-
-
-
-
-
-
-
-
-
-
-
-
-
-
- Phan Đăng Media
-
-
-
-
-
-
-
-
-
-
-
-
-
Bạn vẫn đang làm những công việc hôm qua. Bạn vẫn đi trên những con đường hàng bữa. Những bạn bè, những đối tác làm ăn, những cuốn sách, những chương trình TV quen thuộc. Bạn vẫn “gối cao đầu” ru giấc ngủ hàng đêm.
Và rồi đến một ngày bạn phải choàng tỉnh giấc. “Một tên trộm trèo tường” đã khoắng của bạn những món đồ quý giá.
Vâng, những “tên trộm trèo tường” luôn rình rập khắp nơi. Bạn phải làm gì để ngăn chặn, để “tóm cổ” nó?
Dù bạn muốn hay không, ngày mai vẫn đến. Dù bạn chẳng quan tâm, mặt trời vẫn mọc mỗi ngày. Đó là điều ai cũng biết. Nhưng ở một góc nhìn sâu sắc hơn, nhà tương lai học Ryan Mathews lại cảnh báo: “…Tương lai thâm nhập vào cuộc sống của chúng ta như một tên trộm trèo tường, không ai hay biết. Nó ẩn mình trong bóng tối của hiện tại, giấu mình cho đến khi sự hiện diện của nó chi phối mọi khía cạnh trong sự tồn tại của chúng ta”.
Sẽ chẳng ai quan tâm nếu nó không chi phối. Nhưng nếu vậy, xã hội loài người sẽ đứng yên mãi mãi. Sự biến đổi không ngừng của xã hội, sự khốc liệt của “thương trường là chiến trường “ đã biến tương lai thành một tên trộm trèo tường đúng nghĩa. Nếu bạn đang là chủ một doanh nghiệp và bạn vẫn “kê cao gối ngủ” hàng đêm. Có khả năng một ngày nào đó, bạn phải nửa đêm tỉnh giấc và nhận thấy rằng, một số món đồ quý giá đã mất: Một doanh nghiệp nào đó đã lấy đi nhóm khách hàng giá trị của bạn.
Hoàn toàn không phải là cá biệt. Điều này có thể xảy ra với mọi doanh nghiệp và có thể với cả mọi người. Phải làm gì? Giả sử bạn đang làm CEO của một hệ thống bán lẻ lớn và phương châm hoạt động của bạn là “tối đa hóa hiệu quả hoạt động để đảm bảo tính cạnh tranh về giá”. Liệu chiến lược thực hiện những phi vụ mua lại lớn để tạo ra lợi thế kinh tế theo quy mô có mang lại một lợi thế cạnh tranh cho 5 năm sau hay không? Điều gì sẽ xảy ra nếu sự chú ý của bạn chỉ hướng đến việc tiết kiệm chi phí từ các hoạt động mua lại hôm nay, để rồi không theo kịp những nhu cầu thay đổi của người mua hàng? Và nguy hiểm hơn, 5 năm sau bạn có thể sẽ lâm vào hoàn cảnh không còn gì để có thể cắt giảm chi phí, và phải lưu kho những sản phẩm không còn hấp dẫn đối với khách hàng.
Rõ ràng là cắt giảm chi phí và mua vào với số lượng lớn để giảm giá thành là lựa chọn đúng đắn hôm nay của mọi nhà bán lẻ, nhưng cùng với thời gian, công thức này sẽ không còn đúng nữa. Cũng tương tự, nếu bạn đang là chủ một trang trại chăn nuôi với hàng ngàn chú heo thịt đều đặn hàng kỳ làm đầy lên tài khoản của bạn. Thế rồi, các hiệp định thương mại được mở ra, thị trường bị thịt heo nhập ngoại rẻ hơn, an toàn hơn chiếm giữ. Để cắt giảm giá thành để vẫn bán được hàng, vẫn làm ăn có lãi, bạn buộc phải xem lại toàn bộ quy trình trong mọi hoạt động của mình. Các “công thức chiến thắng” của hôm nay được bạn mổ xẻ để đại tu lại. Nhưng rồi, cũng như ở công ty bán lẻ kia, sự “đại tu” cũng đến tới hạn. Công thức chiến thắng cũ đã không còn đúng nữa.
