Bộ TN&MT vừa cho biết sẽ xem xét sửa đổi, bổ sung 8 nhóm chính sách lớn liên quan đến Luật Đất đai 2013.
Theo đó, 8 nhóm chính sách lớn gồm: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; kinh tế, tài chính đất đai và phát huy nguồn lực đất đai; về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; về thu hồi đất; về chính sách quản lý, sử dụng đất nông nghiệp để thúc đẩy tập trung đất đai; về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; về việc quản lý, sử dụng đất của các dự án bất động sản nghỉ dưỡng (condotel, officetel,…); rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ giữa Luật Đất đai và các Luật có liên quan như: Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Lâm nghiệp…
Được biết, từ Luật Đất đai đầu tiên năm 1987 tới năm 2013 có 4 lần ban hành luật mới và 2 lần sửa đổi, bổ sung, chỉ có Luật 2003 đứng được 10 năm. Đồng thời, ngay sau năm 2003, trung bình khoảng 1,5 năm lại phải sửa nghị định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư một lần.
Ghi nhận thực tế trong 5 năm qua, Luật Đất đai 2013 tồn tại nhiều hạn chế, bất cập. Trong đó, vấn đề được nhắc tới nhiều nhất là việc Luật Đất đai và các văn bản pháp luật khác có liên quan tồn tại nhiều mâu thuẫn, chồng chéo, không đồng bộ và thống nhất. Hệ quả dẫn tới không rõ trách nhiệm quản lý, gây khó khăn trong việc tổ chức thực hiện.
Ban Nội chính Trung ương cũng từng chỉ ra sự cần thiết phải sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 bởi bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Đất đai 2013 vẫn còn tồn tại nhiều bất cập như:
Một là, nhiều quy định trong Luật Đất đai 2013 chưa phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và một số luật có liên quan, nhất là các luật về tài sản gắn liền với đất (như Luật đầu tư năm 2014, Luật quy hoạch, Luật nhà ở năm 2014, Luật kinh doanh bất động sản năm 2014, Luật bảo vệ và phát triển rừng, Luật quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017). Chính sách đất đai chưa đồng bộ, còn mâu thuẫn, chồng chéo.
Hai là, nguồn lực về đất đai vẫn chưa thực sự được khai thác, phát huy đầy đủ và bền vững để trở thành nguồn nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước; việc sử dụng đất ở nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp; tình trạng tham nhũng, trục lợi và thất thoát nguồn thu ngân sách liên quan đến đất đai vẫn diễn ra.
Ba là, khó khăn trong tiếp cận đất đai vẫn là một trong những rào cản để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.
Bốn là, quá trình tích tụ, tập trung đất nông nghiệp diễn ra còn chậm, chưa theo kịp nhu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp nói chung, cho phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn nói riêng; đất đai manh mún đang là yếu tố cản trở người dân và doanh nghiệp đầu tư dài hạn vào nông nghiệp.
Năm là, hệ thống tài chính đất đai gồm định giá đất và thuế đất vẫn chưa đạt được trạng thái cần thiết của chuẩn mực quản lý phù hợp. Quyết định giá đất của cơ quan hành chính còn thiếu độc lập và khách quan.
Sáu là, tình trạng vi phạm chính sách, pháp luật về đất đai diễn ra khá phổ biến. Nhiều địa phương, đơn vị do lãnh đạo thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý đã để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất đai, sử dụng đất không đúng mục đích, tự ý chuyển mục đích sử dụng, không đăng ký biến động với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, không thực hiện nghiêm các nghĩa vụ tài chính theo quy định
Bảy là, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai vẫn chiếm tỷ lệ lớn (70%), là nguy cơ gây ra những bất ổn trong xã hội.
Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, để sửa đổi Luật, Bộ đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành đánh giá tình hình tổ chức thi hành Luật Đất đai, nghiên cứu các bài học kinh nghiệm của các quốc gia, tham vấn ý kiến của các chuyên gia để đề xuất đối với các nhóm chính sách trọng tâm của Luật.
Đổi mới toàn diện chính sách về kinh tế, tài chính đất đai theo các nguyên tắc thị trường, bảo đảm minh bạch; áp dụng phổ biến việc xác định giá đất thông qua tổ chức định giá chuyên nghiệp và được thẩm định độc lập. Đổi mới trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bảo đảm hài hòa lợi ích các bên và sinh kế bền vững cho người có đất bị thu hồi.
“Với những định hướng nêu trên, Bộ sẽ hoàn thiện 3 công cụ để quản lý tài nguyên đất đai là hành chính, quy hoạch và tài chính. Tư duy quản lý đất đai sẽ chuyển trọng tâm từ nặng về quản lý hành chính sang cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước” – Bộ trưởng khẳng định.
PHƯƠNG UYÊN