-
-
-
-
-
-
-
-
-
-
-
-
-
- Phan Đăng Media co., ltd
-
-
-
-
-
-
-
-
-
-
-
-
Thói quen, bản thân nó chẳng có gì xấu cả. Chỉ có điều, như một nhà hiền triết đã từng nhìn nhận: “ Đầu tiên chúng ta tạo ra thói quen, và sau đó thói quen của chúng ta tạo ra chúng ta”. Đấy mới chính là điều nguy hiểm.
Năm 1912, các nhà khoa học thuộc viện nghiên cứu tư nhân UIS (Mỹ) có tiến hành một cuộc thí nghiệm như sau: Họ cho cá nheo thả vào một chậu thủy tinh to, ở giữa chậu dùng một miếng kính ngăn đôi. Một bên là cá và bên kia là thức ăn. Cá nheo bơi đi bơi lại và nhìn thấy thức ăn. Nó nhanh chóng bơi qua và kết quả là húc đầu vào tấm kính. Một lần, hai lần, ba lần… và rồi mấy ngày sau, nó không tìm cách lấy thức ăn đó nữa. Nó chỉ bơi trong nửa thuộc về mình.
Sau đó, các nhà khoa học rút tấm kính ra và với cá nheo, nó vẫn cứ bơi trong phạm vi của nó. Thức ăn ở ngay bên cạnh nhưng con cá nheo này vẫn bị chết đói.
Cũng có một câu chuyện gần tương tự xảy ra ở ao cá Bác Hồ vào những ngày sau khi Bác mất. Chuyện kể rằng, vào các ngày 3,4,5 tháng 9 năm 1969, đàn cá đông đúc ở ao cá của Bác không nổi lên nhận lấy thức ăn, mặc dù người ta vẫn thả thức ăn đúng giờ như Bác vẫn làm trước đó. Thế rồi, sự cố này được nhanh chóng tìm ra lời giải. Chỉ cần đi đôi guốc gỗ như Bác vẫn thường đi để gõ những tiếng lộc cộc xuống nền xi măng trước khi cho chúng ăn, đàn cá sẽ nhận được những tín hiệu quen để nổi lên mặt nước nhận mồi.
Thói quen hay phản xạ có điều kiện là kết quả của những điều vừa kể. Theo các nhà sinh vật học, thói quen có quyết định lớn đến cuộc đời của mọi sinh vật và khả năng sinh tồn của chúng.
Tiếc thay, không ít trong chúng ta, những sinh vật thượng đẳng, chúa tể của muôn loài, được tạo hóa ban cho một bộ óc mà mới chỉ cần sử dụng 7% khối lượng của nó, chúng ta đã làm nên những điều kỳ diệu, bỏ xa tổ tiên ăn lông ở lổ của chúng ta cả triệu năm tiền hóa, lại vẫn hằng ngày lệ thuộc thói quen, mặc cho xung quanh mình không ngừng biến đổi.
Chẳng ai bảo thói quen uống rượu là tốt và đọc sách báo hàng ngày là một thói quen xấu cả, đúng không? Thế nhưng, nếu bạn uống rượu thuốc hay rượu vang điều độ hàng ngày thì đây là một thói quen mà bạn không nên bỏ. Ngược lại, nếu bạn suốt ngày ôm sách báo, đọc để cho vui, mặc vợ con nheo nhóc thì thói quen này khó lòng chấp nhận.
Thói quen, bản thân nó chẳng có gì xấu cả. Chỉ có điều, như một nhà hiền triết đã từng nhìn nhận: “ Đầu tiên chúng ta tạo ra thói quen, và sau đó thói quen của chúng ta tạo ra chúng ta”. Đấy mới chính là điều nguy hiểm.
Có một nhà ảo thuật nọ, có biệt tài phá bất kỳ loại khóa nào, dù phức tạp tới đâu và ông chưa bao giờ thất bại. Ông bảo rằng, chỉ cần chưa tới 60 phút, ông có thể thoát khỏi bất kỳ một loại khóa nào, với điều kiện ông được khoác lên mình tấm áo đặc biệt của ông và không ai được quyền xem ông phá khóa.