“Lạy Chúa, anh đang cưỡi một con ngựa chết. Hãy trèo xuống đi”. Câu nói đầy hình tượng này của nguyên chủ tịch Trung Quốc Đặng Tiêu Bình khi trao đổi về các mô hình kinh tế của Trung Quốc thời kỳ tiền đổi mới luôn đúng cho mọi hoàn cảnh. Và thật sự đáng lo ngại là ngay cả hiện tại, một câu hỏi nhức nhối vẫn luôn được đặt ra là: Tại sao vẫn luôn có quá nhiều người luôn tìm cách làm sống lại một con ngựa đang hấp hối, trong khi chúng ta có thể nhảy lên lưng một con ngựa đang khỏe mạnh?
Một con ngựa hấp hối và một con ngựa khỏe mạnh – đó là quá khứ và tương lai. Quá khứ tồn tại trong ký ức và tương lai tồn tại trong trí tưởng tượng. Tương lai tồn tại như một tập hợp của các hoàn cảnh đã được tưởng tượng ra. Bạn sẽ bảo, một con ngựa khỏe mạnh – tương lai, ai lại chẳng muốn mình có tên ở đó. Nhưng trí tưởng tượng ở đâu mà có khi mà cuộc sống hiện tại, những công việc quen thuộc hàng ngày vẫn cuốn mình theo? Gia đình, bạn bè, đối tác, văn phòng, đồng nghiệp…tất cả vẫn thế, ngày này qua ngày khác, trí tưởng tượng làm sao mà có?
Phải, làm sao có?
Hãy thay đổi góc nhìn.
Phần lớn trong chúng ta đều bảo rằng tranh của danh họa Picasso rất khó nhìn, thậm chí không ít người cho rằng xấu. Thế nhưng tại sao ông ấy lại được người đời gọi là danh họa và các tác phẩm của ông đều có giá hàng triệu USD?
Chính Pablo Picasso đã trả lời câu hỏi này: “Chỉ có một cách để quan sát sự việc cho đến khi có ai đó hướng dẫn chúng ta quan sát từ những góc nhìn khác”.
Vâng, góc nhìn khác! Chính góc nhìn khác này đã đưa Picasso vào ngôi đền của những danh họa. Và cũng với góc nhìn khác này đã biến những con người bình thường trở nên giàu có.
Bạn đã bao giờ xem một trận đấu bóng chày chưa? Với người Việt chúng ta, bóng chày là một môn thể thao xa lạ. Thế nhưng với người Mỹ, bóng chày là môn thể thao hấp dẫn thứ 3, sau bóng rỗ và bóng bầu dục. Chúng ta hãy cũng nghe một người hâm mộ kể lại một trận bóng này:
“Năm 1996, vợ tôi, Haley và tôi đã lần đầu tiên cùng nhau theo dõi một trận thi đấu bóng chày. Cầu thủ ném bóng cho đội Seattle Mariners là Randy Johnson, cầu thủ ném bóng có chiều cao cao nhất trong bộ môn này (1,85m) với tốc độ lên đến 160km/giờ, một trong những kỷ lục khó vượt qua nhất.
Johnson đã chiến thắng 8 trên 10 cầu thủ đánh bóng hạng A đầu tiên của đội Oakland. Ngay từ đầu, tôi có cảm giác rằng mình đang được theo dõi màn thi đấu lập kỷ lục với số lượng quả đánh hỏng nhiều nhất trong một trận đấu. Tôi cũng không phải là người duy nhất nghĩ đến khả năng này. Mỗi lần quả đánh hỏng lần 2 (two-strike) được tính, 50.000 người hâm mộ đều đứng bật dậy cỗ vũ Johnson để anh ta thực hiện lần ném thứ ba sao cho cầu thủ đánh bóng tiếp tục đánh hỏng.
Trong niềm phấn khích, tôi thét lên với Haley rằng: “Điều này chẳng tuyệt vời sao?”
Cô ấy đáp lại: “Em rất vui khi chúng ta phải đứng lên nhiều lần. Nhưng…trận đấu này chẳng có gì hay ho cả”.
Tôi sửng sốt: “Chẳng có gì hay ho ư? Cầu thủ ném bóng đang hướng đến một kỷ lục đấy”.
