Trong lịch sử, những câu chuyện về tích đức cải mệnh có nhiều không kể xiết. Cổ nhân giảng, làm điều thiện sẽ có điều thiện đáp lại, làm điều ác sẽ gặp phải điều ác. Liệu niềm tin đó có phải là một đạo lý bất biến trong trời đất này?
Khâu Tuấn là một trong hai tài tử của Hải Nam, làm quan đến chức Thái tử Thiếu Bảo, đại học sĩ Vũ Anh điện, là nhất đại tông nho (nhà nho xuất sắc có đủ phẩm chất đạo đức, được mọi người tôn trọng).
Ông nội của ông năm đó từng được thầy bói phán rằng:“Giàu nhưng không thọ, không con không cháu”. Dù vận mệnh đã được định trước, nhưng ông nội của ông sau đó đã hành thiện tích đức thay đổi số mệnh, vì vậy mới có thành tựu là Khâu Tuấn.
Vận mệnh của đời cháu: Phúc lớn mệnh lớn
Khâu Tuấn (1421-1495) tự Trọng Thâm, hiệu Thâm Am, người Quỳnh Sơn, Quỳnh Châu, Quảng Đông (nay là thành phố Quỳnh Sơn tỉnh Hải Nam). Mọi người gọi ông là Quỳnh Sơn tiên sinh. Sau khi ông qua đời, triều đình sắc phong thành “Văn Trang”, nên còn gọi là Văn Trang tiên sinh.
Năm Khâu Tuấn 6 tuổi thì cha mất, một mình mẹ nuôi nấng thành người. Thuở nhỏ ông tư chất thông minh, cần mẫn ham học. Nhà nghèo không có sách, từng phải đi bộ mấy trăm dặm để mượn sách, mượn cho bằng được mới thôi.
Lúc niên thiếu sáng tác bài thơ “Ngũ chỉ sơn”, ngôn từ thâm thuý sâu sắc. Năm 17 tuổi thi Hương xếp vị trí đầu bảng, sau đó đỗ Tiến sĩ, từng đảm nhiệm chức Biên tu Hàn Lâm, Thi giảng, Thi giảng học sĩ, Đại học sĩ…
Ông và Hải Đoan được tôn xưng là Hải Nam “Song bích”, là nhân vật lịch sử nổi tiếng mà người Hải Nam ai ai cũng biết. Dưới đây là chi tiết về chuyện xưa kia ông của Khâu Tuấn là Khâu Phổ, từng tích thiện cải thiện vận mệnh ra sao.
Ông của Khâu Tuấn tích đức cải mệnh
Khâu Phổ là người huyện Quỳnh Sơn (xưa thuộc phủ Quỳnh Châu, đảo Hải Nam ngày nay), gia cảnh giàu có, thích làm việc thiện bố thí.
Lúc cày bừa vụ xuân, dân nghèo không có hạt giống hoặc cây giống để trồng, Khâu Phổ hào phóng cho bọn họ đến vay mượn, đợi đến mùa thu hoạch, ông chỉ lấy lại đủ phần hạt giống đã cho vay, không tính lãi lời. Có người cố ý không trả, ông cũng không tính toán.
Có một năm xảy ra nạn đói, Khâu Phổ đã đóng góp hàng trăm thạch gạo để cứu dân đói và người trong thôn, nhưng nhiều nơi xác người chết đói vẫn chất đầy đường, Khâu Phổ bèn mua một mảnh đất hoang ở ngoại ô, lập nên một nghĩa địa tập thể, đồng thời bảo mọi người dọn dẹp xác người đã khuất, mai táng cẩn thận.
Khâu Phổ sinh được một người con trai, tên là Truyền. Sau khi lấy vợ thì sinh được một người cháu, tên là Tuấn. Khâu Truyền không may mất từ khi còn trẻ, mọi người ai cũng thở dài và than trách ông trời không có mắt, phụ lòng người tốt. Khâu Phổ cũng rất đau đớn, nhưng chỉ biết thuận theo số mệnh.
Tiến sĩ Khâu Tuấn (1421-1495).
