Hai kiểu ông chủ điển hình: Hạng Vũ đối xử rất tốt với cấp dưới, còn tận tay múc cơm cho thuộc hạ, nhưng tại sao người tài đều chạy hết về phía Lưu Bang?
Cuối triều đại nhà Tần, Tần nhị thế Hồ Hợi tàn bạo bất nhân, hủy hoại giang sơn mà cha mình vất vả gây dựng, làm khổ bách tính trong thiên hạ. Trước tình hình đó, Trần Thắng và Ngô Quảng đứng lên khởi nghĩa chống lại nhà Tần. Điều đáng tiếc là mặc dù Trần Thắng và Ngô Quảng là những người tiên phong nhưng lại không thể cười tới lúc cuối cùng. Thiên hạ cuối cùng lại trở về tay của Lưu Bang.
Điều quan trọng nhất góp phần làm nên thành công của Lưu Bang đó là ông sở hữu rất nhiều tài năng vô song trong doanh trại của mình. Trương Lương và Trần Bình vạch ra chiến lược, chiến thắng hàng ngàn dặm ngoài sa trường, Tiêu Hà và Tào Tham lo về mặt dân chính, đảm bảo hậu phương vững chắc, Hàn Tín, Phàn Khoái, Bành Việt, Anh Bố… “dẫn dắt hàng chục ngàn binh lính, chiến bách thắng, công bách thủ”. Có một số lượng lớn các tài năng xuất chúng làm việc cho, Lưu Bang dù không có tham vọng có được thiên hạ thì thiên hạ cũng sẽ tự vào tay ông.
Tuy nhiên, điều gây hoang mang là thái độ của Lưu Bang khi đối đãi với các tài năng lại hoàn toàn trái ngược. Như mọi người đều biết, những người tài giỏi đều là những người rất tự trọng. Nếu bạn muốn họ làm việc cho bạn, bạn phải cho thấy đủ sự chân thành và lịch sự, Chu Văn Chương từng kéo xe cho Khương Tử Nha, Lưu Bị từng ba lần bảy lượt tới mời Gia Cát Lượng xuống núi, đây đều là những minh chứng điển hình.
Nhưng Lưu Bang lại rất “khác người”. Lưu Bang sinh ra trong một gia đình nghèo, ông không nhận được sự giáo dục đầy đủ như hai người trên, từ nhỏ đã phải đấu tranh để tồn tại dưới đáy xã hội, hình thành nên tác phong có phần hơi lỗ mãng, tục tằn. Cuốn “Sử kí” ghi chép lại rằng Lưu Bang “mạn nhi vũ nhân”, thái độ với mọi người rất kiêu ngạo và thiếu tôn trọng. Từng có một nho sinh đến đầu quân cho ông, nhưng ông lại “triếp giải kì quan, sửu nịch kì trung”, lấy mũ của người ta xuống để đi tiểu trong đó. Bình thường đối xử với bộ hạ cũng cục cằn, ngang ngược, “dư nhân ngôn, thường đại mạ”, động một tý là mắng người khác.
Còn một Hạng Vũ nóng nảy, hung ác trong ấn tượng của mọi người, trên thực tế về mặt đối đãi, kinh trọng nhân tài lại chiến thắng áp đảo Lưu Bang. Trên chiến trường Hạng Vũ tàn bạo hung ác là vậy nhưng trong cuộc sống hàng ngày, ông lại biến thành con người hoàn toàn khác. Hạng Vũ sinh ra trong giới quý tộc nước Sở, là con ông cháu cha, ngay từ nhỏ đã nhận được một nền giáo dục tốt, thấu tình đạt lý, đối xử với mọi người cũng rất lịch sự và thân thiện.