“Nếu anh chàng đó giỏi như vậy thì tại sao anh ta không thể ném bóng để cầu thủ đánh bóng đánh trúng? Anh ta đã phá hỏng cơ hội để mọi người được chạy, đuổi theo bóng, ném bóng và trượt dài trên các góc ghi điểm. Chẳng phải đây là một môn thể thao thu hút nhiều khán giả ư? Cái cách mà anh ta ném bóng, đúng là chẳng ai có thể hiểu nổi”.
Trong khoảnh khắc đó, Haley đã thay đổi quan niệm về bóng chày, từ một trò chơi thắng – thua với các quả đánh hỏng được xem là giỏi thành một môn thể thao với mục tiêu tạo ra thật nhiều hoạt động để phục vụ khán giả. Haley có hai bằng Thạc sĩ, nhưng trong 39 năm tồn tại trên trái đất này, cô ấy chưa từng được ai tóm tắt về luật bóng chày. Đúng như vậy, chính vì không am hiểu quy luật nên cô ấy đã xem trận đấu bằng một đôi mắt tươi mới và theo dõi các hoạt động trên sân với suy nghĩ nguyên thủy, tất nhiên là khác biệt với 50.000 người hâm mộ bóng chày rõ luật”.
Hãy làm một người không am hiểu để có một cách nhìn đổi khác. Về điều này, trẻ con hơn chúng ta nhiều lắm. Vì thiếu kiến thức và kinh nghiệm, trẻ con không chịu sự hạn chế của những suy nghĩ liên quan đến những điều mà người lớn chúng ta gọi là khả thi hay bất khả thi. Về bản chất, trẻ con đã mang đôi mắt ngây thơ của chúng vào trải nghiệm khám phá cuộc sống, đồng thời tận hưởng khả năng suy nghĩ không bị gò bó bởi những hạn chế, sự đồn đoán hay tiền lệ, quá khứ.
Còn người lớn chúng ta, với cái gọi là kinh nghiệm và kiến thức, chúng ta đã tự làm hại mình trong một thế giới không ngừng thay đổi. Nếu còn sống, chủ tịch Hội khoa học Hoàng gia Anh vào những năm cuối thế kỷ 19 Lord Kelvin sẽ phải cực kỳ xấu hổ khi đã từng phát biểu: “Những chiếc máy để bay mà nặng hơn không khí là điều không thể có được”. Đáng xấu hổ hơn, Robert Milliken, giải Nobel vật lý năm 1923 còn quả quyết: “Con người tận dụng được năng lượng nguyên tử là điều không thể nào xảy ra”. Hơn thế nữa, giám đốc cơ quan cấp bằng sáng chế Hoa Kỳ vào năm 1899 lại còn tổng kết: “Mọi thứ có thể phát minh đều đã được phát minh”…Nhiều, nhiều lắm những điều như thế. Chúng ta đã quá “thông minh” nên đã bỏ qua những điều có thể.
Có lẽ bạn đã một lần nhìn thấy cỗ quan tài. Trong con mắt “kinh nghiệm” của chúng ta, quan tài là 6 miếng ván được ghép lại với nhau theo dạng một hình hộp chữ nhật. Cầu kỳ hơn, những miếng ván này được đục đẽo, sơn phết để trở nên đẹp đẽ hơn và…chấm hết. Vậy rồi, bạn sẽ phản ứng ra sao khi nhìn thấy một cỗ quan tài mang hình chiếc xe Mercedes Benz tại một bảo tàng nghệ thuật ở Mỹ? Mà đâu chỉ ở Mỹ, ở châu Phi xa xôi, một ngư dân vì luôn tự hào với nghề nghiệp của mình đã yêu cầu thợ mộc đóng cho ông một cỗ quan tài hình con cá; một thợ săn muốn yên nghỉ trong cỗ quan tài hình con sư tử và một võ sỹ quyền anh đã được chôn trong chiếc quan tài hình chiếc giầy mà sinh thời ông đứng trên sàn đấu…Các cỗ quan tài khác biệt có công dụng vinh danh những nghề nghiệp mà sinh thời họ đam mê, đeo đuổi.
