Theo phóng viên TTXVN tại Séc, tối 19/9, tại trụ sở Viện Quan hệ quốc tế Praha (IIR) thuộc Bộ Ngoại giao Séc đã diễn ra hội thảo với chủ đề “Giải quyết tranh chấp ở Biển Đông”.
Hội thảo, do IIR phối hợp với trường Đại học Palacky Olomouc (CH Séc) tổ chức, đã thu hút sự tham dự của hơn 50 đại biểu là những chuyên gia thuộc các viện nghiên cứu và trường đại học của Séc. Diễn giả chính tại hội thảo là Tiến sĩ Bill Hayton, chuyên gia cấp cao thuộc Chương trình châu Á – Thái Bình Dương Viện Chatham House (Vương quốc Anh).
Trong tham luận tại hội thảo, Tiến sĩ Bill Hayton cho rằng tranh chấp ở Biển Đông là vấn đề phức tạp, không chỉ liên quan giữa Trung Quốc và các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông mà còn liên quan tới sự cạnh tranh địa chính trị giữa các nước lớn, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc.
Theo Tiến sĩ Bill Hayton, vấn đề tranh chấp ở Biển Đông ngày càng thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, trong đó có Liên minh châu Âu (EU), vì đây là vấn đề tác động tới sự ổn định và phát triển của khu vực. EU đã ra tuyên bố chung hồi cuối tháng 8 vừa qua bày tỏ quan ngại về những hành động đơn phương thời gian gần đây làm gia tăng căng thẳng và gây tổn hại tới an ninh hàng hải, đe dọa môi trường hòa bình và phát triển của khu vực. Tiến sĩ Bill Hayton kêu gọi EU cần tiếp tục quan tâm hơn nữa tới vấn đề Biển Đông, và với thế mạnh của mình, EU cần hỗ trợ các nước ASEAN có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông nâng cao năng lực an ninh hàng hải.
Ông Hayton cho rằng Trung Quốc không có chứng cứ và cơ sở pháp lý để đòi hỏi chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông theo yêu sách “đường 9 đoạn”. Tháng 7/2016, Tòa Trọng tài thường trực (PCA) ở La Haye (Hà Lan) đã ra phán quyết về vụ kiện của Philippines, trong đó bác bỏ yêu sách của Trung Quốc về cái gọi là “đường 9 doạn”. Tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đi ngược lại luật pháp quốc tế cũng như cam kết của nước này về việc duy trì quan hệ tốt đẹp với các nước trong khu vực.
Tiến sĩ Bill Hayton nhấn mạnh trong tiến trình giải quyết tranh chấp Biển Đông, một trong những yếu tố quan trọng nhất là cần phải đánh giá bằng chứng mà các nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông đưa ra, đồng thời các nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông cần thúc đẩy đàm phán, cùng cam kết duy trì hiện trạng, không mở rộng đòi hỏi tuyên bố chủ quyền.
Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, chia sẻ quan điểm về tình hình Biển Đông. Tiến sĩ Takashi Hosoda – chuyên gia nghiên cứu về an ninh châu Á – Thái Bình Dương thuộc trường Đại học Tổng hợp Charles (CH Séc) – cùng chia sẻ quan điểm với Tiến sĩ Bill Hayton về việc Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi hỏi chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông theo yêu sách “đường 9 đoạn”. Ông bày tỏ lo ngại những diễn biến căng thẳng hiện nay ở Biển Đông đe dọa hòa bình và an ninh khu vực. Ông nhấn mạnh các hoạt động đơn phương của Trung Quốc đã làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông, đặc biệt là việc trong hơn 2 tháng qua, Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế khi đưa tàu khảo sát Hải Dương 8 vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam ở khu vực gần Bãi Tư Chính. Ông nêu rõ Trung Quốc cần tuân thủ luật pháp và các tiêu chuẩn giá trị chung của quốc tế.
Tiến sĩ Richard Turcsanyi – chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc thuộc Đại học Palacky Olomouc, cũng bày tỏ quan ngại về các hoạt động của Trung Quốc xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông, tác động tiêu cực tới an ninh khu vực.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN, Tiến sĩ Bill Hayton cho rằng việc Trung Quốc đưa tàu khảo sát Hải Dương 8 với sự hộ tống của các tàu hải cảnh vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (EEZ) cho thấy Trung Quốc sử dụng sức mạnh nước lớn để đe dọa và cưỡng ép các nước trong khu vực từ bỏ quyền chủ quyền và quyền tài phán cũng như lợi ích hợp pháp của mình. Đây là hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982. EU cần quan tâm hơn tới vấn đề Biển Đông để ngăn chặn việc các quy tắc luật pháp quốc tế bị phá vỡ.
theo Báo Tin Tức