Lịch sử như dòng sông dài cuốn đi trong lớp sóng của nó bao nhiêu sự tích, chiến công, thành bại của cả một dân tộc. Thế kỷ 21 hiện đại với quá nhiều thú vui và dục vọng, mấy ai còn lưu tâm đến những huy hoàng của quá khứ, những tinh hoa của cổ nhân hay những bài học sâu sắc từ ngàn xưa?
Duyệt Thị Đường: Nhã nhạc cung đình, giải trí để di dưỡng tinh thần cao thượng
Giải trí là một phần rất quan trọng trong đời sống con người, để giảm bớt áp lực công việc và nghỉ ngơi thư giãn. Đối với Hoàng đế chuyện đó cũng không ngoại lệ. Thế nên nhà hát hoàng gia lớn nhất đã được thi công ngay trong Cấm Thành vào năm Minh Mạng thứ 7 (1826). Nhà hát mang tên Duyệt Thị Đường nghĩa là “Nơi để xem xét điều phải trái”, là nơi biểu diễn các vở tuồng cho vua, hoàng gia và các quan khách.
Nhà hát hình chữ nhật, rộng rãi với bộ mái có bờ quyết cong giống như những đình chùa ở Huế, được chống đỡ bởi hai hàng cột lim sơn son có chiều cao 12m, vẽ rồng ẩn mây cuốn xung quanh và được chia làm 2 tầng. Ở lưng chừng mỗi cột treo thêm một bức tranh sơn thuỷ vẽ cảnh Huế với khung chạm rồng nổi thiếp vàng. Trên cao hơn, Mặt Trời, Mặt Trăng, tinh tú tượng trưng cho vũ trụ được vẽ hoặc chạm nổi lên trần nhà màu xanh lơ. Tòa nhà nối liền với các cung điện của nhà vua và các bà hoàng bằng một dãy hành lang có mái khúc khuỷu, quanh co.
Vì là để biểu diễn cho vua xem nên nội dung các vở tuồng cũng như âm nhạc đều có yêu cầu rất cao về nghệ thuật cũng như ý nghĩa với mục đích là giải trí phải giúp tu dưỡng tinh thần nhà vua, không phải để phóng túng tâm tham dật và ham hưởng lạc. Ngay cả cái tên Duyệt Thị Đường cũng đã thể hiện rất rõ điều này.
Sân khấu chính làm nơi biểu diễn ở giữa nhà hát, vị trí tốt nhất dành cho vua ngồi là ở lầu hai. Phía trước hai bên vòm có treo hai câu đối bằng chữ Hán của vua Minh Mạng thể hiện rất rõ tinh thần của nhà hát:
Âm nhạc tinh trần hòa kỳ tâm dĩ dưỡng kỳ chí
Nghiên xuy tề hiến thủ kỳ thị nhi giới kỳ phi
Dịch nghĩa: Âm nhạc cùng phô bày, hoà lòng người để nuôi dưỡng chí khí. Thiện ác cùng trình diện, khiến giữ được cái tốt (cái đúng) mà giới hạn cái xấu (cái sai).
Để có thể đạt được yêu cầu cao về nghệ thuật và nội dung thì phải kể đến đội ngũ nghệ sĩ Nhã nhạc cung đình Huế được đầu tư bài bản và có lịch sử lâu dài. Trong khoảng năm 1802 – 1819, thời vua Gia Long, Việt tương đội, một tổ chức âm nhạc cung đình lớn được thành lập với 200 nghệ nhân. Vua lại cho dựng đài Thông Minh, một sân khấu ca múa nhạc và hát bội trong cung Ninh Thọ.