Một ngày nọ, các cư dân ở một thị trấn nhỏ của nước Anh quyết định thách đố nhà ảo thuật vĩ đại này. Họ chế tạo một chiếc tủ sắt vô cùng chắc chắn và giấu vào đó một ổ khóa cực kỳ phức tạp. Họ mời nhà ảo thuật bước vào tủ và khóa lại. Phần thưởng mà hai bên đưa ra đều vô cùng hậu hĩ.
Nhà ảo thuật chấp nhận cuộc thách đố. Ông khoác tấm áo đặc biệt của mình và bước vào tủ. “Sầm” một cái, cánh tủ khóa lại. Và dĩ nhiên chẳng có ai có thể nhìn thấy ông làm gì trong đó. Thời gian chầm chậm trôi, những tiếng lách cách của dụng cụ mở khóa khua trong ổ khóa cứ đều đặn vọng ra. Người ta còn nghe được cả tiếng thở đều đều của ông khi ông áp tai mình vào ổ khóa. 5 phút, 10 phút, rồi 1 tiếng, 2 tiếng trôi qua, tiếng khua trong ổ khóa ngày càng gấp gáp hơn và hơi thở của ông nặng nề hơn, nhưng ổ khóa vẫn im lìm, bất động. Thế rồi, “bùng” một cái, cánh cửa mở bung ra và ông cũng ngã ngửa theo sau cánh cửa. Hóa ra, cánh cửa đã không hề khóa. Suốt hơn 2 tiếng đồng hồ, nhà ảo thuật đại tài đã bị thói quen dẫn dắt. Ông làm việc theo thói quen nên đã chẳng làm được gì trước ống khóa không hề đóng. Thế rồi, mệt quá, ông tựa mình vào cánh cửa và … cửa mở.
Cũng bị thói quen dẫn dắt là câu chuyện hòn “ đá thử vàng” mà có lẽ nhiều người đã biết. Chuyện rằng, khi thư viện Alexandria bị đốt cháy, có một cuốn sách vẫn còn sót lại. Vì đó là một cuốn sách chẳng mấy giá trị nên một người nghèo đã mua được nó với giá vài xu. Tuy nhiên khi mở cuốn sách ra, người ta phát hiện trong đó có tờ giấy da mỏng, bên trên có viết về một loại “đá thử vàng”
Đá thử vàng là một loại đá có thể biến đổi bất kỳ thứ kim loại nào mà nó chạm phải, thành vàng. Tờ giấy bằng da mỏng viết rằng trên bờ biển Đen có rất nhiều những viên đá có vẻ ngoài giống hệt viên đá thử. Chỉ có điều, đá thử thì luôn ấm áp còn các loại đá khác thì lạnh lẽo.
Nắm rõ bí quyết này, người đàn ông nghèo kia gom góp tiền bạc và lên đường tìm tới biển Đen. Ông dựng lên một túp lều ở đó và tiến hành công việc.
Để tránh nhầm lẫn, cứ mỗi lần nhặt đá lên, nếu thấy lạnh, ông lập tức ném ngay xuống biển. Cứ thế, từ ngày này qua ngày khác, ông cứ nhặt lên, nắm trong tay rồi quẳng ngay xuống biển. Đó là một công việc vô cùng nhàm chán nhưng ông đã học được bí quyết về lòng kiên trì nên ông vẫn mãi mê làm việc. Thế rồi, một ngày nọ, sau hơn 3 năm, sự kiên trì này đã được đền đáp. Một viên đá được nhặt lên và… nó ấm. Thay vì giữ chặt nó trong tay, ông quẳng ngay nó xuống biển. Hơn ba năm nay, ông đã quá quen điều đó mất rồi.
Đọc tới đây, hẳn bạn sẽ nhếch mép cười cho những thói quen đắng lòng như thế. Và không ít trong các bạn sẽ bảo rằng mình đâu đến nỗi thế. Sự ngộ nhận này cũng cực kỳ nguy hiểm. Một nhà hiền triết đã từng cảnh báo: “ Sợi xích của những thói quen thường quá nhỏ nên không thể cảm nhận được, mãi cho tới khi nó quá lớn nên không thể chặt đứt được”.
