9 tháng làm công việc không hề yêu thích, tôi nghiệm ra: Càng ghét, tôi càng nhận được nhiều bài học giá trị trên con đường thăng tiến sự nghiệp
Bạn có bao giờ phải dùng rất nhiều động lực để có thể dậy vào mỗi sáng bởi bạn thực sự ghét cái công việc đang chờ đợi bạn?
Thực tế có nhiều người trong tình trạng giống bạn. Theo nghiên cứu của Gallup vào năm 2013 về môi trường làm việc của người Mỹ thì có tới 70% số người được hỏi không hài lòng với công việc hiện tại của mình và chỉ 30% là thực sự yêu thích.
Trong khi phần lớn mọi người chọn nhảy việc khi đã chán công việc hiện tại thì chuyên gia tư vấn nghề nghiệp Mikaela Kiner lại đưa ra một quan điểm hoàn toàn khác. Theo bà, có nhiều lý do bạn nên tiếp tục làm công việc đó dù chưa thực sự yêu thích nó.
Công việc giúp bạn xây dựng mối quan hệ
Bạn đã xem bộ phim “Yêu nữ mặc đồ Prada” chưa? Cô nàng Andrea Sachs khi chân ướt chân ráo tới với tạp chí Runway, nơi vừa là thiên đường vừa là địa ngục cho các cô gái thích ăn diện đang tìm đường lập thân trong những cao ốc kiêu kỳ của Mahattan, cô không biết gì hết.
Và sau đó cô đã quay cuồng với công việc làm trợ lý, với cái điện thoại không bao giờ được phép tắt ngay khi ốm nằm bẹp trên giường.
Cô ấy có ghét công việc trợ lý ấy không? Có chứ, ghét cay ghét đắng! Cô ghét cái môi trường làm việc với bà chủ quái gở khó chiều nhưng cô vẫn bám trụ và chỉ rời bỏ nó khi đủ năng lực.
Bởi vì sao, bởi môi trường làm việc khắc nghiệt đó đã giúp cô rèn được tính kiến nhẫn, khả năng xử lý tình huống, phản ứng nhanh và một loạt những kĩ năng mềm khác mà cô không thể học ở đâu khác. Hơn thế nữa, cô có được một lợi thế lớn trong khi làm việc ở đây đó là… các mối quan hệ.
Trong một thế giới mà các mối quan hệ đóng vai trò rất quan trọng để phát triển nghề nghiệp, xây dựng một mạng lưới quan hệ có thể là một lý do để tiếp tục làm một công việc bạn không thích.
Bạn cần thể hiện sự ổn định
Rất nhiều nhà tuyển dụng e ngại một hồ sơ xin việc với lịch sử nhảy việc “hoành tráng”. Rời bỏ một công việc bạn ghét quá sớm có thể khiến hồ sơ bị loại, đặc biệt là nếu bạn đã chuyển đổi việc làm nhiều lần trong thời gian ngắn. Kiner khuyên nên cố gắng làm công việc trong thời gian ít nhất một năm.
Làm để lấy tiền thưởng
Nếu công ty bạn có chính sách khen thưởng cuối năm, hãy cố gắng làm đến lúc nhận được số tiền đó. Dù sao bạn đi làm trước hết cũng vì vấn đề kinh tế cho nên thật thiếu khôn ngoan nên vừa thấy chán là nhấn nút chuyển quá sớm. Bên cạnh đó việc làm công việc đó cũng là cơ hội để kiểm tra sư kiên nhẫn của bản thân bạn.
Công việc đó tiềm ẩn cơ hội cho bạn
Hãy tự hỏi mình công việc này có mang lại cơ hội tiến thân cho bạn hay không rồi hãy quyết định từ bỏ nó. Đôi lúc dù bạn không thích những nó lại mang lại những cơ hội giúp bạn phát triển sự nghiệp trong tương lại.
Kiner khuyên bạn: “Nếu bạn đang có cơ hội thử sức với vị trí lãnh đạo nhóm hoặc đội, hãy kiên nhẫn làm tiếp vì điều đó sẽ làm “sáng” hồ sơ xin việc của bạn sau này”.
Bạn có thêm các kĩ năng quan trọng
Kiến thức là sức mạnh, đặc biệt là khi bạn đang tìm kiếm một công việc mới. Hãy tận dụng cơ hội để học hỏi nhiều nhất có thể, điều đó sẽ giúp bạn tìm được công việc tốt hơn sau này.
Nếu công ty của bạn cung cấp cơ hội giáo dục giúp nâng cao các kỹ năng của bạn, hãy tận dụng nó bởi nó sẽ giúp “đánh bóng” hồ sơ của bạn khi bạn quyết định đưa hồ sơ sang công ty khác.
Đôi khi chúng ta phải làm một cái gì đó chúng ta ghét để biết chúng ta thực sự yêu thích điều gì. Bởi chỉ có trải nghiệm mới cho bạn kết quả chính xác nhất. Kiner nói rằng cô đã trải qua chín tháng làm một công việc đầu tiên không hề yêu thích trong sự nghiệp của mình, nhưng nhờ công việc đó cô biết rằng, “Tôi không thích ngồi ở phía trước của một bảng tính trong tám giờ một ngày.”
Vì thế, hãy cứ làm công việc đó đi, dù bạn ghét nó!
(Trích YBox/Youth Confessions)
Thụy Dương – Theo Trí Thức Trẻ