Tại sao nhiều nhà lãnh đạo lại làm việc hiệu quả hơn và tốt hơn những người khác? Có một số người tin rằng đó là tài năng bẩm sinh, nhưng không phải tất cả đều như vậy.
Mọi người đều có thể rèn luyện để trở thành một nhà lãnh đạo tài năng hơn. Khả năng lãnh đạo tuyệt vời là khả năng phối hợp hành động giữa những thành viên trong nhóm một cách nhất quán và tốt đẹp nhất.
Hãy cùng tìm hiểu và áp dụng những thói quen của các nhà lãnh đạo tài năng:
- Đặt mục tiêu và kỳ vọng rõ ràng
Tất cả các thành quả đều bắt đầu từ mục tiêu và kỳ vọng rõ ràng. Mỗi nhân viên cần phải biết lãnh đạo mong đợi gì ở họ. Những mục tiêu quan trọng nhất chỉ đếm trên đầu ngón tay, cụ thể và tập trung, chúng khiến mọi người nỗ lực hết mình để đạt được. Chúng không quá khó, không quá đơn giản, chúng nằm trong tầm với của nhóm bạn.
- Có sự tham gia của cả nhóm trong quá trình ra quyết định
Để đạt được hiệu quả, các nhà quản lý và nhân viên phải hợp tác làm việc cùng nhau để xác định các mục tiêu cần đạt được, thời hạn và cột mốc quan trọng trên con đường cần hoàn thành. Hãy tích cực đưa các thành viên của nhóm vào quá trình ra quyết định và thực hiện.
- Tương tác tích cực với các thành viên trong nhóm
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra thực tế rằng, mối quan hệ quan trọng nhất đối với người lao động là mối quan hệ giữa họ với người quản lý hay người giám sát trực tiếp. Trong một cuộc khảo sát hơn 4 triệu lao động ở công ty Gallup, lý do số 1 mà các nhân viên bỏ việc là bởi vì họ không còn cảm thấy mình được đánh giá cao. Vì người lãnh đạo có vai trò quan trọng trong cuộc sống của các nhân viên, cả trong và ngoài công việc, một mối quan hệ tốt sẽ thúc đẩy sự tương tác tích cực với nhân viên của họ chứ không phải tiêu cực.
- Giúp nhân viên có mối liên hệ tốt với quản lý cấp cao
Mặc dù sự tương tác của nhân viên với người quản lý trực tiếp của họ có ảnh hưởng lớn đến động lực và hiệu suất công việc, nhưng sự tương tác giữa họ và người quản lý cấp cao của công ty cũng có một tác động quan trọng.
Theo Bill Emerson – Giám đốc điều hành công ty Quicken Loans, khi đội ngũ cấp cao của công ty tin tưởng và hỗ trợ nhân viên của họ, các nhân viên sẽ có phản hồi tương tự. Emerson nói: “Xét cho cùng, điều quan trọng là chúng tôi là một công ty của con người. Chúng tôi tôn trọng mọi người. Chúng tôi lắng nghe và phản hồi với sự quan tâm. Chúng tôi nhận ra rằng tất cả mọi người đều có tài năng bẩm sinh, họ cần được nhìn nhận và đánh giá cao. Kết quả là chúng tôi có 3.500 nhân viên đam mê công việc của mình và việc chăm sóc khách hàng”.
- Tạo điều kiện tương tác với các đồng nghiệp
Tương tác giữa các đồng nghiệp và thành viên trong nhóm có thể tạo ra một tác động đáng kể lên công việc của nhân viên. Trong một cuộc khảo sát công nhân Mỹ của Tạp chí Gallup Management, các nhà nghiên cứu cho biết, 61% công nhân tham gia khảo sát đồng ý mạnh mẽ với tuyên bố: “Tôi sống nhờ vào sự sáng tạo của những đồng nghiệp”. Chỉ 9% người lao động không đồng ý với câu này.
Những phát hiện này cho thấy rằng, sự hăng hái có thể lan tỏa, các nhân viên càng hào hứng làm việc, thì họ lại càng muốn chia sẻ sự sáng tạo và những ý tưởng tốt với những người khác trong nhóm. Ngược lại, những người lao động thiếu nhiệt huyết làm việc thường không muốn chia sẻ sự sáng tạo và ý tưởng của họ với đồng nghiệp, điều này tạo ra tình trạng tuột dốc không phanh có thể khó vượt qua được.
- Sống với giá trị cốt lõi của doanh nghiệp
Mỗi doanh nghiệp đều có giá trị cốt lõi, bạn có biết những giá trị cốt lõi của công ty mình là gì không? Bạn có sống với chúng mỗi ngày trong tuần không? Bạn nên làm thế. Nhà sản xuất ô tô Ferrari SpA ở thị trấn Maranello, Italy có 12 giá trị cốt lõi, tương ứng với 12 xylanh trong động cơ xe đua hàng đầu của công ty.
Đó là:
Truyền thống và đổi mới
Cá nhân và tập thể
Tinh thần đam mê và thể thao
Khu vực và quốc tế
Đạo đức và lợi nhuận
Ưu việt và tốc độ
- Giao tiếp và phản hồi
Để đạt được hiệu quả cao nhất có thể, nhân viên cần phải biết bạn mong đợi gì ở họ và họ đang thực hiện công việc như thế nào. Giữ nhân viên của bạn trong guồng máy vận hành của công ty bằng cách làm theo những lời khuyên sau:
– Tùy chỉnh thông điệp riêng cho từng nhóm người, trong đó gồm có lãnh đạo cấp cao, các nhân viên ở tuyến đầu và khách hàng.
– Một số câu hỏi bạn có thể trả lời một cách dễ dàng, một số thì không thể. Nhưng bạn phải lắng nghe và sẵn sàng chia sẻ những gì bạn biết khi bạn thực sự biết và khi bạn có thể chia sẻ nó.
– Giao tiếp giữa người với người là quan trọng hơn hết. Lãnh đạo nên đến thăm nhân viên của mình tại sở làm và tiến hành các cuộc họp nhóm nhỏ, gặp gỡ cá nhân thường xuyên hơn để tạo nên sự yên tâm tin tưởng và cung cấp các thông tin hướng dẫn cho nhân viên.
(Tác giả: Chuyên gia thương mại Peter Economy)
Theo Inc. – Hoàng Vũ