Chuyên gia Mỹ cho rằng, thỏa thuận lần này có thể là một “bong bóng căng phồng” lặp lại quá khứ, trước là hòa hoãn chiến tranh thương mại nhưng sau đó lại leo thang căng thẳng hơn.
Giới phân tích lo lắng về “tiến bộ” của đàm phán thương mại
Theo đánh giá, giới doanh nghiệp hoan nghênh thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung và cho rằng đây có thể là một bước tiến bộ, phá vỡ thế bế tắc trong cuộc chiến thương mại đã kéo dài hơn năm qua. Tuy nhiên, có phân tích rằng Mỹ và Trung Quốc đã không đạt được bất kỳ tiến bộ nào trong việc giải quyết một loạt các tranh chấp quan trọng ảnh hưởng đến tăng trưởng toàn cầu.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, Washington sẽ tạm dừng kế hoạch áp thuế bổ sung đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, dự kiến có hiệu lực bắt đầu vào thứ Ba 15/10. Đáp lại, ông cũng cho biết, Trung Quốc đã đồng ý nhập khẩu nhiều loại nông sản của Mỹ, trị giá 40-50 tỷ USD.
Vào thứ Sáu vừa qua 11/10, sau khi Mỹ-Trung đạt được thỏa thuận thương mại “giai đoạn 1”, thị trường chứng khoán Mỹ đồng loạt khởi sắc. Ví dụ, ngay sau khi Tổng thống Mỹ thông báo quyết định trên, chỉ số S&P 500 đã tăng khoảng 1,8%, theo Bloomberg. Chốt phiên giao dịch ngày 11/10, chỉ số S&P 500 tại sàn New York chỉ tăng 1,1%.
Theo một chiến lược gia thị trường Mỹ, sau khi Washington công bố thỏa thuận “giai đoạn 1”, do giới đầu tư vẫn lo lắng việc thỏa thuận này có thể xảy ra trục trặc khiến chỉ số chứng khoán cuối cùng bị thu hẹp.
Sự cạnh tranh khốc liệt xung quanh thặng dư thương mại khổng lồ và các kế hoạch phát triển công nghệ đầy tham vọng của Trung Quốc đã ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu. Các chuyên gia kinh tế cảnh báo, hai nước Trung-Mỹ có thể phải cần đến vài năm để giải quyết sòng phẳng tranh chấp thương mại. Đây là lý do tại sao thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng điểm trước khi bắt đầu mỗi vòng đàm phán và nó đã giảm trở lại sau các cuộc đàm phán.
Theo VOA, giới doanh nghiệp thừa nhận rằng, thỏa thuận Mỹ-Trung đạt được vào ngày 11/10 là một bước tiến nhỏ và kêu gọi hai chính phủ đẩy mạnh nỗ lực ngăn chặn cuộc chiến vốn đang giáng đòn nặng nề vào ngành sản xuất và nông nghiệp này.
Mỹ vẫn đang chuẩn bị kế hoạch tăng thuế bổ sung đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc như điện thoại di động vào ngày 15/12 tới đây. Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump đều có kế hoạch tới Chile để dự một hội nghị kinh tế vào giữa tháng 11 tới đây, dấy lên hy vọng về sự đồng thuận song phương nếu hai lãnh đạo Mỹ-Trung tiến hành cuộc đối thoại trực tiếp.
Ngày 11/10, Tổng thống Trump tuyên bố, giai đoạn 1 của thỏa thuận mới chỉ ở bước sơ bộ: “Chúng tôi sẽ hoàn thành công việc này trong bốn tuần tới.”
Ở phía bên kia, chính phủ Trung Quốc đã hoan nghênh tiến bộ đáng kể này nhưng cũng không cung cấp thêm nội dung cụ thể của thỏa thuận.
Hãng tin AP dẫn lời một chuyên gia kinh tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc nhận định: “Tôi không nghĩ đây là một chiến thắng, nó chỉ làm dịu tình hình. Hai bên cần khôi phục niềm tin của các doanh nghiệp và người tiêu dùng”.
Ông Myron Brilliant, Phó chủ tịch Hội đồng Thương mại Mỹ, cho biết trong một tuyên bố rằng, vẫn còn rất nhiều việc phải làm để giải quyết các vấn đề liên quan đến thương mại Mỹ và ưu tiên đầu tư.
Theo giới phân tích, nhận xét của ông được cho nhắm vào việc liệu thỏa thuận Mỹ-Trung thực sự có đạt được tiến bộ hay không bởi hiện nay, Mỹ-Trung vẫn chưa chính thức ký kết thỏa thuận giai đoạn 1, trong khi giai đoạn 2 được đánh giá còn khó khăn hơn rất nhiều với việc giải quyết loạt cáo buộc của Mỹ về đánh cắp sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ bắt buộc và trợ cấp công nghiệp của Trung Quốc.
Các đối tác thương mại của Trung Quốc như Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản đều cáo buộc Bắc Kinh đang vi phạm cam kết mở cửa thị trường nội địa và đánh cắp sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ.
Hãng thông tấn AFP dẫn lời chuyên gia Stephen Innes thuộc AxiTrader cho rằng, thỏa thuận này thiếu chi tiết nên “sẽ mất vài tuần để hoàn thiện và điều này sẽ nhanh chống làm giảm sự lạc quan của các nhà đầu tư”.
