Quan hệ Nga-Mỹ hiện nay không được tốt đẹp lắm và người ta có xu hướng đổ lỗi về điều này cho Tổng thống Putin. Nhưng vấn đề không đơn giản như vậy.
John Evans từng là tổng lãnh sự Mỹ ở Saint Petersburg (Nga) từ năm 1994-1997. Về Tổng thống Nga Putin, ông Evans có một cách nhìn khác với rất nhiều người Mỹ. Dưới đây là lược dịch phần 1 bài viết của Evans đăng trên tạp chí Mỹ National Interest:
Ngày nay ở Mỹ người ta thường đổ trách nhiệm về các khó khăn của quốc gia này trong quan hệ với Nga lên Tổng thống Vladimir Putin nhưng nguồn gốc của sự bất mãn với Nga đã có từ trước khi ông Putin lên làm Tổng thống.
John Evans cho rằng người Mỹ đã hiểu sai về Putin ngay từ khi ông bước vào nhận thức của họ, ở đầu nhiệm kỳ Tổng thống Nga đầu tiên của ông.
Bình tĩnh ứng xử với nạn tội phạm
Putin làm khách của Evans trong một lễ kỷ niệm quốc khánh Mỹ (4/7) ở Saint Petersburg năm 1995 khi Evans làm Tổng lãnh sự Mỹ ở thành phố này. Khi ấy Putin là cấp dưới của thị trưởng Anatoly Sobchak và Evans không mảy may nghĩ Putin sau này sẽ trở thành Tổng thống Liên bang Nga.
Thập niên 1990 hậu Xô viết, tình hình Saint Petersburg khá phức tạp do sự hoạt động của thế giới tội phạm. Một số người gọi đây là miền Đông Hoang dã.
Khi Evans ngỏ ý với Putin về việc hỗ trợ cho một số nhà đầu tư Mỹ đến từ California thì Putin đã rất nhiệt tình. Tác giả đã bị ấn tượng mạnh về phản ứng lập tức của Putin muốn được thấy hợp đồng.
Putin được người Nga gọi là người của nhà nước. Động lực của ông chủ yếu không phải là tiền dù bạn bè của Evans ở Saint Petersburg thừa nhận ông không coi thường tiền. Khi Evans và những người Mỹ khác ở Saint Petersburg biết đến Putin thì họ đã nghe danh Putin không chịu nhận tiền hối lộ. Ông được coi là người hết lòng vì người thầy kiêm sếp của mình là thị trưởng Sobchak. Sobchak là một trong những nhân vật theo đường lối “dân chủ” hàng đầu ở nước Nga mới. Ông này là cựu giáo sư luật, viết lách và hùng biện đều tốt nhưng không phải hiệu quả nhất trên phương diện quản lý.
Thời đó Putin quản lý các công việc hàng ngày của thành phố. Ông có tiếng là đã mang lại trật tự cho thành phố trong bối cảnh tội phạm hoành hành. Người Nga thời đó có nói rằng “nếu có tội phạm thì làm cho nó có tổ chức vẫn tốt hơn”.
Nhưng khác với người tiền nhiệm Yeltsin, Putin không nghiện rượu. Nhưng ông không đến mức kiêng rượu. Ông sẽ nâng cốc khi cần thiết và thường làm tốt điều này. Ở Nga, chúc rượu là một cách giao tiếp, tôn trọng, tôn vinh người khác, đặc biệt là trong các dịp lễ lạt, sinh nhật… Việc nâng cốc còn dành cho cả người chết.
Quan điểm đối với Mỹ và kinh tế tư nhân
Những người biết Putin vào thập niên 1990 nhớ lại rằng công thức của ông để hồi phục nước Nga gồm 3 yếu tố: Tái thiết nền kinh tế, xử lý vấn đề tội phạm, và cải cách tòa án. Cái ông quan tâm khi ấy là những vấn đề trong nước chứ không phải là địa chính trị.
Theo Evans, Putin không phải là người chống Mỹ, không phản đối kinh tế tư nhân, không bài Do Thái, và không phân biệt đối xử với người đồng tính.
Môn thể thao ưa thích của Putin là Judo (nhu đạo) – môn võ tự vệ. Giới phân tích phương Tây tập trung vào chi tiết môn võ này đòi hỏi người chơi tận dụng chính sức mạnh và trọng lượng của đối thủ để chống lại đối thủ. Từ đó người ta liên tưởng tới việc Putin ủng hộ cách tiếp cận lấy yếu chống mạnh (Nga ứng phó với phương Tây).
Nhưng còn một khía cạnh nữa thường bị bỏ qua: Môn võ này bắt nguồn từ phương Đông, cụ thể là Nhật Bản. Những người thi đấu Judo sẽ phải tuân thủ các nghi lễ thân thiện, tôn trọng lẫn nhau trước khi đấu võ với những quy định ngặt nghèo. Và Putin đã đạt được nhiều đai đen cho một môn võ đòi hỏi sự linh hoạt và tự chủ – những phẩm chất mà Putin có thừa.
Xuất thân tình báo đối ngoại
Đầu thập niên 1990, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington (Mỹ) đã liên lạc với thị trưởng Sobchak để lập Ủy ban Kissinger-Sobchak nhằm giúp vùng Tây Bắc nước Nga điều chỉnh theo tình hình mới. Trong chuyến thăm, Tiến sĩ Kissinger đã được giới thiệu với ông Putin. Kissinger hỏi Putin rằng ông bắt đầu sự nghiệp của mình như thế nào. Putin trả lời “trong ngành tình báo đối ngoại”. Tiến sĩ Kissinger được cho là phản ứng lại luôn rằng “tất cả những người ưu tú nhất đều bắt đầu từ ngành tình báo đối ngoại”. Trong nhiều năm sau đó, Putin và Kissinger đã trở nên quen nhau, gặp nhau tới độ 20 lần gì đó.
Còn thượng nghị sĩ McCain nói rằng khi ông nhìn vào mắt Putin, ông thấy 3 chữ K-G-B.
KGB (cơ quan an ninh-tình báo Xô viết) được đa phần người dân Liên Xô coi là một cơ quan tinh hoa, đặc biệt là sau khi ông Yuri Andropov đứng đầu cơ quan này và khởi động tuyển chọn những người “giỏi nhất, thông minh nhất”. Đây là một trong con đường hiếm hoi cho nam thanh niên Liên Xô được ra thế giới và theo đuổi sự nghiệp nhiều thử thách.
Evans được nghe những người ở Saint Petersburg nói như sau: “KGB là trường Havard của chúng tôi”. Và Putin phục vụ một cơ quan như vậy vừa với tinh thần ái quốc vừa để phát triển bản thân.
Tổng thống Mỹ George Bush đã từng gặp Putin lần đầu ở Ljubljana vào năm 2001. Sau cuộc gặp đó, ít nhất 2 người trong chính phủ Mỹ dường như đánh giá cao Putin, đó là Tổng thống Bush và Evans./. (còn nữa)
theo VOV