Tả Ao – Vị “Thánh phong thủy” của nước Việt ta ai ai cũng biết. Tuy nhiên, trên mảnh đất Nghi Xuân, Hà Tĩnh, tại ngôi làng Tả Ao quê cụ có một ngôi giếng Kẻ do chính cụ lấy huyệt để đào thì không phải ai cũng biết…
Nghi Xuân, một vùng quê thanh bình bên dòng sông Lam có 3 làng kề nhau là quê hương của những danh nhân nổi tiếng. Phía Đông là làng Tiên Điền, quê hương Đại thi hào Nguyễn Du. Phía Tây là làng Tả Ao, quê hương của nhà phong thủy bậc thầy Nguyễn Đức Huyên và tên làng cũng trở thành tên của cụ. Nằm giữa 2 làng Tiên Điền và Tả Ao là làng Uy Viễn, quê hương của Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ.
Tôi đề cập đến làng Uy Viễn vì ở đây có những chứng tích của Tả Ao tiên sinh, đó là giếng Kẻ do ông lấy huyệt. Giếng kẻ có nước rất trong, vị ngọt, từ bao đời nay không bao giờ cạn cho dù hạn hán lâu dài. Nhà tôi cách giếng Kẻ chưa đầy 100m nên những mẫu chuyện về sự tích giếng Kẻ dân làng tôi ai cũng biết.
Chuyện này ông bà tôi kể cho tôi nghe khi còn nhỏ, tôi xin kể lại, biết đâu giúp các nhà nghiên cứu có thêm tư liệu về thầy địa lí Tả Ao.
Chuyện kể như sau:
Vào một ngày mùa hè nắng nóng (quê tôi là rốn của gió Lào) ông thầy địa lí Tả Ao đi bộ từ huyện Can Lộc về huyện Nghi Xuân. Ông đi theo đường lạch Đông Kèn (giáp xã Hồng Lộc bây giờ và xã Cương Gián nay là xã Xuân Song).
Khi đi đến đất làng Cương Gián thì người ông mỏi mệt và đặc biệt là khát nước. Ông vào nhiều nhà gần đường xin nước uống nhưng họ không cho. Cố lết chân mỏi nhừ đến xã Cẩm Lâm ( nay là xã Xuân Liên), ông vào một nhà dân gần đường mà gia chủ là một ông già. Biết Tả Ao xin nước uống, chủ nhà vào bếp múc ra một vùa nước (thời đó quê tôi gọi bát uống nước là vùa, chất liệu bằng gốm rất dễ vỡ, dung tích khoảng 500ml), đặt xuống chõng tre ông đang ngồi. Tả Ao vội vàng bưng lên uống thì lập tức chủ nhà cho vào bát nước một nhúm tro bếp. Tả Ao rất đỗi ngạc nhiên nhưng vì ông đang cần nên nhịn cơn nóng giận, cố ngồi đợi cho tro bếp lắng xuống. Khi cụ Tả Ao giơ tay bưng bát nước lên định uống thì ông chủ nhà nhanh tay hất bát nước xuống đất và cầm vùa đi vào bếp múc bát nước khác đặt xuống chõng tre. Cũng giống như lần trước, ông giơ tay bưng bát nước thì ông chủ nhà lại nhanh tay bỏ vào bát một nhúm tro bếp khác. Cứ vây, mọi việc lặp lại như cũ. Không khỏi bất ngờ, ông tự hỏi: Không hiều chủ nhà này định giở trò gì với mình?
Trong lúc đang suy nghĩ mong lung thì chủ nhà lại bưng ra một vùa nước, lần này không phải là nước giếng mà là một vùa nước chè xanh thơm ngon, vui vẻ mời ông uống. Uống xong bát nước, trong người khỏe hẳn ra, cụ Tả Ao lại được chủ nhà bưng ra một rổ khoai lang và dưa hấu mời ăn ( ở quê tôi khoai lang, dưa hấu là đặc sản. Khoai lang ngon ngọt nhưng nhiều bột, phải có dưa hấu song hành mới không mắc nghẹn)
Sau khi ăn uống no nê, cụ mới ướm hỏi chủ nhà: Tại sao lúc tôi đang khát đến cháy cổ, ông lại bỏ tro bếp vào bát rồi đổ đi, không chỉ một mà làm đi làm lại đến hai, ba lần như vậy?. Lúc này ông chủ nhà mới bình tĩnh trả lời: Lúc ông đang khát, ông lại đi ngoài trời nắng, người ông đang nóng, nếu uống nước lạnh vào ông sẽ bị cảm ngay ( vì nóng gặp lạnh cơ thể có phản ứng tự vệ để căn bằng nhiệt nên dễ bị mất nhiệt đột ngột, nên dễ cảm lạnh, đông y gọi đó là mất căn bằng âm dương, như ta đã biết mất căn bằng âm dương là nguyên nhân của mọi bệnh tật)
Chủ nhà bảo, ông bắt buộc phải bỏ tro bếp vào bát nước là để ông Tả Ao không uống ngay. Làm đi làm lại nhiều lần là để cơ thể cụ Tả Ao trở lại bình thường mới cho uống, nhưng cũng chỉ cho ông uống một bát thôi, không cho uống nhiều Mãi sau khi ăn khoai với dưa xong ông chủ nhà mới cho ông Tả Ao uống nước thỏa thích.
