Theo Bloomberg, Hồng Kông hiện không đánh thuế thừa kế và thuế trên thặng dư vốn, chính vì vậy tầng lớp giàu có ngày một giàu hơn.
Trong suốt 25 năm qua, Hồng Kông vẫn là nền kinh tế tự do nhất thế giới, một phần nhờ vào chính sách thuế thấp cũng như các quy định pháp quyền. Thế nhưng bất bình đẳng xã hội ngày một tồi tệ hơn đã tạo ra tình trạng bất ổn tồi tệ nhất tính từ khi Hồng Kông được trả về dưới quyền kiểm soát của Trung Quốc đại lục vào năm 1997.
Theo Bloomberg, Hồng Kông hiện không đánh thuế thừa kế và thuế trên thặng dư vốn, chính vì vậy tầng lớp giàu có ngày một giàu hơn. Tổng tài sản của 20 người giàu nhất Hồng Kông trong đó có bao gồm một số tên tuổi nổi tiếng như tỷ phú Lý Gia Thành hay ông Lee Shau Kee được ước tính ở mức khoảng 210 tỷ USD, theo chỉ số tỷ phú Bloomberg.
Ngược lại, chỉ số bất bình đẳng thu nhập của Hồng Kông, tính theo Gini, cao nhất đối với bất kỳ nền kinh tế phát triển nào trong năm 2016 và hiện ở mức cao nhất trong 45 năm. Cứ 5 người Hồng Kông thì có 1 người sống trong cảnh đói nghèo.
Trong bài phát biểu trước các nhà hoạch định chính sách Hồng Kông vào ngày thứ Tư, trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, nói nhiều đến vấn đề bất bình đẳng xã hội gây ra nhiều cuộc biểu tình tại thành phố này từ tháng 6/2019.
Bà đang chịu nhiều áp lực làm giảm căng thẳng và tìm cách chấm dứt khủng hoảng nhà đất tại thị trường bất động sản đắt đỏ nhất thế giới mà không tác động xấu đến hệ thống thuế đã từng giúp Hồng Kông trở thành trung tâm tài chính châu Á.
Đồng giám đốc chương trình kinh doanh quốc tế và doanh nghiệp Trung Quốc tại đại học Hồng Kông Trung Quốc, ông Simon Lee, nói: “Vấn đề với Hồng Kông chính là nhiều người siêu giàu kiếm được cổ tức và lợi tức từ bất động sản, cùng lúc đó người nghèo cũng không phải đóng thuế. Chính vì vậy tầng lớp trung lưu khổ vô cùng”.
Hãy cùng nhìn lại chính sách thuế của Hồng Kông:
Không đánh thuế trên thặng dư vốn
Giống như Singapore, Hồng Kông không áp thuế với lợi tức thu được từ bán tài sản đầu tư. Chính phủ của phần lớn các nước phát triển áp loại thuế này. Ví dụ như Anh thu thuế thặng dư vốn lên đến 28%. Tại Hàn Quốc, thuế thặng dư vốn dao động từ khoảng 6% đến 70% tùy loại tài sản và thời gian nắm giữ. Tại Mỹ, thuế thặng dư vốn ước khoảng 28%.
Không đánh thuế lợi tức
Hồng Kông không đánh thuế từ việc nắm giữ cổ phiếu. Điều này khá hiếm trong nhóm nền kinh tế phát triển. Tại Nhật, lợi tức phải chịu thuế ước khoảng 20%. Anh tính thuế lợi tức khoảng từ 7,5% đến 38,1% tùy vào tổng thu nhập chịu thuế. Tại Mỹ, lợi tức phải chịu thuế tương đương với thuế thu nhập cơ bản hoặc thuế tính trên thặng dư vốn, tùy loại.
Không thuế thừa kế
Hồng Kông chính thức bỏ việc đánh thuế thừa kế vào năm 2006 nhằm hỗ trợ cho hoạt động quản lý tài sản và tín thác của thành phố. Vì vậy, rất nhiều tỷ phú đã giữ tiền ở Hồng Kông. Singapore cũng bỏ thuế thừa kế bất động sản vào năm 2008. Tại Anh, bất động sản trị giá trên 325 nghìn bảng Anh tức khoảng 411 nghìn USD sẽ phải chịu thuế khoảng 40%. Tại Đài Loan, thuế thừa kế ước khoảng 20% còn thuế thừa kế ở Nhật ước từ 10 đến 55% dựa trên giá trị bất động sản.
Không thuế doanh thu từ nước ngoài
Hồng Kông không đánh thuế với thu nhập từ đầu tư ở nước ngoài, vì vậy nhiều triệu phú có tài sản khắp thế giới tìm đến đây, ngoài ra nhiều công ty nước ngoài muốn tránh thuế cũng tìm đến Hồng Kông. Tại Singapore, thuế kiểu này được miễn cho cá nhân. Tuy nhiên tại nhiều nền kinh tế lớn khác của thế giới như Anh, Mỹ, Australia hay Hàn Quốc, Nhật, họ đánh thuế với tất cả các nguồn thu nhập từ nước ngoài.
Thuế bất động sản “cào bằng”
Dù rằng một nửa người dân Hồng Kông sống trong nhà thuê, thế nhưng dù rằng họ đang thuê nhà ở khu xa xỉ nhất hay họ ở nhà ổ chuột, người chủ nhà vẫn phải đóng thuế 15%. Tại Singapore, tiền thu nhập từ thuê nhà phải chịu thuế thu nhập, ước tính lên đến 22% tùy giá trị. Tại Anh, thu nhập từ cho thuê nhà có thể phải chịu thuế 45% và nếu kinh doanh cho thuê nhiều bất động sản, thậm chí còn phải nộp thêm phí nữa.
Trung Mến (BL)