Để truyền thông hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp, mô hình khởi nghiệp sáng tạo, cần tăng cường chuẩn hóa kiến thức về khởi nghiệp sáng tạo cho đội ngũ báo chí, truyền thông
Truyền thông cho khởi nghiệp còn hạn chế
Trong nhiều năm qua, kể từ thời điểm Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến 2025 (Đề án 844) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai đồng bộ trên nhiều lĩnh vực, khái niệm khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo đã được tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, những câu chuyện truyền thông hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo vẫn chưa thực sự đáp ứng nhu cầu được đồng hành của các doanh nghiệp khởi nghiệp, cũng như nhiều người làm truyền thông vẫn còn lúng túng khi chọn chủ đề trong lĩnh vực này.
Nói về vấn đề này, theo ông Nguyễn Việt An (Văn phòng đề án 844), mặc dù đóng vai trò rất quan trọng nhưng hiện nay, hoạt động truyền thông về khởi nghiệp sáng tạo vẫn còn hạn chế về chủ đề truyền tải, chưa thực sự được đáp ứng kịp thời với nhu cầu phát triển của các lĩnh vực, cũng như chưa chạm đến vấn đề cốt lõi mà những người quan tâm đến khởi nghiệp sáng tạo muốn biết.
Theo đại diện dự án Ella Study – nền tảng trực tuyến kết nối du học sinh trong nước và quốc tế, trong quá trình khởi nghiệp sáng tạo cần truyền thông hỗ trợ qua nhiều giai đoạn. Vì truyền thông với khởi nghiệp như con dao hai lưỡi, nên truyền thông khi thực hiện hoạt động này cần phải có thông tin minh bạch, đa chiều và ko nên ‘đẩy’ quá xa khi ý tưởng/dự án sản phẩm chưa mang lại những giá trị đích thực, hoặc chưa thực sự hoàn thiện.
Viết gì cho khởi nghiệp sáng tạo? Theo các nhà báo và người làm truyền thông các địa phương, đó là giới thiệu về mô hình điển hình, vai trò của các nhà đầu tư, cách thức nhận diện và kết nối với các nhà đầu tư, hệ thống pháp lý và chính sách để các dự án khởi nghiệp phát triển…
Theo ông Hoàng Quốc Lê, khách mời đến từ Trung tâm Tin tức VTV 24, có nhiều lý do khiến các nhà báo và người làm truyền thông bị các doanh nghiệp khởi nghiệp từ chối. Do vậy, cách tốt nhất để mỗi phóng viên tiếp cận được các dự án/doanh nghiệp khởi nghiệp là sống trong bầu không khí khởi nghiệp của họ, kết nối và tạo được mối quan hệ đủ tin cậy, sẵn sàng chia sẻ.
Theo các chuyên gia, để truyền thông hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp, mô hình khởi nghiệp sáng tạo cần tăng cường chuẩn hóa kiến thức về khởi nghiệp sáng tạo cho đội ngũ báo chí, truyền thông. Đây là hoạt động cần ưu tiên nhằm giúp các thông điệp về khởi nghiệp sáng tạo khi được lan tỏa rộng sẽ đem lại nhiều kết quả tích cực.
Qua đó, tăng cường kết nối đào tạo, tư vấn từ trung ương đến với địa phương. Các hoạt động truyền thông về khởi nghiệp sáng tạo cần được tổ chức với sự tham gia của chuyên gia từ trung ương cùng các thông tin, giải pháp tư vấn phù hợp với địa phương.
Bên cạnh đó, việc xác định cách thức bắt đầu khởi nghiệp sáng tạo từ địa phương – đây cũng là câu hỏi đã được phóng viên đặt ra với nhiều chuyên gia tư vấn về khởi nghiệp từ các tập đoàn lớn và quản lý nhà nước. Qua đó, xác định có thể bắt đầu bằng những đặc thù, lợi thế của địa phương để ứng dụng hiệu quả công nghệ nền tảng, áp dụng các mô hình kinh doanh của các tổ chức lớn trong và ngoài nước.
Mô hình kinh doanh các sản phẩm đặc sản, dịch vụ khai thác lợi thế vùng miền sẽ tạo động lực cho đội ngũ thanh niên trẻ quay trở về khởi nghiệp sáng tạo trên chính quê hương mình. Ngoài ra, các địa phương cần tăng cường quảng bá tiềm năng phát triển kinh tế, du lịch, văn hóa vùng miền để có thể thu hút doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Hoạt động truyền thông về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cũng không thể nằm ngoài các hoạt động thúc đẩy thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, sản phẩm từ các chương trình như “Phát triển thị trường khoa học và công nghệ đến năm 2020 (Chương trình 2075)”; từ các chương trình, đề tài, dự án được đầu tư hoàn thiện bởi ngân sách các địa phương – Các sản phẩm này có thể trở thành công nghệ nền tảng để tạo ra các mô hình khởi nghiệp sáng tạo. Cơ sở dữ liệu và cách thức khai thác các nguồn công nghệ nền tảng, do vậy cần được tăng cường truyền thông ngay từ địa phương để thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư và đội ngũ khởi nghiệp sáng tạo.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Cao Xuân Nhật, Phó Giám đốcTrung tâm Hợp tác Trí tuệ Việt Nam lại đề nghị, những người làm công tác truyền thông về khởi nghiệp từ khắp các vùng miền cần kết nối chặt chẽ, tạo thành mạng lưới bền vững và hỗ trợ tích cực lẫn nhau. Làm được điều này, mạng lưới sẽ tận dụng hiệu quả hoạt động của mỗi thành viên, từ đó nâng cao hiệu quả hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo từ góc độ truyền thông.
Theo VietQ.vn