Nếu hình dạng một cỗ quan tài luôn có đầy đủ mọi kiểu cách cho mọi người lựa chọn thì tại sao bạn lại tự giới hạn tư duy của mình trong một khuôn khổ “6 tấm”? Cũng tương tự như vậy, nếu bạn đang làm chủ một danh nghiệp, tại sao bạn phải tự “nhốt mình” trong những kiểu tư duy tiền lệ? Nếu người khác chỉ có một cách để kinh doanh thì đó chính là cơ hội tốt để bạn tìm ra thị trường riêng cho mình bằng cách đi theo hướng ngược lại. Có thể, với một góc nhìn khác, một cách kinh doanh khác, bước đầu bạn sẽ bị nghi ngờ, thậm chí bị dèm pha, chế nhạo. Nhưng, bạn thử nghĩ xem, bạn đang sống, đang làm việc vì ai, để rồi phải tự trói mình sau những lời dèm pha ấy? Chẳng phải Clint Eastwood đã bỏ ngoài tai lời dèm pha của giám đốc điều hành hãng phim Universal sau khi sa thải ông rằng: “Ông có một chỗ mẻ trên răng, yết hầu của ông nhô cao quá và ông nói quá chậm”. Để rồi sau này ông trở thành một trong những ngôi sao vĩ đại nhất của phim trường Holywood? Chẳng phải Sabeer Bhatia đã bỏ ngoài tai sự cười nhạo của 39 nhà đầu tư khi anh mời họ bỏ tiền tham gia vào dự án Hotmail của anh. Để rồi, ở đối tác thứ 40, anh đã mang về cho họ hơn 60 triệu USD sau gần 2 năm góp vốn, từ số vốn ban đầu chỉ 300 ngàn USD. Còn anh, đó 360 tiệu USD từ 2 bàn tay trắng….?
Xin hãy nhớ rằng, bạn không phải được sinh ra để người khác dẫn dắt, để làm theo. Wal – Mart, tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới cũng đã có một quãng thời gian bỏ ngoài tai “những lời khuyên bè bạn”. Ngày đó, khoảng thập niên 60 của thế kỷ XX, kinh nghiệm cho thấy rằng, nếu muốn có doanh thu đủ lớn, bạn phải lập cửa hàng ở những nơi dân cư đông đúc. Tuy nhiên, bằng đôi mắt ngây thơ, Wal – Mart đã làm điều ngược lại. Họ lập cửa hàng ở những thành phố nhỏ, nơi mà, với suy nghĩ được lựa chọn sản phẩm hàng hiệu giá rẻ đã khiến mọi người chấp nhận lái xe qua những chặng đường dài để đến mua sắm ở cửa hàng của họ. Nhờ bất chấp những suy nghĩ khác, Walt-Mart đã phát triển lớn mạnh với hàng ngàn siêu thị mà không phải cạnh tranh trực tiếp với các nhà bán lẻ có quy mô tương tự.
Cũng để có thể ngây thơ, năm 1966, chủ tịch công ty Layless Shoes, Maxine Clark tạm thời xa rời công ty để nghiên cứu thị trường. Một ngày nọ, bà tình cờ ghé vào một nhà máy. Ở đó người ta luôn cho phép học sinh tiểu học và các nhóm hướng đạo sinh thường xuyên đến tham quan, học hỏi và khám phá. Với trải nghiệm này, bà trở lại siêu thị bán lẻ của mình, lập nên một “xưởng chế tạo gấu”. Xưởng được bố trí theo trình tự gồm 8 phòng, nơi mà trẻ con và người lớn có thể chơi với những người bạn thú được lựa chọn từ các con thú nhồi bông khác nhau. Các phòng được đặt tên là “Chọn tôi”, “Nhồi tôi”, “Nghe tôi”(một con chíp điện tử ghi lại thông điệp riêng của bạn để làm giọng nói cho con gấu), “Khâu tôi”, “Giữ tôi”, “Đặt tên cho tôi” (“giấy khai sinh và giữ liệu để nhập vào hệ thống theo dõi gấu), “Mặc áo cho tôi” và “Mang tôi về nhà” (hợp để đựng và mang đi).
