Saudi Arabia đã quá quen với việc thuê lao động từ những quốc gia khác để phục vụ cho công dân nước mình và giờ đây họ lại đang mở rộng triết lý đó ra cho cả lực lượng quân đội.
Saudi Arabia sẽ chiến đấu đến người…Pakistan cuối cùng!
Tại Trung Đông, từ lâu người ta đã lan truyền cho nhau nghe một câu ví von rất hóm hỉnh nhưng lại rất đúng thực tế về sự miễn cưỡng của Saudi Arabia trong việc tham gia vào các cuộc chiến tranh của chính quốc gia giàu có này: “Saudi Arabia sẽ chiến đấu cho đến người Pakistan cuối cùng!”.
Câu nói trên hàm ý ám chỉ tới quân đội Pakistan – lực lượng từ lâu vẫn luôn ủng hộ những nỗ lực quân sự của Quân đội Saudi Arabia.
Những thành phần “xung kích” trên hiện nay còn được mở rộng thêm, bao gồm cả Sudan khi họ được bổ sung cho các lực lượng mặt đất của Quân đội Saudi Arabia.
Riyadh đã quá quen với việc thuê lao động từ những quốc gia khác để phục vụ cho công dân nước mình và giờ đây họ lại mở rộng triết lý đó ra cho cả quân đội.
Trên thực tế, vẫn luôn có một quốc gia nghèo đói hơn nào đó sẵn sàng làm “bia đỡ đạn” cho Saudi Arabia, tất nhiên với mức giá phù hợp.
Chiến dịch quân sự ở Yemen, hay còn được biết với tên gọi đầy tôn kính là “Liên minh Ả Rập” do Saudi Arabia dẫn đầu, ngoài các đồng minh ở vùng Vịnh còn có cả các lực lượng đến từ Ai Cập, Jordan và Morocco cũng như những binh lính trẻ em người Sudan.
Cái chết của họ sẽ được “đền bù xứng đáng” bằng tiền mặt mà Saudi Arabia chi trả cho gia đình họ ở quê nhà.
Khi được hỏi về cách cuộc chiến tranh ở Yemen dưới sự chỉ huy của Saudi Arabia diễn ra như thế nào, một số quân nhân Sudan trở về từ chiến trường đã kể rằng: Giới lãnh đạo Quân đội Saudi Arabia tự cảm thấy “họ quá quý giá” nên không thể nào tiến tới gần tiền tuyến được, vì vậy qua điện thoại vệ tinh họ đã đưa ra những chỉ dẫn đầy vụng về cho lính đánh thuê, xúi giục họ tiến bừa về hướng kẻ thù!
Khi mọi thứ diễn ra quá nguy hiểm, các lực lượng không quân Saudi Arabia và liên minh đơn giản chỉ dùng máy bay thả bom từ trần bay rất cao, gây thương vong lớn cho dân thường. Đây là cách Saudi Arabia chiến đấu: Càng ở xa chiến tuyến càng tốt và không ngần ngại trả tiền cho những ai sẵn sàng chết!
Đừng hy vọng Saudi Arabia sẽ tham chiến với Iran
Vì vậy, thật khó hiểu khi sau vụ tấn công vào các cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia tuần trước lại xuất hiện quá nhiều những đồn đoán về khả năng Riyadh và Iran sẽ tiến tới chiến tranh.
Saudi Arabia sẽ không tham chiến! Họ sẽ trả tiền cho các lực lượng ủy nhiệm và tiếp tục dựa dẫm vào sự tin cậy của Mỹ với lập luận rằng họ là quốc gia gìn giữ hòa bình trong khu vực và bất cứ mối đe dọa nào tới họ cũng sẽ gây bất ổn cho toàn khu vực.
Mỹ và Saudi Arabia đã liên tục cáo buộc Iran đứng đằng sau các cuộc tấn công vào các cơ sở lọc dầu cho dù phong trào vũ trang Houthi ở Yemen đã tuyên bố nhận trách nhiệm về vụ việc. Lầu Năm Góc thậm chí đã cam kết sẽ gửi thêm hàng trăm binh lính cùng các hệ thống phòng thủ tên lửa tới Saudi Arabia.
Tại sao một quốc gia, mà theo như báo cáo của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, là khách hàng nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới giai đoạn 2014 – 2018, lại phải cần tới quá nhiều sự trợ giúp như vậy?
Năm 2018, Mỹ đã cung cấp tới 88% tổng số vũ khí được bán cho nước này. Tính đến cuối năm 2018, Saudi Arabia chiếm tới 12% tổng lượng vũ khí mua sắm trên toàn cầu. Rõ ràng, với những khoản đầu tư kếch xù này thì Saudi Arabia cần gì tới sự hỗ trợ của Mỹ để bảo vệ mình trước các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái.
Vậy tại sao một quốc gia như Saudi Arabia lại cần tới nhiều vũ khí đến thế khi thực tế họ chỉ tham gia có một cuộc chiến ở Yemen?
Vấn đề nằm ở đây: Các khoản giao dịch trị giá hàng triệu đô la này giúp Riyadh duy trì mối quan hệ thương mại với các đồng minh phương Tây mà họ nhập khẩu vũ khí và những đối tác thân thiết này sẽ nhắm mắt làm ngơ cho Saudi Arabia trước các hành vi vi phạm nhân quyền, ám sát và bắt cóc. Tất cả chỉ bởi một thứ: họ có quá nhiều tiền!
Toàn bộ mô hình chính sách đối ngoại của Saudi Arabia dựa trên việc sử dụng sự giàu để mua quan hệ bạn bè và sự im lặng.
Do vậy, Saudi phải tiếp tục chơi trò đánh đu trên nỗi sợ hãi của Mỹ về Iran, đề đảm bảo rằng “người vệ sĩ” của họ luôn trong tình trạng “đạn đã lên nòng” như Tổng thống Donald Trump đã nói trong một loạt tweet rầm rộ sau vụ tấn công bằng máy bay không người lái.
Đồng thời, Saudi tiếp tục gây bất ổn cho khu vực bằng cách can thiệp vào các vấn đề nội bộ của các nước Ả Rập khác, chuyển giao vũ khí cho các chế độ độc tài ở Trung Đông và Bắc Phi và tiến hành các chiến dịch đe dọa và làm sai lệch thông tin.
Hậu quả là, Saudi hiện nay đang rơi vào thế kẹt trong các cuộc xung đột leo thang với Iran, Qatar và Yemen, đối đầu với các chế độ quân sự ở Sudan và Ai Cập, can thiệp vào Lebanon và tiếp tục tài trợ cho các phần tử cứng rắn dòng Sunni trên khắp thế giới.
Thế cho nên đừng hy vọng Saudi Arabia sẽ tham chiến với Iran. Mỹ có thể sẽ phải làm điều đó thay họ.
theo Trí Thức Trẻ