Ở ngôi làng nhỏ này, có tới 90 người ở ngưỡng trăm tuổi, thế hệ kế cận cũng rất đông, người sau khi nghỉ hưu ở khắp nơi đã về đây để thuê nhà định cư. Bí mật nào giúp họ sống thọ?
“Ngôi làng trường thọ “, thật sự không?
Có một ngôi làng có tên là Bama, khu tự trị dân tộc Dao tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc được ghi danh là “ngôi làng trường thọ”. Cả làng lúc nào cũng vui vẻ, thân thiện, như hình ảnh cụ ông La Diệu Bân, 98 tuổi, đang trò chuyện với một cụ bà trong làng dưới đây.
Liệu có thể có một ngôi làng là nơi sinh sống của rất nhiều người cao tuổi hay không? Bama chính là ngôi làng như thế.
Chúng ta cùng gặp một nhân vật điển hình, đó là bà Vương Lệ, 65 tuổi, từ Cáp Nhĩ Tân đã đến Hạt tự trị Bama dân tộc Dao ở vùng tây bắc tỉnh Quảng Tây (TQ) này. Bà thuê một căn nhà riêng trong 11 năm rưỡi, và muốn ở lại đây lâu dài cho đến cuối đời.
Ở Bama, ngày càng có nhiều người cao tuổi như Vương Lệ trở lên. Ngôi làng nhỏ này với dân số khoảng 300.000 người, nhưng có khoảng hơn 90 người ở ngưỡng trăm tuổi, và những người cao tuổi thế hệ kế cận, đang trở thành một “thánh địa trường thọ” trong mắt mọi người.
Tuy nhiên, vùng miền núi này, nơi được mệnh danh là “ngôi làng trường thọ” nổi tiếng cũng đã gây tranh cãi vì nhiều nghi ngờ khác nhau.
Liệu có bí mật nào giúp người dân Bama có thể sống thọ như vậy? Cuối cùng thì các phóng viên Tân Hoa Xã (TQ) đã phải đi tìm câu trả lời.
“Người di cư” coi Bama là “quê hương thứ hai”
Bà Vương Lệ sống ở làng Giáp Triện, thôn Pha Nguyệt hay có nghĩa là sườn núi hình mặt trăng. Đây là một ngôi làng nhỏ được bao quanh bởi những ngọn núi. Dưới chân núi là dòng sông Bàn Dương lặng lẽ chảy. Trên một vùng đất không rộng rãi, có những ngôi nhà nằm kẹp giữa núi và dòng sông nhỏ đi qua.
Nhiều năm trước, thôn Pha Nguyệt chỉ là một ngôi làng nhỏ bình thường, không có nhiều ngôi nhà và những công trình nhỏ. Dân làng trồng ngô trên vùng đất hẹp bên dòng sông. Những ngọn núi cao xanh lá cây và làn nước trong mát đã được sử dụng qua nhiều thế hệ, quang cảnh bình thường, không có gì đặc biệt trong mắt người dân.
Nhưng trong những năm gần đây, những ngọn núi và dòng sông xanh này đã thu hút hàng ngàn người từ khắp nơi trên đất nước đến để sinh sống trong một thời gian dài. Khi đến Bama, mọi người sẽ đến làng Pha Nguyệt để tham quan và lưu trú. Tại đây, bạn có thể nghe giọng nói từ nhiều vùng khác nhau.
“Chúng tôi coi nơi này là quê hương thứ hai.” Bà Vương Lệ nói rằng bà đã nghe nói về Bama nhiều năm trước, biết rằng ở đây có môi trường sống rất tốt, phù hợp với sức khỏe và tuổi thọ. Sau khi con trai bà lập gia đình, bà được nghỉ hưu, cho đến năm ngoái, bà và người bạn đời đã quyết định đến sống ở Bama theo kiểu định cư lâu dài.
