Bà Đặng Thị Hoàng Yến là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Tạo, nhưng ít ai biết rằng trước kia bà đã có khoảng thời gian làm thuê và từng bước xây dựng các dự án bất động sản lớn tại Mỹ.
Bà Đặng Thị Hoàng Yến sinh năm 1959 trong gia đình nghèo có 4 người con. Năm 1980, bà tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP.HCM và được phân công về làm việc cho Quận 5. Đến năm 1992, bà được bổ nhiệm làm chức vụ Giám đốc đầu tư của Trung tâm xúc tiến đầu tư trực thuộc UBND TP.HCM.
Năm 1993, bà quyết định tạo dựng con đường đi riêng bằng việc đi làm thuê cho các công ty nước ngoài để dành dụm tiền thực hiện khát vọng của mình. Tập đoàn Tân Tạo sau đó được bà thành lập và như đã biết, tập đoàn này nhanh chóng phát triển và trở thành chủ đầu tư khu công nghiệp hàng đầu Việt Nam. Song song với đó, dù kém tiếng hơn, nhưng cần phải đề cập rằng bà Hoàng Yến là một trong những doanh nhân Việt đầu tiên đầu tư lớn ở Mỹ.
Chia sẻ về quá trình khởi nghiệp ở Mỹ, bà Hoàng Yến cho biết, nếu ví việc kinh doanh tại nước Mỹ như bài toán nấu một nồi cơm, bà Yến khẳng định bà chưa có một thứ gì trong tay, thậm chí cả gạo cũng không có. Gạo ở đây được xem như là tiền, là vốn, còn nước được ví như sự hiểu biết về thị trường kinh doanh và luật pháp ở Mỹ được ví như lửa. Những thứ này nếu có hiểu biết và nắm được thì sẽ phát triển được, còn nếu không ngọn lửa ấy sẽ thiêu rụi mình.
Thời gian đầu, bà làm tư vấn cho các nhà đầu tư tại Mỹ để tạo dựng nguồn vốn và chỉ nhận tiền công khi công việc hoàn thành với kết quả tốt. “Ngay từ đầu tôi chỉ muốn làm tư vấn để tạo dựng nguồn vốn ban đầu. Trong thâm tâm tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ rời nhà nước để đi làm thuê cho nước ngoài, mục đích chính là làm thuê để có thể một ngày làm chủ mà thôi”, bà Yến chia sẻ.
Để có thể phát triển bất động sản tại Mỹ, bà cho biết ngoài nguồn vốn tự thân thì thứ cần phải có là vốn từ các nhà băng, mà đấy chính là uy tín. Bà dẫn chứng rằng ở Mỹ, mỗi doanh nghiệp được đánh giá qua độ tín nhiệm mà người ta gọi là Credit nhưng Credit của bà lúc ấy là con số 0.
“Ban đầu tôi đóng giả làm người đi mua nhà, có những lúc tôi đi một mình, nhưng sau đấy tôi đi cùng người môi giới để đóng giả như một cặp vợ chồng đi mua nhà. Tôi đã liên lạc với 6 công ty môi giới và hẹn với mỗi công ty một ngày để họ đưa tôi đi thăm quan. Và bằng những cách như vậy tôi có thể kiểm chứng được thông tin của hàng trăm ngôi nhà tại thành phố Houston ở nước Mỹ”, bà cho biết.
Đứng trước bài toán vay vốn ngân hàng, bà nói rằng, các ngân hàng lớn sẽ yêu cầu rất khắt khe trong việc cho vay vốn còn những ngân hàng nhỏ, mới ra đời thì sẽ rất cần khách, vì vậy bà đã tìm đến những ngân hàng nhỏ. Ngoài ra bà cũng “gõ cửa” các ngân hàng lớn để biết được họ đòi hỏi cái gì, để biết thêm kinh nghiệm. “Tuy vậy trong thâm tâm tôi biết rằng tôi không thể nào mở được cánh cửa ở những ngân hàng lớn như vậy”, bà Yến chia sẻ.
