“Tiền lương có xứng đáng không” luôn là chủ đề dễ gây tranh cãi. Nhân viên phàn nàn công ty trả lương không thích đáng, môi trường làm việc không xứng tầm. Chủ doanh nghiệp thì lo ngại nhân viên không làm hết trách nhiệm, không xứng với chi phí họ bỏ ra.
Gần đây, một vụ việc xảy ra tại Mỹ đã khiến cộng đồng mạng tranh luận sôi nổi với nhiều ý kiến trái chiều: Một nhân viên trẻ của một tập đoàn đa quốc gia đã bị sa thải sau khi đăng công khai một bức thư gửi Tổng giám đốc (CEO) của tập đoàn để phàn nàn về mức lương không đủ sống của mình.
Chỉ trích mạnh mẽ nhất đối với nhân viên này đến từ một nữ biên kịch từng có một hoàn cảnh khó khăn tương tự. Lời lẽ của cô dù có phần nghiêm khắc, nhưng cũng đáng để suy ngẫm đối với các bạn trẻ không chỉ người Mỹ mà cả người Việt.
Ca thán về tiền lương?
Cô Talia Jane, 25 tuổi, cử nhân chuyên ngành tiếng Anh, đã chấp nhận vào làm ở bộ phận chăm sóc khách hàng của Tập đoàn Yelp sau khi chật vật không tìm được việc làm trong ngành báo chí. Được trả mức tiền lương tháng 1.466 USD (khoảng 33 triệu đồng), Talia gặp khó khăn trong cuộc sống sinh hoạt và đã viết một bức thư gửi anh Jeremy Stoppelman, CEO của tập đoàn Yelp, sau đó đăng công khai trên trang blog Medium.
Cô Talia Jane, 25 tuổi.
Trong bức thư, Talia phàn nàn về cuộc sống khó khăn của cô, kể lể chi tiết từ chi phí đi lại đến chi phi ăn ở. Cô nói rằng tiền lương của cô tại tập đoàn Yelp thấp đến nỗi cô hầu như phải ăn cơm trắng khi ở nhà, và rằng chi phí thuê nhà ở khu vực San Francisco quá đắt và cô phải trả dành đến 80% tiền lương cho việc thuê nhà, chưa kể mỗi ngày mất 11,30 USD (khoảng 250 nghìn đồng) tiền đi lại, vậy là cô chẳng còn lại là bao để chi tiêu.
Chỉ 2 tiếng sau khi đăng bức thư lên trang blog, Jane đã bị sa thải, mà theo cô đó là quyết định từ CEO của tập đoàn. Anh Stoppelman đã nhận phải nhiều lời chỉ trích về việc trả lương thấp và sa thải Jane, tuy rằng anh này khẳng định trên trang Twitter cá nhân rằng mình không hề liên quan đến vụ việc.
Jane cũng nhận được nhiều ý kiến đồng cảm và phê phán từ cư dân mạng, trong đó nổi bật nhất là “bức thư ngỏ gửi các bạn trẻ như Talia“ của cô Stefanie Williams, một nữ biên kịch từng vươn lên từ một hoàn cảnh tương tự.
Hay vươn lên từ hoàn cảnh?
Cô Stefanie Williams, 29 tuổi đã viết một bức thư công khai gửi tới Jane rằng việc ca thán về tiền lương là không có gì hay ho, và lên án “nhận thức về đạo đức nghề nghiệp” của Jane.
Cô Stefanie Williams, 29 tuổi.
Williams kể rằng vào tuổi 22, cô đã bị sa thải khỏi công việc đầu tiên mà cô có được sau khi tốt nghiệp đại học. Thay vì ngồi ở nhà và khóc lóc, cô đã chấp nhận làm nhân viên lễ tân nhà hàng để kiếm sống, sau đó trở thành nhân viên phục vụ cocktail, và nhân viên quầy bar.
Williams cho biết, nhờ làm việc chăm chỉ, cô đã có thể chuyển tới sống ở thành phố và cũng có đủ thời gian để viết lách. Ở tuổi 26, cô ký được hợp đồng với một trong những công ty đại diện tài năng lớn nhất thế giới mang tên United Talent Agency.
Williams viết cho Jane rằng:
“Em là một phụ nữ nói tiếng Anh trẻ tuổi, da trắng, có bằng cấp và có một gia đình mà tôi cho là đang giúp đỡ em trong lúc này, thế mà em lại đi xin của bố thí từ những người xa lạ, trong khi đó em ngồi ịch một chỗ, tìm kiếm những công việc nhàn hạ mà mình không có được và em phàn nàn về công ty [mà mình đang làm], mà có lẽ là với một chiếc máy tính xách tay loại tốt [của công ty]”.
“Đối với em, công việc đó còn tử tế hơn là làm việc trong một nhà hàng hay một quán cà phê, hay một nơi bán đồ ăn nhanh. Đó không chỉ là vấn đề về cách nhìn nhận của em, mà còn là của rất nhiều người cùng trang lứa với em. Em nghĩ rằng đi xin tiền những người xa lạ bằng một bức thư ngỏ ‘dí dỏm’ thì ấn tượng hơn việc xắn quần lên và chấp nhận một công việc mà em cho là đáng xấu hổ để kiếm sống. Là một người từng không chỉ làm “công việc đáng xấu hổ”, mà còn vươn lên nhờ nó, tích trữ được tiền nhờ nó và tìm thấy con đường sự nghiệp thông qua nó, chị thật sự ghê tởm thái độ của em”.
Khi có lời nhận xét rằng cô không nên quá gay gắt đối với Jane, Williams nói rằng không phải cô thiếu thông cảm đối với hoàn cảnh của Jane mà là cô không đồng tình đối với “quyết định sai lầm” và “hành động van nài” của Jane.
Cô cũng nhấn mạnh rằng Jane, người từng nhận được hàng ngàn đô la tài trợ từ quỹ GoFundMe, lẽ ra không khó tìm việc khi mà Jane là một người “khỏe mạnh, có năng lực, da trắng, có trình độ và thông thạo tiếng Anh”.
Đạo đức nghề nghiệp
Những tranh cãi xung quanh sự việc của cô Talia Jane khó mà có được nhận định nhất quán, tuy vậy nữ biên kịch Williams đã nêu ra một khía cạnh quan trọng đối với người lao động mà nhiều khi ít được chú ý – đạo đức nghề nghiệp (work ethic).
Ở Việt Nam, nhiều bạn trẻ có khuynh hướng phàn nàn mức lương và điều kiện làm việc của công ty, họ làm việc với tâm thái “nơi này không xứng với tôi”, và luôn tìm kiếm cơ hội “nhảy việc” để có được công việc tốt hơn cho bản thân.
Tất nhiên, nỗ lực tìm kiếm công việc tốt hơn không phải là xấu, nhưng rất có thể họ đang bỏ lỡ cơ hội trau dồi kinh nghiệm cho bản thân do không tận tâm làm việc trong môi trường hiện tại, và nhiều khi chính họ lại không xứng đáng với mức lương mà công ty bỏ ra.
Vậy nên, điều quan trọng đối với người lao động là hết sức tận tâm trong công việc mình làm, dù đó là công việc quản lý hay bồi bàn thì cũng cần làm với tất cả lòng nhiệt thành và trách nhiệm, đó là đạo đức nghề nghiệp mà nhà tuyển dụng nào cũng trân trọng.
Theo ĐKN