Sáng sớm ngày 11/10, người dân TQ nhìn thấy cảnh thiên thạch rơi tại tỉnh Cát Lâm. Lập tức người ta liên tưởng ngay đến sự kiện thiên thạch rơi cũng tại đây vào năm 1976, khi đó, nhiều lãnh đạo Trung Quốc đã lần lượt qua đời, Trung Nam Hải cũng xảy ra chính biến cung đình…
Theo thông tin từ nhiều kênh truyền thông tại Trung Quốc Đại Lục, 0:16 sáng ngày 11/10, tỉnh Cát Lâm xảy ra sự kiện nghi là thiên thạch rơi. Cư dân mạng ở nhiều thành phố thuộc 3 tỉnh Cát Lâm, Hắc Long Giang, Liêu Ninh chia sẻ đã tận mắt chứng kiến cảnh tượng này, “Trường Xuân lưu tinh” đã nhanh chóng trở thành chủ đề được tìm kiếm nhiều trên Weibo. Nhiều người trực tiếp chứng kiến cảnh tượng cho biết, vật từ trên bầu trời đã rơi xuống phía Tây Bắc thành phố Tùng Nguyên tỉnh Cát Lâm.
Sự kiện xảy ra có nhiều người đã kịp ghi lại video và chia sẻ trên mạng. Từ video có thể thấy, trong bầu trời đêm, một vệt sáng giống sao băng nhanh chóng rơi xuống, sau đó chiếu sáng cả bầu trời. Toàn bộ quá trình này chỉ diễn ra trong vài giây, rồi bầu trời trở lại màn đen.
Trên Weibo, chủ đề “Trường Xuân lưu tinh” cũng nhanh chóng lọt vào danh sách tìm kiếm ‘hot’ nhất. Có ít nhất 47 triệu lượt xem, hàng ngàn cư dân mạng chia sẻ trên Weibo cho rằng cảnh tượng tận mắt nhìn thấy nghi là thiên thạch rơi.
Sáng ngày 11/10, chính quyền Thành phố Tùng Nguyên tỉnh Cát Lâm trả lời báo chí cho biết, hiện tại các kênh chính thức chưa nhận được thông tin liên quan đến thiên thạch, cũng không có báo cáo nào nói có nhà hoặc cư dân bị vật từ trên cao rơi trúng.
Truyền thống Trung Hoa chú trọng thuyết ‘Thiên Nhân hợp nhất’, thiên tượng thường đối ứng với biến hóa tại nhân gian. Trên mạng Twitter, không ít người đem sự kiện thiên thạch rơi ở tỉnh Cát Lâm năm 1976 liên tưởng với thông tin nhiều lãnh đạo ĐCSTQ tử vong liên tiếp sau đó, bao gồm cả cựu lãnh đạo ĐCSTQ Mao Trạch Đông, cục diện chính trị của Trung Quốc năm đó cũng có sự biến đổi.
Cư dân mạng nói: “Tỉnh Cát Lâm lại có thiên thạch rơi nữa rồi! Không biết là điềm báo gì.”
“Năm 1976, thiên thạch rơi, động đất ở Đường Sơn, 3 lãnh đạo ĐCSTQ gồm Mao Trạch Đông, Châu Đức, Chu Ân Lai lần lượt qua đời, liệu đây có phải là Thiên ý?”
“Hiếm thấy! Người dân nhiều nơi ở tỉnh Cát Lâm chụp được khoảnh khắc nghi là thiên thạch rơi. Năm 1976, thiên thạch rơi ở tỉnh Cát Lâm, lãnh tụ vĩ đại đi đời. Năm 2019, sẽ xảy ra chuyện gì?”
Sự kiện thiên thạch rơi lớn nhất kể từ sau khi ĐCSTQ thành lập chính quyền năm 1949 xảy ra năm 1976, tại Cát Lâm, vùng Đông Bắc Trung Quốc.