Những năm 1820 – 1840, vua Minh Mạng cho xây dựng Nhà hát lớn Duyệt Thị Đường (1824-1826), đổi Việt tương đội thành Thanh bình thự, lập thêm một Đội nữ nhạc với 50 ca nữ, vũ nữ, lại cho xây dựng nhà thờ các tổ sư nghệ thuật âm nhạc và hát bội Huế: Thanh bình từ đường. Trước nhà thờ dựng một tấm bia, một sân khấu hát bội và ca vũ nhạc. Văn bia cho biết vào đời Minh Mạng, nghệ thuật âm nhạc và sân khấu đã phát triển tốt đẹp:
“Vũ đài xuân rạng hàng ngũ chỉnh tề, sân khấu mây lồng âm thanh dìu dặt… Khánh chuông ra lệnh xướng hòa, kèn trống nhịp nhàng đánh thổi… Trải mấy triều vương đều khuyến khích, biết bao âm nhạc thảy dồi dào… Giữa điện đình ca múa, tỏ điềm thái vận nước nhà, trên lăng miếu xướng hòa, ngưỡng đức cao thâm biển núi“… (bản dịch của Ưng Dự).
Đến thời vua Tự Đức (1841 – 1883), âm nhạc cổ điển, nhã nhạc cung đình và hát bội cung đình đạt tới đỉnh cao. Nhà hát Minh Khiêm Đường được xây dựng (1864) trong Khiêm cung (sau khi vua mất sẽ gọi là Khiêm lăng). Tương truyền chính Tự Đức đã sáng tác bản nhạc Tứ đại cảnh nổi tiếng. Say mê thơ, nhạc và hát bội, vua lập nên Hiệu thơ phòng để cùng các danh nho trong triều đình xướng họa thơ văn, thưởng thức âm nhạc, sáng tác hay nhuận sắc các vở hát bội. Nhà thơ và nhà soạn tuồng lỗi lạc thời Tự Đức là Đào Tấn (1845 – 1907).
Thế Miếu, Cửu Đỉnh, Hiển Lâm Các: Kế thừa ý chí tiên vương
Từ Diên Thọ cung đi về phía Tây Nam của Tử Cấm Thành là đến quần thể thờ cúng của vua gồm có Thế Tổ Miếu, Cửu Đỉnh và Hiển Lâm Các. Đây là những công trình quan trọng bậc nhất trong Hoàng thành Huế.
Sự quan trọng này khởi nguồn từ yếu tố tâm linh truyền thống và phong thủy của tòa kinh thành. Như đã nói, để hoàn thành đế nghiệp cho dòng họ, các chúa Nguyễn bỏ ra hơn 200 năm gây dựng âm đức, tụ linh sinh long mạch và khởi công dựng kinh đô. Việc tích âm đức quan trọng nhất, chính là được truyền thừa từ đời này qua đời khác. Một trong những hình thức đó chính là thờ cúng tổ tiên và xây dựng nơi yên nghỉ của tiền nhân.
Ngoài ra, mộ phần và sự thờ cúng tổ tiên trong Bát Tự lý số lại đóng vai trò là Thiên Tài (chủ về tài chính, tài lộc) của chủ mệnh Hoàng đế. Nếu mộ phần được chăm sóc thờ cúng tốt thì Hoàng đế sẽ luôn vượng tài. Ngoài ra, Tài mà mạnh sẽ sinh xuất bản mệnh vua, khiến cho nó bớt mạnh mẽ, trở nên nhu hòa hơn, cũng chính là lý trí và không cực đoan. Điều này rất cần thiết bởi vốn dĩ đế vương bản mệnh ai cũng rất mạnh mẽ, nếu không có thứ để giảm bớt đi thì sẽ rất nguy hiểm cho quốc gia. Điều này cũng có nghĩa là khi vua thực hiện việc thờ cúng thì sẽ kế thừa tinh thần của tiên đế mà không dám phóng túng bản thân làm điều bốc đồng. Đó mới thật sự là phúc khí của quốc gia vậy.
Hiển Lâm Các là một công trình cao nhất trong hoàng cung. Không có bất kỳ công trình nào được phép xây cao hơn nó. Đây chính là nơi trưng bày, thờ cúng các chiến công của các vua đời trước cũng như ghi công các công thần khai quốc. Chiều cao của Hiển Lâm Các (làm bằng 4 cột gỗ cao 13 m) chính là thể hiện sự trọng vọng và ghi nhớ công ơn của quốc gia đối với các minh quân và công thần.