Những người già đã đến Pha Nguyệt vì tin rằng họ có thể sống lâu hơn trong một môi trường như vậy. Giống như Vương Lệ, hầu hết những nhóm người “di cư” đến đây đều thuê một ngôi nhà riêng và sống như những người dân địa phương: Dậy sớm, đi bộ, lấy nước từ sông Bàn Dương (Panyang) về sử dụng và đi tản bộ dưới chân núi vào ban đêm.
Gần tối, ở những khuôn viên nhỏ trong thôn luôn có những nhóm người tập trung lại để tập thể dục theo kiểu nhảy múa tập thể ở sân làng, hoặc những người cao tuổi thì tập thái cực quyền.
Có một hang động nhỏ tự nhiên ở vùng núi bên cạnh ngôi làng, rộng hơn một số sân bóng đá. Nó được gọi là Hang Bách Ma Động với ý nghĩa là Động trăm điều kỳ bí hay Động ma quỷ. Trong hang này, không khí có hàm lượng ion oxy rất cao. Nó đã được phát triển thành một điểm thu hút mọi người đến đây.
Thậm chí nhiều người cao tuổi đã mua vé tháng và dành hơn một giờ để dạo chơi, nghỉ ngơi trong hang động mỗi ngày. Một cụ già nói: “Tôi nghe nói rằng lực hút từ trường ở đây rất mạnh và điều này có thể giúp con người sống lâu hơn”.
Ở Bama, vai trò của không khí, nước và “địa từ” ngày càng trở nên bí ẩn. Tuy nhiên, mọi người không thể biết các yếu tố này hoạt động như thế nào đối với tuổi thọ và sức khỏe.
Bị bệnh phổi, sợ chết vì ung thư nên đã tìm đến đây “lánh nạn”
Bà Hoàng Lệ Yến, 64 tuổi cũng bị thu hút bởi nhiều truyền thuyết khác nhau trước khi đến đây. Bà Yến vốn là người ở thành phố Bình Độ, tỉnh Sơn Đông, bị phát hiện có polyp trong phổi. Bà muốn tìm một nơi có phong cảnh và môi trường sống tuyệt đẹp để giúp bản thân nghỉ dưỡng trị liệu, hồi phục sức khỏe, hy vọng sẽ giúp bà khỏe mạnh trở lại.
Theo lời giới thiệu của một người bạn, bà đã đến Bama. Bà nói rằng môi trường ở đây có thể hỗ trợ chữa khỏi bệnh. Nếu tình trạng có thể được cải thiện, bà sẽ tiếp tục sống ở đây lâu dài. Còn nếu tình trạng bệnh không tốt lên, bà sẽ trở về nhà và chọn cách điều trị bằng phẫu thuật để ngăn chặn bệnh tiến triển.
Mọi người đều tin rằng sống ở đây có thể giúp họ sống lâu hơn. Trong thực tế, có một ngôi làng khác ngay gần đó, có tên là Ba Bàn, thôn Bình An cũng có sự tương đồng với Bama, nơi đó cũng được người dân địa phương gọi là Thôn trường thọ, vì nhiều năm trước đây, trong thôn nhỏ bé mà cùng lúc có tới 6 người sống thọ trên 100 tuổi.
Với sự phổ biến ngày càng tăng, một số lượng lớn người nước ngoài cũng đổ về Bama để tham quan và tìm hiểu. Năm 2017, Bama đã nhận được hơn 5 triệu lượt khách. Trên đường phố Bama, hầu như mọi nơi đều có khách sạn, nhà nghỉ và những căn phòng có thể lưu trú.
Người dân địa phương nói với phóng viên Tân Hoa Xã rằng trong những ngày lễ, hầu như tất cả các phòng đều được du khách thuê kín chỗ.