Và giếng Kẻ ra đời như thế
Nghe xong câu chuyện, cụ Tả Ao mới thắm thía tình người của ông chủ nhà. Lúc này cụ mới lộ diện mình là thấy địa lí và để tạ ơn, cụ không quên tìm đất cất lại mộ cho song thân gia chủ. Trong quá trình tìm huyệt ngoài vườn, ông tìm thấy một lưỡi dao phay đã rỉ, ông xin chủ nhà và quay lại làng Cương Gián. Tại đây, cụ cắm mũi dao vào trung tâm làng Cương Gián rồi kẻ một đường thẳng trong không gian từ làng Cương Gián đến làng Uy Viễn (khoảng cách cỡ 7 km). Về tới làng Uy Viễn, ông chỉ mũi dao xuống đất rồi gọi người dân Uy Viễn ra đào giếng – chắc lí do này mà giếng có tên là giếng Kẻ chăng. Người dân Uy Viễn không lạ gì tài lấy mạch đất của ông nên nhanh chóng thực hiện. Từ đây, một hiện tượng lạ bắt đầu xuất hiện.
Theo lệ, hàng năm, cứ vào dịp giáp tết người dân quê tôi lại khảo giếng (làm vệ sinh giếng) một lần. Và lần nào cũng vậy, Uy Viễn khào giếng thì làng Cương Gián…cháy nhà. Cứ như vậy, năm này qua năm khác, đời này qua đời khác, nếu tính từ thời ông Tả Ao đến thời cha mẹ tôi thì ít nhất cũng 400 năm, có nghĩa là 300 đến 400 lần làng Cương Gián cháy nhà. Sau này khi nào dân làng tôi chuẩn bị khảo giếng thì phải cho người vào làng Cương Gián báo trước để sơ tán tài sản và dỡ cả mái tranh xuống để chống cháy.
Có một chuyện mà người dân làng tôi hiện nay cũng không nhiều người biết, đó là vị trí giếng Kẻ bây giờ không phài nơi mà ông Tả Ao chỉ huyệt mà đã cách xa giếng cũ đến vài chục mét. Giếng cũ nằm phía sau đến Làng Tăng, khi mẹ tôi về làm dâu, mẹ tôi vẫn ra giếng Kể cũ gánh nước và bà kể giếng Kẻ cũ khuôn bằng gỗ và hình vuông, còn giếng Kẻ bây giờ khuôn bằng xi măng và hình tròn. Dân gian kể rằng, nguyên nhân dời giếng là do dân làng Cương Gián chịu hoài không thấu, bèn sắm lễ vật ra đút lót cho quan huyện. Từ khi dời giếng đến nay thì hiện tượng cháy nhà khi dân làng tôi khảo giếng không còn nữa. Sự việc xảy ra cũng đến 100 năm vì mẹ tôi còn sống cũng đã 119 tuổi mà mẹ tôi về làm dâu lúc đó bà mới 16 tuổi. Từ chi tiết này suy ra giếng Kẻ dời từ phía Bắc đền Làng Tăng ra phía Đông đền Làng Tăng cũng mới xắp xỉ 100 năm. Việc dời giếng là có thật vì khi dời giếng dân làng tôi trồng một cây rỏi – một cây cổ thụ có gỗ rất chắc vào vị trí của giếng cũ. Khi tôi còn ở nhà (trước 1959) cây rỏi và đền Làng Tăng vẫn còn, khi đó cây rỏi đã to gần một người ôm. Tôi hỏi đền Làng Tăng thờ ai thì cha tôi nói thờ ông thầy địa lí Tả Ao. Chi tiết này có khả năng đúng vì đền thờ, cây rỏi và giếng Kẻ cùng nằm trong một khuôn viên, bây giờ là phía Đông nam của Trụ sở Ủy ban nhân dân huyện Nghi Xuân
Điều đáng buồn để cho các nhà nghiên cứu Tả Ao có cơ sở kết luận là cả ba cái (đền thờ, giếng vuông và cây rỏi) đều không còn. Tất cả những việc này chỉ nằm trong trí nhớ của người dân làng tôi. Không những vậy, giếng Kẻ hiện tại, với lịch sử cả trăm năm như nói ở trên cũng đã bị ốp đá granite trắng bóng lộn, chẳng còn lại chút gì của ngày xưa nữa. Buồn
Bành Đức Cảnh