Mới đây đoạn clip cụ Đỗ Thị Mơ, 83 tuổi ở Lương Sơn, Thanh Hóa đích thân đạp xe lên UBND xã để xin thoát nghèo đã thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng.
Trong clip cụ Mơ nói: “Bà già ở một mình thoải mái, thích ăn thì ăn, thích tiêu thì tiêu, đi khai hoang lên vườn đất rộng mấy sào, mà nghèo là nghèo răng? Rồi nói không nơi nương tựa? 11 người con mà nói không nơi nương tựa, đó là đi bêu con. Cho nên là tôi rất có chỗ nương tựa nhưng tôi chưa phải nương tựa đấy. Cho tôi xin trả lại cái sổ hộ nghèo, tôi xin thoát nghèo. Bởi vì tôi còn đang giúp đỡ được những người khó khăn hơn tôi”.
Cụ bà 83 tuổi xin thoát nghèo và những người không muốn giàu
Những lời chân thành của cụ Mơ đã khiến cán bộ xã phải cảm phục vỗ tay tán thưởng và những người xem clip hầu hết đều bày tỏ sự ngưỡng mộ với cụ. Cụ Mơ cho biết, cách đây hơn một năm, cụ đã quyết định xin ra khỏi danh sách hộ nghèo của xã nhưng đến nay chưa có câu trả lời. Do đó, mới đây, cụ lại tiếp tục đạp xe lên Ủy ban xã để xin thoát nghèo một lần nữa.
Lý do của cụ rất đơn giản là vì cụ không thấy mình nghèo, thậm chí còn đang giúp đỡ được nhiều người khó khăn khác nữa. Cái đủ đầy của cụ được định nghĩa rất hay, rằng cụ hiện giờ “thích ăn thì ăn, thích tiêu thì tiêu” từ kết quả của những công việc hàng ngày như trồng rau, nuôi gà và bán rau ngoài chợ.
Trong bối cảnh người ta đang phải tìm giải pháp để các hộ nghèo… muốn thoát nghèo, hay làm giảm tỷ lệ “nghèo bền vững”, thì hành động của cụ Mơ đã nói lên nhiều điều. Cái nghèo về vật chất có thể khó định nghĩa, bởi với người này thế này là nghèo, với người kia thế kia mới là nghèo, mấy ai biết đủ mà chỉ muốn hơn. Nhưng cái nghèo trong ý chí, nghèo về nhân cách thì rất dễ để người khác nhìn ra được.
Cụ Mơ biết nghĩ đến cộng đồng phải góp tiền thuế nuôi những người vẫn đủ cơm ăn áo mặc như mình mà thấy bất công. Cụ vì người, chứ không chỉ chăm chăm vì mình, đó chẳng phải là bài học mà nhiều người trong chúng ta rất cần học hay sao?
Trong Quốc dân độc bản xuất bản năm 1907 của Đông Kinh Nghĩa Thục, có viết: “Những kẻ chơi bời lười biếng, vô công rồi nghề, dựa vào người khác mà sống, hưởng lợi mà không sinh lợi, thật chẳng khác gì giống ký sinh trùng trong loài động vật. Đó là những con mọt nước… Quen thói ỷ lại vào người thì dù có tâm có lực cũng không dùng được mà dùng cũng chẳng được lâu, tâm tư tài lực ắt sẽ nhụt dần. Hơi khó khăn gian khổ là rên rỉ, than vãn, uất ức bó tay chịu chết. Hỏi vì sao không cải lương, nói lệnh trên chưa thay đổi. Hỏi vì sao không học tập, nói không có tài năng. Như thế thì xã hội ngày một suy, nước làm sao mạnh được?” – (Dẫn qua: Người xưa cảnh tỉnh).
Lỗi tất cả do dân?
