Chuỗi cung ứng (Supply Chain) là quá trình theo dõi hàng hóa từ việc thông qua thống kê và điều khiển từ khâu cung cấp hàng, bổ sung nguyên vật liệu đến khâu bán lẻ.
Nói cách khác, quản trị chuỗi cung ứng là quá trình điều hành và quản lý sự lưu thông hàng hóa. Xu hướng tiến tới việc giao hàng đúng lúc kết hợp với khuyến mãi hấp dẫn để tiếp cận nguồn cung ứng tốt nhất khiến cho chuỗi cung ứng nào cũng chứa đầy rủi ro.
Rủi ro chuỗi cung ứng
Năm nhóm rủi ro lớn nhất mà chuỗi cung ứng của các công ty trên thế giới thường gặp phải gần đây là mức độ sẵn có, chi phí và chất lượng của nguồn nhân lực, các vấn đề về pháp lý, mức độ tin cậy của các nhà cung cấp, sự thiếu hụt và biến động giá cả các nguyên vật liệu, và sự biến động của tỷ giá hối đoái.
Trên thế giới, những quy định và luật lệ của các tổ chức quốc tế cũng như các quốc gia ngày càng nhiều hơn, khiến cho hoạt động thương mại quốc tế trở nên phức tạp. Sự hạn chế năng lực sản xuất trước sự phát triển nhanh của nhu cầu đã buộc các công ty tăng cường thuê ngoài (outsourcing), dẫn đến rủi ro từ sự phụ thuộc lẫn nhau.
Mặt khác, vòng đời sản phẩm ngày càng ngắn cùng với sự thay đổi nhanh của công nghệ, trong lúc nhu cầu của khách hàng ngày càng đa dạng và khắt khe hơn, đã dẫn đến hàng tồn kho ngày càng mau lỗi thời.
Ở Việt Nam, các nhà nghiên cứu đánh giá những lĩnh vực nhân sự, pháp lý và cơ sở hạ tầng còn yếu kém là những rủi ro hàng đầu mà các chuỗi cung ứng của các công ty đang phải đối mặt.
Về nhân sự, việc tìm kiếm và duy trì nguồn nhân lực có kinh nghiệm và trình độ, đặc biệt đối với các vị trí cao cấp cho chuỗi cung ứng quả là khó khăn.
Nguồn cung không đủ, mức độ biến động nhân lực và mức tăng lương hằng năm có thể tác động đến các hoạt động trong chuỗi cung ứng của các công ty.
Về pháp lý, tình trạng chồng chéo hoặc chưa nhất quán trong các chính sách về thủ tục hải quan, kho bãi, điều hành cảng… làm quy trình cung ứng trở nên phức tạp, tăng chi phí cũng như thời gian xử lý một đơn vị hàng.
Việc chưa hoàn thiện những quy định về vận chuyển đa phương thức và sự phức tạp của thủ tục giấy tờ đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động của chuỗi cung ứng.
Những yếu kém về cơ sở hạ tầng và hệ thống vận chuyển, tình trạng vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ, sự biến động ngoại tệ… cũng là những rủi ro tiềm năng đáng kể.
Một trong những vấn đề đáng quan tâm nhất trong lĩnh vực này là rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng, do sự phát triển yếu kém của các ngành công nghiệp hỗ trợ. Cho đến nay, số lượng công ty Việt Nam trong ngành hỗ trợ có đủ năng lực để tham gia chuỗi cung ứng còn quá ít.
Trong ngành công nghiệp chế tạo, không ít doanh nghiệp khó tiếp cận các chuỗi cung ứng hiện hữu của các công ty lớn, chủ yếu là các công ty có vốn đầu tư nước ngoài và liên doanh.
Đối với các ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn như may mặc, da giày, chuỗi cung ứng rất dễ gặp rủi ro vì bị “đứt gãy”. Ngành nông nghiệp cũng rơi vào tình trạng tương tự.
Các doanh nghiệp chế biến thủy sản, rau, hoa quả, hạt tiêu… không mua được nguyên vật liệu cho sản xuất, có nghĩa đã bị cắt đứt khỏi chuỗi cung ứng. Thị trường phân bón thường xuyên có những bất ổn trong những giai đoạn cao điểm của vụ sản xuất.
Sự liên kết giữa các chủ thể trong chuỗi cung ứng mặt hàng này còn chồng chéo nên chi phí đã bị đẩy lên khá nhiều trong khâu phân phối, dẫn tới giá bán sản phẩm đến tay nông dân cao bất hợp lý.
Trong lĩnh vực chuỗi cung ứng đối với hàng hóa tiêu dùng, các công đoạn sản xuất, chế biến và phân phối vẫn chưa thực sự gắn kết với nhau và nếu có thì vẫn ở tình trạng manh mún, mạnh ai nấy làm.
Kiểm soát rủi ro
Để hạn chế bớt những rủi ro trong chuỗi cung ứng, các công ty cần phải đưa chỉ tiêu hiệu quả vào hợp đồng với các nhà cung cấp nguyên vật liệu hay nhà cung cấp dịch vụ logistics, luôn thông báo trước cho khách hàng về những vấn đề có khả năng xảy ra, loại bỏ những nhà cung cấp kém năng lực, cùng với khách hàng chia sẻ chi phí tăng cao, nâng cao sự liên kết trong doanh nghiệp, phòng ngừa rủi ro hàng hóa và tỷ giá, chú ý khâu bảo hiểm…
Đối với phạm vi công ty, dĩ nhiên các nhà quản trị cần tìm ra cách quản lý hiệu quả chuỗi cung ứng, cân nhắc về chiến lược đặt chuỗi cung ứng để kiểm soát rủi ro và đạt được trạng thái cân bằng về lợi nhuận cho các bên. Các giải pháp này bao gồm từ việc xác định chiến lược cơ bản về cung ứng cho thị trường đến việc quyết định các chiến thuật phù hợp.
Mặt khác, doanh nghiệp dù có tiềm lực về tài chính dồi dào tới đâu cũng khó tự mình xây dựng riêng một hệ thống chuỗi cung ứng, mà cần phải hợp tác, liên kết với doanh nghiệp khác.
Tuy nhiên, bối cảnh để kiểm soát tốt các rủi ro chuỗi cung ứng chủ yếu đến từ các chính sách và vai trò quản lý vĩ mô của Nhà nước. Phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, cải thiện cơ sở hạ tầng, quản lý thị trường, tăng năng lực hậu cần, hải quan, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu… đều cần có sự chỉ đạo và quản lý nhất quán, sát sao và hiệu quả của Nhà nước.
Lưu Hà Danh (DNSG)