Danh xưng “Ngôi làng trường thọ” có thể gây tranh cãi, nhưng những người trường thọ thì đang hiện hữu
Ở Bama, những lời giới thiệu được truyền thông rộng rãi nhất là “Bama được chọn là Ngôi làng sống thọ thứ năm của Thế giới được công nhận bởi Hiệp hội Y học Tự nhiên Quốc tế vào năm 1991, và đó là chuỗi kỷ lục duy nhất tồn tại lâu dài chưa bị phá vỡ.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, một số phương tiện truyền thông đã đặt câu hỏi: “Hiệp hội y học tự nhiên quốc tế” là một tổ chức y tế tư nhân được thành lập bởi một người nước ngoài vào những năm 1970. Đây không phải là tổ chức y tế hàng đầu thế giới.
Ông Phan Kỳ Phương, giám đốc Viện nghiên cứu về tuổi thọ ở Bama nói rằng, “Hiệp hội Y học Tự nhiên Quốc tế” có đủ thẩm quyền và uy tín bình chọn hay không thì ông không bình luận, nhưng “bằng chứng trường thọ” của Bama là một thực tế không thể chối cãi.
Hiện nay, có hơn 90 người trên 100 tuổi sống ở huyện Bama, tức là tương đương với hơn 30 người trên 100.000 dân, gần gấp 5 lần so với tiêu chuẩn “Làng sống thọ” của thế giới.
Ông Phan Kỳ Phương cho biết, từ thời cổ đại, Bama đã được biết đến với danh xưng là “nhân thọ sơn trang” cũng có nghĩa là ngôi làng có nhiều người sống thọ.
Đặc biệt, tại ngôi làng ngày còn có một di sản chữ khắc gỗ có khắc 4 chữ là “Duy Nhân Giả Thọ” với nghĩa chứng thực về dấu phong cho người có tuổi thọ cao.
Theo các kết quả nghiên cứu có chứng cứ, đây từng là nơi được các vị Hoàng đế thời nhà Thanh, vua Quang Tự (khoảng năm 1899) đã làm tấm bảng tặng cho một người đàn ông sống thọ 100 tuổi ở làng Bình Lâm, thị trấn Na Đào, huyện Bama. Thời các Hoàng đế của nhà Thanh cũng đã ban 2 lần giải thưởng cho Bama về kỷ lục tuổi thọ.
Hoàng Ly, người đứng đầu Văn phòng Nội vụ của Hạt tự trị Bama dân tộc Dao, nói với phóng viên tờ Tân Hoa Xã rằng trong những năm gần đây, số người cao tuổi trên 100 tuổi đã giảm, nhưng ngày càng nhiều người già trong độ tuổi từ 80 đến 89 – trước đây là quận Có hơn 3.000 người và hiện có hơn 4.000.
“Hiện tại, có 4.082 người cao tuổi từ 80 đến 89 ở quận Bama và 666 người cao tuổi từ 90 đến 99.” Hoàng Ly nói.
Những gia đình “ngũ đại đồng đường” vui vẻ và trách nhiệm
Phóng viên nhìn thấy cụ Trần Kim Tú, 104 tuổi, đang ngồi trên một chiếc ghế ở cửa nhà để uống rượu thuốc. Mặc dù tuổi đã cao, cụ Trần vẫn có thể xâu kim và thực hiện các việc đan lát thủ công bình thường.
Cụ Trần Kim Tú có một con trai và một con gái. Con gái lớn của cụ cũng đã 83 tuổi, con trai thì đã 72 tuổi. Con trai cụ kể với phóng viên rằng, gia đình họ hiện đang sống 5 thế hệ cùng nhau. Cụ bà mặc dù đã một đời vất vả, nhưng may mắn là không có bệnh tật gì, chỉ là cứ thế già đi một cách tự nhiên.
Cháu gái của cụ Trần, cô Bành Phượng Sơn, 51 tuổi, đã kể về ấn tượng của mình trong quá khứ. “Khi tôi còn học trung học, bà tôi thường dậy sớm và lên núi để hái rau dại về nuôi lợn. Lúc đó, bà đi bộ trên núi rất nhanh, chúng tôi hầu như không thể theo kịp”.
