Trong lịch sử nước Nga hiện đại, từng có ba lần thủ tục luận tội được khởi động nhằm vào tổng thống Boris Yeltsin, song cả ba nỗ lực đều thất bại.
Hai nỗ lực luận tội Yeltsin vào năm 1993
Boris Yeltsin được bầu làm tổng thống đầu tiên của Liên bang Nga vào năm 1991, ngay sau khi Liên bang Xô Viết tan rã. Nhưng chỉ tới tháng 3/1993, một cuộc khủng hoảng chính trị âm ỉ từ lâu bên trong chính trường nước này đã đến lúc bùng nổ.
Các đại biểu của Đại hội đại biểu nhân dân (Quốc hội) từ thời Liên Xô nổi lên chống lại Yeltsin cùng đường lối chính trị của ông này, với cáo buộc tổng thống và những cải cách kinh tế của ông đang đưa đất nước tới thảm họa.
Quy trình luận tội được khởi động sau khi Yeltsin phát biểu trên truyền hình trước người dân Nga. Trong diễn văn, ông cho biết đã phê chuẩn một chế độ cầm quyền đặc biệt cho đến khi tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về tín nhiệm đối với tổng thống và Nghị viện. Cuộc trưng cầu này được diễn ra vào tháng 4.
Ý nghĩa thực chất của cách diễn đạt “chế độ đặc biệt” không được làm rõ hoàn toàn, song những sự kiện sau bài phát biểu của Yeltsin khiến câu hỏi này không còn quan trọng. Các đại biểu Quốc hội đưa vấn đề ra Tòa án hiến pháp Nga, cáo buộc quyết định của ông Yeltsin là vi hiến, và Tòa chấp thuận luận tội.
Tuy nhiên, chính Quốc hội đã không thu thập đủ số phiếu thuận cần thiết để khởi động quy trình: 617/1033, so với 689 phiếu cần có.
Sau nỗ lực luận tội thất bại, Quốc hội thông báo tiến hành trưng cầu tín nhiệm với tổng thống Boris Yeltsin. Tỷ lệ đa số người dân Nga thể hiện lòng tin với Yeltsin và ông này có được đủ ủng hộ để thông qua cải tổ hiến pháp, đồng thời giới thiệu quyết định giải thể Đại hội đại biểu nhân dân.
Vào tháng 9/1993, Xô viết Tối cao Nga (một Quốc hội thường trực, được bầu ra bởi Đại hội đại biểu nhân dân Nga) tuyên bố quyết định của Yeltsin về giải thể Quốc hội là vi hiến và phán quyết rằng ông này đang tiến hành một cuộc đảo chính.
Xô viết Tối cao Nga chính thức kết thúc nhiệm kỳ tổng thống của Yeltsin trên cơ sở cáo buộc ông vi phạm hiến pháp. Đây được xem là cuộc luận tội thứ hai nhằm vào Yeltsin.
Xung đột quân sự sau đó nổ ra giữa phe ủng hộ Yeltsin và Xô viết Tối cao, gây ra nhiều thương vong. Kết quả cuối cùng là Xô viết Tối cao và Đại hội đại biểu nhân dân – những thực thể cuối cùng của chính thể Liên Xô cũ – bị giải thể.
Tháng 12/1993, người Nga bỏ phiếu để xây dựng một bản hiến pháp mới.
Cuộc luận tội năm 1999
Chiến dịch luận tội thứ ba – cũng là nổi tiếng nhất – nhằm vào Boris Yeltsin được phát động bởi đảng Cộng sản Liên bang Nga (CPRF) vào năm 1998. CPRF tố cáo ông Yeltsin phạm 5 tội ác chính trị lớn trong nhiệm kỳ của mình.
Bước đầu tiên trong thủ tục luận tội là đưa ra bỏ phiếu tại Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga, gồm 450 đại biểu. Các nghị sĩ Duma phải bỏ phiếu cho từng trường hợp trong 5 cáo buộc được đưa ra.
Nhưng, không một cáo buộc nào đạt được đủ 300 phiếu bầu cần thiết để xúc tiến tiếp trình tự luận tội:
- Sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết. CPRF nói rằng quyết định giải thể Liên Xô được Yeltsin ủng hộ và thực thi năm 1991 đã làm suy giảm nghiêm trọng sức mạnh kinh tế, quân sự và chính trị của Nga cũng như các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ (239/450 phiếu).
- Khủng hoảng hiến pháp 1993. CPRF tin rằng những hành động của Yeltsin năm 1993 – dẫn đến hai lần tìm cách luận tội ông này – là vi hiến và đảo chính (263/450 phiếu).
- Nổ ra cuộc chiến tại Chechnya. CPRF cáo buộc việc Yeltsin đã ra lệnh hành động quân sự tại Chechnya vào tháng 12/1994 là một tội ác và dẫn đến nhiều thương vong (283/450 phiếu).
- Sự suy yếu hệ thống quốc phòng của đất nước. CPRF cho rằng những hành động của tổng thống – gồm cắt giảm chi tiêu vào công nghiệp quốc phòng, giảm tổng ngân sách quân sự,… – là nhằm hủy hoại hệ thống quân sự của nước Nga (241/450 phiếu).
- CPRF cáo buộc Yeltsin chịu trách nhiệm cho sự sụt giảm dân số Nga trong giai đoạn 1992-1998 và tình trạng nghèo khó chung của đất nước (238/450 phiếu).
Cuối cùng, không có lời buộc tội nào thu thập đủ phiếu để cuộc luận tội diễn ra. Tuy nhiên, đến cuối năm 1999, ông Yeltsin đã có kế hoạch rõ ràng về việc rời khỏi cương vị của mình. Và vào ngày 31/12, ông từ chức, đồng thời chỉ định Vladimir Putin làm người kế nhiệm.
theo Trí Thức Trẻ