Trong ý nghĩa phong thủy, Hiển Lâm Các thuộc Giáp Mộc (gỗ to) còn tượng trưng cho các trụ cột của triều đình luôn cao lớn mạnh mẽ để gánh vác quốc gia mãi mãi. Bởi vì Mộc (các quan nhờ Thổ hoàng gia) mà trở nên cao lớn và có giá trị, đồng thời chính là thể hiện ân trạch hoàng gia vĩnh viễn sâu dày. Toàn bộ các cây gỗ ở Hiển Lâm Các sơn màu đỏ, tượng trưng cho trí tuệ của các quan sẽ sinh vượng cho Thổ (hoàng gia) bền vững. Đó là một vòng tuần hoàn trong tự nhiên, cũng chính là đạo quân thần nhắc nhở cho cả vua và quan. Chỉ có tôn trọng đạo quân thần thì quốc gia mới hưng thịnh.
Cửu Đỉnh đặt trước Hiển Lâm Các, đối diện Thế Miếu mang hàm nghĩa rất sâu xa. Tương truyền rằng, sau khi Hạ Vũ chia thiên hạ thành chín châu (cửu châu) thì lấy đồng của các châu đúc thành chín đỉnh (Cửu Đỉnh), khắc tinh hoa phong cảnh của chín châu vào Cửu Đỉnh, mỗi đỉnh tượng trưng cho một châu, toàn bộ cất giữ tại kinh đô nhà Hạ. Vì thế, Cửu Đỉnh trở thành biểu trưng cho quyền uy của chính quyền phong kiến và sự thống nhất quốc gia. Từ đó có câu nói: “Có được Cửu Đỉnh là có được thiên hạ“.
Nhà Nguyễn thống nhất Việt Nam với một dải sơn hà rộng lớn chưa từng có dưới thời Minh Mạng. Bởi vậy đây cũng chính là dịp tốt nhất để tái hiện lại tích xưa, vừa có thể nêu lên uy vọng của triều đại đồng thời lưu lại một vật báu truyền quốc cho con cháu. Với ý nghĩa ấy, tháng 10 âm lịch năm 1835, vua Minh Mạng xuống dụ chỉ cho Nội các, sai đúc Cửu Đỉnh riêng cho triều đại của mình, triều Nguyễn. Dụ chỉ như sau:
“Đỉnh là để tỏ ra ngôi vị đã đúng, danh mệnh đã tụ lại. Thực là đồ quý trọng ở nhà tôn miếu. Xưa các minh vương đời Tam đại lấy kim loại do các quan mục bá chín châu dâng cống, đúc chín cái đỉnh để làm vật báu truyền lại đời sau. Quy chế điển lễ ấy thực to lớn lắm! Trẫm kính nối nghiệp trước, vâng theo đường lối rõ ràng. Nay muốn phỏng theo đời xưa, đúc chín cái đỉnh để ở nhà Thế miếu… Đó là để tỏ ý mong rằng muôn năm bền vững, dõi truyền đời sau. Chuẩn cho quan phần việc theo đúng kiểu mẫu mới định mà đúc”.
Tóm lại, với công trình Thế Miếu, Hiển Lâm Các và Cửu Đỉnh, các bậc thầy phong thủy cũng như Hoàng đế thời đó đã tạo nên một tuyệt tác. Nó có thể làm ổn định được tâm thái của các vị vua kế nghiệp, giúp họ luôn giữ được chính tâm và thành ý để có thể tu thân tích đức và trị quốc bình thiên hạ một cách hiệu quả.
Ngoài ra, việc làm ra Cửu Đỉnh còn có một hàm ý sâu xa hơn, nhằm để lại một thứ còn quý báu hơn cho các Hoàng đế nối nghiệp. Đồng chính là kim loại hành Kim trong Ngũ hành, tượng trưng cho chết chóc và chiến tranh. Ngày xưa Hạ Vũ lấy đồng cửu châu đúc đỉnh chính là triệt tiêu cái khí Kim gây ra chiến tranh bằng ngọn lửa (đúc đồng), chính là dùng sức mạnh của trí huệ và sự phù hộ của Thần linh (người xưa rất tôn thờ lửa) để hóa kim khí thành cát tường khí, biến nó thành bảo vật trấn quốc.