Không chỉ vậy, để xưởng luôn tươi mới và thật ngây thơ con trẻ, Clark lập ra một Ban cố vấn gồm nhiều đứa trẻ từ 6 đến 14 tuổi. Bà còn thường xuyên trao đổi ý tưởng với con cháu của bạn bè, những đứa trẻ bà gặp khi đi đây đó và tất nhiên là theo dõi cả những thông tin phản hồi từ các bảng câu hỏi khảo sát của siêu thị. Với “xưởng chế tạo gấu” này, doanh nghiệp của bà đã làm ăn cực kỳ phát đạt. Và năm 1991, Liên bang bán lẻ quốc gia Mỹ đã vinh danh bà là “nhà cách mạng bán lẻ”.
Đọc tới đây, hẳn bạn sẽ bảo: ừ, thật tuyệt! nhưng phải làm gì để luôn có được một con mắt tươi mới, ngây thơ con trẻ, để có mặt ở tương lai? Câu trả lời là đây, mong bạn cùng suy ngẫm:
(1) Lập danh sách những công ty mà bạn là một người hâm mộ cuồng nhiệt. Đối với mỗi công ty trong danh sách, hãy viết những thực tiễn cụ thể được bạn yêu thích. Sau đó, hãy tưởng tượng cách áp dụng mỗi thực tiễn cho ngành kinh doanh của mình.
(2) Phân tích những điều phiền nhiễu mà các ngành kinh doanh khác đang ngầm yêu cầu khách hàng của họ phải chấp nhận. Bạn có thể mang lại giải pháp nào để thỏa mãn những nhu cầu được quan tâm này?
(3) Áp dụng phép ẩn dụ và phép loại suy để tái suy ngẫm về công ty, về sản phẩm lẫn dịch vụ của bạn.
(4) Thay đổi quan điểm của bạn bằng cách đi nhiều nơi; đọc nhiều sách báo hoặc xây dựng quan hệ với các thành viên trong các hiệp hội thương mại.
(5) Theo dõi sự khởi đầu và các hoạt động theo sau có liên quan đến việc sử dụng các sản phẩm hay dịch vụ của bạn. Hãy đặt mình vào vị trí của người tiêu dùng và mường tượng những gì xảy ra trước, trong và sau khi sản phẩm của bạn được đưa vào sử dụng. Người tiêu dùng của bạn hiện đang sử dụng dịch vụ của các nhà cung cấp nào khác? Doanh nghiệp của bạn có thể cung cấp dịch vụ nào để thu về lợi nhuận cao hơn? Nếu điều kiện không ủng hộ để doanh nghiệp của bạn cung cấp dịch vụ thì liệu đối tác hay liên minh nào khác có thể đủ sức cung cấp dịch vụ theo mô hình giới thiệu hay kinh doanh chéo?
Hãy suy ngẫm và tiếp tục suy ngẫm. Chẳng ai có thể làm thay bạn được bởi bạn đang tự tìm cho mình một chỗ đứng khác biệt ở tương lai. Càng suy ngẫm, những câu hỏi phải được bật ra, tương lai càng dễ hiển hiện và những “tên trộm trèo tường” chẳng còn cơ hội.
Những câu hỏi…
Albert Einstein, một trong những bộ óc vĩ đại nhất của thế kỷ XX đã từng nhìn nhận. “Tôi chẳng có tài năng đặc biệt nào cả. Tôi chỉ ham thích tò mò”. Tò mò cung cấp trí tưởng tượng cho chúng ta. Khi chúng ta đặt câu hỏi về những thứ khác, chúng ta có thể tìm được thông tin quan trọng giúp giải quyết vấn đề, mở ra những cánh cửa mới và hình thành các mối liên kết. Khi chúng ta đặt câu hỏi về chính bản thân mình, chúng ta có thể đánh thức niềm tin, tiết lộ những ham muốn sâu thẳm nhất của mình và tạo nên sự thay đổi tích cực.
Vậy nên, bạn hãy tự hỏi:
(1) Thành tựu hay kết quả nào mà bạn tin rằng là vô cùng khó để đạt được trong thời điểm hiện tại, nhưng nếu có thể thực hiện thành công thì lại giúp gia tăng khả năng sinh lợi lâu dài?
(2) Vấn đề nào khiến bạn thỉnh thoảng phải lo lắng? Vấn đề nào không cấp bách hôm nay nhưng nếu không giải quyết thì lại gây nguy hiểm cho tầm nhìn lâu dài của bạn?
