Tuyên bố “giúp đỡ có điều kiện” được ông Putin đưa ra sau khi chính quyền Mỹ cáo buộc Iran là thủ phạm trong cuộc tấn công các cơ sở dầu mỏ của Ả Rập Saudi hôm 14/9.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Hai (16/9) vừa qua đã đề nghị giúp đỡ Ả Rập Saudi bảo vệ các công dân và các cơ sở dầu mỏ của nước này vớimột “điều kiện”, Politico đưa tin.
Cụ thể, phát biểu tại cuộc họp báo chung với Tổng thống Iran Hassan Rouhani và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan, ông Putin đã đề nghị Ả Rập Saudi mua các hệ thống phòng không S-300 và S-400 của Nga để nâng cao năng lực phòng thủ sau vụ tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) nhằm vào hai cơ sở dầu mỏ trọng yếu của nước này hôm 14/9.
“Chúng tôi sẵn sàng giúp Ả Rập Saudi bảo vệ người dân của họ”, ông Putin tuyên bố trước báo giới sau cuộc họp của các nhà lãnh đạo Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ về giải pháp hòa bình ở Syria thông qua nỗ lực ngoại giao được gọi là “tiến trình Astana”.
“Để có được điều đó, [chính quyền Ả Rập Saudi] cần đưa ra quyết định sáng suốt giống như Iran từng mua tổ hợp tên lửa S-300 và Thổ Nhĩ Kỳ mua tổ hợp tên lửa S-400 Triumph tiên tiến nhất của Nga”, ông Putin nói. “Những tổ hợp tên lửa này có khả năng bảo vệ bất kỳ cơ sở nào của Ả Rập Saudi khỏi mọi đòn tấn công”.
Lời “nói kháy” thâm sâu của Tổng thống Putin
Tuyên bố trên của ông Putin được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và các quan chức Mỹ nói rằng Iran có khả năng là “thủ phạm” trong các cuộc tấn công nhằm vào hai cơ sở dầu mỏ quan trọng của Ả Rập Saudi. Tehran đã phủ nhận cáo buộc này, tuy nhiên sau đó Tổng thống Trump đã đáp trả rằng Mỹ đã “lên đạn” và sẵn sàng trả đũa thủ phạm trong vụ tấn công hôm 14/9.
Politico cho rằng phát biểu của vị Tổng thống Nga “rõ ràng” nhắm tới Washington nhiều hơn là Riyadh, với “bằng chứng” là khi ông Putin nói ra điều này, cả Tổng thống Iran Rouhani và Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đều “biểu lộ vẻ thích thú và bật cười sảng khoái”.
Ông Putin “quả là cao tay” khi nói kháy Mỹ như vậy, Politico bình luận.
Mỹ từ lâu đã phản đối kịch liệt chuyện Nga bán hệ thống phòng không S-300 cho Tehran. Trong gần một thập kỷ, Nga đã trì hoãn việc hoàn tất thương vụ này theo thỏa thuận được ký kết với Iran năm 2007, do những áp lực từ Mỹ, Israel và sau đó là tuân thủ các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc (LHQ) đối với chương trình hạt nhân của Iran.
Tuy nhiên, đến năm 2016, Nga đã hoàn thành việc chuyển giao các hệ thống tên lửa đất đối không cho Iran sau khi thỏa thuận hạt nhân Iran – hay còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) – được ký kết. Ông Trump đã đơn phương rút Mỹ khỏi thỏa thuận này hồi năm ngoái.
Tương tự, Washington cũng đã lớn tiếng phản đối việc Thổ Nhĩ Kỳ lên kế hoạch mua hệ thống S-400 tân tiến của Nga, thậm chí còn đe dọa sẽ trừng phạt hà khắc người đồng minh này. Thay vào đó, chính quyền ông Trump đã thúc giục ông Erdoğan mua hệ thống phòng không Patriot của Mỹ.
Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục tiến hành mua các hệ thống S-400 của Nga, và chính quyền ông Trump đã đáp trả bằng việc từ chối bán tiêm kích F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ. Bên cạnh đó, các quan chức chính phủ Mỹ còn thúc giục ông Trump có biện pháp nghiêm khắc hơn nữa để trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngoài những tranh cãi về hệ thống phòng không kể trên, thì Ả Rập Saudi cũng là một trong những khách hàng lớn nhất của Mỹ về các mặt hàng khí tài quân sự, và ông Trump cũng từng nhiều lần khoe các thỏa thuận lớn đang được thảo luận với Riyadh. Sau vụ việc nhà báo Jamal Khashoggi bị giết hại dã man, ông Trump thậm chí còn từng phủ quyết ý định ngăn chặn việc bán vũ khí cho Ả Rập Saudi của Quốc hội Mỹ.
theo Trí Thức Trẻ