“Trong thí nghiệm thứ nhất, thả con ếch vào trong cốc đựng nước sôi, con ếch lập tức nhảy ra ngoài. Nhưng nếu thả con ếch vào trong cốc đựng nước ấm, sau đó dần dần tăng nhiệt cho tới khi nước sôi. Lúc đầu ếch bơi đi bơi lại trong cốc rất thoải mái, tới khi nó cảm thấy nước quá nóng, thì nó đã mất hết sức lực, không thể nhảy ra ngoài được, mà chỉ có cách là chờ chết”.
Khi môi trường sống quá thoải mái, đó chính là thời khắc nguy hiểm nhất. Phương thức sống quen thuộc cũng chính là phương thức sống nguy hiểm nhất.
Tháng 4 năm 1970, con tàu vũ trụ Apollo 13 của Trung tâm vũ trụ Nasa (Mỹ) đang trên đường tới mặt trăng thì gặp sự cố: Một trong những bình chứa oxi chính của chiếc tàu phát nổ. Những thông tin xấu dồn dập bay về Nasa : Đầu tiên, oxi chỉ còn đủ dùng trong 18 phút. Ngay sau đó thời gian này chỉ còn 7 phút, rồi 4 phút. Mọi chuyện đang trở nên nguy kịch.
Cũng trong thời gian này tại Nasa, các chuyên gia nhanh chóng nhập cuộc. Sau khi xem xét mọi khía cạnh, họ yêu cầu các phi hành gia chuyển vào modun thám hiểm mặt trăng có kích thước nhỏ hơn, vốn được thiết kế để tách khỏi Apollo cho các hành trình ngắn ngoài không gian. Modun này có nguồn cung oxi và điện riêng biệt.
Ngay sau khi tính mạng của các phi hành gia được tạm thời đảm bảo, một cuộc đua với thời gian để giải quyết nguồn cung oxi trở lại cho Apollo được tiến hành cấp tốc. Không chỉ các chuyên gia Nasa mà các chuyên gia của các nhà thầu bên ngoài Nasa cũng được mời xin ý kiến. Sau những nỗ lực không kể thời gian, không mệt mỏi này, con tàu Apollo cùng 3 phi hành gia đã an toàn trở về trái đất.
Đúng 33 năm sau, khi những chuyến tàu con thoi đã trở nên “chuyện thường ngày ở huyện”; Khi không chỉ Mỹ, Nga, nhiều nước khác cũng đã lên vũ trụ rồi trở về ngon lành như đi chợ, một thảm họa không gian đã xảy ra. Ngày 1-3-2003, phi thuyền con thoi Columbia cùng các phi hành gia đã nổ tung thành từng mảnh khi quay về trái đất. Sau này, người ta phát hiện ra rằng một miếng bọt biển dùng để cách điện ở thùng nhiên liệu bên ngoài đã bị vỡ ra khi cất cánh. Miếng bọt biển này va vào cánh trái của con tàu tạo ra lỗ thủng. Để rồi sau khi trở về trái đất, lỗ thủng này, dưới tác động của bầu khí quyển đã tạo nên vụ nổ.
Thế nhưng, đó chỉ là nguyên nhân trực tiếp. Nguyên nhân gián tiếp là thói quen “đã biết” của con người. Trong hơn hai tuần kể từ khi cất cánh, sự cố miếng bọt biển các chuyên gia Nasa đều biết. Nhiều lời cảnh báo được đưa ra nhưng các lãnh đạo Nasa không thèm để ý. Họ bảo rằng mấy lần trước cũng vậy thôi, đâu có gì xảy ra nên chẳng làm gì cả. Để rồi, những thói quen, những hào quang của những thành công lần trước đã làm hại những phi hành gia vô tội.
