Sự cố nguồn cung cấp nước sạch cho hơn 1 triệu người dân Hà Nội bị nhiễm bẩn thời gian vừa qua đã cho thấy nguy cơ mất an ninh nguồn nước là vấn đề hiện hữu do sự thiếu kiểm soát của chính quyền, tắc trách của đơn vị cung cấp…
Việc bảo vệ tài nguyên nước, cụ thể là nước dùng cho sinh hoạt, đã được quy định trong nhiều văn bản gồm có:
-Luật Tài nguyên nước số 17/2012/QH13;
-Nghị định số 43/2015/NĐ-CP Quy định lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước;
-Nghị định số 117/2007/NĐ-CP về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch;
-Thông tư số 41/2018/TT-BYT về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch dùng cho mục đích sinh hoạt.
Đối với việc bảo vệ an ninh nguồn nước dùng cho Công ty CP đầu tư nước sạch sông Đà, UBND tỉnh Hoà Bình đã ban hành nhiều văn bản liên quan, bao gồm: Văn bản số 1229 năm 2014 và Quyết định số 14 năm 2018 phê duyệt vùng bảo hộ, phương án bảo vệ nhà máy nước sạch của Công ty CP nước sạch Hòa Bình và Công ty CP đầu tư nước sạch sông Đà trong đó có các đoạn kênh dẫn nước vào hồ Đầm Bài.
Ngoài ra, tỉnh còn có Quyết định số 92 năm 2018 về việc phê duyệt danh mục các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ trong đó có nguồn nước sông Đà; Quyết định số 90 năm 2019 phê duyệt phương án cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước và chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi hồ Đầm Bài, trong đó tỉnh đã thực hiện việc cắm 86 mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình và hành lang bảo vệ nguồn nước hồ Đầm Bài.
Các văn bản quy phạm pháp luật cấp trung ương và địa phương nói trên đều đã quy định rõ những nội dung:
Bảo vệ tài nguyên nước là trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân và phải lấy phòng ngừa là chính (Điều 3, Luật Tài nguyên nước)
Chính quyền địa phương các cấp có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên nước tại địa phương, gồm (i) Xác định và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt trong phạm vi địa phương, (ii) Công bố thông tin chất lượng nguồn nước sinh hoạt, cảnh báo hiện tượng bất thường về chất lượng của nguồn nước sinh hoạt đối với các nguồn nước trên địa bàn, và (iii) Thực hiện các biện pháp bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt tại địa phương (Điều 25 và 32, Luật Tài nguyên nước)
Tổ chức, cá nhân khai thác nước để cấp nước cho sinh hoạt phải thường xuyên quan trắc, theo dõi chất lượng nguồn nước sinh hoạt và bảo đảm chất lượng đối với nguồn nước do mình khai thác (Điều 32, Luật Tài nguyên nước); phải có nhiệm vụ tổ chức lực lượng bảo vệ an toàn hệ thống cấp nước do mình quản lý (Điều 57, Nghị định số 117/2007/NĐ-CP).
Như vậy, các quy định hiện hành liên quan đến bảo vệ an ninh nguồn nước đã được đưa ra tương đối đầy đủ, nhưng trên thực tế qua sự cố đổ dầu thải tại vùng nước nguồn của Nhà máy nước sạch sông Đà, có thể thấy việc bảo vệ, giám sát an ninh, an toàn nguồn nước còn rất lỏng lẻo. Bất kỳ cá nhân nào cũng có thể xâm phạm hành lang bảo vệ và gây nguy hại cho an toàn của nguồn nước, cho dù đó là hành vi dễ dàng lộ diện như một chiếc xe tải và hàng ngàn lít dầu thải.
Cũng sau sự việc đổ chất thải ở Nhà máy nước sông Đà, người dân mới có dịp hiểu rõ hơn nguồn cung nước mà Nhà máy này xử lý không được khai thác chủ yếu từ sông Đà mà từ hồ Đầm Bài và rất nhiều nhánh suối nhỏ đi qua khu dân cư và các trại chăn nuôi. Tại con suối chảy ra hồ Đầm Bài cũng là nơi xả các chất thải, hóa chất xử lý nước của chính Nhà máy nước sông Đà. Câu hỏi đặt ra là liệu đã có đánh giá tác động môi trường của việc xả thải ngay vào hồ nước ngọt rồi lại lấy nước từ hồ vào kênh dẫn của trạm bơm nhà máy nước sạch Sông Đà?
Việc chính quyền địa phương lẫn Công ty nước sạch sông Đà chậm trễ công bố thông tin về sự cố đổ dầu thải khiến hàng triệu người dân Hà Nội phải sử dụng nước nhiễm dầu trong gần một tuần, nhưng hiện tại dường như toàn bộ trách nhiệm lại đang được dồn về cho 3 nghi can mới bị bắt vì đổ trộm dầu thải.
