“Con tôm” Singapore vừa thực dụng, vừa có nọc độc, vừa tồn tại cộng sinh với các con cá lớn, có thể là tấm gương nho nhỏ cho một vài quốc gia trong khu vực trong mối quan hệ với các nước lớn.
Là một nước nhỏ, trong bối cảnh khu vực phức tạp, Singapore đã áp dụng một đường lối đối ngoại cân bằng, linh hoạt, thực dụng để bảo vệ vững chắc chủ quyền và độc lập dân tộc.
Ít ai biết rằng có một “nick name” – xú danh khác của đất nước Singapore, ngoài những cái tên mỹ miều được nhiều người biết đến như “Sư tử biển- The Merlion”, “ Chấm đỏ – The Little Red Dot”, “Con hổ Châu Á – Asian Tigers”.
Đó là “Con tôm độc – The poisonous shrimp”. Xú danh này không ai khác mà do chính cố Thủ tướng Lý Quang Diệu đặt ra, nó phản ánh chính sách đối ngoại của nước cộng hòa này một cách rất chân thực, sinh động.
Trên đấu trường quốc tế, nơi mà cá lớn nuốt cá bé và cá bé tìm xơi tôm nhỏ, Singapore với diện tích chỉ 700 cây số vuông thực sự là một con tôm tí xíu. Để sống yên bình giữa bầy cá lớn nhỏ, nó không thể là một con tôm bình thường, mà phải là con tôm có độc trong mình, đủ mạnh để bất cứ một con cá nào phải e dè và trả giá nếu cố tình xơi nó.
Nọc độc của “con tôm” Singapore nằm ở đâu?
Thứ nhất, đó là ở chính sách đối ngoại cân bằng. Cân bằng không có nghĩa là đu dây. Cân bằng có nghĩa là cùng tồn tại và bình đẳng với các siêu cường. Singapore quan hệ tốt với tất cả các siêu cường hiện nay là Mỹ và Trung Quốc.
Nước cộng hòa này ủng hộ Mỹ cân bằng quyền lực ở Châu Á – Thái Bình Dương song cũng ủng hộ xây dựng quan hệ tốt đẹp giữa Mỹ với Trung Quốc. Bằng cách này hay cách khác, Singapore xây dựng vị thế của mình trở nên có liên quan, hữu ích và giá trị kết nối với và giữa các siêu cường, giữa các nền kinh tế hay các liên minh kinh tế.
Singapore là thành viên sáng lập ra ASEAN, là nơi đặt Ban thư ký APEC và thành viên của Hội nghị cấp cao Đông Á, Phong trào không liên kết, Khối Thịnh vượng chung các quốc gia . Khi một nước nhỏ nhưng có nhiều bạn tốt là siêu cường, nguy cơ bị xâm lược sẽ ít hơn.
Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu (1956) nói: “Khó mà ăn cướp một người tuy yếu nhưng lại có những bạn bè khỏe mạnh sẵn sàng cho kẻ ăn hiếp một trận – It is difficult to rob a weaker man if he has strong friends prepared and able to give the robber a hiding”.
Thứ hai, là chính sách tự cường, tự lực cánh sinh. Hơn 3% GDP hàng năm của đảo quốc này, gần 20% chi tiêu của chính phủ (khoảng 12 tỷ USD) được dành cho chi tiêu quân sự. Thực túc thì binh cường, binh cường thì quốc an. Trang bị quân đội của Singapore hiện nay được các tạp chí và chuyên gia quân sự có uy tín (Janes Defense) đánh giá là hiện đại nhất và là lực lượng vũ trang mạnh trong khu vực.
Điều đặc biệt là quân đội nước này đóng rải rác ở các vùng lãnh thổ khác nhau. Lực lượng hải quân Singapore có căn cứ ở Úc, Đài Loan, không quân đồn trú ở Mỹ, Úc, tạo ra một lực lượng răn đe bên ngoài lãnh thổ cho bất cứ kẻ xâm lược nào. Quân đội Singapore không làm kinh tế. Quân đội không có những công ty thương mại, công ty bình phong… Nhiệm vụ duy nhất của nó là bảo vệ tổ quốc.
Ngay từ 1968 khi xây dựng lực lượng vũ trang từ con số 0, Lý Quang Diệu tuyên bố: “Chúng ta sẽ tự bảo vệ tổ quốc. Bất cứ nước nào muốn giúp chúng ta, chúng ta sẽ nói lời cám ơn họ, nhưng xin quý vị hãy nhớ rằng chúng tôi sẽ tự bảo vệ được mình và rất rành mạch về điều này”.
Thứ ba, quan trọng nhất, là chính sách thực dụng. Tổ quốc trên hết.
Nước cộng hòa này không hề ảo tưởng bởi bất cứ một “mối quan hệ lệ thuộc” với bất cứ cường quốc dù là Mỹ hay Trung Quốc. Khi lợi ích quốc gia có thể bị tổn hại, Singapore không ngần ngại phê phán đích danh Trung Quốc tại các diễn đàn an ninh khu vực về Biển Đông và an ninh hàng hải.
Thủ tướng Singapore, ông Lý Hiển Long tuyên bố tại Trường đảng trung ương Trung Quốc (là nơi đào tạo các quan chức cấp cao của ĐCS Trung Quốc) vào năm 2012 rằng: “Singapore tin rằng sự hiện diện tiếp tục của Mỹ đem lại an ninh và thịnh vượng trong khu vực. Mỹ có lợi ích hợp pháp và lâu dài tại Châu Á mà không quốc gia nào có được. Đó là lý do tại sao nhiều nước Châu Á – TBD hy vọng Mỹ tiếp tục cống hiến cho hòa bình và ổn định trong khu vực”.
Tháng 4/2016 tại diễn đàn Shangri-La, Singapore lại thẳng thắn chỉ trích Trung Quốc can thiệp vào công việc nội bộ của các nước ASEAN, lôi kéo một số thành viên đi ngược lại đồng thuận chung của cả khối.
Trong những ngày đầu lập quốc, Singapore đã bắt giữ nhân viên CIA của Mỹ, đòi tiền “chuộc” 100 triệu USD vì hoạt động gián điệp tại nước này. Năm 1990, mặc dù có đơn xin ân xá của Tổng thống Mỹ, chính quyền Singapore vẫn bắt giữ và phạt đòn một công dân Mỹ do vi phạm pháp luật Singapore.
Điều này khiến quan hệ hợp tác Mỹ- Singapore bị đóng băng mất một thời gian dài, nhưng cuối cùng lập trường kiên định về chủ quyền và luật pháp quốc gia của Singapore càng được tăng thêm uy tín.
Bạn bè hôm nay có thể là kẻ thù ngày mai, chỉ có lợi ích quốc gia là vĩnh viễn.
Con tôm Singapore vừa thực dụng, vừa có nọc độc, vừa tồn tại cộng sinh với các con cá lớn, có thể là một tấm gương nho nhỏ cho một vài quốc gia trong khu vực trong mối quan hệ với các nước lớn.
Làm một con tôm nhỏ không khó. Làm một con tôm độc cũng không khó.
Đừng xin phép lũ cá!
theo Trí Thức Trẻ