Họa sĩ 8X Tamypu nói về giấc mơ của người trẻ: Nhiều người sống trong trí tưởng tượng về một cuộc sống lý tưởng nhưng cơ thể và tinh thần chưa chuẩn bị cho những điều đó
Ở tuổi 32, cô hoạ sĩ nổi tiếng Thái Mỹ Phương, hay Tamypu, sở hữu hơn 200 bìa sách minh hoạ, những cuốn sách tranh tự sáng tác được xuất bản ở Việt Nam, Mỹ, châu Âu, Trung Quốc… Với nét vẽ đặc biệt và những chia sẻ chân tình, Phương có hơn 140 ngàn người theo dõi trên mạng xã hội.
Học kiến trúc và bắt đầu vẽ minh hoạ sách từ năm nhất đại học, năm 2015, khi đã có 7, 8 năm làm nghệ sĩ minh hoạ và sự nghiệp đang rất thuận lợi, Phương liều lĩnh đi du học tại đại học Brighton, Anh. Nhìn từ bên ngoài, Phương tài năng, may mắn và có nhiều thành tựu. Nhưng ít ai biết đằng sau đó là những khủng hoảng của Phương và nỗ lực của cô để vượt qua biến cố, để “lớn lên” từng ngày và dần sống tốt hơn.
Gặp nhau vào một ngày Sài Gòn mưa xối xả, Phương kể với chúng tôi về khủng hoảng tuổi 30, về bố, về đổ vỡ và những năm tháng du học đã “hồi sinh” Phương như thế nào.
Tôi thật ra từng không còn gì
PV: Là một hoạ sĩ tài năng, nổi tiếng, không biết trong những năm đầu làm nghề, thử thách lớn nhất đối với Phương là gì?
Mỹ Phương: Có hai dạng nghệ sĩ. Một là nghệ sĩ đích thực, họ sáng tác như hơi thở. Còn một dạng là làm để được công nhận. Sau một quá trình tự đánh giá bản thân tôi nhận ra mình thuộc nhóm thứ hai.
Trước khi đi du học, tôi vẫn có sự “gồng” trong từng tác phẩm. Đối với các bức tranh chuyên nghiệp, trước khi vẽ hoặc đặt ý tưởng, tôi suy nghĩ rất nhiều. Tôi không muốn đó là một sản phẩm tồi tệ, không muốn bị bạn bè đồng trang lứa và các anh chị chuyên môn đánh giá thấp. Lúc đó bản ngã của tôi rất khao khát sự chú ý từ mọi người. Tôi vô thức hay so sánh mình với người khác, luôn muốn hơn người khác. Đôi lúc mình hơn, nhưng trong sâu thẳm mình không bao giờ thoả mãn vì thực tế thì mình đã chẳng làm gì cho mình.
Tôi sống trong suy nghĩ đó khá lâu mà không biết. Sau này tôi mới nhận ra rằng trong sáng tác, cái tôi cần được kiểm soát. Những nghệ sĩ trên thế giới không có cái tôi thì họ không để lại một kiệt tác gì, nhưng nếu để cái tôi đó thống trị lâu quá, nó thành lòng tham, thành đố kị. Và nó ảnh hưởng tiêu cực đến mình.
PV: Được biết trước khi đi du học, chị đã trải qua một biến cố khó khăn. Chị có thể chia sẻ?
Mỹ Phương: Nhiều thứ không thuận lợi dồn vào một một thời điểm. Đó là giai đoạn tôi cần tập trung thi tiếng Anh trong suốt nửa năm để đủ điểm đi học nước ngoài.
Bố tôi lúc đó bị ung thư giai đoạn cuối. Rồi mình yêu được một người và nghĩ người đó lý tưởng rồi, nhưng không biết hạnh phúc đó không đủ vững vàng để cùng đi qua khó khăn.
Năm đó bố tôi cũng mất. Thi tiếng Anh thì nhiều lần thất bại. Rồi tôi không có thời gian quan tâm đến người mình yêu nhiều hoặc không quan tâm theo ý họ muốn, thì tình cảm cũng rạn. Giai đoạn 27, 28 tuổi tôi thật ra không còn gì, không hạnh phúc và cũng không tài chính.
Vào đúng ngày mình có điểm tiếng Anh đủ, mình không còn bố, không còn người yêu và trống rỗng. Lúc đó tôi từng tính thôi mình ở lại vì biết đi du học cũng khó mà trụ nổi.
PV: Lúc đó là ngay trước khi đi du học?