Vậy nên mới nói giá trị lớn nhất mà Cửu Đỉnh mang lại chính là ý thức hệ quốc gia thống nhất và triều đại chính thống tạo ra dưới sự bảo hộ của thần linh vậy (lửa nung chảy biến đồng thành Cửu Đỉnh). Nó cũng là thứ có thể trường tồn, bền vững không hư hại theo thời gian nên sẽ luôn có tác dụng củng cố phúc khí bất kể là dưới thời cầm quyền của vị vua nào.
Làm Hoàng đế không dễ
Trong lịch sử, tiêu chuẩn đặt ra cho một Hoàng đế là rất cao. Những Thiên tử từ tấm bé đã phải tuân theo một nền giáo dục tiêu chuẩn cao nhất của Nho giáo, vốn ước thúc tất cả hành vi. Từ ăn nói, ngủ nghỉ đến đi đứng, nằm ngồi đều phải theo đúng lễ nghi, dưới sự giám thị của những người thầy tài năng và nghiêm khắc nhất.
Lớn lên một chút thì Hoàng đế được học chữ Hán, Thi Thư, sách Đạo học Thánh hiền, cho đến quân sự chính trị, lịch sử cổ kim. Tất cả nhằm mục đích tạo ra một vị vua tốt nhất có thể dù đó là người có tư chất kém hay tốt như thế nào. Bởi dưới một nền tảng giáo dục như vậy tất sẽ hun đúc ra một vị vua chân chính, phong thái uy nghi, biết khắc chế dục vọng cá nhân và có kiến thức sâu rộng.
Cứ thử nhìn vào bản chiếu chỉ của các vua nhà Nguyễn còn lưu lại (gọi là châu bản), bạn sẽ phải ngạc nhiên khi thấy từng chữ trong đó đều được viết rất đẹp, đều tăm tắp y như in ra từ máy. Người ta nói nét chữ là nết người, tâm trí của người viết bình thản và vững chắc đến mức nào để có thể viết ra được những dòng chữ đẹp như vậy?
Nhưng mặt khác, các bậc Thiên tử cũng phải gánh chịu một áp lực khổng lồ ngay từ tấm bé, lúc được chọn làm người kế vị. Bởi thế rất nhiều ông vua sau khi lên nắm quyền đã thực sự phóng túng và trở thành bạo chúa. Tuy vậy đó không phải là lỗi của nền giáo dục quy chuẩn hoàng gia mà là nhân cách của vị vua đó yếu kém hơn các vị khác mà thôi. Không thể chỉ vì một vài bạo chúa mà phủ nhận công lao suốt mấy nghìn năm của các Hoàng đế và các triều đại phong kiến được.
Lời kết
Thời phong kiến đã trôi qua nhiều năm và bụi thời gian đã phủ lên hầu hết những vàng son của quá khứ làm cho hậu nhân đôi khi đánh giá không đúng về những gì ông cha đã từng đạt được. Chỉ với đôi bàn tay, khối óc và một lối sống đạo đức chuẩn mực của Thánh hiền mà các vương triều phong kiến đã dẫn dắt dân tộc tiến bước vững chắc mấy ngàn năm.
Dẫu có thăng trầm thành bại nhưng các bậc đế vương đã hết sức cố gắng đảm bảo sự lãnh đạo của mình đạt được tiêu chuẩn cao nhất dẫu là với một vị vua có tư chất thấp nhất. Họ đã làm được điều kỳ diệu đó bằng những kiến thức triết học, tâm linh siêu phàm, khoa học phong thủy huyền diệu cùng một lòng tin sâu sắc vào đạo đức, Thiên mệnh, Thần linh.
Tĩnh Thủy – ĐKN