Khâu Phổ từng nói với mọi người: “Lúc ta còn nhỏ, gặp một vị thầy bói, ông ta phán rằng ta sống không thọ, không con không cháu. Sau đó, ta lại gặp một nhà chiêm tinh, ông ta sau khi xem bát tự của ta, nói ta đoản mệnh không có con, đừng nói đến việc có cháu.
Lời tiên tri và suy đoán của bọn họ đều giống hệt nhau, giờ mặc dù ta đã mất đi con trai, may mà còn có cháu, con trai đã mất, nhưng ta vẫn còn khoẻ mạnh, chẳng phải một nửa linh nghiệm, một nửa không linh nghiệm sao? Hoặc có lẽ không lâu sau ta cũng sẽ chết, tiếp đến là đến cháu của ta.
Gần đây có một vị thầy bói nhìn cốt cách của ta, nói rằng ta đã hoàn toàn lột xác rồi, không giống với trước kia chút nào, tương lai may mắn sẽ nhiều vô kể, hi vọng ta cố gắng hành thiện. Phúc đức mà ta tu tập không ứng vào người con trai, mà ứng vào người cháu. Trước mắt mặc dù ta phải chịu uất ức, nhưng sau này sẽ có thể thoải mái tự tại. Ta muốn hỏi trời xanh, nhưng trời xanh cao quá, hỏi cũng không có tiếng trả lời, vì vậy ta chỉ tự biết hỏi lòng mình mà thôi!”.
Khâu Tuấn từ nhỏ đã thông minh hơn người. Một hôm trời mưa to, chỗ ngồi trong lớp học của Khâu Tuấn bị ướt hết, đúng dịp con trai nhà quan lại quý tộc nọ về nhà, Khâu Tuấn liền chuyển đến ngồi chỗ của cậu ta. Khi con trai nhà quý tộc đó quay về, hai người cãi nhau một trận ầm ĩ.
Thầy giáo nói: “Các trò đừng cãi nhau nữa, ta ra một câu đối, nếu con đối hay, ta sẽ không trách tội con!”. Thầy giáo liền ra câu đối: “Tế vũ kiến đầu thấp”. Khâu Tuấn lập tức đối lại: “Thanh vân tục hạ sinh”. Thầy giáo khen ngợi tài hoa của Khâu Tuấn, khiến cho con trai nhà quan lại quý tộc không phục, về mách với cha, cha cậu ta nói: “Khâu Tuấn đúng là to gan, con nói cậu ta đến đây!”.
Vị quan lại quý tộc đó khi gặp Khâu Tuấn, liền nổi cơn tam bành. Không ngờ Khâu Tuấn ung dung đáp: “Chuyện chuyển bàn sách và chuyện trẻ con cãi nhau đều là chuyện cỏn con, ông là người lớn bụng một bồ chữ, tấm lòng rộng lượng, hà tất phải vì chuyện nhỏ như vậy mà nổi giận chứ?”.
Lúc đó Khâu Tuấn mới chỉ có 8 tuổi, lại cả gan dám nói những lời như vậy, khiến vị quan lòng ngấm ngầm kinh ngạc. Một lát sau, vị quan lại đó chất vấn: “Thùy vị khuyển năng khi đắc hổ”, ý rằng ai cho phép chó có thể khi dễ hổ. Khâu Tuấn liền đáp lại: “Diên tri ngư bất hóa vi long”, ý rằng sao biết được cá không thể hóa rồng. Vị quan vô cùng ngạc nhiên, liền hành lễ với Khâu Tuấn.
Sau đó Khâu Tuấn thi đỗ Giải Nguyên, vinh dự đỗ Tiến sĩ, vào Hàn Lâm. Vào triều Minh, ông được làm thầy dạy học của Thái tử, đại học sĩ Vũ Anh điện, trở thành nhất đại tông nho.
Khi Khâu Tuấn thành danh, ông nội Khâu Phủ vẫn khoẻ mạnh, mọi người đều nói đây là một ví dụ điển hình cho việc tích thiện thay đổi vận mệnh.