Mỹ Phương: Ừm. Chừng mười mấy ngày. Đi thì cũng khó, mà ở lại cũng chẳng còn gì. Ở lại tôi vẫn có thể vẽ và ổn định tài chính lại bình thường, nhưng thật sự lúc đó trống rỗng về tinh thần. Mười mấy ngày đó là kết quả của quá trình bao lâu, là cộng dồn của những tình tiết trước đó. Lúc đó cứ nhắm mắt đánh liều để đi thôi.
“Qua Anh, nghèo quá thành ra được tĩnh lặng”
PV:Vậy qua Anh, tiền đâu để chị duy trì cuộc sống?
Mỹ Phương: Lúc đó, tôi vẫn còn những hợp đồng ở nước ngoài, đủ để duy trì học phí sắp tới. Trừ học bổng và số tiền tự đóng thì số học phí còn lại, thiếu một ít. Kết quả là trong ba tháng đầu ở Anh, tôi phải bỏ nguyên học kỳ đầu tiên để củng cố tài chính. Bao nhiêu kiến thức quan trọng nhất dồn vào học kỳ đó, nhưng tôi phải bỏ hết để kiếm tiền ở đủ năm tiếp theo. Tuy nhiên số tiền đó chỉ đủ để sinh sống cơ bản, cũng không dư giả nhiều cho việc du lịch, phương tiện công cộng, và những nhu cầu khác.
PV: Chị bắt đầu sống tối giản từ đó?
Mỹ Phương: Vì sự cố trước khi đi du học, tôi chỉ còn ít ngày để chuẩn bị. Phần đông du học sinh đem mấy vali như đi di cư, còn tôi thì chỉ mang chưa đến 30 kí hành lí như đi du lịch. Ở Anh tôi cũng không có khả năng mua sắm gì nhiều. Quần áo, đồ đạc không có. Tôi ở trong căn phòng chỉ 3×3 mét vuông.
Nhưng một năm sau tôi thấy mình sống hoàn toàn ổn, và còn sống tốt hơn trước. Tôi nhận ra đầu óc mình có thời gian để làm những việc khác, không phải lo hôm nay đi đâu hay mặc gì cho đẹp. Hồi xưa tôi đã quá quan tâm về mọi người nghĩ về mình. Tôi muốn nhà mình có cái này, muốn phải mua cái này cái kia. Đó là thói quen mình không ý thức được cho đến khi có sự thay đổi về kinh tế.
PV: Nghĩa là sự nghèo đã khiến chị quay về chăm sóc về sức khoẻ, tinh thần?
Mỹ Phương: Thú thật là vì không có tiền nên tự ti không dám giao lưu với ai, nhưng nhờ vậy mà lại không bị phân tâm. Rồi tiếng Anh cũng không tốt nên không có nhu cầu dùng điện thoại luôn. Nếu ở Việt Nam thì tôi sẽ đi gặp người này người kia, cuộc sống bị xoay quanh bởi những mối quan hệ tích cực lẫn tiêu cực. Nếu mình không ý thức được và tiếp xúc với những nhóm người tiêu cực quá nhiều thì sẽ không có thời gian cho tâm hồn mình. Đó là một sự lãng phí.
Thời gian ở Brighton nó tĩnh lặng nên cho tôi hiểu mình quá. Tôi hiểu là bên trong tôi nó mỏng manh thế nào. Từ đó tôi mới rất chọn lọc về năng lượng tích cực hay tiêu cực thu vào mình. Tôi còn đọc về tâm lý học nhiều hơn để biết cách “đọc” người.
PV: Nghe chị kể thì thời gian sống bên Anh giống như đi… lên núi vậy!
Mỹ Phương: Vâng! Mọi người tưởng qua đó chọn sống tĩnh lặng, chứ thật ra không, do hoàn cảnh bắt buộc cả.
PV: Ở bên Anh chị có tập thể dục không?
Mỹ Phương: Cảm giác như “vô thế” phải vận động. Tôi chỉ có đủ tiền thuê một căn phòng ở rất xa trường. Mà hồi đó nếu đi phương tiện công cộng là xe bus thì một lượt đi tốn 2 – 3 bảng, là hơn một trăm ngàn tiền Việt. Nếu tiền xe bus nhân ra một tháng và rồi một năm thì với tôi là ngoài khả năng. Tôi đã không tìm hiểu những điều đó và không chuẩn bị kĩ càng trước khi sang học. Rốt cuộc tôi chọn đi bộ. 45 phút từ nhà tới trường, rồi 45 phút từ trường về nhà, một ngày gần hai tiếng đi bộ. Có lúc đi lang thang, đi chậm, đi mệt. Có bữa nấu cơm mang theo.
Từ đó lại thấy mình khoẻ lên, dần dần thành thói quen vừa sống lành mạnh vừa sống tiết kiệm.
PV: Hồi còn ở Sài Gòn chị đã có thói quen nấu ăn hay đi bộ chưa?