Chiều ngày 3/8/1976, một thiên thạch nặng khoảng 4 tấn bay vào tầng khí quyển với tốc độ lên đến 48 km/s, do ma sát với không khí quá lớn nên nó đã bốc cháy, phát nổ ở độ cao cách mặt đất 19 km trên bầu trời ở thôn Kim Châu, thành phố Cát Lâm tỉnh Cát Lâm. Sau khi thiên thạch bùng cháy, đã tạo thành hình quả cầu lửa, rơi xuống mặt đất trong phạm vi bán kính 500 km2, trên mặt đất có hàng ngàn người đã tận mắt chứng kiến cảnh tượng tráng lệ này. Sau sự việc, có tới hơn 3000 khối thiên thạch vỡ được nhặt về, tổng trọng lượng lên đến 2,6 tấn, trong đó khối lớn nhất nặng 1,77 tấn; thiên thạch rơi xuống đã tạo thành một hố sâu 6,5m, đường kính 2m. Đây là khối thiên thạch lớn nhất mà thế giới biết đến.
Trong năm thiên thạch rơi, Trung Quốc liên tiếp xảy ra các chuyện như: Động đất Đường Sơn khiến 24.000 người tử vong; Chu Ân Lai, Châu Đức và Mao Trạch Đông liên tiếp qua đời; ngày 6/10 cùng năm, Trung Nam Hải xảy ra chính biến cung đình, Giang Thanh (vợ Mao) và những người khác thuộc “bè lũ bốn tên” (Tứ nhân bang) bị nguyên lão ĐCSTQ lật đổ, ĐCSTQ thay đổi thế hệ lãnh đạo mới trong đấu đá nội bộ.
Nhiều người liên tưởng đến Giang Trạch Dân lành ít dữ nhiều?
Tờ Đông phương Nhật báo tại Hồng Kông từng dẫn lời của nhà huyền học Hồng Kông nói rằng, theo truyền thống Trung Quốc, thiên thạch rơi là dự báo nhân vật cấp cao của chính đàn sẽ qua đời.
Mấy năm gần đây, thỉnh thoảng lại có tin đồn về bệnh tình nguy kịch, thậm chí có tin nói cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân tử vong.
Ngày 01/10 năm nay, trong dịp kỷ niệm 70 năm ĐCSTQ thành lập chính quyền, Bắc Kinh đã tổ chức lễ duyệt binh quy mô lớn, dàn lãnh đạo cấp cao đương nhiệm và đã nghỉ hưu cùng nhau xuất hiện trên thành Thiên An Môn, ông Giang Trạch Dân 93 tuổi cũng được người khác dìu ra.
Theo Apple Daily đưa tin, trong ngày duyệt binh, bắt đầu lúc 10:00 sáng, ông Giang được hai người dìu hai bên lên thành Thiên An Môn, ngồi xuống một cách loạng choạng. Phóng viên phát hiện, khoảng 11:05, cảnh quay của CCTV chuyển từ cảnh xe tăng trên Quảng trường sang cảnh thành Thiên An Môn, và lúc này ông Giang Trạch Dân vốn ngồi phía bên tay trái ông Tập Cận bình đã rời khỏi chỗ ngồi.
Bản tin nói, khoảng 30 phút sau, ông Giang mới quay trở lại chỗ ngồi ban đầu và nói chuyện với ông Lý Khắc Cường đang ngồi bên tay trái mình. Ông Giang “biến mất” khoảng 30 phút đầy bí ẩn, hiện chưa rõ nguyên nhân vì sao. Có người đoán “thuốc trợ tim ông Giang tiêm trước đó chỉ có thể cầm cự được một tiếng đồng hồ nên phải rời khỏi vị trí ra sau để tiêm tiếp.”
Theo truyền thông tiếng Trung bên ngoài Trung Quốc, để chuẩn bị cho lễ duyệt binh, ông Tập Cận Bình đã có chuyến thăm các nguyên lão nhân dịp Trung Thu, ông muốn các nguyên lão cùng xuất hiện trên thành Thiên An Môn để quan sát duyệt binh, nhằm tạo cảnh tượng nội bộ ĐCSTQ đoàn kết. Tuy nhiên, lại có cư dân mạng chế giễu rằng: “Tập sợ Giang chết quá chậm, nên cố ý lôi ra cho hít thở không khí ô nhiễm một chút, trở về sẽ bị viêm phổi … làm tăng nhanh tốc độ tử vong của Giang.”
Trí Đạt