Ông Innes còn cho biết, hiện nay rất nhiều người lo lắng rằng thỏa thuận lần này có thể là một “bong bóng căng phồng” lặp lại quá khứ, trước tiên là hòa hoãn chiến tranh thương mại nhưng sau đó lại là bản nâng cấp leo thang hơn.
Nông dân Mỹ vừa mừng vừa lo
Tổng thống Trump cho biết, Trung Quốc cam kết sẽ nhanh chóng tăng lượng mua nông sản của Mỹ lên 40-50 tỷ đô la Mỹ, gấp đôi so với năm 2017. Tuy nhiên, phía Trung Quốc chưa xác nhận điều này.
Trước tín hiệu lạc quan trong thỏa thuận Trung-Mỹ, người nông dân Mỹ vừa thể hiện sự vui mừng nhưng cũng thận trọng cho biết, họ cần phải theo dõi các giao dịch thực tế.
Nói với Reuters, ông Monte Peterson, nông dân ở bang North Dakota cho hay, thông báo này chưa có nhiều ý nghĩa thiết thực bởi việc Trung Quốc có thực hiện cam kết này hay không mới là điều quan trọng.
Trong một cuộc họp báo sau cuộc hội đàm với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, Tổng thống Mỹ đã hài hước nói rằng, với thỏa thuận “siêu khổng lồ” này, người nông dân Mỹ “sẽ phải làm thêm giờ”. Tuy nhiên, ông và Bộ trưởng Tài chính Steve Mnuchin không tiết lộ chi tiết về những mặt hàng sản phẩm Trung Quốc cam kết mua.
Trước đó, vào tháng 7/2018, Trung Quốc đã áp mức thuế 25% đối với đậu nành Mỹ khiến một số lượng lớn mặt hàng này bị tồn kho và rớt giá xuống mức thấp nhất trong nhiều năm. Thời điểm đó, Tổng thống Trump đã cam kết cung cấp gói cứu trợ 28 tỷ USD cho nông dân – nhóm cử tri đã bỏ phiếu cho ông trong cuộc bầu cử 2016.
Ông Jim Sutter, Giám đốc điều hành Ủy ban xuất khẩu đậu nành Mỹ khẳng định: “Nông dân của chúng tôi có sức chịu đựng bền bỉ nhưng họ cần một giải pháp lâu dài cho cuộc chiến thương mại hiện nay, để đậu nành Mỹ có thể xuất khẩu sang Trung Quốc mà không phải chịu bất cứ đòn trả đũa thuế quan nào”.
Trong gần một năm rưỡi vừa qua, Trung Quốc chủ yếu dựa vào nguồn đậu nành nhập khẩu từ Brazil và Argentina để phục vụ chăn nuôi trong nước nhưng thỏa thuận sơ bộ hiện tại có thể chuyển dòng chảy thương mại sang Mỹ. Mặc dù vậy, giới nông nghiệp ở Nam Mỹ nói rằng, thỏa thuận Mỹ-Trung sẽ mang lại sự ổn định cần thiết cho thị trường toàn cầu.
Ông Cayron Giacomelli, nông dân trồng đậu Brazil, cho biết: “Nếu Mỹ-Trung đạt được thỏa thuận, người trồng đậu nành Brazil sẽ có nhiều khả năng dự đoán thị trường dễ dàng hơn trước đây”.
Trong khi đó, ông Bill Lapp, một nhà kinh tế tại Công ty tư vấn Advanced Economic Solutions, trụ sở ở Omaha, Nebraska tỏ ra nghi ngờ về con số 50 tỷ USD: “Chúng tôi đã từng trông thấy số tiền lớn tương tự trước đây nhưng không phải lúc nào chúng cũng có thể trở thành hiện thực”.
Trước khi thỏa thuận giai đoạn 1 được công bố vào thứ Sáu (11/10), giá đậu nành Mỹ đã tăng lên mức cao nhất kể từ khi cuộc chiến thương mại bắt đầu.
Công ty giao dịch hàng hóa toàn cầu Cargill Inc nhận định: “Chúng tôi rất vui mừng khi cả hai bên đã ngồi vào bàn đàm phán vì điều quan trọng đối với nông dân Mỹ là mở lại thị trường Trung Quốc“.
Theo dữ liệu của chính phủ Mỹ, từ đầu tháng 9/2018 đến tháng 8/2019, Trung Quốc đã nhập khẩu hơn 13 triệu tấn đậu nành Mỹ và mua thêm gần 5 triệu tấn ở thời điểm hiện tại. Con số này ít hơn nhiều so với con số 30 triệu tấn Trung Quốc nhập khẩu từ Mỹ trước khi cuộc chiến thương mại xảy ra.
Mnuchin nói với các phóng viên rằng Trump đã đồng ý không tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc 250 tỷ đô la từ 25% lên 30%, nhưng không đề cập đến việc hủy bỏ thuế quan đã hơn một năm.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết, Washington sẽ không tăng thuế từ 25% lên 30% đối với 250 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc từ ngày 15/10 như dự kiến nhưng ông cũng không đề cập đến kế hoạch tăng thuế 15% đối với 160 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc vào ngày 15/12.
Do đó, Tổ chức nông dân ủng hộ thương mại tự do cho rằng hiện vẫn còn quá sớm để ăn mừng thỏa thuận mới.
Ông Brian Kuehl, đại diện tổ chức này cho biết: “Cam kết thu mua nông sản là thông tin đáng mừng nhưng những chi tiết về thời gian, giá cả, mặt hàng và nhiều vấn đề khác cần phải được trả lời cụ thể”.
theo Trí Thức Trẻ