Nhưng cũng không thể lúc nào cũng đổ lỗi cho trình độ dân trí thấp, dân ta tham lam, lười biếng nên mới thế. “Dân hư, kẻ sĩ có lỗi”, thế nên giáo dục, tận tình chỉ bảo, thậm chí cùng làm với người dân trong những giai đoạn khó khăn lập nghiệp, thoát nghèo là điều cần lắm chữ Tâm và chữ Nhẫn.
Bạn có biết, người Việt đầu tiên ở Mỹ mở trang trại chăn nuôi công nghiệp, ông Dương Minh Dũng, chủ nhân công ty gà đi bộ Đồng Nai ở Austin, Texas đã từng chia sẻ về việc mình được người Mỹ giúp đỡ tận tình như thế này: Lúc đầu ông chỉ nuôi gà theo kiểu truyền thống ở quê nhà, quy mô không thể lớn hơn được và lại rất vất vả. Có người bạn dẫn ông tới một trại gà công nghiệp ở Mỹ thăm, ông hỏi gì họ cũng hướng dẫn rất tận tình. Ông nói: “Nhiều thứ mà họ không chỉ, không nói thì mình không làm sao biết được”.
Khi muốn đem bán gà số lượng lớn cũng cần có kiểm dịch y tế. “Khi đó tôi không hiểu luật gì hết. Mà Mỹ hay lắm, khi biết mình không có giấy tờ, không biết luật, là họ tận tình hướng dẫn cách cho mình xin giấy phép, chở tôi đến chỗ làm giấy tờ…”, ông chia sẻ. Lúc đó, ông được cấp giấy phép cho làm thịt dưới 10.000 con gà mỗi năm, cùng lời dặn “nếu làm trên 10.000 con mỗi năm thì phải báo”.
“Nhưng mà chỉ mới vài tháng thì tôi đã phải đến gặp họ vì mình đã làm hơn số 10.000 con. Họ nói trên 10.000 con thì phải làm kiểu khác. Cứ vậy, mình làm theo cách họ hướng dẫn, làm mỗi lúc một nhiều, họ phải cho bác sĩ và người kiểm dịch xuống đóng chốt tại lò mổ của mình mỗi ngày để bảo đảm an toàn vệ sinh khi gà đến tay người tiêu thụ”, ông Dũng kể.
Nếu ông Dũng không được những “đối thủ trong nghề” và cơ quan chức năng Mỹ hướng dẫn cụ thể, thậm chí đến tận nơi giúp ông, thì sao ông có được cơ nghiệp như ngày nay. Đó là tinh thần trách nhiệm, vì người khác, vì cộng đồng hay cái Tâm và sự kiên nhẫn của những người có đạo đức nghề nghiệp, có sự tử tế. Đó cũng là cách nghĩ giống như cụ Mơ, không chỉ vì cái lợi, cái thuận tiện, cái nhàn hạ của mình mà lơi là trách nhiệm với người khác, với xã hội.
Đừng chỉ đổ cho người dân bạc nhược, yếu kém, dân trí thấp. Ta tự cho rằng mình biết việc hơn, hiểu lý lẽ hơn, có tầm nhìn hơn, vậy mà lại không giúp được người dân mình. Đừng nói tới việc đến tận nhà hướng dẫn, làm cùng người dân, đến việc theo dõi dòng vốn cho vay thoát nghèo mà nhiều địa phương còn không làm nổi. Thậm chí nhiều cán bộ còn lợi dụng chức quyền tham ô tiền dự án thoát nghèo của dân, lợi dụng chính sách để giả nghèo vay vốn ưu đãi.
Kêu gọi dân nghèo ít được học hành phải tự giác lên, chí khí lên, chẳng khác nào bảo đứa con thơ phải tự biết, tự lớn mà không cần bố mẹ chỉ dạy. Chi bằng, những người có trách nhiệm hãy thực tâm mà giúp dân cho tròn. Bởi việc Nhân Nghĩa cũng cốt ở yên dân, như cụ Nguyền Trãi đã từng dạy thế.
Thuần Dương