Trong buổi họp báo tại UBND tỉnh Hoà Bình chiều 17/10, lãnh đạo tỉnh cho rằng về mặt văn bản quy phạm liên quan đến an ninh nguồn nước, tỉnh đã ban hành đầy đủ, thậm chí đã cắm được 86 mốc chỉ giới. Ngoài ra, tỉnh còn “vào cuộc sớm và quyết liệt” khi… 6 ngày sau sự cố đã xuống hiện trường kiểm tra khu vực bị đổ dầu thải lấy mẫu. Do đó, trách nhiệm còn lại thuộc về Công ty nước sạch sông Đà, vốn phải kiểm tra chất lượng nước trước khi đưa vào xử lý, đảm bảo quy chuẩn về mặt vệ sinh mới được cấp cho khách hàng.
Còn phó Giám đốc Công ty nước sạch sông Đà, ông Bùi Đăng Khoa, cho biết “công ty đã áp dụng tất cả biện pháp cần thiết để đảm bảo chất lượng nước đạt tiêu chuẩn,” đồng thời trả lời “chúng tôi là nạn nhân lớn nhất” khi được hỏi có đền bù thiệt hại cho người dân bị ảnh hưởng bởi nước sạch ô nhiễm hay không.
Trong khi “quả bóng” trách nhiệm được đá qua lại giữa chính quyền địa phương và Công ty nước sạch sông Đà, thì gần 1 triệu dân thủ đô bị ảnh hưởng vẫn kiên nhẫn xếp hàng để được xe téc cấp phát nước. Công ty sông Đà cắt nước 1 ngày khiến cuộc sống, sinh hoạt của người dân đảo lộn, nên khi nước được cấp lại, cho dù chỉ tiêu chất lượng chưa được kiểm chứng nhưng người dân không còn lên tiếng thắc mắc thêm nữa.
Với nhiều người dân, giải pháp của họ chỉ là tích trữ thêm dụng cụ trữ nước, đi mua máy lọc nước, tìm hiểu xem những nguồn cung khác (nhà cung cấp khác, đào giếng khoan), hay thậm chí tìm thuê chỗ khác hoặc đi ở nhờ vài hôm chờ cho sự cố qua đi. Tâm lý “mọi việc đã có Nhà nước lo” đã khiến nhiều người dần mất đi ý thức tự bảo vệ quyền lợi chính đáng cho bản thân và gia đình, thay vì tự quan tâm tới việc quản lý, giám sát và phản biện đối với các hoạt động cấp nước.
Từ lâu sự im lặng thường bị nhầm lẫn với thái độ trung lập… Chúng tôi không thể chắc chắn rằng ngôn từ luôn có thể cứu được sinh mạng, nhưng chúng tôi biết rằng sự im lặng chắc chắn có thể giết người. – James Orbinski.
Việc im lặng chịu đựng hay dễ dàng thỏa hiệp sẽ không làm cho tình hình được cải thiện, và những biện pháp ngắn hạn tạm thời của người dân nhằm giúp bản thân tạm lánh xa khỏi sự việc chỉ tạo ra cảm giác an toàn giả tạo. Những thảm họa tương tự sẽ có thể xảy đến bất kỳ lúc nào nếu không có những tiếng nói mạnh mẽ đòi hỏi sự thay đổi triệt để.
Đó trước hết là thay đổi nhận thức tự thân, xa hơn là đến gia đình, bè bạn, hàng xóm, cộng đồng, và cuối cùng là sự đòi hỏi những người lãnh đạo đất nước phải xem an ninh nguồn nước quan trọng như an ninh quốc gia.
Tại nhiều quốc gia trên thế giới, bảo vệ an ninh nước sạch, nước ngầm được đặt ngang hàng an ninh quốc gia. Thậm chí, điện có thể để tư nhân kinh doanh khai thác, nhưng nước thì phải do Chính phủ kiểm soát. Đồng thời, việc cố ý đầu độc hay gây độc, ô nhiễm nguồn nước được coi là cực kỳ nghiêm trọng, tương đương tội khủng bố, hay cố ý giết người hàng loạt.
Mất an toàn nguồn nước có thể dẫn đến những thảm họa tàn khốc, như việc cả một thành phố bị đầu độc, hay xa hơn là cả một quốc gia chết dần vì bệnh tật, thiếu nước. Do đó, thiếu kiểm soát an toàn nguồn nước, khai thác bừa bãi tài nguyên nước, làm ô nhiễm nước, lãng phí nước v.v phải được coi là những hiểm hoạ đe doạ an ninh quốc gia.
Tuệ Minh