Theo số liệu do các quốc gia cung cấp, dịch tả lợn châu Phi đã gây ra thảm họa đối với ngành chăn nuôi ở khu vực Đông Á nhưng dường như đã “bỏ qua” cho Triều Tiên.
Tuy nhiên, theo Bloomberg, những con lợn hoang sống gần biên giới Triều – Hàn lại gây ra lo ngại rằng Triều Tiên đang giấu thông tin về đại dịch tả lợn.
Cụ thể, phía Hàn Quốc cho biết đã xét nghiệm 5 con lợn hoang chết ở gần biên giới hai nước và các mẫu đều dương tính với virus gây bệnh. Hàn Quốc đã cử trực thăng tới khử trùng trên khu vực biên giới dài 250km sau khi hàng chục đợt dịch bùng phát hơn 1 tháng trước.
Bà Lee Hye-hoon, chủ tịch ủy ban tình báo Quốc hội Hàn Quốc, nói dịch tả lợn châu Phi đã lan ra hầu hết các khu vực ở Triều Tiên.
Trong khi đó, Triều Tiên chỉ thông báo đúng một trường hợp 22 con lợn bị chết do dịch bệnh tại một trang trại gần biên giới với Trung Quốc, nằm cách Pyongyang 260km.
Từ đó tới nay, không có thêm báo cáo nào khác được Triều Tiên đưa ra. Các kênh truyền thông Triều Tiên cũng không nhắc đến việc này. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) hiện đang đợi được chấp thuận để cử một đại diện tới Triều Tiên.
Dịch tả lợn châu Phi tuy không gây hại cho con người nhưng có khả năng khiến hầu hết các cá thể lợn chết trong vòng 1 tuần. Khi dịch bùng phát, Triều Tiên có thể gặp khó khăn nghiêm trọng đối với an ninh lương thực. Theo FAO, sản lượng nông sản tại Triều Tiên có thể sẽ ít hơn hàng năm do lượng mưa thấp và không đủ nước cho hoạt động canh tác.
Khoảng 40% dân số, tương đương 10,1 triệu người, sẽ không đủ ăn và cần các nguồn cung cấp thực phẩm thiết yếu – theo đánh giá của Liên Hợp Quốc đưa ra vào tháng 4 vừa qua.
Thịt lợn chiếm khoảng 80% lượng tiêu thụ protein của người Triều Tiên và giữa bối cảnh Bình Nhưỡng bị áp đặt các cấm vận, rất khó để có thể tìm nguồn protein thay thế.
“Virus tả gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng bởi người dân không thể kiếm tiền từ việc nuôi lợn được nữa,” một người nhận định.
Được biết, số lượng lợn được chăn nuôi tại trang trại của các hộ dân nhiều hơn rất nhiều số được nuôi dưới sự quản lí của nhà nước. Do đó, sẽ rất khó để ngăn chặn và dập dịch.
Ngoài ra, nếu không thể chặn hoàn toàn virus tả thông qua kiểm dịch, tiêu hủy vật nuôi bị bệnh và có khả năng nhiễm bệnh, thì có khả năng dịch tả sẽ quay trở lại các khu vực lân cận, đặc biệt là Nga và Trung Quốc.
Hàn Quốc đã tiêu hủy 154.653 con lợn tại 94 trang trại. Hiện tại, nhân viên y tế Hàn Quốc đang kiểm tra thêm các mẫu nước và đất ở khu vực biên giới.
theo Trí Thức Trẻ