Vâng, nhiều sợi xích vô hình của thói quen đang có thể hàng ngày siết chặt lấy cuộc đời mình mà các bạn không hề biết. Một anh công chức “sáng cắp ô đi, chiều vác ô về” mong có ngày được thăng quan tiến chức. Một cô công nhân vẫn sáng chiều tăng ca đều đặn mong được tăng lương tăng thưởng đúng kỳ; Một bác nông dân vẫn ngày ngày “cày sâu cuốc bẩm” mong mưa thuận gió hòa cho mùa màng tươi tốt v.v …Cứ thế, họ bằng lòng với cuộc sống của mình. Cứ thế, họ quen như thế. Và đã quen, họ sợ thay đổi, mặc cho người đời, ai tới đâu cũng mặc. Thậm chí, khi ai đó bàn với họ về những suy nghĩ lớn lao hơn, hay mời họ tham gia vào một dự án đầu tư kinh doanh nào đó, họ đều nhanh chóng chối từ. Họ sợ. “ Nhìn lên thì chẳng bằng ai nhưng nhìn xuống cũng chẳng ai bằng mình”. Đó là một câu “ sấm” giúp họ đánh lừa chính họ. Dẫu họ luôn nhận thấy rằng khuôn mẫu hiện tại không được thành công nhưng ít nhất cũng giúp họ tránh được thất bại. “ Đây là một cái chết ngay trong sự sống” – Hai tiến sỹ Tom Rusk và Randy Read đã viết như thế về điều này trong cuốn sách: “ Tôi muốn thay đổi nhưng tôi không biết làm thế nào”.
“Văn hóa châu Á khác Âu Mỹ ở chỗ,
người phương Tây chúng tôi chấp nhận rủi ro thất bại,
còn các bạn thì không. Điều đó sẽ tạo nên những rào cản
để tiếp cận cơ hội và kể cả thành công”.
(John Sculley – Cựu chủ tịch Pepsi Co toàn cầu, cựu TGĐ Tập đoàn Apple trả lời báo Tuổi trẻ.)
Tìm kiếm sự yên bình trong những thói quen kém cỏi, và đến lượt mình, thói quen biến họ thành những người hèn nhát.Tiếc thay, đó là “ mẫu số chung” cho phần đông nhân loại của chúng ta. Và đó cũng là điều lý giải vì sao người nghèo luôn chiếm số đông trong nhân loại.
Chúng ta quên mất rằng luôn có những điều tốt đẹp hơn đang chờ đợi chúng ta đâu đó. Công chức hay công nhân, đâu phải là điều tốt nhất bạn có thể làm? Và với bác nông dân, đâu cứ phải là lúa, là khoai… cho mảnh ruộng cha ông để lại? Nhân loại cứ mãi “ ăn lông ở lổ” nếu cứ bằng lòng với thói quen hái lượm và săn bắn. Và chúng ta có thể có điện thoại di động hay không nếu cứ mãi bằng lòng với thói quen dùng tù và gọi bạn?
“Hãy đừng sợ hãi khó khăn hay thất bại
Đó chính là cơ hội để các bạn
BẺ KHÓA CHO BẢN LĨNH TIỀM ẨN CỦA MÌNH
được phát huy. Hãy cứ sống hết mình với giấc mơ,
coi thử thách là điều tất yếu và đón nhận nó
(Biên đạo múa John Huy Trần)
Là một động vật, dẫu bậc cao nhưng chúng ta cũng có thói quen như động vật. Nhưng là một con người, chúng ta phải dùng đến bộ óc của mình để biết gạt bỏ những thói quen có hại. Nếu không, chúng ta cũng sẽ như những chú cá nheo, chết đói ngay cạnh đống thức ăn do con người dọn sẵn.
-
-
-
-
-
-
-
-
-
-
-
-
- Phan Đăng Media co, ltd
-
-
-
-
-
-
-
-
-
-
-
(Tài liệu tham khảo: Sách
“Phút tỉnh ngộ thay đổi đời người”;
“Bí quyết thành đạt trong đời người”;
Báo Tuổi Trẻ tp.HCM) – Ảnh: Internet