Không phải tự nhiên, giày của chàng lính binh nhì bị bẩn. Đằng sau đó là một câu chuyện cảm động đến nghẹn ngào.
Chàng lính binh nhì bị khiển trách vì giày bẩn.
Vào một đêm của năm 1944, một đội quân tập trung tại sân bay quân dụng của nước Anh để tướng quân Maclay kiểm duyệt. Ánh mắt điềm tĩnh của ông nhìn lướt 1 lượt qua các binh sĩ.
Đột nhiên, ánh mắt của ông dừng lại dưới chân một binh sĩ: “Bước lên phía trước, báo cáo tên của cậu!”.
Viên lính bị gọi sải chân bước lên phía trước: “Báo cáo tướng quân, tôi là binh nhì Lik, thuộc đội đột kích của sư đoàn dù số 6, không quân Anh.”
Ánh mắt của vị tướng quân càng trở nên nghiêm nghị: “Là một thành viên của không quân Hoàng gia Anh, tại sao có thể không chỉnh đốn quân tư trang một cách cẩn thận. Từ trước đến nay tôi đã có lệnh rất nghiêm, rằng một người mà đến lau giày cũng không sạch, nhất định sẽ không được tham gia chiến đấu.
Lik nhìn xuống giầy của mình mà toát mồ hôi hột, vội giải thích: “Sau khi ăn cơm tối, tôi đã lau giày 1 lần, không biết tại sao lại dính vôi được. Nhưng thưa tướng quân, lần ra quân này rất quan trọng, xin tướng quân nhất định hãy cho tôi tham gia.”
Vị tướng quân còn chưa kịp nói gì, đội trưởng đội đột kích ở bên cạnh đã lên tiếng: “Tướng quân ghét nhất những người không để ý chỉnh đốn quân tư trang. Lik, cậu nên rút đi.”
Lúc này, vị tướng quân nhìn người đội trưởng rồi rút chiếc khăn tay trong túi áo ra, ngồi xuống lau giày cho Lik, vừa lau vừa chậm rãi nói: “Lần sau không được để xảy ra việc này.”
Vừa lau xong chiếc giầy bên trái, định chuyển qua chiếc bên phải thì chuông báo ở sân bay kêu lên, đó là tín hiệu thông báo cho binh sĩ lên máy bay. Lik vội đáp lễ với vị tướng quân rồi theo đồng đội lên máy bay vận tải.
Sự việc xảy ra ngay trong đêm trước của cuộc đổ bộ vào Normandy trong thế chiến thứ 2. Không quân Hoàng gia đã đưa binh lực của một sư đoàn xuống trận địa của quân Đức để phối hợp với đội quân đổ bộ sau đó cùng tác chiến.
Việc này thành công, nhưng sau khi đi sâu vào trận địa của Đức, thương vong vô cùng lớn, Lik cũng tử trận trong một đợt pháo kích, chết không toàn thây. Đội trưởng đội đột kích là một trong số ít những người may mắn sống sót.
Sau khi chiến dịch này kết thúc, anh cầm chiếc dày bên phải vẫn còn dính vôi – di vật duy nhất có thể tìm thấy được của Lik về gặp tướng quân Maclay.
Vị tướng quân ánh mắt kiên nghị ra hiệu cho người đội trưởng đưa chiếc giày xuống mộ tập thể chôn cất các tướng sĩ đã tử trận trong thế chiến thứ 2. Người đội trưởng lặng lẽ lau sạch chiếc giày và đặt nó vào hộp tro cốt.
Chân tướng sự việc
Thực ra, vôi trắng là do anh ta đã lén rắc lên giày của Lik, mục đích là để chàng lính trẻ này rút khỏi cuộc xuất quân lần này. Thật đáng tiếc là cuối cùng, việc này đã không có tác dụng.
Bên ngoài chiếc hộp, người đội trưởng viết một dòng chữ: Binh nhì Lik, đội đột kích của sư đoàn nhảy dù số 6, không quân Anh, người con trai nhỏ tuổi nhất của tướng quân Maclay – không quân Hoàng gia Anh, và cũng là người con trai cuối cùng.
Cách đây khoảng 20 năm về trước, bộ phim điện ảnh mang tên “Giải cứu binh nhì Ryan” nói về thời điểm ngay sau cuộc đổ bộ Normandy.
4 người con trai trong gia đình Ryan ở tiền tuyến tham gia chiến đấu thì 3 người trong vòng 2 tuần liên tiếp tử vong nơi trận mạc ở nước ngoài. Mẹ của cậu ta trong vòng 1 ngày nhận tin báo về sự ra đi của 3 người con.
Còn người con trai út của bà là tìm James Francis Ryan thuộc Sư đoàn dù 101 cũng tham gia nhảy dù xuống Normandi, song sau cuộc đổ bộ đó, Ryan bị lạc. Tướng quân George Marshall đã ra lệnh cho một đội quân đi tìm Ryan về cho người mẹ đáng thương của cậu ta.
Đối với người đội trưởng đội đột kích, bản thân anh biết rõ Lik quan trọng với tướng quân Maclay đến mức nào. Vì thế, anh đã nghĩ cách để không cho Lik ra trận.
Nhưng với tướng quân Maclay, sự hưng vong của một quốc gia còn quan trọng hơn sự tồn tại của một gia tộc. Trong lời nhắc: “Lần sau không được để xảy ra việc này” đã thể hiện một cảm xúc vô cùng phức tạp, vừa mạnh mẽ cứng cỏi, vừa như nhẫn nhịn biết bao cảm xúc không nỡ để con đi.
Khoảnh khắc cha con họ lúc đó, thật khiến những người biết chuyện cảm thấy rưng rưng xúc động.
Theo Nguyễn Nhung – Trí thức trẻ