Cuốn “Sử Kí” không chỉ một lần ghi chép, Hạng Vũ “cung kính ái nhân”, “nhân nhi ái nhân” , “cung kính từ ái”(đại ý muốn nói Hạng Vũ luôn rất kính trọng, nhân đức, yêu người). Hàn Tín từng nhớ lại giai đoạn ông ở dưới trướng của Hạng Vũ, nếu tướng sĩ bộ hạ ai sinh bệnh, Hạng Vũ “ngôn ngữ ẩu ẩu, thế khấp phân thực ẩm”, lời nói nhẹ nhàng, tận tay đưa trà đưa cơm cho họ, khiến cấp dưới cảm thấy rất ấm áp.
Nhưng điều khiến mọi người không hiểu đó là Lưu Bang thô lỗ, Hạng Vũ lại kính trọng yêu người, nhưng anh hùng thiên hạ lại chạy hết về phía Lưu Bang, Hạng Vũ ngược lại lại bị cô lập, binh bại thân tàn. Người yêu nhân tài như Hạng Vũ vì sao lại bị mọi người bỏ rơi?
Nguyên nhân chính là mặc dù Hạng Vũ trông có vẻ yêu thương cấp dưới, đối xử với mọi người rất lịch thiệp, nhưng trên thực tế đây chỉ là bề nổi của ơn huệ mà thôi. Sau khi binh sĩ đổ máu, đổ mồ hôi lập được chiến công, Hạng Vũ mới lộ ra bộ mặt thật của mình “chiến thắng nhi bất dư nhân công, đắc địa nhi bất dư nhân lợi”, tiếc không nỡ thưởng cho cấp dưới vàng bạc lụa là hay chức quan.
Giống như Hàn Tín nói, Hạng Vũ khi ban thưởng cho cấp dưới đều cầm ngọc ấn trong tay xoa đi xoa lại do dự cả nửa ngày trời không nỡ xuống tay. Binh sĩ liều mạng lập chiến công nhưng lại không nỡ ban thưởng cho họ, tinh thần tác chiến đương nhiên sẽ càng ngày càng sa sút, chảy máu chất xám càng ngày càng nghiêm trọng.
Nhưng Lưu Bang lại ngược lại, ngoài mặt trông có vẻ thô lỗ, ngang ngược, nhưng trong lòng lại rất tôn trọng nhân tài, nhận thức được sâu sắc công lao của mọi người, “kì tương tòng cam mạo bạch nhận, xá tử vong sinh chi đồ, vô bất nhật dạ vọng chỉ xích chi phong, tự bât năng bất huyền thù tước dĩ lệ công thần”- Đối với những tướng sĩ tài năng hay những thần tử có công lao, ông luôn không tiếc tay phong hầu hay ban thưởng hậu hĩnh cho họ.
Cuốn “Sử kí” ghi chép rằng, Lưu Bang “sử nhân công thành lược địa , sở hàng hạ giả nhân dĩ dữ chi, thiên hạ đồng kì lợi dã”- Rất hào phóng chia sẻ quả ngọt thắng lợi với cấp dưới, nhân tài dưới trướng của ông từ sâu trong lòng có thể cảm nhận được sự xem trọng và đánh giá cao của ông. Vì vậy, tự nhiên Lưu Bang sẽ nhận được kết quả “chúng sĩ mộ ngưỡng, như thủy chi quy hải”- Được chúng sĩ ngưỡng mộ, người tài trong thiên hạ đều tự nguyện đầu quân.
Xã hội hiện đại ngày nay vẫn tồn tại hai kiểu ông chủ như Lưu Bang và Hạng Vũ. Kiểu ông chủ như Lưu Bang tuy không chú ý đến tiểu tiết, nhưng lại vô cùng coi trọng đãi ngộ với nhân viên, vì vậy có thể thu hút càng ngày càng nhiều nhân viên tự nguyện phục vụ cho mình. Kiểu ông chủ như Hạng Vũ lại chỉ biết vẽ ra một chiếc bánh kem to đùng nhưng lại không nỡ chia cho ai, ngoài mặt thì ngon ngọt nhưng bên trong lại “keo kiệt”, rất khó giữ chân được người tài.
Regina – Theo Trí Thức Trẻ