Nền đông y việt Nam đã trải qua hàng nghìn năm lịch sử phát triển với nhiều danh y nổi tiếng, trong số đó phải kể đến Hải Thượng Lãn Ông. Không chỉ có tài năng về y thuật, mà y đức của ông cũng là điểm sáng chói cho đến tận ngày nay.
Xuất thân dòng dõi khoa bảng
Vào thời vua Lê Dụ Tông đầu thế kỷ 18, có ông Lê Hữu Mưu xuất thân thuộc dòng dõi khoa bảng ở hương Liêu Xá, huyện Đường Hào, trấn Hải Dương (nay thuộc tỉnh Hưng Yên).
Cụ tổ của ông là Lê Phúc Tiến giữ chức Quốc tử giám vào đời Hồng Đức (1470-1497). Cha ông là Lê Hữu Danh đỗ Hoàng Giáp khoa thi năm 1670, làm quan đến Hiến sát sứ được phong tước Văn Uyên Bá. Lê Hữu Mưu cùng anh em của ông là Hữu Hỷ, Hữu Kiều đều đỗ tiến sĩ và làm quan trong triều.
Năm 1720, Lê Hữu Mưu sinh đứa con thứ 7 và đặt tên là Lê Hữu Trác. Năm 1739, sau khi cha qua đời, Lê Hữu Trác lúc 19 tuổi dời Kinh thành về sống tại quê mẹ huyện ở Hương Sơn, trấn Nghệ An (nay thuộc huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh).
Tượng đài danh y Hải Thượng Lãn Ông. (Ảnh từ hatinh.gov.vn)
Về quê mẹ, Lê Hữu Trác vừa trông nom gia đinh, vừa chăm chỉ đèn sách, mong tiếp tục truyền thống khoa bảng của gia đình.
Lúc này ở Đàng Ngoài, xã hội rất rối ren, nhiều cuộc khởi nghĩa nổ ra.
Gia nhập quân chúa Trịnh
Một lần Lê Hữu Trác tình cờ quen biết được cao nhân họ Vũ ở Hà Đông. Vị cao nhân này trao cho ông cuốn binh thư dạy về cách bày binh bố trận, và cả phương pháp bấm độn của đời xưa. Lê Hữu Trác đọc và học mải mê, rồi quyết định tham gia quân chúa Trịnh vào năm 1740 nhằm phát huy sở học của mình.
Qua một loạt các trận thắng, Lê Hữu Trác được tin tưởng và xem như quân sư.
Nhưng đây cũng là lúc Lê Hữu Trác nhận thấy xã hội thối nát, chiến tranh chỉ tàn phá và mang thêm đau thương cho dân chúng. Vì thế ông muốn ra khỏi quân đội nhưng chưa được đồng ý.
Đúng lúc ấy, vào năm 1746, người anh thứ 5 của Lê Hữu Trác ở Hương Sơn mất. Ông lấy lý do phải nuôi mẹ già và cháu nhỏ thay anh để xin được về quê.
Bén duyên với y thuật
Lê Hữu Trác bị bệnh lúc còn trong quân ngũ, về quê lại cáng đáng nhiều việc, vùng Hương Sơn lại nhiều chướng khí, khiến bệnh Lê Hữu Trác càng nặng. Người nhà phải cáng ông đi hàng chục cây số đến nhà lương y Trần Độc ở Nghệ An. Tại đây Lê Hữu Trác phải trị bệnh hơn 1 năm mới khỏi.
Vùng Hương Sơn lại nhiều chướng khí,
Trong thời gian này Lê Hữu Trác tìm hiểu về thuốc và đông y, ông đọc một số sách ở nhà lương y Trần Độc như “Phùng thị cẩm nang” và hiểu được chỗ sâu xa của thuốc.
Qua trao đổi với Lê Hữu Trác, lương y Trần Độc lấy làm lạ về khả năng của ông. Dù tự đọc sách, không có ai bày nhưng ông vẫn nắm được nhiều điều vi diệu. Thế là Trần Độc liền đem hết kiến thức của mình truyền dạy lại cho Lê Hữu Trác.
Lê Hữu Trách nhanh chóng hiểu thâm sâu y lý, từ đó say mê nghiên cứu đông y. Nhận thấy làm thầy thuốc không chỉ giúp cho mình mà còn giúp cho nhiều người, nên ông quyết chí theo học.
Hải Thượng Lãn Ông
Khỏi bệnh và trở về Hương Sơn, Lê Hữu Trác lấy hiệu là “Lãn Ông” là “ông lười” mang nghĩa là chán ghét công danh, tự giải phóng mình khỏi con đường công danh lợi lộc, chỉ chuyên chú y thuật để giúp người.
Về sau người dân gọi ông là “Hải Thượng Lãn Ông”, chữ “Hải” là trấn Hải Dương nơi ông sinh ra, “Thượng” là phủ Thượng Hồng quê cha và cũng là xứ Bầu Thượng quê mẹ.
Năm 1756, nhận thấy y lý mênh mông, Lê Hữu Trác đến kinh đô mong tìm được thầy để giải đáp những vướng mắc của mình. Tiếc thay không tìm được thầy giỏi, ông đành mua một số phương thuốc gia truyền. Trở về Hương Sơn, ông “khước từ giao du, đóng cửa đọc sách”, vừa học vừa chữa bệnh, 10 năm sau danh tiếng của ông vang khắp vùng Hoan Châu.
Nhà thờ Lê Hữu Trác ở Hương Sơn.
Sau mấy chục năm vừa học vừa hành, Lê Hữu Trác đã đọc và nghiên cứu rất sâu các cuốn sách kinh điển như Hoàng Đế nội kinh tố vấn, Nam Kinh, Thương hàn, Kim quỹ, tìm hiểu y lý kết hợp kinh nghiệm thực tế chữa bệnh của mình.
Không như những danh y khác, Hải Thượng Lãn Ông không muốn đơn truyền, mật truyền, mà ông muốn phổ biến nghề y của ông, khiến ai cũng có thể học được. Ông viết: “không dám truyền thụ riêng ai, chỉ muốn đem ra công bố cho mọi người cùng biết, nhưng việc thì nặng sức lại mỏng, khó mà làm được” (Thượng kinh ký sự).
Hải Thượng Lãn Ông quyết định viết sách lưu lại cho mọi người. Phải mất hơn 10 năm ông mới viết xong bộ “y tôn tâm lĩnh” gồm 28 tập, 66 quyển gồm đầy đủ Y lý, Y thuật, Dược, Di dưỡng và cả y đức nữa…
(Còn tiếp) – Trần Hưng