Mỹ Phương: Nấu ăn cũng có, nhưng đi bộ thì không. Ở Việt Nam tôi lười vận động. Mức sống ở Việt Nam nếu so với thế giới là khá thấp nên tôi không cố gắng, sống dễ dãi. Vì có ra sao thì bạn cũng tồn tại được, cùng lắm bạn ăn ổ bánh mì hay gói mì tôm. Ở Việt Nam kiểu gì cũng sống được và cái sướng làm hư mình. Còn sang Anh, đó là một câu chuyện khác…
Ở Anh, tôi muốn ăn ổ bánh mì thì phải đi bộ đến siêu thị, mà siêu thị có hôm đóng cửa rất sớm. Rồi ở Brighton chuyện đi bộ ra trung tâm mua gói mì tôm ăn cũng tốn quá nhiều công sức. Đến cái quyền ăn uống nghèo nhất bạn cũng không có. Ngày nào mở mắt ra cũng cảm thấy nước Anh lại sắp dạy cho mình một bài học đáng đời nào đó.
PV: Còn thói quen tốt nào mà chị tiếp nhận được trong thời gian đi du học?
Mỹ Phương: Sống ngăn nắp hơn, có tổ chức, đúng giờ đúng giấc.
Chẳng hạn, tôi phải nghĩ cách làm sao mua được chừng đó thứ trong mỗi lần đi ra ngoài. Hay như đi xe buýt miễn phí của trường, mỗi ngày có vài chuyến thôi và nếu để lỡ là không có chuyến tiếp theo. Có những đêm từ thư viện trường về nhà, tôi biết mình chỉ còn có thể bắt một chuyến cuối cùng lúc 11 giờ rưỡi. Có khi mình chạy ra đúng 11 rưỡi mà tài xế không nhìn thấy ai đợi cũng chạy mất. Thì mình phải nghĩ phải chạy đường vòng sao để nhanh hơn xe buýt để đón được trạm tiếp theo, mà vẫn chả kịp.
Những lần đó cho tôi bài học về sắp xếp thời gian, là phải tắt máy tính thư viện, bấm thang máy, trả thiết bị rồi chạy cái vèo ra trạm xe lúc bao nhiêu phút để đón được chiếc xe này. Còn không kịp là đi bộ, 45 phút, lúc khuya lạnh đến một giờ sáng.
PV: Có nhiều lần chị phải đi bộ lúc 1 giờ sáng, trong 45 phút như thế không?
Mỹ Phương: Nhiều chứ. Cho nên mấy hôm làm bài giữa kỳ, mệt mỏi quá tôi chọn ngủ ở thư viện luôn. Cũng tủi thân lắm. Có lúc yếu đuối mình khóc, không biết sao mình lại chọn khổ như thế này.
Tôi học kiến thức chăm sóc bản thân nhiều hơn, thay vì…
PV: Nhìn lại thì, khoảng thời gian du học đã cho chị quay về với bản thân, thay đổi, hồi sinh…
Mỹ Phương: Tôi lớn lên theo từng ngày. Cách mình nhìn, cách mình cảm, cách mình đối xử với khó khăn khác đi. Cách mình nhìn nhận, tha thứ hay tức giận khác đi.
Trước khi đi, tôi có nhiều biến cố về tình cảm, tinh thần. 27, 28 tuổi, mình trông đợi sẽ thành lập gia đình, sự nghiệp ổn định. Xong rồi “bể” hết. Tôi mới biết rằng mình sống trong trí tưởng tượng về một cuộc sống lý tưởng nhưng cơ thể và tinh thần mình chưa chuẩn bị cho những điều đó.
Có những người được giáo dục từ nhỏ về ăn uống, thể chất thì ý thức tốt về sức khoẻ, cơ thể và tinh thần. Nhưng tôi thì không, nên tôi đối xử với bản thân tệ. Đến ngày mà mình “nát” lắm rồi thì mới thấy rằng tinh thần mình là quan trọng nhất và mình cần biết làm sao cho cơ thể tốt hơn. Bắt đầu từ đó mới ăn uống, tập thể dục. Nhưng khoảng cách từ khi mình “rất nát” đến khi mình cực kỳ khoẻ không thể rút ngắn. Nó là một quá trình thay đổi chậm.
Ở Anh, tôi được nuôi dưỡng mình. Khi về Sài Gòn, tôi bắt đầu ý thức và học kiến thức chăm sóc bản thân nhiều hơn, thay vì nghĩ làm gì để mọi người xung quanh hài lòng. Mà mình chưa quen, nên có những lúc mình vẫn tuân theo những thói quen như hồi 10 năm trước, mình bị cuốn theo chúng, bị suy sụp. Nhưng nhờ có kiến thức rồi nên mới biết phải điều chỉnh ở đâu, phải ăn uống và tập luyện thế nào để “kéo” mình lên.