Cách nhà của cụ Trần không xa, là cụ Trương Thế Ân, 100 tuổi, đang đi dạo cùng người vợ 103 tuổi của mình, cụ Dương Lâm Anh ngay trước cửa nhà. Mặc dù dáng đi hơi còng, nhưng các cụ không cần phải dựa vào nạng và các công cụ hỗ trợ bên ngoài khác.
Để tránh tình trạng bị tai nạn không mong muốn, con dâu cụ đã nhận trách nhiệm chăm sóc hai người khi tuổi đã già. Cô con dâu nói: “Hai ông bà sức khỏe rất tốt, không có bệnh, ngủ rất ngon, mỗi ngày có thể ngủ từ 7 giờ tối đến 6 giờ sáng hôm sau, ăn uống cũng rất là tốt”.
Bí mật nào giúp người dân sống thọ như vậy?
Nói về tuổi thọ, phóng viên Tân Hoa Xã Nhật báo đã phỏng vấn ba người già sống lâu năm và gia đình họ. Câu trả lời chung của họ là “Tôi không biết, không có bí mật đặc biệt nào”.
Cụ Bành và cụ Dương đều cho rằng, những người già đang sống ở đây thì trước đó đa số là sống ở trên núi, cuộc sống rất vất vả, lao động cả đời, hoàn cảnh gia đình cũng nghèo khó, có khi cả tháng mới được ăn một bữa cơm thịt.
Một số học giả sau khi điều tra các yếu tố giúp sống thọ tại địa phương ở Bama, cuối cùng họ cho rằng, tuổi thọ của người dân cao là do các điểm sau đây:
-Thứ nhất là đủ ánh nắng mặt trời
-Thứ hai là không khí có hàm lượng ion oxy cực cao
-Thứ ba là “địa từ” cao hơn
-Thứ tư là nguồn nước chứa cấu trúc phân tử đặc biệt
-Thứ năm là nguồn đất giàu dinh dưỡng, đất đai trù phú.
Những người già ở đây cho rằng, Bama có môi trường sinh thái tốt, cấu trúc chế độ ăn uống đơn giản và tâm lý sống vui vẻ là những yếu tố quan trọng đối với tuổi thọ của người già.
“Mẹ tôi hiếm khi nóng giận với người khác, và bà luôn vui vẻ vào hầu hết các ngày trong tuần.” Bà Bành Tôn Hiền nói.
Phát triển kinh tế nhờ danh tiếng “Ngôi làng trường thọ”
Trong quá khứ, Bama vốn được gọi là một vùng đất “nghèo”. Ngày nay, tuổi thọ cao đã trở thành một từ đồng nghĩa với Bama. Ngày càng có nhiều người theo đuổi sức khỏe và tuổi thọ, nên các hoạt động du lịch để sống thọ ngày càng trở nên phổ biến.
Ông Phan Kỳ Phương – lãnh đạo ở đây cho rằng sự phát triển của nền kinh tế trường thọ về cơ bản là một dấu hiệu của sự cải thiện mức sống và sức khỏe quốc gia, và là biểu hiện cụ thể của việc mọi người theo đuổi một cuộc sống lành mạnh và chất lượng hơn.
Một người từ Sơn Đông di dân tới đây định cư nói với phóng viên Tân Hoa Xã rằng họ sống ở Bama, không chỉ tận hưởng môi trường tự nhiên tươi đẹp, mà còn nhận ra lối sống đơn giản và lành mạnh tuyệt vời của người dân ở vùng núi xa xôi này.
Khi sống ở đây, người dân không có nhiều nhu cầu về các khía cạnh khác trong cuộc sống. Sẽ dễ dàng hơn để giữ trái tim và tâm trí rời khỏi những áp lực giống như ở thành phố và làm cho cuộc sống của bạn khỏe mạnh hơn”.
*Nguồn: Tân Hoa Xã (TQ), Ảnh: Internet
Theo Vân Hồng – Trí thức trẻ