một bên ăn cắp, một bên sòng phẳng, bên kia lừa đảo sẽ tất yếu dẫn đến kết cục mâu thuẫn.
Quyền lực tuyệt đối cũng giúp chính quyền Trung Quốc thao túng tiền tệ, hạ thấp mức lương nhân công, hạ thấp tiêu chuẩn an toàn sản xuất và tiêu chuẩn ô nhiễm môi trường, nhằm tạo ra giá thành sản phẩm cực thấp. Từ đó cạnh tranh không công bằng với doanh nghiệp Mỹ, huỷ hoại nền kinh tế Mỹ.
Tự do ngôn luận, tự do thông tin, tự do cá nhân cũng là những giá trị mặc nhiên tại Mỹ. Trong khi người của chính quyền Trung Quốc được hưởng tự do tại Mỹ, thì người Mỹ tại Trung Quốc lại bị khống chế. Thậm chí đến nay, ngay tại Mỹ thì chính quyền Trung Quốc dùng lợi ích kinh tế tại Trung Quốc làm con tin để khống chế rất nhiều người Mỹ. Sự kiện Trung Quốc ép Bóng rổ Nhà nghề Mỹ NBA gần đây là một ví dụ điển hình.
Trong quan hệ quốc tế, chính quyền Trung Quốc khống chế chính phủ các quốc gia nhằm lợi dụng tài nguyên các quốc gia đó, gây thiệt hại cho lợi ích của Mỹ và lũng đoạn quan hệ quốc tế. Một ví dụ gần Việt Nam nhất là biển Đông, chính quyền Trung Quốc khống chế các nước nhỏ nhằm kiểm soát tài nguyên và tự do hàng hải, trực tiếp động chạm đến quyền lợi của Mỹ và đồng minh.
Các cuộc đàn áp tín ngưỡng của chính quyền Trung Quốc, động chạm sâu sắc đến tinh thần tự do tín ngưỡng mà người Mỹ tôn thờ. Đặc biệt là chính quyền Mỹ hiện tại, với đức tin mạnh mẽ, đã thực hiện hàng loạt các trừng phạt với quan chức chính quyền Trung Quốc. Nhiều quan chức Mỹ chính thức coi các quan chức chính quyền Trung Quốc như những kẻ khủng bố man rợ.
Sự gian dối trong thực hiện các thoả thuận của chính quyền Trung Quốc, làm cho quá trình đàm phán phức tạp hơn, do phải đặt nặng vào hệ thống các giải pháp đảm bảo thực thi. Chữ “Tín” không còn nằm trong đầu các quan chức Trung Quốc, nó là một trong những giá trị mà chính quyền Trung Quốc đã phá huỷ từ hồi Đại cách mạng văn hoá.
Nhận định
Văn hoá truyền thống Đông phương chủ yếu truyền ra từ ba tôn giáo lớn: Phật gia giảng Thiện và nhân quả, Nho gia giảng Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín, Đạo gia giảng Chân, và đạo lý thuận theo tự nhiên. Các chính giáo lớn Tây phương cũng truyền ra xã hội các giá trị như trên, chỉ là ngôn ngữ biểu hiện khác nhau.
Sau các cuộc đàn áp tín ngưỡng và phá huỷ văn hoá truyền thống tại Trung Quốc, ngày nay cả quan chức và người dân Trung Quốc, có chăng chỉ còn biết tới các giá trị đạo đức truyền thống đó trên bề mặt. Hành xử vô đạo đức đã trở thành thói quen không thể nhận ra, lại càng không thể thay đổi.
Mâu thuẫn trong quan hệ Mỹ – Trung hiện nay xuất phát từ sự khác biệt về những giá trị căn bản mà hai bên theo đuổi. Một bên là chính quyền Trung Quốc vô thần, phủ nhận các tiêu chuẩn đạo đức truyền thống, bên kia là một nước Mỹ với một chính quyền có đức tin mạnh mẽ, coi việc tuân thủ các tiêu chuẩn đạo đức theo thông lệ là sức mạnh uy tín của quốc gia.
Nói chung, hai bên rất khó hiểu được nhau, bởi vì mỗi bên dựa trên một hệ giá trị hoàn toàn đối lập nhau.
Quan điểm truyền thống nhìn nhận rằng “Nhân chi sơ tính bản thiện”. Do vậy, nếu được tự do lựa chọn, con người sẽ lựa chọn truyền thống, lựa chọn đạo đức và thiện lương. Xu hướng phản kháng lại một lực lượng phi truyền thống, vô đạo đức như chính quyền Bắc Kinh, không chỉ là của riêng chính quyền Mỹ, mà đó là xu hướng chung của nhân loại ngày nay.
ĐKN