(3) Những quy luật thành công theo thông lệ trong ngành kinh doanh của bạn là gì? Nếu phá vỡ những quy luật đó và thực hiện điều ngược lại thì bạn có thể tìm thấy những cơ hội nào?
(4) Ai sẽ là khách hàng của bạn 5 năm sau? Sản phẩm hiện tại của bạn cần thay đổi những gì để phục vụ đối tượng khách hàng đang “lão hóa”? Bạn sẽ tiếp thị, phân phối và đổi mới sản phẩm của mình như thế nào để tiếp cận đối tượng khách hàng trẻ hơn cũng như giành lấy sự trung thành của họ ngay từ sớm?
(5) Đâu là những nỗi thất vọng mang tính “kinh điển” của khách hàng mà bạn và các đối thủ cạnh tranh vẫn xem là “bản chất của hoạt động kinh doanh” để rồi không ai đưa ra được một giải pháp độc đáo hay hiệu quả về mặt kinh tế? Bạn có thể xây dựng các mối quan hệ khách hàng của mình như thế nào để loại bỏ mọi điều phiền nhiễu?
(6) Các khách hàng quan trọng của bạn đang bắt đầu đòi hỏi những dịch vụ mới nào? Dịch vụ nào mà khách hàng muốn được sử dụng, nhưng lại chưa bao giờ yêu cầu vì nghĩ rằng bạn không thể cung cấp? Ở trường hợp này, thăm dò khách hàng đôi khi là điều không thể. Chúng ta ai cũng biết, khách hàng không phải là phù thủy, nhà tương lai học hay những chiến lược gia biết nhìn xa trông rộng. Nếu bạn có thể thăm dò ý kiến của nông dân vào những năm đầu thế kỷ 19 về điều họ muốn thì chắc chắn, câu trả lời của họ sẽ là: “Một con ngựa mạnh gấp đôi và ăn ít đi một nửa”. Sẽ không ai bảo rằng hãy chế tạo cho tôi một chiếc máy kéo cả. Gần như chắc chắn sẽ là như vậy.
(7) Nếu muốn trở thành một doanh nghiệp mà mình đã hình dung trong tương lai thì bạn cần phải làm gì hôm nay? Bạn cần phát triển hay đạt được những năng lực nào để trang bị cho bản thân trước khi phục vụ khách hàng tương lai theo những cách mà họ chưa bao giờ nghĩ đến?
(8) Ai sẽ là đối thủ cạnh tranh của bạn trong tương lai, không chỉ là những đối thủ đã được thừa nhận trong ngành ngày hôm nay mà còn là những công ty đến từ các ngành kinh doanh khác, những người có thể mang lại giá trị tươi mới cho khách hàng?
(9) Nếu dự định lập kế hoạch cho những chiến dịch đổi mới để các đối thủ cạnh tranh khó mô phỏng theo thì bạn sẽ làm gì? Bạn sẽ có những hành động gì để tái thiết mô hình kinh doanh mới, nâng cao tối đa tiêu chuẩn dịch vụ và tái suy nghĩ về những vai trò trong doanh nghiệp để các nhân viên có thể mang lại một giá trị khó có thể đánh bại?
9 câu hỏi bạn tự đặt ra và câu trả lời cũng là của bạn. Tuy nhiên, mong bạn đừng vội vã. Những câu hỏi đã được khẳng định không có giá trị bằng những câu hỏi chưa có câu trả lời. Những câu hỏi khiến bạn phải nỗ lực tìm kiếm lời giải sẽ làm nảy sinh những ý tưởng giúp vun đắp cho quá trình đổi mới.
Cuối cùng, mong bạn nhớ cho rằng, đọc cùng một loại sách báo thương mại, tham gia cùng một hội nghị chuyên ngành và gói gọn mạng lưới quan hệ trong phạm vi đồng nghiệp cùng ngành là những cách làm khiến nhận thức của bạn về tương lai sẽ chẳng khác gì so với người khác.
Và nếu vậy, nếu chẳng khác gì, bài viết này đã trở nên thừa với bạn.
Phan Đăng Media
(Nguồn tư liệu: Báo thanh niên, sách: “Chân dung
những người thành đạt”; “Nắm bắt
các cơ hội kinh doanh trong tương lai”)
Ảnh: Internet