Khi một người có thể bao dung hết thảy những chuyện không vui trong cuộc sống, chỉ chú tâm tới trách nhiệm của bản thân chứ không phải lợi ích cá nhân, thì họ đang đứng trên đỉnh cao nhất về cảnh giới tinh thần, và cũng là người lương thiện nhất.
Cảnh giới tinh thần của một người thường đi cùng với sự thiện lương của bản thân họ. Đối diện trước những mâu thuẫn, người như vậy thường truyền thiện tâm của mình cho mọi người. Đó không phải là họ cố ý làm vậy, mà là sự lựa chọn căn bản nhất từ sâu thẳm nội tâm.
Người càng lương thiện thì nhân cách càng lớn lao. Họ làm việc có thủy có chung, xem trọng trách nhiệm của mình, vô tư không vụ lợi. Họ làm việc không xuất phát từ dục vọng và công danh, lợi lộc, nên không bị chúng che mờ hai mắt, chỉ thuận theo tiêu chuẩn đạo đức của lương tri.
Mạnh Tử giảng: “Người quân tử khác người thường ở chỗ giữ tâm, tức cảnh giới. Người quân tử lấy lòng thương người để giữ tâm, lấy lễ để giữ tâm. Người Nhân là người có lòng thương người, người hiếu Lễ là người biết kính người. Yêu người thì được người yêu lại, kính người thì được người kính lại”. Vậy nên người lương thiện sẽ được người đời khâm phục và nể trọng.
Gia tộc họ Vương ở Lang Gia, Sơn Đông là hậu duệ của trọng thần Vương Cát thời Hán Tuyên Đế. Suốt 1700 năm kéo dài từ Đông Hán đến Minh Thanh, gia tộc họ Vương đã bồi dưỡng được 36 Hoàng hậu, 36 Phò mã và 35 Tể tướng (theo ghi chép trong “Nhị thập tứ sử”) và trở thành gia tộc hiển hách nhất lịch sử và được tôn xưng là “Trung Hoa đệ nhất vọng tộc”. Điều khiến mọi người kinh ngạc hơn là để làm được điều đó, gia tộc họ Vương đã dựa vào gia quy vẻn vẹn có 6 từ: “Ngôn nghi mạn, tâm nghi thiện”, nghĩa là “Nói nên chậm, tâm nên thiện”.
Mileva Marić-Einstein, nhà vật lý và toán học người Serbia, từng nói: “Người càng lương thiện, lại càng không thể phát hiện ra những điều bất lương ở người khác.” Có người nghĩ rằng người lương thiện có phần ngốc nghếch, kỳ thực là bởi người lương thiện có nội tâm cao thượng, không có ý tưởng thấp hèn, không so đo tính toán, không tự cao tự đại. Bởi vậy William Shakespeare ví: “Tâm lương thiện chính là vàng”. Người lương thiện thì phẩm cách vô cùng ưu tú, sự lương thiện của họ khiến người khác kính phục, thậm chí khiến người khác có cảm giác không thể làm theo, không thể với tới.
Từ khi còn là một cậu bé 5 tuổi, Phạm Trọng Yêm đã mang trong mình tấm lòng lương thiện muốn giúp dân, giúp nước. Khi được một thầy tướng số hỏi, cậu đã nói mơ ước sau này có thể trở thành thầy thuốc hoặc tể tướng. Nguyên nhân là vì thầy thuốc có thể trực tiếp bốc thuốc cứu mạng người, còn tể tướng lại có thể phò tá thiên tử chăm lo cho bách tính được bình yên. Ý nguyện của cậu làm ông thầy tướng số cảm động, nói cậu có “cái tâm của một vị tể tướng”. Quả nhiên sau này Phạm Trọng Yêm đã trở thành một vị tể tướng tài ba thời Bắc Tống.
Phạm Trọng Yêm cứu tế học trò, giảm nô dịch, xây dựng nghĩa điền, hành thiện ân trạch khắp thiên hạ. Trong cuốn “Nghĩa Điền Ký” của Tiền Công Phụ có một đoạn ghi chép như sau: Phạm Trọng Yêm bỏ ra rất nhiều tiền mua mấy ngàn mẫu ruộng tốt. Ông không dùng ruộng đất để làm giàu, mà ngược lại mang tất cả ruộng đất đó coi là ruộng công ích, để bách tính khỏi phải chịu nỗi khổ đói khát, cơ hàn, nhưng không cấp ruộng cho những người làm quan.
Mặc dù quyền cao chức trọng, bổng lộc lớn, nhưng Phạm Trọng Yêm không để lại tiền của cho con cái, mà toàn bộ dùng vào việc thiện, cứu khổ phò nguy, truyền đức nhân, lấy việc thiện làm vui cho con cháu. Phạm Trọng Yêm đã gieo hạt giống lương thiện trong gia tộc, giúp con cháu hưng vượng suốt 800 năm, từ thời Tống mãi cho đến thời Mạt Thanh.
Người lương thiện không phải tranh đấu ngược xuôi, sống cuộc đời khổ nhọc, tính kế hại người, ăn không ngon ngủ không yên. Họ tự nhiên có được may mắn, có được phúc lành. Bản thân họ không vì cách nhìn của người khác mà dễ dàng thay đổi bản tính của mình. Trong đối nhân xử thế họ luôn mỉm cười, vui vẻ, cuộc sống của họ và những người xung quanh cũng sẽ có nhiều niềm vui.
Có câu nói nổi tiếng rằng: “Thiên đạo vô thân, thường dữ thiện nhân”, Đạo Trời không thân với ai, mà thường ở chỗ người Thiện. Thiên thượng để người lương thiện được làm một người lương thiện, đây chính là món quà cao quý nhất đối với con người. Sự thiện lương cũng là đạo lý phổ quát nhất mà nhân loại luôn hướng đến.
Thiên Cầm