Tờ Forbes hôm 17/10 đưa tin, các ngư dân Việt Nam gần đây đã vô cùng bất ngờ khi thấy một tàu ngầm khổng lồ của Trung Quốc đột nhiên nổi lên giữa các tàu đánh cá của họ gần Hoàng Sa.
Sự việc xảy ra từ hồi tháng 9 nhưng gần đây mới được tiết lộ qua mạng xã hội.
Đây là một tàu ngầm thuộc lớp Tấn (Jin-class), loại tàu ngầm nguyên tử hiện đại nhất Trung Quốc nặng 11.000 tấn, được trang bị tên lửa đạn đạo. Các tàu ngầm nguyên tử loại này có thể lặn sâu dưới lòng biển trong nhiều tháng trời, giấu mình dưới những ngọn sóng trong suốt thời gian hoạt động.
Vì vậy, theo nhận định của nhà phân tích quốc phòng H.I. Sutton, việc chiếc tàu phải bất ngờ nổi lên giữa các tàu đánh cá nước khác là điều vô cùng bất thường. Việc đó cho thấy có điều bất ổn nghiêm trọng gì đó đã xảy ra khiến con tàu bất đắc dĩ phải hy sinh lợi thế hoạt động ngầm của mình.
Tờ Forbes cũng nhắc lại hồi năm 1984, một tàu ngầm Liên Xô đã bị dính vào lưới của một tàu đánh cá Na Uy. Sau nhiều giờ vùng vẫy mà không thoát, chiếc tàu ngầm đành phải trồi lên mặt nước, bị lộ tẩy là đang hoạt động ở ngoài khơi các nước NATO.
Tệ hơn nữa vào năm 1990, một tàu ngầm của Anh đã sa lưới của một tàu đánh cá nhỏ ngoài khơi Scotland, khiến tất cả 4 thủy thủ thiệt mạng.
Do đó nhà phân tích Sutton suy luận rằng, chiếc tàu ngầm Trung Quốc có thể đã bị dính lưới, hoặc sợ mắc lưới của các tàu cá Việt Nam, nên đã trồi lên để tránh bị nạn.
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 6 chiếc tàu như trên được chế tạo, thuộc căn cứ ở Tam Á, trên đảo Hải Nam, cách Hoàng Sa chưa đầy 200 hải lý. Đội tàu này đã trở thành lực lượng răn đe hạt nhân chủ lực của Trung Quốc trên biển.
Trong một diễn liên quan, hôm 15/10, tại hội nghị cấp cao ASEAN – Trung Quốc về thực hiện Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông, Việt Nam đã tố cáo Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, gây tác động tiêu cực cho an ninh khu vực.
Ngay sau đó một ngày, Trung Quốc một lần nữa kêu gọi đối thoại hòa bình với Việt Nam trong các vấn đề ở Biển Đông.
“Chúng tôi hy vọng Việt Nam sẽ tiếp tục giải quyết bất đồng trên biển thông qua đối thoại và thương lượng, nhằm duy trì hòa bình và ổn định tại Biển Đông qua các hành động thiết thực”, người phát ngôn bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảng phát biểu trong một cuộc họp báo hôm 16/10.
Đây là lần thứ hai phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc đưa ra lời kêu gọi đối thoại. Trước đó hôm 18/9, khi được hỏi về việc phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng tố cáo Bắc Kinh đưa tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 xâm phạm bãi Tư Chính, Cảnh Sảng khẳng định các hoạt động của Trung Quốc tại Biển Đông là “hợp pháp, chính đáng và không thể chê trách”.
“Chúng tôi mong muốn tiếp tục làm việc với phía Việt Nam để giải quyết một cách đúng đắn vấn đề thông qua tham vấn hữu nghị”, ông Cảnh Sảng nói.
Thùy Linh (t/h)