PV: Chị có thể chia sẻ về những thói quen sống tích cực hiện tại?
Mỹ Phương: Khi ở Anh về, tôi để sách vở, quần áo, đồ đạc lại hết, chỉ mang cái thân về thôi. Trừ tư liệu kiến thức quan trọng, tôi tranh thủ chụp hình hoặc cố gắng ghi nhớ trong đầu. Hồi mới về Việt Nam tôi thuê một căn phòng ở một toà chung cư cũ, chỉ có đúng một cái nệm, cái gối, không dùng quạt với đồ đạc luôn. Có thêm cây treo đồ với 5 bộ quần áo, một đôi giày với cái laptop, hết rồi.
Tôi sử dụng thời gian hiệu quả hơn, quản lý sức khoẻ tốt hơn. Tôi cũng giới hạn sử dụng smartphone lại. Tôi không thể quay lại với chuyện lái xe máy được vì chuyện lái xe và những vấn đề giao thông khá có thể mang lại năng lượng tiêu cực đối với tôi, tôi đi xe ôm 2 năm rưỡi nay rồi.
PV: Còn chuyện vẽ để được công nhận thì sao?
Mỹ Phương: Tôi lược bỏ được rồi.
Hồi mới du học, tôi hớn hở khoe thành tích mình thế này thế kia nhưng chẳng ai quan tâm cả. Quan điểm sáng tác và cách nhìn nhận giá trị của thầy cô và bạn bè ở trường mới rất khác. Sinh ra từ các nước tiên tiến, họ không phải chứng tỏ mà là làm gì để trái đất này tốt hơn, sáng tạo gì để có thể cống hiến mạnh mẽ hơn.
Và nhờ sự yên tĩnh và trọng không gian cá nhân của phương Tây, tôi mới biết là sâu trong mình, mình bị thừa hưởng nền giáo dục thành tích từ châu Á, ví dụ như ở Việt Nam, phần lớn các bậc phụ huynh dễ sĩ diện với hàng xóm láng giềng, rồi bậc con cái về sau sẽ sĩ diện với bạn bè, thầy cô. Nó dễ khiến mình có nhu cầu làm mọi thứ chỉ để thoả mãn cái tôi. Tôi thấy: Chết rồi, mình không muốn như cũ, mình muốn học để trở thành một công dân toàn cầu, kế thừa cả điểm mạnh của Á Đông và các nước Tây phương.
Giờ với những tranh chuyên nghiệp, tôi vẽ có thể lúc đơn giản lúc phức tạp, nhưng chủ yếu là mình đóng góp giá trị gì, chia sẻ thông điệp ra làm sao, tôi suy nghĩ nhiều quanh kỹ năng, thông điệp và kiến thức chứ không quanh cái tôi nữa, không nghĩ đến việc nó phải hoành tráng hay hơn thua ai khác nữa. Câu chuyện nó đẹp, hay thì mình phải làm tốt nhất cho câu chuyện nó đẹp hơn, hay hơn nữa.
PV: Thử thách cá nhân mà Tamypu đang đối mặt hiện tại là gì?
Mỹ Phương: Sống kỷ luật.
Trước kia, tôi bế tắc lắm. Có những ngày tôi không thích gặp ai, không thể làm việc này việc kia. Tôi không có kỹ năng quản lý cuộc sống. Một lần tôi đi với đối tác qua New York mà tôi chưa có kỹ năng này, tôi bị jetlag, “khó ở”, khi được mời một bữa tiệc sang trọng và kiểu cách, thì mặt tôi khá nặng nề, kiểu như: “Tao sống rất đơn giản nên tao không cần những thứ này”. Sau này tôi nhận ra cái đó là thiếu chuyên nghiệp và ích kỷ.
Bây giờ tôi thích nghi tốt hơn. Khi cần thì phải sống trách nhiệm, phải sẵn sàng. Kỷ luật là cái tôi chưa bao giờ có từ trước đến giờ, và mới bắt đầu nửa năm nay. Tôi đang phải xây dựng tích cực dần dần.
Khi tác phẩm của mình được biết đến, mọi người mặc nhiên nghĩ rằng mình chắc phải hoàn hảo. Nhưng thực tế không như vậy. Tôi cũng là một người bình thường và cũng phải tự giải quyết vấn đề của mình. Việc vẽ thì tôi chuyên nghiệp, điều này tôi chắc chắn và tự hào. Nhưng mà mấy thứ còn lại, thì tôi vẫn đang lớn thôi.
Rất cảm ơn chị đã chia sẻ câu chuyện của mình!
Theo Minh Nguyên – Trí thức trẻ