Khi được hỏi tại sao lại có suy nghĩ rằng có thể vay vốn tại ngân hàng nhỏ trong khi chỉ số Credit bằng 0 và không là ai cả, bà cho biết: “Tôi luôn có một tâm niệm như này, nếu mình chưa thử làm sao mình biết sẽ không làm được. Tôi cho rằng khi mà chưa thì vẫn là có thể trở thành có, tôi đã liên lạc với nhiều ngân hàng, tuy nhiên chỉ có duy nhất một ngân hàng rất nhỏ mới mở chi nhánh đáp lời”.
Từ đó, dự án đầu tiên về đầu tư xây dựng khu nhà ở có diện tích 10,43ha tại bang Houston được cấp phép. Với dự án bất động sản này, ngân hàng đã cho bà vay nửa triệu đô. Quy mô dự án ngày càng lớn hơn và chỉ số Credit của bà cũng được nâng lên.
Và do khoản vay này không giống với khoản vay để đi mua nhà mà là khoản vay để mua đất và phát triển đô thị, nên sẽ rủi ro hơn so với các khoản vay khác, buộc bà phải trả lãi suất cao hơn.
Nói thêm về khoản vay này, bà Yến cho biết, Phó giám đốc ngân hàng đã nói với bà rằng, hầu hết điều quan tâm đầu tiên của các ngân hàng ở Mỹ là cách mà người đi vay trình bày dự án, nếu bị thuyết phục và đáng tin cậy thì chính họ sẽ hướng dẫn khách hàng hợp thức hóa hồ sơ giấy tờ.
Bà chia sẻ thêm: “Không có thể nói là kinh doanh ở Mỹ là dễ dàng vì đó là một thương trường đã phát triển vài trăm năm rồi, cho nên cơ hội để làm kinh doanh là rất ít. Làm sao để tìm được cơ hội và biến cơ hội đó thành hiện thực là vấn đề hóc búa. Rất nhiều người Việt khi sang Hoa Kỳ nghĩ rằng đều phải nhắm vào thị trường của người Việt bên đó, nhưng tôi thì nghĩ rằng người Việt Nam tại Hoa Kỳ thì chỉ có chưa đến 2 triệu dân, rất nhỏ bé và sống rải rác trên khắp nước Mỹ, còn 230 triệu dân nước Mỹ thì thị trường lớn hơn rất nhiều, vậy tại sao mình không nhắm vào thị trường đó?”.
Để tạo sự khác biệt so với các công ty xây dựng khác, bà nói, điều đầu tiên là bà đã phải chọn một cái tên, để khi người khác nghe thấy sẽ cảm thấy rất gần gũi và thân thuộc và có cảm giác là nó rất lớn.
“Tôi nghĩ rằng mình phải có một thứ gì độc đáo hơn, một thứ như bonus để có thể thu hút được với khách hàng cho nên tôi đã phải nghiên cứu học thuyết phong thủy của phương Đông để áp dụng vào các thiết kế tại Hoa Kỳ nhằm tạo nên sự khác biệt bởi không chỉ người Mỹ mà cả châu Âu ngày một nhiều hơn tin vào hơn học thuyết phong thủy”, bà Yến nói.
Đúc kết ra bài học cho quá trình khởi nghiệp tại Mỹ, bà Hoàng Yến cho rằng, “điều quan trọng nhất trước hết mỗi người cần xác định được mục đích, sau đấy cần phải có quyết tâm và nghị lực bởi thứ hôm nay mình không biết không có nghĩa là ngày hôm sau cũng vậy”.
Bà nhấn mạnh: “Bản thân tôi không bao giờ chấp nhận bỏ cuộc trong mọi hoàn cảnh và luôn quyết tâm để đạt được mục tiêu của mình”.
Theo Thanh Hương (Nhà đầu tư)